Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Nhân quyền có nghiền ra ăn được không? Và lời cảm ơn tới anh Trần Huỳnh Duy Thức nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền

Nhân quyền có nghiền ra ăn được không? Và lời cảm ơn tới anh Trần Huỳnh Duy Thức nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền 



Độc giả viết và gửi email tới gia đình Trần Huỳnh Duy Thức
Cách đây chừng 5 năm về trước, ngày hôm nay đối với tôi không mảy may có một ý nghĩa gì. Một ngày giống với mọi ngày, sự bận bịu loay hoay để tồn tại với cái hèn vì miếng ăn, vì đồng tiền, và vì để làm tròn trách nhiệm với người thân đã chiếm lĩnh hầu hết các mối quan tâm của tôi.
Để rồi khi nói về nhân quyền tôi chỉ chặc lưỡi mà nói rằng “nhân quyền là gì, có nghiền ra ăn được chăng?
Nhìn vào những diễn biến trên facebook ngày hôm nay ngày mà các bloggers bị đánh đập một cách dã man vì những việc làm đúng đắn – nói lên sự thật và chỉ sự thật để thức tỉnh cả dân tộc đang bị lừa dối này. Tôi sẽ tự hỏi vì đâu vì lẽ gì mà họ dù biết rằng sẽ có những hậu quả như hôm nay lại vẫn bất chấp tổ chức buổi ra mắt Mạng Lưới Blooger Việt Nam để rồi phải trả giá rất đắt, người bị đánh đổ máu, người bị bắt giữ không biết tin tức thế nào.Thật đáng buồn, và đáng xấu hổ cho chính quyền này khi sự việc như vậy lại xảy ra đúng ngày hôm nay- ngày “nhân quyền quốc tế” (10/12). Ngày này vào 65 năm trước bà Elanor Roosevelt (vợ tổng thống Franklin D Roosevelt) đã đại diện Liên Hiệp Quốc đọc bản tuyên ngôn nhân quyền tại Paris. Và từ đó ngày này được xem là ngày toàn thế giới chọn là ngày “Ngày Nhân Quyền”. Trong khi thay vì các quyền căn bản của con người được cổ xuý trên toàn thế giới thì tại Việt Nam máu đã đổ cho một trong những quyền căn bản đó - quyền tự do ngôn luận, nói lên sự thật. Nếu là tôi của cách đây 5 năm, tôi sẽ bảo họ là những người điên, rặt một lũ tập hợp những kẻ bao đồng ăn không ngồi rồi.
Đó cũng là suy nghĩ của tôi về anh Trần Huỳnh Duy Thức. Cách đây 5 năm, chính bản án 16 năm từ giam và 5 năm quản chế nặng nhất từ trước đến nay (trong tất cả những nhà bất đồng chính kiến mà từng đọc trên các tờ báo giấy lề phải) đã khiến tôi lần đầu biết khái niệm về nhân quyền là gì và tầm quan trọng của nó. Với tôi khi nghe tội trạng và hình phạt giành cho anh tôi thắc mắc sao không “chí thú làm ăn, dân giàu thì nước sẽ mạnh, đừng quan tâm những việc chính trị vì đã có Đảng lo rồi” mà lại “lật đổ chính quyền nhân dân – (điều 79 luật hình sự)”, thật là dại dột và bao đồng! Thế rồi tôi bắt đầu tìm hiểu, ban đầu là về lý lịch của anh, thật bất ngờ vào thời điểm bị bắt anh đang là một tổng giám đốc chủ một doanh nghiệp riêng (điều tôi tin là bản thân tôi cũng như rất nhiều khác lúc này vẫn phấn đấu để đạt được) thế thì lí do gì mà anh lại mạo hiểm dính liếu đến những vấn đề chính trị? Sự tò mò trong tôi càng cao và tôi quyết định tìm hiểu hơn về anh, qua internet tôi tìm đọc được các bài viết trên blog của anh tôi giật mình nhận ra được nhiều sự thật mà lâu nay mình không biết. Bên cạnh các bài viết rất tâm huyết và có tầm về kinh tế và cảnh báo các nguy cơ quốc gia, tôi đặc biệt chú ý đến một bài viết, chính bài viết này đã trả lời câu hỏi vì đâu mà giới blogger Việt Nam lại “như những chú thiêu thân biết chết mà vẫn lao vào”. Câu trả lời là sự trăn trở cho vận mệnh dân tộc, long yêu nước nồng nàn từ bao đời không cho phép họ nhắm mắt cho qua những sai trái sẽ kéo cả dân tộc VN này vào tăm tối. Tôi đã hiểu vì sao để môt quốc gia phát triển lại cần nhân quyền đến như vậy. Chẳng phải ngẫu nhiên mà từ cách đây 65 năm phương Tây đã chú trọng vấn đề về nhân quyền mà tổ chức hẳn một ngày kỉ niệm , trong khi phong trào đòi hỏi các quyền cơ bản chỉ mới rục rịch ở các quốc gia phương Đông trong gần một thập kỉ nay. Và ai cũng biết mặt bằng chung trình độ khoa học, kinh tế, cũng như mức sống các quốc gia phương Tây cao hơn Phương Đông. Tôi xin trích một đoạn bài viết “Kỷ Sửu và vận hội mới của Việt Nam” của anh Trần Huỳnh Duy Thức, chính đoạn văn này theo tôi là câu trả lời thích đáng cho “Nhân Quyền có nghiền ra ăn được không?”.
“…Muốn giàu có và làm cuộc sống tốt đẹp hơn là điều con người hướng tới và tìm kiếm từ hàng nghìn năm trước, nhưng xã hội loài người chỉ mới thực sự phát triển thịnh vượng được vài trăm năm nay. Người ta thường gắn cho thành tựu vĩ đại này là nhờ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. Điều đó không sai, nhưng bước tiến bộ nhảy vọt về khoa học kỹ thuật này chỉ là quả, nhân của nó chính là sự giải phóng tự do và tư tưởng con người. Có tự do và quyền con người nên người ta mới thỏa sức nghiên cứu, tìm tòi để hiểu rõ được những quy luật của tự nhiên; mới không sợ hãi phát biểu chính kiến của mình để tìm ra những giải pháp tốt nhất. Đây chính là nền tảng quan trọng cho cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật để tạo ra các phát minh, sáng chế; hiểu được quy luật kinh tế; và sáng tạo ra những hệ tư tưởng chính trị, triết học làm thay đổi hình thái nhà nước hiệu quả hơn. Lịch sử đã chứng minh rằng một xuất phát điểm ở phía sau nhưng đặt quyền tự do của con người lên trước đã thắng và vượt xa một xuất phát điểm ở phía trước nhưng không coi trọng quyền và sự tự do của con người.
Trong cả thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19 Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất thế giới, lớn hơn cả Châu Âu cộng lại. Vào lúc đó, khi mà triều đại phong kiến Trung Quốc vẫn đang say sưa với sức mạnh của mình và tiếp tục tìm mọi cách để đạt mục tiêu là kẻ mạnh nhất giàu nhất, thì Phương Tây bắt đầu những cuộc cách mạng về nhân quyền với mục tiêu hàng đầu là giành bằng được quyền tự do của con người. Chỉ 50 năm sau, Trung Quốc đã trở thành một kẻ to xác nhược tiểu bị các nước phương Tây xâu xé, rồi sau đó bị Nhật – một láng giềng nhỏ bé đi theo mô hình phương Tây xâm chiếm. Triều đình Mãn Thanh phải ký hàng loạt các hiệp ước bán nước nhục nhã. Trong cùng thời gian đó, thế giới phương Tây đã phát triển nhanh chóng, đạt đến sự thịnh vượng bền vững. Điển hình là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đất nước này đã đưa vào trong hiến pháp đầu tiên của mình sự bảo về quyền con người, tự do của con người lên trên tất cả những thứ cần bảo vệ khác. Hiến pháp Hoa Kỳ đã hiệu chỉnh nhiều lần nhưng ở đó sự tự do thiêng liêng của con người vẫn luôn là ngự trị số một. Không phải tự nhiên mà Mỹ trở thành quốc gia cường thịnh như ngày nay. Tự do cho con người cũng không phải là thứ tự nhiên mà có.
Khi con người có tự do và có đủ quyền con người thì chắc chắn sẽ làm cho mình giàu có hơn và đồng thời làm xã hội phát triển thịnh vượng bền vững. Đó là một quy luật tất yếu mà loài người đã nhìn ra được. Phương Tây đã biết thuận theo quy luật ấy nên đã phát triển đến kinh ngạc, tạo ra giá trị của cải trong vòng 200 năm của thế kỷ 19 và 20 lớn hơn mấy ngàn năm trước đó của cả thế giới cộng lại. Cách mạng nhân quyền không chỉ mang đến cho con người sự tự do mà còn cho nhân loại cả sự thịnh vượng chưa từng có. Trước khi nhìn ra và hiểu được quy luật tất yếu này, xã hội loài người tiến triển rất chậm chạp. Những nền văn minh sớm nhất như Ai Cập, Trung Quốc cuối cùng đều bị tàn lụi. Cho dù trải qua hàng nghìn năm phát triển nhưng trong các xã hội này quyền con người chưa bao giờ được tôn trọng một cách đầy đủ. Thay vào đó là các mục tiêu đại cường, bá chủ mà thực chất là tham vọng cá nhân của những kẻ cầm quyền. Quyền tự do của con người đã bị tước đoạt để thực hiện các tham vọng như vậy…”
Tôi rất khâm phục anh Trần Huỳnh Duy Thức nói riêng và anh chị em Bloggers đã đang và sẵn sang hi sinh thậm chí đổ máu vì sự thật. Việc làm của anh chị không ít thì nhiều đã thức tỉnh cho những con người như chúng tôi, mặc dù tôi vẫn còn vướng bận với cái hèn của cơm áo gạo tiền mà thờ ơ với vận mệnh dân tộc, nhưng từ anh chị ít nhất tôi đã thoát ra những gian dối lộc lừa nửa đời người trải qua.
Tham khảo bài viết "Kỷ Sửu và vận hội mới của Việt Nam tại:
http://tranhuynhduythucofficial.wordpress.com/tran-dong-chan-blog/ky-suu-va-van-hoi-moi-cua-viet-nam/

Admin gửi hôm Thứ Ba, 10/12/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131210/nhan-quyen-co-nghien-ra-an-duoc-khong-va-loi-cam-on-toi-anh-tran-huynh-duy-thuc
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001