Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

1175. Xem xét quá trình quy thuộc Nam Hải (Biển Đông) qua các bản đồ từ cuối đời nhà Thanh đến (Trung Hoa) Dân quốc (Phần 1)
Posted by basamnews on 31/07/2012
Một blog tiếng Trung về lịch sử, khoa học, âm nhạc

Xem xét quá trình quy thuộc Nam Hải (Biển Đông) qua các bản đồ từ cuối đời nhà Thanh đến (Trung Hoa) Dân quốc (Phần 1) *

1-5-2012
Tác giả: Nibelungen Schnecke Weinstock (tạm để tên tiếng Đức; tên theo bản gốc: 尼伯龙根·蜗藤)
Người dịch: Quốc Thanh
Trước thế kỉ 20
1) Trước tiên xin chia sẻ một tấm bản đồ thời Đại Thanh năm 1760. Tấm “Thanh Đại Nhất Thống Địa Đồ” này về cơ bản thuyết minh cương vực thời kì Đại Thanh. Theo hiển thị trên bản đồ thì cương giới phía nam của Trung Quốc kết thúc ở đảo Hải Nam.




2) Đại Thanh Nhất Thống Thiên Hạ Toàn đồ (năm 1818) do Chu Tích Linh vẽ. (Từ “Địa đồ Trung Quốc”, Thư viện Đại học Hongkong, năm 2003). Bản đồ này là tấm bản đồ về cương giới quốc gia theo ý nghĩa hiện đại hiếm gặp trong số các bản đồ cũ của Trung Quốc. Toàn bộ khu vực sở thuộc và đường biên giới của Trung Quốc được viền màu đỏ. Thế là có thể nhìn trên tấm bản đồ này rất rõ đâu là lãnh thổ Trung Quốc, đâu không phải là lãnh thổ Trung Quốc. Kim Môn, Hạ Môn và đảo Hải Nam đều dùng màu đỏ vẽ liền với đại lục, còn Đài Loan và quần đảo Đan Sơn thì được khoanh tròn riêng bằng màu đỏ, để chứng tỏ là một phần của Trung Quốc. Trên bản đồ có xuất hiện hai cái tên Vạn Lý Trường Sa (万里长沙; tức Nam Sa theo cách gọi hiện giờ của Trung Quốc -ND) và Thiên Lý Thạch Đường (千里石塘; tức Tây Sa theo cách gọi hiện giờ của Trung Quốc -ND), nhưng những địa danh này cùng với Johor, Mãn Thích Gia (Anh: Strait of Malacca; Malai: Selat Melaka) vàSrivijaya…đều nằm ngoài cương giới lãnh thổ Trung Quốc. Tất nhiên, chúng ta còn có thể nhìn thấy được cả những hòn đảo nhỏ ở ngoài khơi Quảng Đông như Nhai Sơn và Hổ Đầu Môn…không nằm ở ngoài cương giới lãnh thổ Trung Quốc.

3) Hải Quốc Đồ Chí (năm 1852)
“Hải Quốc Đồ Chí” là cuốn thư tịch địa lí thế giới do Ngụy Nguyên biên soạn. Trong cách diên đồ của các nước Đông Nam Dương (biển Đông Nam) ở sách này có xuất hiện các địa danh Vạn Lý Trường Sa và Thiên Lý Thạch Đường. Một phần cuốn sách đã dẫn tấm bản đồ này làm chứng cứ cho chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa. Luận cứ này không thể xác lập được, bởi vì: 1) Tên bản đồ chỉ chính xác đây là bản đồ Đông Nam Á; 2) Trên bản đồ ngoài Vạn Lý Trường Sa và Thiên Lý Thạch Đường còn có rất nhiều nước Đông Nam Á; 3) Trên bản đồ, hai nơi này bị nhiều nước Đông Nam Á vây quanh, thực sự là không nhìn thấy trên bản đồ có bất cứ kí hiệu gì mang ý nghĩa hai nơi này là thuộc Trung Quốc. Cho nên, tấm bản đồ này không hề nói rõ vị trí của Vạn Lý Trường Sa và Thiên Lý Thạch Đường.

4) Quảng Đông Đồ năm 1866
Chính phủ Dân quốc luôn tuyên bố xét về lịch sử, các quần đảo ở Nam Hải là một phần của Quảng Đông. Vì thế, bản đồ Quảng Đông cũng có sự trợ giúp rất lớn trong việc biện minh sự thực. Quảng Đông Đồ năm 1866 là tập bản đồ chi tiết về khu vực Quảng Đông. Tập bản đồ này hiển thị đất thuộc Quảng Đông chỉ bao gồm Hải Nam và các đảo ngoài khơi Quảng Đông, thậm chí còn không bao gồm cả Đông Sa.


Hình dạng lãnh thổ Trung Quốc trên các bản đồ Trung Quốc trước năm 1900 về đại thể là chuẩn xác, còn các bản đồ ngoài biển thì hoàn toàn không có cách gì để so đọ được theo cách nhìn hiện đại. Lấy Hải Ngoại Đồ Chí của Ngụy Nguyên làm ví dụ, hầu như tất cả các nước và khu vực ở Đông Nam Á đều được vẽ không chuẩn xác. Điều này phản ánh Trung Quốc còn thiếu sự hiểu biết về Nam Hải. Sự hiểu biết về địa lí Nam Hải của Trung Quốc còn kém xa so với các nước Phương Tây. Khoảng tới thế kỉ 20 (không rõ năm cụ thể), các bản đồ liên quan tới Nam Hải do Trung Quốc xuất bản mới ăn nhập được với các nước, mới đi vào “hiện đại hóa”, đương nhiên là phỏng theo các thư tịch tư liệu do các nước nghiên cứu.
Thế kỉ 20
5) Đại Thanh Đế Quốc Toàn Đồ (năm 1905). Bản đồ này được lựa chọn từ “Trung Quốc Cổ Địa Đồ Trân Tập”, Nhà xuất bản bản đồ Tây An, năm 1995. Cương giới phía Nam của Trung Quốc trên bản đồ chỉ tới đảo Hải Nam.

6) Năm 1908, “Trung Quốc Cận Thế Dư Địa Đồ” do La Nhữ Nam biên soạn, đây là một bộ trước tác địa lí học đồ sộ của Trung gồm 8 tập 23 quyển. Có mấy điểm cần đặc biệt chú ý: 1) Trong bộ sách dành phần lớn chú trọng đề cập tới việc bảo vệ vùng biển của Trung Quốc, vì thế tác giả không được bỏ qua các nhân vật bảo vệ vùng biển; 2) Tác giả tỏ ra hiểu biết nhiều về địa lí Quảng Đông hơn; 3) Tác giả dành một phần lớn để giới thiệu địa lí học (Phương Tây), hiển nhiên là với sự góp sức của một số người nhất định có vốn học thuật hiện đại. Văn tự trong sách này viết rõ rằng cương giới phía nam của Trung Quốc là ở đầu mút nam đảo Hải Nam, dù là trên Trung Quốc Toàn Đồ hay trên Quảng Đông Địa Đồ cũng đều không tìm thấy có các đảo ở Nam Hải.




7) Nhị Thập Thế Kỉ Trung Ngoại Đại Địa Đồ (năm 1908). Trong tập bản đồ này, cương giới phía nam của Trung Quốc cũng chỉ tới đầu mút nam đảo Hải Nam. Ở bản đồ Châu Á trong tập bản đồ này hoàn toàn không thấy có đánh dấu các đảo ở Nam Hải. Còn phần lớn các bản đồ trên thế giới cùng thời kì ấy đều có đánh dấu các đảo ở Nam Hải nằm trong đó. Trái lại, quần đảo Andaman của Ấn Độ và quần đảo Natuna của Nam Hải lại đều có xuất hiện trên các bản đồ này. Tập bản đồ này gồm 2 quyền Thượng và Hạ, quyển Hạ là phần bản đồ thế giới, nhưng đáng tiếc là tôi không tìm được, nếu không thì sẽ có thể biết được Trung Quốc khi ấy đã vẽ Đông Nam Á ra sao.




8) Năm 1909, Quảng Đông Dư Địa Toàn Đồ. Tấm bản đồ này hết sức quan trọng. Đây là tấm bản đồ vẽ Tây Sa và Đông Sa vào trong lãnh thổ Trung Quốc sớm nhất trong số những bản đồ vào cuối triều Thanh mà tôi được thấy. Năm 1909, Lý Chuẩn tuyên bố chủ quyền đối với Tây Sa, đây là lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố và thừa hành chủ quyền đối với Tây Sa kể từ thời cận đại. Bản đồ này phản ánh đầy đủ tiến trình lịch sử khi ấy. Trên bản đồ còn có cả Đông Sa. Đáng chú ý là, mặc dù tấm bản đồ này phản ánh ước muốn của Trung Quốc đối với lãnh thổ Nam Hải, nhưng trên bản đồ lại không thấy có các quần đảo Trung Sa và Nam Sa, điều này nói lên hai quần đảo này khi ấy vẫn chưa đi vào tầm ngắm của đế quốc Đại Thanh.


Xin tóm tắt, xét từ các bản đồ mà tôi đã sưu tập được, trước năm 1909, Trung Quốc không vẽ quần đảo Nam Sa với danh nghĩa là một phần của Trung Quốc hoặc tỉnh Quảng Đông vào trong bản đồ Trung Quốc. Năm 1909, sau chuyến đi tới Tây Sa của Lý Chuẩn, Tây Sa mới bắt đầu được chính quyền Trung Quốc và trong dân gian coi là một phần của Trung Quốc. Còn Nam Sa và Trung Sa thì vẫn chưa được bất cứ một bản đồ nào đưa vào trong lãnh thổ của Trung Quốc.
Nguồn: dddnibelungen.wordpress.com
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
nguồn:http://anhbasam.wordpress.com/2012/07/31/1176-xem-xet-qua-trinh-quy-thuoc-nam-hai-bien-dong-qua-cac-ban-do-tu-cuoi-doi-nha-thanh-den-trung-hoa-dan-quoc-phan-1/#more-70186
--------------------------------------------------------------------------------
1176. Xem xét quá trình quy thuộc Nam Hải (Biển Đông) qua các bản đồ từ cuối đời nhà Thanh đến Trung Hoa Dân quốc – Phần 2
Posted by basamnews on 31/07/2012


Đôi lời: Cám ơn độc giả S.T.H. đã tìm thấy, thông báo tài liệu quý giá này và độc giả N.B.N. đã kịp thời dịch ngay trong đêm qua để gửi tới đông đảo bạn đọc.
Hy vọng sẽ có thêm nhiều phát hiện khác tương tự từ nhân dân ta, khi mà “đảng, nhà nước lo” không xuể, trong khi đó, dù đã có nhiều bằng cớ thuận lợi cho đấu tranh pháp lý để giành lại, bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông, nhưng dường như vẫn không “lo” tới việc đưa ra Tòa án Quốc tế.
Một blog tiếng Trung về lịch sử, khoa học, âm nhạc
(Chủ trang là một người nước ngoài, không phải Trung Quốc, tên theo âm Hán Việt là Nê Bá Long Cân. Ốc Đằng)

Xem xét quá trình quy thuộc Nam Hải (Biển Đông) qua các bản đồ từ cuối đời nhà Thanh đến (Trung Hoa) Dân quốc – Phần 2

Đăng ngày 1/5/2012, trong tập Nghiên cứu Nam Hải
Từ năm 1911 đến năm 1935
Năm 1911, thành lập Dân Quốc, lịch sử Trung Quốc mở ra trang mới. Năm đầu cơ bản vẫn vẽ theo hệ bản đồ thời cuối nhà Thanh.

(9) Trung Quốc tân dư đồ (1915). Bản đồ này xuất bản ở Thương Hải, trong đó cực nam của Trung Quốc vẫn chỉ đến đảo Hải Nam, giống như tình hình năm 1908.
Bản đồ này là tái bản, có thể nghĩ rằng bản đầu tiên của nó cũng như vậy. Qua đó có thể thấy, mặc dù năm 1909 Lý Chuẩn đã tuyên bố chủ quyền khi đến Tây Sa [Hoàng Sa], nhưng khá nhiều người biên vẽ bản đồ, nhất là những người không phải dân Quảng Đông vẫn không hề coi Tây Sa là thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Nên cái gọi là “Tây Sa là một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc” chưa hề trở thành nhận thức chung của xã hội.



(10) Trung Quốc tân hưng đồ (1917). Cho đến năm 1917, đến tấm bản đồ Trung Quốc tân hưng thứ 3, tình hình vẫn chưa thay đổi. Cực nam của Trung Quốc vẫn chỉ là đảo Hải Nam.



(11) Trung Hoa dân quốc tân khu vực đồ (1917). Điều đáng nói rõ ở tấm bản đồ này là chữ “tân” (mới). Quần đảo Tây Sa bị quy nạp vào cương vực của Trung Quốc. Bản đồ này là tấm bản đồ sớm nhất mà tôi từng thấy dưới hình thức vẽ thêm một khung vuông phụ trong bản đồ toàn quốc. Chú ý, lúc này thuộc địa Nam Hải [Biển Đông] chỉ có “Tây Sa” và “Đông Sa”. “Trung Sa” [một phần của Trường Sa] chưa hề bị bao vẽ vào lãnh thổ Trung Quốc.


(12) Trung Quốc địa lý các duyên đồ. Bản đồ này xuất bản năm 1922, là một tấm trong tập sách Bản đồ lịch sử, nhưng lại dùng bản đồ Dân quốc năm 1918, “Tây Sa” vẫn được vẽ trong khung vuông phụ trong địa đồ toàn quốc. Có thể thấy hình thức này đã bắt đầu phổ cập. Và vẫn như bản đồ 1917, chỉ có Tây Sa và Đông Sa là trong bản đồ Trung Quốc.

(13) Trung Quốc tân hình thế đồ (1922). Đây là một phần trong cuốn tập hợp bản đồ sách giáo khoa địa lý tham khảo, về độ chính xác thì không được như bản đồ ở phần trên, nhưng lại nói rõ hơn phạm vi bản đồ Trung Quốc trong con mắt của chủ lưu xã hội. Nó cũng như hai tấm bản đồ nói trên, cực nam của Trung Quốc vẫn chỉ đến “Tây Sa”. “Trung Sa” và “Đông Sa” vẫn chưa có.


(14) Trung Hoa triết loại phân tỉnh đồ (1931). Thời gian đến năm 1931 bản đồ Trung Quốc vẫn chưa có thay đổi, cực nam vẫn ở Tây Sa.


(15) Trung Hoa dân quốc tân địa đồ (Thân báo) (1934). Để kỷ niệm 60 năm Thân báo ra đời, Thân báo tổ chức một loạt các chuyên gia về địa lý (gồm có Đinh Văn Giang, Weng Wen Hao, Tăng Thế Anh) dùng nhân lực và vật lực lớn để biên soạn bản đồ Dân Quốc có tính chính thống nhất. Tấm bản đồ này được in ấn trên 8 định dạng là một sáng tạo mới của Trung Quốc đương thời. Sau đó, do nguyên nhân giá cả và phạm vi ứng dụng lớn nên đã xuất bản phổ cập với 16 định dạng. Trong tập bản đồ này, bản đồ của Trung Quốc vẫn chỉ bao gồm “Tây Sa” và “Đông Sa” mặc dù lúc này đã xảy ra sự kiện nước Pháp tuyên bố chủ quyền 9 đảo ở “Nam Sa” [Trường Sa] (1933), Thân báo đã tỏ thái độ quyết liệt khi thông báo sự kiện này, nhưng lại rất hài hước là ngay trong tập bản đồ do Thân báo chủ biên vẫn chưa vẽ “Nam Sa” vào trong lãnh thổ Trung Quốc.
Tóm lại, từ khi bắt đầu của (Trung Hoa) Dân quốc cho đến trước năm 1917, quần đảo “Tây Sa” vẫn chưa phải là nhận thức chung trong bản đồ Trung Quốc. Sau năm 1917, quẩn đảo “Tây Sa” mới nằm vào tuyệt đại bộ phận bản đồ của Trung Quốc. Trong thời gian từ năm 1917 đến năm 1934, cương vực trong bản đồ Trung Quốc vẫn chỉ đến quần đảo “Tây Sa”. “Trung Sa” và “Nam Sa” vẫn không hề là lãnh thổ Trung Quốc được chính Trung Quốc vẽ trong tuyệt đại bộ phận bản đồ của Trung Quốc.



Nguồn: dddnibelungen.wordpress.com
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

CTV Quốc Thanh bổ sung:
Tác giả của trang này là người có tên bằng tiếng Đức là Nibelungen Schnecke Weinstock.
Bài vừa đăng là nằm trong chuyên đề riêng về Nam Hải của trang này.

一言难尽话南海

KHÔNG THỂ NÓI HẾT VỀ NAM HẢI VỎN VẸN TRONG MỘT LỜI

Bao gồm những nội dung chính sau:
KHẢO VỀ LỊCH SỬ VÀ CHỦ QUYỀN NAM HẢI
Lời nói đầu
Lãnh thổ Nam hải và tranh chấp lãnh hải luôn là một vấn đề phức tạp nhất trên thế giới. Do nguyên nhân về địa -lịch sử, sự quy thuộc của các đảo ở Nam Hải hết sức mơ hồ. Các nước và khu vực bị lôi kéo vào tranh chấp đã có tới 6 nước 7 phương, mà những nước này từ thế kỉ 19-thế kỉ 20 đều đã trải qua vấn đề chuyển dời chính phủ phức tạp, điều này khiến cho vấn đề trở nên phức tạp hơn. Từ sau thập kỉ 70 của thế kỉ 20, do phát hiện được mỏ dầu ở Nam Hải mà sự tranh chấp lãnh thổ đã mở rộng thành sự tranh chấp tài nguyên và lợi ích, sự tranh chấp ngày thêm quyết liệt. Ngoài ra, bản thân Nam Hải lại là một trong những con đường biển quốc tế nhộn nhịp nhất, ngoài việc trực tiếp động chạm đến các nước và khu vực có tranh chấp ra, sự ổn định ở Nam Hải còn liên quan tới cả lợi ích của các nước khác (như các nước ùng Châu Á Thái Bình Dương Nhật, Mỹ, Ôxtrâylia, Indonesia và Singgapore…). Do nhân tố đa phương diện này mà Nam Hải luôn là điểm nóng trong tranh chấp quốc tế.
Là một người dân bình thường, chuyện quốc gia đại sự đâu phải đến lượt mình, tôi cũng không muốn làm một người có giấy phép cư trú tạm thời chỉ điểm giang sơn ở dưới tầng hầm Bắc Kinh. Nhưn là một con mọt sách rất khoái món lịch sử, bao giờ tôi cũng cố sức làm cho rõ xem rốt cuộc về lịch sử đã xảy ra những chuyện gì. Và thế là bài này ra đời.
1. Địa li cơ bản của Nam Hải và tranh chấp
2. Về lịch sử kế thừa chủ quyền của các bên
3. Nam Hải từ đời Hán đến cuối Ngũ đại
4. Nam Hải từ đời Tống đến đầu đời Thanh
5. Nam Hải giữa và cuối thế kỉ 19
6. Nam Hải trước Đại chiến thế giới II
7. Nam Hải thời Đại chiến thế giới II và thời kì đầu sau Đại chiến thế giới II
8. Nam Hải từ năm 1956-1988
9. Nam Hải sau năm 1988
10. Vấn đề chủ quyền của các đảo ở Nam Hải
11. Vấn đề Nam Hải và chính trị quốc tế
12. Luận về tài nguyên Nam Hải
13. Lối ra cho vấn đề Nam Hải
nguồn:http://anhbasam.wordpress.com/2012/07/31/xem-xet-qua-trinh-quy-thuoc-nam-hai-bien-dong-qua-cac-ban-do-tu-cuoi-doi-nha-thanh-den-trung-hoa-dan-quoc/#more-69984
--------------------------------------------------------------------------------
1177.Xem xét quá trình quy thuộc Nam Hải (Biển Đông) qua các bản đồ từ cuối đời nhà Thanh đến (Trung Hoa) Dân quốc – Phần 3
Posted by basamnews on 01/08/2012
Một blog tiếng Trung về lịch sử, khoa học, âm nhạc

Xem xét quá trình quy thuộc Nam Hải (Biển Đông) qua các bản đồ từ cuối đời nhà Thanh đến (Trung Hoa) Dân quốc – Phần 3 *

2.5.2012
Tác giả: Nibelungen Schnecke Weinstock (tạm để tên tiếng Đức; tên theo bản gốc: 尼伯龙根·蜗藤)
Người dịch: Quốc Thanh
Sau năm 1935
Năm 1935, chính phủ Dân quốc bắt đầu tiến trình mở cương giới bản đồ Nam Hải, điều này được trực tiếp phản ánh trên bản đồ xuất bản khi ấy.
16) Trung Hoa Dân Quốc Tân Đồ (Thân báo) Đây là bản tái bản tập bản đồ do Thân báo biên tập đã được nói đến ở trên. Trên bản đồ đã thấy xuất hiện các dòng chữ quần đảo Nam Sa và quần đảo Đoàn Sa. Quần đảo Nam Sa khi ấy là chỉ quần đảo Trung Sa hiện giờ, còn quần đảo Đoàn Sa khi ấy là chỉ quần đảo Nam Sa hiện giờ (để cho rõ, trong bài viết này dưới đây khi đề cập đến những địa danh này sẽ nhất loạt dùng các tên gọi hiện nay có kèm thêm tên thời ấy ở trong ngoặc đơn). Cần lưu ý, trên tập bản đồ này không thấy xuất hiện đảo Hoàng Nham (Scarborough Shoal). Hình 4 là bản phóng to cục bộ Hình 3 (Quảng Đông).





17) Trung Hoa Dân Quốc Bưu Chính Dư Đồ (năm 1936) Trên tập bản đồ khác xuất bản năm 1936 này có nhiều đảo ở Nam Hải hơn. Đảo Hoàng Nham cũng thấy xuất hiện trên bản đồ này và được gọi là Nam Thạch, đã được vẽ thành một phần của quần đảo Trung Sa (Nam Sa). Chúng tôi còn phát hiện được ở cực đông quần đảo Trung Sa (gần về phía đông hơn cả đảo Hoàng Nham) còn có một nơi không nhìn thấy trên bản đồ Nam Hải, cũng dùng một kí hiệu bản đồ như với các đảo, nhưng không có tên. Nơi này là gì? Cứ tạm gác lại đã.




18) Trung Quốc Phân Tỉnh Đồ (năm 1936) Đây là một tập bản đồ nữa xuất bản năm 1936. Tập bản đồ này cũng có cả quần đảo Trung Sa (Nam Sa) và quần đảo Nam Sa (Đoàn Sa). Nhưng, đảo Hoàng Nham không nằm trong phạm vi quần đảo Trung Sa (Nam Sa). Có thể thấy, vào năm đầu tiên chính phủ Dân quốc mở rộng cương giới bản đồ, đảo Hoàng Nham có phải là một phần của Trung Quốc hay không, điều này vẫn chưa có sự đồng quan điểm trong đội ngũ những người biên tập bản đồ.




19) Trung Quốc Tỉnh Thị Địa Phương Tân Đồ (năm 1939) Đến năm 1939, việc mở rộng cương giới bản đồ đã được sự thừa nhận phổ biến trong các nhà bản đồ học Trung Quốc, nhưng những địa điểm không được đánh dấu tên trên bản đồ năm 1936 cũng vẫn được đánh dấu tên ở đây. Trong tập bản đồ này có riêng một bản đồ về các quần đảo Nam Hải, đây là bản mới nhất trong số tất cả những tập bản đồ mà tôi đã xem. Đảo Hoàng Nham được gọi tên là Ska Barlow Reef. Điều thú vị là, trên bản đồ này, đảo Hoàng Nham lại không phải là một phần của quần đảoTrung Sa, cả nó và Trudeau reef (Trudeau Road reef) đều được đánh dấu riêng ra, rồi có thêm dòng chữ “thuộc Trung Quốc”. Ngoài ra, rạn san hô chưa được đặt tên ở cực đông quần đảoTrung Sa trong Hình 17 lại cũng có tên trên bản đồ này, tên là Bãi Quản Sự. Bãi Quản Sự (Stewart Shoal)cũng là một rạn san hô chìm, chỗ nông nhất cách mặt nước tới 45 m. Rạn san hô này không được đánh dấu trên bản đồ nước Cộng hòa hiện giờ (kể cả các rạn san hô Bát Tiên và rạn san hô Lập Địa được xếp vào quần đảo Nam Sa trước đây). Nghe nói đó là do mấy nơi này quá gần với Đường 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ sau này, mà Đường 9 đoạn thì không có tọa độ cụ thể, cho nên không thể xác nhận được là chúng có nằm trong Đường 9 đoạn hay không, thế là dứt khoát không nhắc tới nữa. Cách giải thích này không biết có thực hay không, nhưng chỉ có một thuyết này. Tôi thử tra cứu tập tư liệu đặt tên các đảo Nam Hải thời Dân quốc năm 47 thì phát hiện thấy Bãi Quản Sự không xuất hiện trong tập này (nhưng các rạn san hô Bát Tiên và rạn san hô Lập Địa thì lại được xếp vào trong đó). Còn chuyện vì sao sau này không nhắc tới Bãi Quản Sự nữa thì tôi cũng không biết.



20) Hiện Đại Bản Quốc Địa Đồ (năm 1939) Đây là cuốn sách giáo khoa trung học. Phạm vi các đảo Nam Hải Trung Quốc cũng tương tự như ở tập bản đồ trên. Đảo Hoàng Nham cũng được gọi là Ska Barlow Reef.


21) Trung Quốc Phân Tỉnh Minh Tế Đồ (năm 1940) Cuốn bản đồ này độc đáo ở chỗ đây là bản đồ có đường phân giới ở Nam Hải sớm nhất mà tôi tìm được. Nghe nói Bạch Mi Sơ ở thập kỉ 30 cũng đã có hành động vĩ đại là khoanh Nam Hải lại, nhưng tôi không tìm thấy cuốn bản đồ ấy. Khác với Đường 9 đoạn sau này, đường ấy liền nhau. Có thể nói, Đường 9 đoạn (Đường 11 đoạn) sau này về cơ bản là tiếp tục dùng những bản đồ này. Nếu chúng ta xem cho thật kĩ đường phân giới này, sẽ buộc lòng phải khen ngợi sự táo bạo của đường phân giới, bởi vì về cơ bản nó đã vẽ chiểu theo đường bờ biển của các quốc gia Nam Hải khác. Xem xét từ cuối đời Thanh tới năm 1940 (tạm chưa nói đến thời kì cổ hơn),Trung Quốc chưa từng thừa hành, mang tính thực chất, bất cứ một lần chủ quyền nào ở quần đảo Nam Sa (không kể việc mở cương giới bản đồ), và Trung Quốc khi ấy đang đánh Nhật, Nam Hải cơ bản do Nhật khống chế, thế mà đã vẽ ra được đường ranh giới như vậy thì thật quả là tuyệt vời.



22) Trung Quốc Phân Tỉnh Tân Địa Đồ (năm 1947) Sau chiến tranh, Trung Quốc trở thành nước lớn trên thế giới. Năm 1946, Lâm Tuân dẫn quân tới tuyên bố chủ quyền ở Tây Sa và Nam Sa, đây là lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Nam Hải. Năm sau, Trung Quốc đã vẽ Đường 11 đoạn trên bản đồ Nam Hải, (về sau nước Cộng hòa sửa lại thành Đường 9 đoạn) đồng thời đặt tên lại cho các đảo ở Nam Hải. Vì sao chính phủ Dân quốc lại vẽ đường ranh giới trên bản đồ Nam Hải thành đường đứt khúc? Tôi vẫn chưa thấy có cách giải thích xác thực nào. Các tên gọi quần đảo Trung Sa và quần đảo Nam Sa bắt đầu có từ đó. Trên tập bản đồ năm 1947, chúng ta có thể nhìn thấy những thành quả mới nhất này. Đương nhiên, trên bản đồ này còn có một điểm sáng, đó chính là đường hải giới ở mé đông khu vực Đài Loan khi ấy không hề bao gồm đảo Điếu Ngư trong đó. Điều này tất nhiên là đã nằm ngoài phạm vi bài này.




23) Trung Hoa Dân Quốc Tân Đồ (Thân báo) (năm 1948) Đây là bản tái bản lần thứ 5 tập Trung Hoa Dân Quốc Tân Đồ của Thân báo. Cũng tiếp thu thành quả mở cương vực mới nhất. Khác với bản đồ trên, đường phân giới Nam Hải vẫn tiếp tục dùng đường liền từ trước chiến tranh. Trên bản đồ này, rất khó xác nhận được đường liền này có giống với cương giới đường đứt đoạn ở bản đồ trên hay không. Nhìn sơ qua thì dường như không giống mấy. Ở đây không thể nghiên cứu sâu hơn.



Kết luận ngắn gọn
Khi khảo sát 23 tấm bản đồ từ cuối đời Thanh đến năm 1948, chúng tôi có thể rút ra những kết luận dưới đây. Cần lưu ý rằng những kết luận này chỉ là sự miêu tả các bản đồ, đồng thời cũng chỉ giới hạn trong 23 tấm bản đồ này. Độc giả không nên suy diễn rộng hơn.
1) Trước năm 1908, tất cả các bản đồ Trung Quốc đều không xếp các đảo Nam Hải vào phạm vi lãnh thổ Trung Quốc.
2) Từ năm 1909 đến giữa năm 1917, bản đồ Trung Quốc dần dần đưa Tây Sa và Đông Sa vào lãnh thổ Trung Quốc.
3) Từ năm 1917 đến năm 1934, tất cả các bản đồ Trung Quốc đều đưa Tây Sa và Đông Sa vào lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng Trung Sa và Nam Sa thì không phải là một phần của Trung Quốc trên bản đồ.
4) Sau khi mở rộng cương giới bản đồ vào năm 1935, tất cả các bản đồ Trung Quốc đều xếp Trung Sa và Nam Sa là một phần của Trung Quốc, phần lớn các bản đồ cũng xếp đảo Hoàng Nham vào lãnh thổ Trung Quốc. Đường phân giới Nam Hải muộn nhất vào năm 1940 đã xuất hiện trong một số bản đồ.
5) Sau năm 1947, chính phủ Dân quốc cố định đường phân giới Nam Hải dưới hình thức đường đứt đoạn. Kể từ đó, Nam Hải trên bản đồ Trung Quốc liền có hình dạng tương tự như ngày nay (trừ việc nước Cộng hòa đổi Đường 11 đoạn thành Đường 9 đoạn).
Nguồn: dddnibelungen.wordpress.com
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

* Mời đọc: 1175. Xem xét quá trình quy thuộc Nam Hải (Biển Đông) qua các bản đồ từ cuối đời nhà Thanh đến (Trung Hoa) Dân quốc – Phần 1. 1176. Xem xét quá trình quy thuộc Nam Hải (Biển Đông) qua các bản đồ từ cuối đời nhà Thanh đến Trung Hoa Dân quốc – Phần 2.
Theo người dịch, chủ trang blog này chính là tác giả bài: 1115. VỀ NAM HẢI, NĂM ẤY ĐÃ VẼ ĐƯỜNG CHÍN ĐOẠN ĐẾN TẬN CỬA NHÀ NGƯỜI TA NHƯ THẾ NÀO?


Bổ sung, 7h30′, 2/8/2012, một độc giả góp ý:
Tác giả: Nibelungen Schnecke Weinstock (tạm để tên tiếng Đức; tên theo bản gốc: 尼伯龙根·蜗藤)
Xin được góp ý và đề nghị ghi tên tác giả của các bài trên trang blog đó… hoặc giữ nguyên tên (đúng ra chỉ là nickname) bằng chữ Hán 尼伯龙根·蜗藤, hoặc nên chuyển thành âm Hán-Việt là: Ni Bá Long Căn – Oa Đằng chứ không nên ghi bằng tiếng Đức Nibelungen Schnecke Weinstock do “dịch vật” Google chuyển ra.
Người Đức không có cái tên khôi hài và kỳ cục đó.
Thực ra đi từ (nickname) 尼伯龙根·蜗藤 với âm Hán-Việt là Ni Bá Long Căn – Oa Đằng, thì:
- 尼伯龙根 (Ni Bá Long Căn) chính là phiên âm đọc của người Hoa cho chữ tiếng Đức Nibelungen (Ni-Be-Lun-Gen). Đây là truyền thuyết thần thoại của Đức và vùng Bắc Âu từ thời Trung cổ, mà ngày nay người Tây phương thường thể hiện qua âm nhạc, thi ca v.v…
- 蜗藤 (Oa Đằng), chữ Oa có nghĩa là con ốc sên, chữ Đằng có nghĩa là loại họ dây leo, cây có thân xoắn, quấn quít như thân cây nho, cây tử đằng v.v… như thế có thể tương ứng với tiếng Đức là Weinschnecke, nên có thể xem như là loại ốc sên nho.

Điều này ta có thể kiểm tra qua 2 blogs khác nữa của mình mà chính tác giả đã giới thiệu ngay trong trang blog WordPress nói trên:
- 网易博客 ( http://dddnibelungen.blog.163.com/ )

- 我的新浪博客 (http://blog.sina.com.cn/dddNibelungen )

ớ đó, ta thấy tác giả đã chọn hình con ốc sên làm avatar. Bên dưới avatar lại thấy tác giả ghi chú thêm một nickname khác tương tự: 黎蜗藤 (âm Hán-Việt là Lê Oa Đằng).
黎 (Lê) không biết có liên quan hì đến tên họ thật của tác giả không? Và tại sao tác giả lại chọn tên của một truyền thuyết thần thoại cổ của người Đức cho nickname của mình? (có lẽ vì vậy mà nhiều người dịch đã khẳng định chắc nịch, tác giả là người Đức, như các bài đăng trên Thanh Niên v.v…), thì chắc không ai biết ngoài tác giả.
Ngoài ra tôi thấy trong trang, tác giả còn có bài:
我为什么研究南海历史 (Tại sao tôi nghiên cứu lịch sử biển Nam Hải?:http://dddnibelungen.wordpress.com/2012/05/25/%E6%88%91%E4%B8%BA%E4%BB%80%E4%B9%88%E7%A0%94%E7%A9%B6%E5%8D%97%E6%B5%B7%E5%8E%86%E5%8F%B2/ ).

Nếu bác Quốc Thanh bỏ công dịch cho bà con biết rõ thêm lý do của tác giả thì quí lắm lắm.
Tóm lại, trên tinh thần tôn trọng sự chính xác, đề nghị anh Ba nên thay và bỏ cái gọi là “tên tác giả” kỳ cục bằng tiếng Đức nói trên đã được nhà “đại dịch vật” Google chế tác!
nguồn:http://anhbasam.wordpress.com/2012/08/01/1177-xem-xet-qua-trinh-quy-thuoc-nam-hai-bien-dong-qua-cac-ban-do-tu-cuoi-doi-nha-thanh-den-trung-hoa-dan-quoc-phan-3/#more-70315
--------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001