Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Bùi Ngọc Tấn - Người mua nhà của bố mẹ tôi
Bùi Ngọc Tấn

Cuối cùng mấy anh em tôi cũng phải đi đến một quyết định đáng buồn: Bán ngôi nhà, mảnh vườn của bố mẹ tôi. Không thể để nhà không người ở, vườn không người chăm. Anh chị cả tôi ở sát liền bên cũng bắt đầu già yếu, chẳng thể nào trông nom xuể được. Thật là một quyết định đau lòng. Ngôi nhà ấy, mảnh vườn ấy là những gì còn lại của bố mẹ tôi, là cái neo để tôi neo đậu vào một thế giới đã tan rã. Nó không chỉ là hạnh phúc của tôi, tuổi ấu thơ của tôi mà còn là hạnh phúc, tuổi ấu thơ của các con tôi. Khi chiến tranh bắn phá, tôi gửi các con tôi về đấy và cho đến bây giờ chúng vẫn nhắc lại một thời chạy nhảy nghịch ngợm, xa bố mẹ nhưng được sống trong tình thương yêu của ông bà. Bố tôi mất đã được bảy năm. Mẹ tôi qua đời cũng đã hai năm rồi. Mỗi khi về quê, tôi lại từ nhà anh chị cả, băng qua vườn nhà anh chị, bước sang mảnh vườn của cha mẹ tôi. Tôi đi giữa những cây quất, cây cau côi cút. Tôi đứng dưới tán lá rợp cây bưởi trước sân, đối thoại với nó bằng im lặng. Tôi ngồi xổm nhìn cái rãnh phía sau nhà, sát bờ tre um tùm, chờ một con cá đuôi cờ từ gốc cây khoai nước lao ra nhưng lại bắt gặp vĩnh cửu. Tôi mở cửa vào nhà. Căn nhà hoang, ẩm và tối. 
Tôi nghe rõ hơi thở của mình. Tiếng cha tôi gọi tôi uống trà. Mẹ tôi ngồi trước bếp mổ cá, lũ gà choai xông vào cướp những thứ bỏ đi trên thớt... Triết học, tuyệt vọng, hạnh phúc và đau nhói. Thánh địa của tôi. Trở về đó, tôi quên tất cả.



Vậy mà phải bán đi chốn cư ngụ cuối cùng ấy. Phải bán đi để mình thành một kẻ bất hiếu, phản bội, bơ vơ, tay trắng. Mai một dần quá khứ. Mòn mỏi dần kỷ niệm. Bỗng nhiên chẳng còn quê hương, chẳng còn gì cả.
Tôi không sao quen được với ý nghĩ những người lạ mặt sẽ tới ở đây. Tôi không thể tha thẩn ở nhà người ta, nơi mặt đất mỗi bước chân tôi dẫm lên, mỗi cành lá đều biết trò chuyện cùng tôi.

Thế nhưng vẫn cứ phải bán thôi.

Thật may mắn, người mua cơ ngơi ấy lại là cô Thoan, một người có họ với nhà tôi. Gọi là cô vì cô gọi tôi là cậu chứ không phải là cô còn trẻ. Cô trạc tuổi tôi, nghĩa là cũng đã ngót nghét sáu chục rồi.

Khi biết người mua là cô Thoan, chẳng riêng gì tôi vui. Các con tôi trên dưới ba mươi tuổi bỗng đồng ca như chúng đồng ca những ngày còn bé:
Cái đầu cô Thoan lắc lư
Cái đầu cô Thoan lắc lư

Và cười với nhau, đôi mắt long lanh, đôi mắt thời gian sơ tán. Đó là bài hát chúng đặt ra để hát về cô.

Cô nghèo. Người sắt lại. Khuôn mặt đăm chiêu, rầu rĩ. Cô đi hơi lệch lệch. Như người đi không vững. Quan sát cô, lũ con tôi đã sáng tác nên kiệt tác của chúng: Cái đầu cô Thoan lắc lư. Chẳng bao giờ thấy cô cười. 
Hoạ hoằn lắm cô mới cười thì lại càng thảm hại. Nụ cười như mếu. Cô gầy yếu nhưng làm không chê vào đâu được. Việc hợp tác. Việc nhà. Cuốc đầm. Gánh rạ. Đập lúa. Nuôi lợn. Đắp tường. Lợp nhà. Thủy lợi là công việc nặng nhọc cũng có mặt cô Thoan. Bác Văn, chồng cô còn phải vào tận Lán Tháp làm thuê, mang về khi bao sắn khô, khi chục cân mì gia công. Lít nhít một đàn con nhỏ trong cái thời hợp tác toàn được mùa trên giấy, cái thời con gà, chục trứng cũng phải cân nghĩa vụ, cô chỉ mong được một bữa no. ống chân cô ngâm nước chua mặn từ bé đến giờ, chất phèn có lẽ đã ngấm vào tận xương, nó vàng bóng như ống đồng. Cô là người nữ xã viên hợp tác xã nông nghiệp một thời. Đảm đang, cam chịu, thương chồng, thương con, chịu khó chịu khổ, có thể làm quần quật mười hai tiếng đồng hồ khi dạ dày lép kẹp, bất chấp mọi lý thuyết về số ca lo sinh ra và số ca lo tiêu thụ, chịu đựng được tất cả mà không hề thắc mắc.

Cô hay đến làm vườn cho bố mẹ tôi. Khi làm cỏ, khi  xới xáo. Lúc đánh phân lợn từ chuồng ra thành đống rồi bốc bùn dưới ao nhào với rơm trát để ủ mục bón cây...

Bố mẹ tôi chỉ thuê cô Thoan làm vườn vì cô chịu khó, cẩn thận và điều quan trọng, cô không có tính tắt mắt. Vườn đầy hoa quả, mùa nào thức ấy nhưng cô không đụng. Bố mẹ tôi rất ghét thói ăn cắp. Cần, hỏi xin, các cụ cho. Các cụ đâu keo kiệt. Đã có người đến xin rau thơm về ăn thịt vịt, vặt trộm mấy quả chanh quả ớt để dưới rổ rau thơm, bố tôi biết, cụ không nói nhưng lần sau người ấy xin rau thơm, cụ không cho nữa.

Cô Thoan đứng giữa vườn cây trái, cam quất, những cành táo lai trĩu quả, những quả trứng gà chín vàng, hẳn cũng muốn ăn hoặc hái đem về cho lũ con ở nhà, nhưng cô biết rằng không nên ăn cắp. Cô im lặng làm, không trò chuyện, không nghỉ ngơi, thỉnh thoảng mới đi về phía chum nước mưa đặt bên gốc cau, cầm gáo dừa múc nước im lặng uống một hơi. Cô đi lại trong vườn, xiêu xiêu lệch lệch.

Cái đầu cô Thoan lắc lư. Tất nhiên lũ con tôi hát rất khẽ và bao giờ cũng bị mẹ tôi mắng:
- Cha bố chúng mày. Cô ấy nghe thấy thì... Ai lại nói người ta thế bao giờ không?

Cô Thoan thích làm cho bố mẹ tôi. Được tiền công đã hẳn. Còn được ăn no. Cơm độn mì, thứ mì chúng tôi đong theo tiêu chuẩn, tý tép, đĩa rau luộc, đĩa cá kho... Với cô như thế đã là đại tiệc. Cô ăn rất ý tứ. Nhưng cứ nhìn cái cách cô buông bát, cách cô lấy đũa cả vun vun chỗ cơm còn lại ở đáy nồi, cũng đủ biết cô đang thực hiện câu châm ngôn Pháp khi ăn uống: Phải rời bàn ăn khi vẫn còn một chút thòm thèm.

Thỉnh thoảng đến nhà tôi làm, cô còn dắt theo một đứa con gái. Khi là cái Vân mà cô vẫn gọi là cái Tý Con. Khi là cái Thơ còn có tên là cái Tý Rẫu. Chắc cô muốn chúng cũng được một bữa cơm no có cá có tép. Cô ăn và nhìn con ăn. Thấy con bé ăn cơm không, cô gắp thức ăn cho nó. Cô giằng bát của nó:
- Đưa bát đây bu trộn cho. 

Cái Tý Con và cái Tý Rẫu xuýt xoát bằng nhau. Chúng giống nhau ở mái tóc đỏ hoe dựng đứng, khuôn mặt nhem nhuốc và vẻ sợ hãi tất cả mọi người. Chúng cóc cáy còi cọc tanh tưởi đến nỗi vợ tôi phải bảo cô:
- Còn nước bồ kếp đấy, tý nữa gội đầu cho con bé con đi.

Một hôm nhà tôi có giỗ. Theo lời dặn của bố mẹ tôi, cô Thoan đến sớm, vo gạo đãi đỗ, rửa rau... Cỗ ở nhà quê nhất là thời gian hợp tác trước đây thường đơn giản nhưng cỗ ở nhà tôi được tiếng là khá hơn. Có gì đâu. Gạo nếp là thứ quý hiếm lắm thì anh chị tôi bao giờ cũng chuẩn bị sẵn, tất nhiên chẳng đào đâu ra nếp cái hoa vàng, nhưng cũng là loại nếp ngon, và căn bản là nhiều đỗ xanh. (Đĩa xôi thời đó thật danh giá. Chú em họ tôi cưới vợ cho con trai, làm hàng chục mâm mà chỉ có một đĩa cơm nếp đặt trên bàn thờ - nghĩa là trên nóc tủ li. Mâm chúng tôi, khách ở phố về là thượng khách được ngồi ngay ở xa-lông cạnh đấy. Chúng tôi cứ thò tay lên bàn thờ, vụng trộm véo cơm nếp, véo cháy nhắm rượu). Rồi đến mấy con gà giò nuôi cách giỗ vài tháng. Và chúng tôi ở phố về, thế nào cũng có cân giò lụa, cân chả quế.

Bữa ấy hình như cô Thoan thả lỏng mình, không thực hiện câu châm ngôn Pháp về ăn uống. Ba mẹ con cô quây quần tíu tít (cái Tý Con và cái Tý Rẫu đến nhà tôi vào lúc nửa buổi, chúng chơi ở đầu sân và ngơ ngác nhìn khách khứa ra vào). Chúng tôi ngồi uống rượu. Xôi. Cơm. Thịt lợn. Thịt gà. Giò. Ninh. Chả. Nộm...
Giữa bữa cô Thoan đi ra ngoài. Lát sau lại trở vào ăn tiếp. Thực ra chẳng ai để ý đến việc đó, nhưng đến chiều, sau khi khách khứa ai về nhà nấy, bát đĩa đã rửa xong, mấy mẹ con cô Thoan cũng đã về có mang theo đĩa xôi và mấy miếng giò lấy phần cho lũ trẻ ở nhà, chị dâu cả tôi vừa cười vừa nói:
- Cô Thoan rõ khổ. Ăn no quá, ra đằng sau nôn rồi lại vào ăn tiếp.

Tôi thấy nhói trong lòng. Vậy mà trước đây cô cũng con ông chánh, ông bá vào loại giầu có trong làng. Nhà cô kín cổng cao tường, cơm trắng cá ngon.

Cũng như nhiều nơi khác, cái hợp tác xã quê tôi đã tiến lên qui mô toàn xã, nghĩa là ban chủ nhiệm ở một nơi nào đó vời vợi cao xa, cái đói càng trở nên gay gắt và cụ thể. Xã viên sợ ruộng, sợ đi làm. Mỗi công không được xu nào mà còn phải nộp thêm cho hợp tác ba lạng thóc! Tấc đất tấc vàng, đất đai ở vùng tôi quý lắm. 
Các nơi phá xiềng ba sào chứ bình quân mỗi người quê tôi chỉ hơn sào ruộng. Thế nhưng ruộng hợp tác bỏ hoá. Dân tình sợ ruộng, nhao ra phố ăn xin. Xã không có cách nào giữ người ở lại để làm cỏ bón phân, chăm bón cho số lúa đã cấy, đành phải họp bộ tứ xét duyệt cho từng đợt đi ăn xin, như vậy có tổ chức hơn, chấm dứt được tình trạng ăn xin tự phát và cơ bản là vẫn bảo đảm số người ở nhà chăm bón lúa. Cô Thoan dắt hai đứa con gái, cái Tý Con và cái Tý Rẫu ra phố ngay trong đợt bình xét đầu tiên.

Thật may cho bố mẹ tôi. Các cụ vẫn gọ gẵng được vì còn có cái vườn. Cái vườn ông bà nội tôi để lại. Cau, ớt, chanh, trầu không, dọc mùng, dừa, chuối. Ba cây bưởi và vườn quất thừa đủ các cụ lo cái Tết, lại còn đong thêm được vài thúng thóc nữa. Không có mảnh vườn hẳn bố mẹ tôi lâm nguy. Mấy đứa con cán bộ công nhân viên chúng tôi chẳng thể giúp gì được ngoài việc tống con về cho ông bà nuôi trong những ngày chiến tranh bắn phá. Chúng tôi biết mảnh vườn này là một khe hở trong quá trình hợp tác hoá. Nó sẽ được trám lại bất cứ lúc nào. Điều chúng tôi lo thực sự là sẽ di dân lên núi, sắp xếp lại giang sơn, cải tạo lại cơ bản tình trạng manh mún của nông nghiệp, chấm dứt một đêm dài nông thôn sản xuất nhỏ, “bởi vì ngay bọn tư bản chúng nó cũng sản xuất lớn nữa là chúng ta...” Chúng tôi lo bởi vì ở miền Trung người ta bắt đầu thực hiện cuộc cách mạng đó rồi.

Trong khi những tin đồn chưa biến thành hiện thực thì bố mẹ tôi vẫn duy trì được mức sinh hoạt tối thiểu giữa lúc đa số xã viên phải rời làng làm cái nghề nhục nhã: Đi ăn xin.

Sau những cơ đận ấy, thực hiện chủ trương của trên, xã vận động bà con đi xây dựng vùng kinh tế mới. Vợ chồng cô Thoan bán cái túp ở làng, vào Khe Sâu cùng mươi gia đình nữa.

Cô biến mất khỏi sự suy nghĩ của tôi. Cuộc sống vật lộn, mưu toan, lo lắng, hy vọng và thất vọng khiến tôi quên hẳn cô, không nhớ được rằng cô vẫn tồn tại trên cuộc đời này. Các con tôi cũng đã quên hẳn bài hát Cái đầu cô Thoan lắc lư.

Chúng tôi chỉ nhớ lại cô khi cô từ Khe Sâu trở về, mua ngôi nhà của bố mẹ tôi, một ngôi nhà gạch ba gian, lợp ngói Giếng Đáy, với đầy đủ các công trình phụ, bếp, chuồng lợn, nhà tiêu, bể nước mưa. Và hai sào vườn trồng tỉa đẹp như công viên, mùa nào thức ấy. Nghĩa là cô có hàng chục triệu, hàng cây vàng để mua một dinh cơ đẹp nhất làng. Cô Thoan đã hội tụ những điều kiện cơ bản nhất của một khách hàng mà chúng tôi mong đợi. Không chỉ là họ hàng thân thuộc, cô lại có nhiều tiền. Chứ ở vùng quê tôi, người ta nhịn ăn, bòn bán từ quả na, quả ớt, chục trứng, mớ rau khoai lang, đã ai được nhìn thấy vàng, và có lẽ chỉ mấy anh em ông Trương ba đời làm nghề giết lợn mới có tiền triệu trong tay.

Vậy mà cô Thoan bỏ ra những năm cây vàng để mua cơ ngơi ấy, và tất nhiên cô không vét cạn vốn để mua nhà. Người ta nói cô còn nhiều vàng, nhiều lâu la(1) lắm. Hai đứa con gái cô ở Ca-na-đa không biết làm gì mà gửi về cơ man là lâu la. Số người ta may thế. Sang Ma-cà-mông(2) có nửa năm thôi mà đã được đi Ca-na-đa rồi. Các bà già ngồi ở chợ nói với nhau như vậy. Chẳng ai biết số đô - la cô có trong tay nhiều ít, chỉ thấy dạo này cô hay cười hơn. Cô cười mà nét mặt không tươi lên được bao nhiêu. Nó đã định hình rồi. Cặp mắt thảm sầu buồn rười rượi, cái đầu hơi lắc lư, khuôn mặt đầy những vết nhăn choắt lại. Chẳng thể nào xoá được sự đăm chiêu lo lắng trên khuôn mặt ấy như chẳng thể nào tẩy được vết phèn chua mặn trên ống chân bóng như ống đồng của cô. Nó đã ngấm vào xương.


*

Tôi đã toại nguyện.
Mỗi khi có việc về quê, tôi đều tới ngôi nhà của bố mẹ tôi, dù cho giờ đây nó thuộc về chủ mới: Cô Thoan. Tôi lại có thể tha thẩn ngoài vườn, mà tôi cũng thích ở ngoài vườn hơn vì nó ít đổi thay hơn. Bên trong nhà đã khác hoàn toàn. Những tủ li, những tủ đứng, những giường mới, những xa lông...

Buồng trong, chỗ mẹ tôi nằm khi lâm bệnh và trút hơi thở cuối cùng là một hòm gian to tướng mới đóng bằng gỗ xoan. Con chó béc giê giống Nga gầm gừ nhìn tôi với vẻ cảnh giác làm tôi hơi hoảng. Cô Thoan niềm nở mời tôi ngồi xa lông, pha nước chè và bảo thằng con giai út:
- Có thuốc lá không, lấy mời cậu, Toàn.

Thấy tôi nhìn mấy tấm ảnh mầu trên khung kính treo tường, cô lấy ra một tập an bom. Toàn những ảnh cái Tý Con, cái Tý Rẫu. Chúng đã là những phụ nữ xinh đẹp đang ở vào giai đoạn rực rỡ nhất trong một đời người. Cô Thoan giới thiệu từng ảnh. Cái nào chụp ở Ca-na-đa. Cái nào chụp ở Hồng Kông. Đứa nào là Vân tức cái Tý Con, đứa nào là Thơ, tức cái Tý Rẫu. Những bức ảnh đẹp, mầu sắc trung thực với tự nhiên. Những bức ảnh chụp ở Ca-na-đa có phong cảnh thật tuyệt vời. Và quan trọng hơn, những gương mặt người, những dáng người trong ảnh. Người Việt Nam chúng ta chẳng thua kém bất cứ một dân tộc nào trên thế giới.
Cô Thoan chỉ tấm ảnh đứa con gái mặc quần áo gin, ngậm tẩu, đứng tựa lưng vào một gốc cây:
- Con Thơ nó ngậm cái gì đấy hở cậu?

Mãi tôi mới hiểu rằng cô chưa hết lo lắng về cái tẩu ấy và muốn xác minh lại một lần nữa. Có ai nói với cô rằng đó là dụng cụ xài ma tuý. Cái Thơ con cô sang Ca-na-đa đã nghiện ma tuý khiến cô buồn lo, âm thầm khóc cả đêm. Lời xác định của tôi làm cô yên tâm. Có một cái gì đó như nụ cười trên khuôn mặt cô.

Tôi không thể nào nhận ra những đứa cháu họ của tôi. Lần tôi gặp chúng gần nhất cũng đã cách đây hàng chục năm rồi. Những đứa trẻ bẩn thỉu, còi cọc, hôi hám, tanh tưởi. Tóc bù xù. Mắt nhoèn. Mũi thò lò. Ruồi bâu. Quần áo chằng đụp. Vẻ mặt xanh xao sợ sệt, xấu hổ cúi mặt cười cười mỗi khi chúng tôi trêu chòng chúng. Và lời than vãn của cô Thoan:
- Học gì ba năm chưa lên được một lớp. Thế mới bẩu là nghỉ học thôi. Mí lại ai trông em cho. Ai làm cho mà học.

Quả thật chúng đã phải làm khi còn bé tý. Vớt rong. Trông em. Rỡ khoai. Mấy chị em xúm nhau đẩy cái xe cải tiến chở đầy phân trên đường làng gồ ghề...

Giờ đây chúng là những người hiện đại. Những bộ mặt, những nụ cười, những dáng vẻ của người tiêu bằng đô la. Những bậc tiểu thư quyền quý. Những thanh niên vô tư lự trong những buổi pích ních. Và đây chúng đang ngồi sau tay lái chiếc xe Méc-xê-đét đỏ chói...

- Xe con Thoa mới thay đấy. Xe cũ xấu. Bán rồi. Thêm tiền mua xe này. Những bao nhiêu nghìn đô không biết nữa. Con Vân thì tằn tiện. Chứ con Thơ ăn chơi lắm. Đi làm lại mũi, làm lại răng, làm lại mặt rồi.

Tôi cười: “Mỹ viện đó cô ơi”. Và chuyển đề tài khác:
- Em nghe nói chúng nó gửi về cho cô nhiều quần áo đẹp lắm cơ mà...

Thế là cô đưa tôi vào buồng trong, lấy từ trong tủ ra những bộ quần áo nhung, những bộ mút xơ lin, xoa, những chiếc áo len. Tôi cam đoan cái áo lông của cô thì bất kỳ một phụ nữ Việt Nam nào nhìn thấy cũng phải thèm muốn. Tôi lại nhìn cái áo nâu bạc, cái quần đen cũ nhầu cô đang mặc trên người:
- Sao cô không mặc những thứ cháu nó gửi về?

Cô Thoan hiểu rằng tôi đang nói chuyện nghiêm túc. Cô cười:
- Gớm. Ai lại mặc. Rợ chết.

Bao nhiêu lần về quê sau đó, chưa lần nào tôi thấy cô mặc những bộ quần áo mà cô chỉ đem ngắm và đem phơi. Hỏi cô, cô bảo:
- Có mà mặc đi ngủ thôi cậu.

Nhưng tôi cũng thấy bên trong tấm áo nâu của cô ló ra cái cổ áo bằng vải hoa có đăng ten. Tôi không dám hoan nghênh cô, sợ cô ngượng nghịu rồi lại không dám mặc, dù mặc giấu vào bên trong...

Tết năm ấy cái Vân từ Ca-na-đa về thăm gia đình. Tin ấy làm xôn xao cả làng. Càng xôn xao, vẻ mặt cô Thoan càng rầu rĩ. Hình như cô cố che giấu sự vui mừng vì cô cảm thấy mọi người đều cho rằng cô rất sung sướng. Cô không muốn như vậy. Ai nói cô nghèo cô khổ, cô thích, cô nở nụ cười như mếu. Ai nói cô giầu, cô sung sướng, cô sa sầm nét mặt, cô giận người ta, cô cho là chế riễu cô, cô tủi thân cô khóc. Mấy anh em tôi đã mắc sai lầm ấy. Một ngày giỗ bố tôi, cô hái quả bưởi (cây bưởi do bố tôi trồng) đem sang. Thấy cô vào tới sân, tất cả chúng tôi reo lên. Chúng tôi hỏi thăm cô về những đứa con gái cô ở bên ấy có hay gửi đô la về cho cô không, ca ngợi cô bây giờ thì nhất làng rồi, nhà có một kiều đã sướng, đằng này lại những hai kiều...

Thế là nước mắt cô giàn ra không thể nào giữ được. Tất cả chúng tôi phát hoảng lên nhưng đã muộn. Cô đặt quả bưởi lên bàn thờ, đảo qua bếp rồi thừa lúc không ai để ý, cô về nhà. Tới bữa ăn, chúng tôi sang mời cô, nhưng cô nằm trong buồng trong, cạnh cái hòm gian và bảo thằng Toản trả lời mẹ cháu đi vắng.
Bởi vậy nên khi nhận được tin cháu Vân sắp về, chúng tôi chỉ nhấn mạnh niềm vui tinh thần của cô: Sự đoàn tụ.

Năm ấy cực rét. Có lẽ rét ngang với năm 1954, khi chúng tôi tiếp quản Hà Nội. Vào một ngày rét nhất của vụ rét, cả làng nghỉ làm đồng, nhưng cô Thoan vẫn đi cuốc ruộng. Gần trưa cô mới về ghé qua nhà anh tôi, mặt tím lại vì rét. Cô thều thào:
- Cậu Hưng ơi. Cậu xem hộ đầu tôi một tý. Nó làm sao ấy. Chỗ này cứ nhun nhũn.

Cô không thể nào không làm việc, cũng như cô rất thích có nhiều thóc trong nhà. Cái Vân về, bảo cô: 
- Bu cứ đong gạo. Ăn đến đâu đong đến đấy cho nó ngon.

Nhưng cô không thể làm theo lời nó. Cảnh ăn đong làm cô sợ lắm rồi. Cả đời cô chỉ mong thóc đầy nhà, nay cô mới toại nguyện. Cái hòm gian bằng gỗ xoan trong ruột nó chứa đầy thóc.

Trưa mùng 2 tết, tôi sang thăm cô. Nhà vắng, tôi đi rón rén, sợ con chó béc giê xồ ra. Hai gian ngoài không có ai. Tôi nhón qua mấy bước, nhìn vào buồng trong, nơi mẹ tôi ngày trước đã nằm, nơi bây giờ để cái hòm gian bằng gỗ xoan chứa đầy thóc chống đói, những tạ thóc mơ ước của cả đời cô Thoan. Qua cửa sổ tôi thấy bác Văn và cô Thoan đang đứng trước chiếc tủ đứng để mở, hai người cầm một vật gì vàng choé, cái vật đó một đầu như bao diêm, đầu kia xoắn lại như một chiếc kẹo quấn thừng. Tôi chưa thấy một khối vàng to như thế bao giờ đến nỗi không tin ở mắt mình nữa và vội lùi lại đầu sân, hắng giọng:
- Có ai ở nhà không?

Tôi nghe thấy tiếng kẹt của cánh cửa tủ, tiếng khoá tủ và cả hai người bước ra gian giữa đón tôi.

Nội thất nhà cô Thoan hôm nay lại thay đổi. Giường nào cũng trải đệm mút Mỹ. Một cái ti vi mầu 21 inh của Nhật để trên cái tủ li ngay giữa nhà. Cạnh đó là đầu vi đê ô. Bên tủ li lừng lững những chai rượu ngoại. Mác - ten. Ông cụ. Na-pô-lê-ông. Mấy chai vang... Chè ngon. Thuốc lá Đun hin. Những chai rượu kia chắc chỉ để bày, không uống và cũng không tiếp khách. Đã lâu lắm tôi mới gặp bác Văn ở nhà. Bác vẫn cứ phải đi đi về về Khe Sâu, trông nom nhà cửa, thu xếp bán nhà bán trâu trong đó.

- Cậu sang thăm cháu mà cháu lại đi chơi mất rồi. Đi phố. Đi từ sáng cơ.

- Cháu về lâu chưa hở cô?

- Cháu về từ hôm xưa.

- Cháu còn được ở nhà lâu không?

- Còn. Cháu đăng ký rồi. Họ bẩu phải đăng ký ở bao lâu. Quá một ngày phải nộp phạt 5 đồng cơ.

Tôi đoán là 5 đô-la, 5 lâu la theo cách nói của những bà già quê tôi. Và tôi ngờ ngợ khái niệm về thời gian trong cô cũng mù mờ như những tiếng hôm xưa, hôm nay cô nói.

Tôi hỏi công việc các cháu làm ở Ca na đa. Câu trả lời thật bất ngờ:
- Nó sang đào giun ở bên đấy. Thế mới bẩu giun làm gì mà đắt thế. Giun ở bên ta thì đầy.

Ông anh rể ít nói của tôi cũng góp chuyện, vẻ phấn khởi:
- Giun bán cho người ta đi câu cậu ạ. Các cháu đang bàn nhau đón tôi sang chơi bên ấy.

Cô Thoan cười:
- Ngày nào chúng nó cũng đào thêm một ống bơ giun. Chúng bẩu: Bơ này để mời bố sang mát xoa đây. Mát xoa là cái gì hở cậu?


Tôi giảng cho cô về sự xoa bóp và đe cô:
- Bác giai sang đấy bọn đầm mắt xanh mỏ đỏ nó không để cho bác về đâu. Gay lắm đấy.

Cô cười:
- Gớm. Người giả xằng thế ai lấy.

Chúng tôi cùng cười.
Thấy tôi nhìn những tấm nệm, những chăn len cứ sáng rực cả nhà lên, cô Thoan giải thích:
- Con Vân mới mua đấy. Mang những mấy trăm đô đi Phòng sắm. Về được ba hôm là đi ngay. Nó bẩu chả ở đâu mua sắm thích như ở ta. Mấy trăm đô mà được bao nhiêu thứ. Thế mới bẩu mua gì mà lắm thế cho nó tốn tiền. Đệm thì khổ lắm cậu ơi. Tôi nằm đau hết mình mẩy. Suốt đêm không ngủ. Nó bẩu: Bu cứ nằm rồi sẽ quen. Tôi nằm mãi mà không quen. Ê ẩm hết cả người. Giường tôi, tôi phải bỏ đệm ra rồi.

Khi tôi đứng dậy ra về, cô bảo bác Văn:
- Con Vân nó bảo biếu cậu bao thuốc cậu hút Tết. Bố nó lấy cho cậu.

Chỉ vì bao thuốc ấy tôi bị một phen ngượng chín người. Thuốc lá để ngay trong ngăn cánh gỗ tủ li thôi. Mà không mở được.

Bác Văn cầm một vốc chìa khoá. Tra. Vặn. Hết cái nọ đến cái kia. Lại lẩm bẩm một mình: “Đúng cái này mà. Sao lại... Hay là không phải...” Tôi ngồi. Chờ đợi. Bao thuốc lá ngoại quý thật đấy, nhưng cái máu sĩ của tôi cũng mạnh lắm.

Tôi im lặng chờ. Chẳng lẽ lại khơi mào một câu chuyện mới. Không tiện. Vì cánh tủ có thể mở bất kì lúc nào. Cô Thoan càu nhàu:
- Cái nào thì đánh dấu nó vào. Ông còn không mở được, tôi biết mở làm sao.

Phải đến mười lăm phút sau mới thấy tiếng "tách" quen thuộc. Cánh tủ mở. Bác Văn lấy ra một cây thuốc Đun hin đã bóc và đưa cho tôi một bao:
- Quà của cháu Vân biếu cậu.


*


Như bạn đọc thấy đó, nhờ có cô Thoan, tôi là một người hạnh phúc. Tôi vẫn được trở lại thiên đường đã mất của tôi. Nhưng cái gì tốt đẹp quá thì làm sao bền được. Chưa đầy ba năm sau tôi đã không thể bước chân vào đấy được nữa. Mỗi khi có việc về quê, đúng như tôi lo sợ, tôi chỉ đứng ở vườn anh tôi, nhìn sang ngôi nhà, mảnh vườn trước đây của bố mẹ tôi, hiểu rằng một thế giới đã vĩnh viễn mất rồi.

Một người khác đã đến ở đấy. Một người làm lò vôi ở làng bên, hoàn toàn xa lạ.

Bác Văn đã sang ở hẳn bên Ca-na-đa, do mấy đứa con gái bảo lãnh. Rồi đến lượt bác, bác bảo lãnh cho thằng Toản sang. Tất cả sang đào giun bên ấy. Hai đứa lớn đã có vợ con, không sang được thì xây nhà ở phố huyện bằng tiền của hai cô em gái gửi về.

Còn cô Thoan, tội nghiệp cô. Cô đã mất sau một trận cảm nhập lý. Hôm ấy mưa to. Từ Đồng Tép cô chạy về không kịp. Mưa ngấm cái lạnh vào người... Ai cũng thương cô đến lúc sướng thì không được hưởng.
Cánh thanh niên càng thương cô vì trong lúc tỉnh táo trước khi chết, cô nhất định hất cái chăn Mỹ giá hai trăm đô ra, bắt mọi người đắp cho cái chăn can cũ. Và cô đòi ăn khoai khô nấu với đỗ đen, nắm lại bằng mo cau.
Tôi ra mộ cô thắp mấy nén nhang. Lại một lần đối mặt với vô cùng. Bỗng nhiên nghĩ rằng mình có thể trở thành nhà triết học.

Trại sáng tác Hải Phòng1993

(1)đô la  
(2)Hồng Kông
nguồn:http://www.diendantheky.net/2012/08/bui-ngoc-tan-nguoi-mua-nha-cua-bo-me-toi.html?utm_source=BP_recent
--------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001