Vĩnh biệt nhà văn hóa, học giả Nguyễn Kiến Giang
Hà Sĩ Phu
Sáng 2-12-2013 đã ngừng đập trái tim một con người Việt Nam, một trí thức mà cuộc đời in đậm dấu ấn từng giai đoạn của xã hội Việt Nam từ 1945 tới nay.
Nguyễn Kiến Giang sinh ngày 22 tháng 1 năm 1931 tại Quảng Bình,
bên dòng sông Kiến Giang quê ông. Mười bốn tuổi đã tham gia Việt Minh
và trở thành Cộng sản, sau đó thành huyện ủy viên rồi tỉnh ủy viên. Sau
chiến tranh chống Pháp ông trải qua chức Phó Giám đốc nhà xuất bản Sự
thật ở Hà Nội rồi được cử đi học trường đảng cao cấp tại Liên Xô nhưng
bị gọi về nước sau khi có nghị quyết 9 chống chủ nghĩa Xét lại.
Do có tư tưởng tiến bộ, khác với Đảng của ông, ông bị hai lần can án. Lần thứ nhất (1967-1976) vì “tội Xét lại chống Đảng”
với 6 năm tống giam và 3 năm quản chế không qua xét xử. Lần thứ hai
(1996) bị ra tòa cùng với Lê Hồng Hà và Hà Sĩ Phu về tội “làm lộ bí mật
nhà nước”.
Tuy có giai đoạn làm cán bộ chính
trị, song tâm huyết và dấu ấn của ông để lại cho đời thuần là những sản
phẩm của tư duy trong các tác phẩm, các bài viết. Những lĩnh vực nghiên
cứu của ông trải rộng từ chính trị, triết học, sang lịch sử, kinh tế,
văn hóa, Nho giáo - tôn giáo và tâm linh, nông dân và nông nghiệp… Ông
đọc nhiều nhưng không tầm chương trích cú mà luôn nổi bật bằng một phong
cách tư duy độc lập, tiên phong.
Từ 23 năm
trước, đầu năm 1990, khi “bàn về sự lãnh đạo của Đảng” ông đã thẳng thắn
yêu cầu phải bỏ Điều 4 trong Hiến pháp, quả là một đề xuất đi trước xã
hội. Tuy vậy, là một đảng viên khi mới 14 tuổi (!), việc từ bỏ một quá
khứ dấn thân quá dài cho một lý tưởng không hề đơn giản, khiến nhiều
người chúng ta thấy cần phải bàn thêm. Năm 2004 ông đã trả lời đài BBC: “Trước
đây tôi để chủ nghĩa Mác Lênin lên đầu và coi là giá trị lớn nhất, giá
trị cao nhất của tư tưởng loài người và tôi bị cái vòng kim cô của chủ
nghĩa Mác Lênin xiết chặt đầu tôi lại. Bây giờ tôi làm một việc khác,
tức là tôi đặt bàn thờ chủ nghĩa Mác Lênin sang một bên, chứ không đặt
lên đầu tôi nữa, tức là ngang với những nhà tư tưởng lớn của loài người
như Rousseau, Robespierre, Montesquieu, v.v. Tôi coi mỗi nhà tư tưởng đều có đóng góp của mình vào trong tiến triển của tư tưởng loài người cả” (!).
Mặc
dù bị kết án chính trị, song Nguyễn Kiến Giang chủ yếu không phải là
một người dấn thân chính trị như Hoàng Minh Chính, như Trần Độ…, ông là
một cây tư duy độc lập, một nhân cách độc lập, dâng hiến cho xã hội
những hiểu biết và nhận định nghiêm túc, bình tĩnh, dũng cảm, sắc bén,
công bằng của một bộ óc, một tấm lòng mà đời sau vẫn có thể tham khảo và
thấy hữu ích. Chính vì không bị lôi cuốn để thuộc hẳn một phe phái nào,
vì tuy vẫn gắn với từng biến động của thời cuộc nhưng không hề lên gân,
ông cũng cam chịu những hạn chế nhất định của hoàn cảnh… nên ông là tấm
gương phản chiếu khá đầy đủ những tâm trạng, tình huống, số phận phức
tạp và cay đắng của một trí thức điển hình giữa trận phong ba của Chân
lý và Nhận thức có một không hai trong lịch sử dân tộc. Vượt lên trên
hết vẫn giữ bền một nhân cách.
Ở tuổi 83, ông từ biệt một đất nước mà vì nó ông đã vắt kiệt suy tư của mình. Xin được cùng với trang Bauxite Việt Nam, tiễn đưa ông về cõi Vĩnh hằng với niềm tiếc thương và quý trọng.
H. S. P. (chiều 2-12-2013)
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Kiến Giang (còn ký tên dưới một số bút hiệu khác như Lương Dân, Lê Diên, Lê Minh Tuệ...)
Sách
- Về giai cấp tư sản Việt Nam (viết chung với Minh Tranh, nhà xuất bản Sự thật, 1959)
- Phác qua tình hình ruộng đất và đời sống nông dân trước Cách mạng tháng Tám (nhà xuất bản Sự thật, 1959)
- Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám (nhà xuất bản Sự thật, 1961)
- Tuyển tập Nguyễn Kiến Giang (nhà xuất bản Trăm Hoa, 1993)
Cùng viết với Nguyễn Khắc Viện:
- Liên Xô 70 năm trên đường khai phá (1987)
- Cách mạng 1789 và chúng ta (1989)
Bài báo
- “Đi tìm cách tiếp cận bản tính gốc người Việt”
- “Một cuộc chiến chống lại ‘phi lý tính’”
- “Nên đặt vấn đề Nho giáo như thế nào?”
- “Khủng hoảng và lối ra”
- “Thử dò tìm một cách tiếp cận mới đối với thế giới hiện đại”
- “Một quan niệm về hiện đại hóa ở Việt Nam”
- “Đời sống tâm linh và ý thức tôn giáo”
- “Từ Duy tân đến Đổi mới”
- “Nhìn nhận thực trạng văn hóa Việt Nam hiện nay”
- “Công bằng xã hội và kinh tế”
- “Suy tư 90 – Nhìn lại quá trình du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam”
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:24
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/12/vinh-biet-nha-van-hoa-hoc-gia-nguyen.html
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001