Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Sai lầm lớn của Dương Chí Dũng là bỏ trốn, nên khiến tòa phải sợ cánh báo chí?

Sai lầm lớn của Dương Chí Dũng là bỏ trốn, nên khiến tòa phải sợ cánh báo chí? 



Đôi lời: Thoạt nghe là lạ … thế nhưng nó cũng có cái logic riêng ở xứ Việt thời đại “Học tập và làm theo” những tấm gương … tham nhũng.
Có những tin đồn kinh khủng về một nhân vật tai to mặt lớn đã sắp đặt, chỉ đạo trực tiếp vụ bỏ trốn, đến mức khi Dương Chí Dũng lên tới biên giới phía Bắc, chuẩn bị vượt biên, vị này còn gọi điện trực tiếp lệnh cho trở về, quay sang đường Campuchia … Ấy thế mà quan to đó lại vô can, rồi khó tin nổi là còn được thăng cấp vừa qua.
Vậy thì tòa (mà thực ra là “bố” của tòa) phải sợ báo chí, tìm cách bịt miệng, và Dương Chí Dũng coi vụ trốn chạy là sai lầm lớn là phải, vì không khéo trước vành móng ngựa, lỡ y … không nhớ lời căn dặn, buột miệng ra khoe hết tình tiết, nhà báo nó ghi âm lại, phát tán lên mạng … thì đại nguy.
Nhưng thôi, chớ tin những lời đồn đại, nhất là giữa lúc cuộc đua vào Đại hội đảng kỳ tới đã được khởi động, chắc chắn sẽ có đủ các chiêu triệt hạ đối thủ, trong đó có tin đồn.
Cũng vì vậy mà nếu như có nghe tin một chàng thứ trưởng còn trẻ, mới nhận ghế ngồi chưa kịp nóng, nay lại chuẩn bị “luân chuyển” sang làm một bí thư tỉnh ủy (vị trí thuận lợi nhất, mà lại đỡ gây xì xào, để thành trung ương ủy viên chính thức khóa tới), thì cũng đừng vội tin, hoặc có xảy ra thực, cũng nên đặt dấu hỏi, rằng phải chăng đó chính là miếng “mật ngọt chết ruồi”, làm ảnh hưởng uy tín của … bố chàng thì sao.
BT
Bổ sung, 13h25′ – Đây!  Dương Chí Dũng khai bỏ trốn vì có ‘người quen’ gọi báo (TN) “… nhưng không khai người này là ai. Rất có thể đây là chiến thuật của y để đảm bảo tránh được án tử. Vì nếu sơ thẩm xử tử hình, thì y sẽ còn được cơ hội ở phúc thẩm, kể cả quyết định cuối cùng của Chủ tịch nước. Các quan trên mà không “biết điều”, y phun ra thì chết cả nút.
Điều khôi hài chỉ có ở VN là khi Dũng trả lời “Nếu tòa buộc khai thì tôi sẽ khai …” thì tòa lại … “lảng chân giò”, hỏi qua luôn chuyện khác.
Còn đây là chi tiết đổi địa điểm vượt biên rất khác thường, liên quan tới kẻ đứng sau chỉ đạo, mà trong lời bình trên đã nêu lý do, nhưng tòa cũng chẳng “thèm” làm rõ: “…  một số đối tượng khác sử dụng xe ô tô chở ông Dương Chí Dũng từ Hà Nội tối ngày 17/5/2012 về Quảng Ninh ngày 21/5/2012. Các bị can đã tiếp tục đưa ông Dũng từ Quảng Ninh đến khu vực cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh rồi tổ chức cho ông Dũng trốn sang Campuchia  …”   (Nguyên PGĐ Công an đưa anh trai bỏ trốn như nào? VNN)
Thanh niên
12/12/2013 18:48

Dương Chí Dũng: Bỏ trốn là sai lầm lớn của tôi

(TNO) Ngày 12.12, trả lời thẩm vấn của tòa về việc mua ụ nổi 83M gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 366 tỉ đồng, các bị cáo đã đổ tội lẫn nhau. Bị cáo Dương Chí Dũng cho rằng việc bỏ trốn vì quá hoảng loạn chứ không phải nhằm trốn tránh trách nhiệm.
1
Là người đầu tiên được tòa gọi thẩm vấn, bị cáo Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Vinalines) tỏ ra khá bình tình, trả lời rành mạch các câu hỏi.
Theo bị cáo này, dự án đầu tư sửa chữa nhà máy đóng tàu phía nam có chủ trương đầu tư từ năm 2006 và thời điểm này bị cáo là Tổng giám đốc, đã ký trình đề án để HĐQT thông qua. Đến tháng 1.2007, bị cáo lên làm Chủ tịch HĐQT, thời điểm này cũng chỉ thực hiện dự án theo Nghị quyết đã được tập thể HĐQT thông qua: “Quyết định cho dự án là của tập thể, còn tôi chỉ là đứng đầu”, bị cáo Dũng nói.
Bị cáo Dũng cho rằng, khi có văn bản đồng ý bổ sung dự án vào quy hoạch ngành hàng hải của Chính phủ, bị cáo hiểu đã được chấp nhận về chủ trương nên giao ban giám đốc lập dự án ngay. Quá trình làm việc với cơ quan điều tra sau khi bị khởi tố, truy nã, bắt giam mới hiểu là phải chờ dự án được Bộ Giao thông vận tải cập nhật trong quy hoạch ngành mới có giá trị.
Không chỉ đạo ai khi mua ụ nổi
Trong chủ trương mua ụ nổi 83M, bị cáo này cho rằng không hề chỉ đạo tác động đến ai, vì tập thể HĐQT đã giao cho Tổng giám đốc Mai Văn Phúc đảm nhận.
“Tôi không can thiệp gì, không bao giờ chỉ đạo cụ thể anh em trong tổng công ty làm gì”, bị cáo này quả quyết.
Trả lời trước tòa, Dương Chí Dũng cho biết, bản thân có biết ụ nổi được sản xuất từ năm 1965, chủ sở hữu ở Nga nhưng phải mua qua một công ty ở Singapore, bị cáo đã băn khoăn về việc này nhưng được báo cáo nếu mua qua Nga gặp rắc rối về thủ tục. Bị cáo cũng lý giải việc thay đổi phương thức vận chuyển ụ nổi về Việt Nam từ phương án lai dắt bằng cách chở trên tàu nâng trọng tải lớn làm tăng chi phí đầu tư là do trước đây Vinashin cũng từng mua hai chiếc tương tự nhưng quá trình kéo về Việt Nam đều bị đắm, chìm cả hai.
“Sau khi mua ụ, tôi cũng không chỉ đạo gì cụ thể vì tất cả việc đó là của ban giám đốc. Không bao giờ tôi can thiệp bất cứ điều gì với việc làm của Tổng giám đốc vì quan hệ cá nhân giữa tôi và anh Phúc không tốt. Tôi không bao giờ chỉ đạo công việc của anh em là vì thế”, Dương Chí Dũng giải trình.
Trả lời chủ tọa, bị cáo này cho biết trong quá trình cơ quan công an vào cuộc điều tra bị cáo đã đến cơ quan điều tra làm việc. “Họ hỏi gì thì tôi đáp nấy và không ý thức được là sai phạm như thế nào”, bị cáo Dũng cho biết.
“Đến ngày 17.5.2012, nghe tin bị khởi tố tôi hoảng quá bỏ trốn, lúc đó cứ nghĩ làm thế nào để đi càng xa Hà Nội càng tốt”, bị cáo nói.
“Đến giờ tôi nhận thức rằng việc bỏ trốn là sai lầm lớn của tôi nhưng không phải là nhằm trốn trách nhiệm”, bị cáo Dũng nói.
Đổ lỗi cho cấp dưới
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines, cũng đổ lỗi cho hoàn cảnh là không tham gia dự án từ đầu vì từ thời điểm 1.4.2007 mới lên làm Tổng giám đốc. Bị cáo này thừa nhận có nhận được báo cáo về tờ trình về dự án nhưng theo quy trình qua nhiều cấp mà bản thân mình chỉ là thành viên không có tiếng nói quyết định.
Khi chủ tọa hỏi căn cứ nào để khảo sát ụ nổi, căn cứ nào khảo sát ở Nga chứ không phải một nơi khác, tại sao không đấu thầu, chào giá?
“Thời điểm đó tôi mới về, chưa nắm được thông tin nên chỉ căn cứ theo đề nghị của anh Trần Hữu Chiều (Phó tổng giám đốc) và các ban tham mưu trong tổng công ty”, bị cáo đáp.
Bị cáo này cũng cho biết, trong quá trình xem xét mua ụ nổi 83M đã tham khảo thêm một ụ nổi 194 của Mỹ sản xuất năm 1988 và đã có chỉ đạo bằng bút phê xem xét để mua. “Thế nhưng sau đó anh Chiều báo lại là chỉ có ụ 83M đáp ứng được yêu cầu duy nhất của tổng công ty”, bị cáo Phúc nói.
Bị cáo này cũng giải thích lý do không mua ụ nổi qua chủ sở hữu Nga mà mua qua công ty môi giới là do thời điểm đó, chủ sở hữu có tình hình rất phức tạp. “Các vấn đề này tôi được đoàn khảo sát và các bộ phận báo cáo lại, tôi tin cậy nên giao hết cho anh Chiều”, bị cáo cho biết.
“Bị cáo thấy trách nhiệm của mình như thế nào khi mua một mặt hàng cho công ty mà chỉ tin vào các báo cáo?”, chủ tọa hỏi.
“Những điều này tôi đã nhận thức rõ từ sau khi bị cơ quan công an bắt giữ”, bị cáo Phúc đáp.
Bị cáo Mai Văn Phúc cũng cho biết, do nghi ngờ Dương Chí Dũng vận động không cho mình lên làm tổng giám đốc nên giữa hai bên có mâu thuẫn đến mức: “không bao giờ bàn bạc riêng với nhau về việc gì, mà chủ yếu chỉ thông qua các cuộc họp tập thể”.
Đáng chú ý, trong phần thẩm vấn đã có một số bị cáo phản cung, cho rằng đã bị điều tra viên ép cung.
Trong đó, bị cáo Lê Văn Dương (nguyên cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho rằng trong quá trình bị bắt giữ đã yêu cầu có luật sư nhưng không được chấp nhận. Giải thích sự khác nhau giữa lời khai trong bản cung và trước tòa, bị cáo này còn cho rằng đã được điều tra viên viết sẵn rồi ký vào.
Tương tự, bị cáo Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa) cho rằng đã làm đúng quy trình thủ tục theo quy định pháp luật, việc thừa nhận sai phạm trong kiểm tra cho thông quan nhập khẩu ụ nổi là bị ép cung.
Thái Sơn
——
PetroTimes
15:57 | 12/12/2013
XUNG QUANH PHIÊN XÉT XỬ VỤ ÁN DƯƠNG CHÍ DŨNG VÀ ĐỒNG BỌN:

Sao tòa sợ báo chí đến thế…?

(PetroTimes) – Mặc dù phóng viên các cơ quan báo chí đã liên hệ đăng ký tác nghiệp phiên xét xử vụ án Dương Chí Dũng cùng đồng bọn phạm tội “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và đã được cấp thẻ làm việc. Thế nhưng khi đến tác nghiệp, các phóng viên mới “tá hỏa” về quy định của tòa rằng: “Chỉ được mang giấy trắng và bút vào và ngồi theo dõi qua tivi”.
Sáng ngày 12/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Đúng 8h15, phiên xét xử chính thức bắt đầu. Thế nhưng, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã có những động thái khiến các phóng viên của các cơ quan báo chí Hà Nội và Trung ương “té ngửa”. Và cũng lâu lắm rồi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mới có những biện pháp thắt chặt an ninh phiên tòa đến như vậy. Khi các phóng viên mang thẻ tác nghiệp phiên xét xử để vào dự tòa thì nhân viên tòa án thông báo: “Toàn bộ phóng viên báo chí đến đưa tin phiên tòa phải xuất trình Thẻ Nhà báo và Thẻ tác nghiệp phiên xét xử do Tòa cấp để lực lương an ninh đối chiếu danh sách với tên đã đăng ký từ trước”.
2
Các phóng viên tác nghiệp tại phiên xét xử phải trình thẻ do Tòa án nhân dân Hà Nội cấp và Thẻ Nhà báo để đối chiếu.
Mặc dù, các phóng viên đã xuất trình thẻ dự phiên xét xử do Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cấp nhưng để được vào tòa, phóng viên vẫn phải trình Thẻ Nhà báo để lực lượng an ninh kiểm tra. Tất cả các phóng viên đều phải đi qua một chiếc cửa an ninh để soi chiếu và sau đó là qua một khâu dò tìm kim loại, vũ khí… Không dừng lại ở đó, trước khi vào Tòa, các phóng viên phải để toàn bộ phương tiện tác nghiệp như: máy ảnh, máy tính, máy ghi âm, điện thoại và các vật dụng bên ngoài. Phóng viên chỉ được mang theo giấy trắng, bút để ghi chép.
3
Khi vào, các phóng viên phải đi qua cửa soi chiếu và dụng cụ tìm kiếm kim loại, vũ khí.
Khi các phóng viên vào tác nghiệp, lực lượng an ninh lại “dồn” tất cả vào một phòng riêng biệt và theo dõi qua màn hình tivi. Trong thời gian ngồi theo dõi phiên xét xử, có hàng chục người tự xưng là cán bộ của Tòa đi kiểm tra thẻ của từng người một và đối chiếu với danh sách đã đăng ký từ trước đó. Các phóng viên phải ngồi xen kẽ với cán bộ tòa án. Mọi động thái của phóng viên đều bị kiểm soát chặt chẽ.
4
Động thái của Tòa án nhân dân Hà Nội khiến các phóng viên bức xúc.
Ngay như các cơ quan báo hình, như: Truyền hình Việt Nam, Kênh phát thanh có hình Đài tiếng nói Việt Nam cũng bị ngăn cấm mang máy quay và các công cụ tác nghiệp. Trước hành động này, một đồng chí phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam đã gọi điện cho đồng chí Nguyễn Thế Kỷ – Phó Ban tuyên giáo Trung ương để cầu cứu nhưng cũng vô ích.
Thiết nghĩ, là một phiên tòa xét xử công khai sao tòa án lại có những động thái “chặn đường làm việc” của báo chí đến như vậy. Chiếc máy tính là công cụ tác nghiệp cơ bản nhất cũng bị cấm không cho mang vào. Máy ghi âm để ghi lại những tình tiết quan trọng mà các bị cáo khai nhận, lời lẽ bảo vệ thân chủ của luật sư cũng bị để bên ngoài. Nếu như đã cấm mang các công cụ tác nghiệp của báo chí, sao Tòa Hà Nội phải bắt các phóng viên phải đăng ký để cấp thẻ trước hàng tuần và sao không thông báo ngay từ đầu, để khi đến tác nghiệp đỡ “tá hỏa” với những quy định “quái gở” này.
5
Mọi dụng cụ tác nghiệp đều phải gửi bên ngoài và chỉ được mang giấy trắng cùng bút vào.
Phải chăng, một phiên tòa xét xử công khai mà ngăn cản bảo chí một cách thái quá đến như vậy thì từ giờ trở đi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội nên ra một cái quy định mới là “Tất cả các phiên xét xử đều xử bí mật”. Hay, Hội đồng xét xử có gì uẩn khúc, nên sợ các bị cáo khai những tình tiết quá quan trọng, liên quan đến lãnh đạo cấp cao hơn. Và việc ngăn cản này là một động thái chuẩn bị trước để báo chí không có bằng chứng sau những lời khai của các bị cáo?!
T.Minh
nguồn:http://diendanxahoidansu.wordpress.com/2013/12/13/sai-lam-lon-cua-duong-chi-dung-la-bo-tron-nen-khien-toa-phai-so-canh-bao-chi/
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001