Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Mỹ chỉ trích âm mưu "chia để trị" của Trung Quốc tại Biển Đông
Theo Hoa Kỳ, chuyến đi gần đây của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì là nhằm chia rẽ các nước Đông Nam Á (Reuters)
Theo Hoa Kỳ, chuyến đi gần đây của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì là nhằm chia rẽ các nước Đông Nam Á (Reuters)

Trọng Nghĩa
Khẩu chiến giữa Washington và Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông tiếp diễn. Vào hôm qua, 14/08/2012, Mỹ lại lên tiếng đả kích Trung Quốc – dù không nêu đích danh – về âm mưu được gọi là « chia rẽ và chinh phục » (divide and conquer) tại Biển Đông. Theo bộ Ngoại giao Mỹ, chỉ có đàm phán đa phương mới hữu hiệu trong việc giải quyết tranh chấp giữa các bên.

Trong buổi họp báo thường kỳ tại Washington, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Victoria Nuland, khi được hỏi về chuyến đi mới đây của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì qua ba nước Indonesia, Malaysia và Brunei, đã cho rằng « một cố gắng nhằm chia rẽ và chinh phục và kết thúc bằng một tình trạng cạnh tranh với nhau giữa các nước tranh chấp sẽ không đi đến được nơi mà chúng ta cần đến ». 
Tuyên bố nói trên được cho là một lời cảnh báo nhắm vào Bắc Kinh là không nên lợi dụng các cuộc đàm phán song phương để chia rẽ các nước đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông để dễ thống trị. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ đã nhắc lại quan điểm của Washington, ủng hộ một hướng tiếp cận đa phương.
Theo bà Victoria Nuland, quả thực là cần phải có nói chuyện song phương để củng cố một cuộc đàm phán đa phương, thế nhưng, vấn đề Biển Đông không thể « được giải quyết thông qua một loạt các cuộc tiếp xúc song phương ». Đối với phía Mỹ, vào thời điểm chung cuộc, « tất cả các bên tranh chấp, tất cả các bên liên quan, sẽ phải ngồi chung trong một phòng hội nghị để tiến tới một bộ quy tắc ứng xử ». 
Trung Quốc và 4 nước Đông Nam Á trong khối ASEAN (Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam) đang tranh chấp chủ quyền tại vùng Biển Đông. Trong thời gian gần đây, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã tố cáo Trung Quốc có các hành vi gây hấn, làm tình hình căng thẳng. Tuy nhiên, tại Hội nghị ở Phnom Penh hồi tháng Bảy vừa qua, các Ngoại trưởng ASEAN đã thất bại trong việc đề ra một hướng giải quyết chung do bất đồng trong nội bộ. 
Là phía đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, Bắc Kinh luôn luôn gạt bỏ các đề nghị giải quyết tranh chấp một cách đa phương, và tìm cách áp đặt phương thức đàm phán tay đôi với từng nước một, mà theo đa số các nhà phân tích, sẽ cho phép Bắc Kinh bắt chẹt các nước Đông Nam Á yếu hơn mình. 
Các tuyên bố gián tiếp chỉ trích Trung Quốc của phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra gần hai tuần sau bản thông cáo về Biển Đông của phó phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ ngày 03/08 vừa qua, chỉ trích việc Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" và đặt đơn vị quân sự đồn trú ở đấy, làm cho tình hình Biển Đông căng thẳng thêm lên. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng dữ dội trước bản tuyên bố này, trong lúc báo chí Trung Quốc liên tục tố cáo Hoa Kỳ gieo mầm chia rẽ ở vùng Biển Đông.
nguồn:http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120815-my-chi-trich-am-muu-chia-de-tri-cua-trung-quoc-tai-bien-dong
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Hoa Kỳ: TQ đừng chia rẽ để rồi xâm chiếm Đông Nam Á châu

Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ bảy, ngày 18 tháng tám năm 2012

Hoa Kỳ nói với Trung Quốc: Đừng chia rẽ để xâm chiếm Đông Nam Á châu

(Washington) – Trung Quốc không nên dùng những cuộc đàm phán song phương để “chia rẽ và xâm chiếm” các nước đang có tranh chấp lãnh hải với mình ở vùng biển Nam Hải, Hoa Kỳ nói.

Lời tuyên bố của nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bà Victoria Nuland xảy ra sau cuộc viếng thăm hai nước nằm trong khối ASEAN là Mã Lai Á và Brunei của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc ông Yang Jiechi.

Bà Nuland không đề cập đến chuyện Hoa Kỳ có ý ngờ ý định của Bắc kinh trong những cuộc đàm phán này. Cuộc họp của khối ASEAN tháng rồi chấm dứt trong chua cay về biển Nam Hải, khi nước chủ nhà là Cam-Bốt, một đồng minh gần gũi với Trung Quốc, đã từ chối ký vào bản thông cáo chung mà Việt Nam và Phi Luật Tân muốn có, đề cập đến sự tranh chấp riêng rẽ giữa hai nước với Trung Quốc.

“Điều chúng tôi quan tâm nhất trong lúc này là mối căng thẳng đang gia tăng giữa các nước liên quan và chúng tôi muốn thấy một sự cam kết để có được một thỏa hiệp đáp ứng được nhu cầu cho tất cả mọi phía,” bà Nuland nói ở một cuộc họp báo ở Hoa Thạnh Đốn.

Hoa Kỳ nói với Trung Quốc: Đừng chia rẽ để xâm chiếm Đông Nam Á châu. Nguồn hình: Onthenet
Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng gia tăng sự xung đột về vấn đề này. Hôm đầu tháng, Hoa Kỳ lên tiếng chỉ trích việc thành lập một đơn vị đồn trú và một chính quyền tự trị của một hòn đảo xa xôi trong vùng biển Nam Hải trong lúc có cơ nguy cho một sự gia tăng tính căng thẳng trong vùng.

Trung Quốc đã phản bác điều này, hôm 13 tháng Tám, thông tấn xã nhà nước Trung Quốc là Xinhua đã cho đăng một bài xã luận chỉ trích các nước phương Tây “đánh cuộc về một Á châu bị chia rẽ” vì sức mạnh kinh tế của vùng này trong lúc nền kinh tế của chính họ (DCVOnline : các nước phương Tây) đang suy yếu.

Bà Nuland nói là Hoa Kỳ đang khẩn thiết kêu gọi khối ASEAN và Trung Quốc cùng làm việc để có một nguyên tắc ứng xử ở biển Nam Hải, là nơi có nhiều thủy lộ bận rộn nhất trên thế giới và người ta tin là giàu chất khoáng sản nằm trong lòng biển.

Bà nói là quan hệ ngoại giao song phương để đưa đến một sự thỏa thuận đa phương là điều tốt đẹp, “nhưng nỗ lực chia rẽ và xâm chiếm và rồi chấm dứt ở một tình trạng cạnh tranh giữa các nước đều cho mình có chủ quyền thì sẽ không đạt được đến điều mình cần đạt đến.”

Trung Quốc xưa này cho rằng họ muốn giải quyết việc tranh chấp này một cách song phương, hơn là đa phương, mặc dù trong cuộc ghé lại Nam Dương trước lúc ghé thăm Mã Lai Á và Brunei, bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng bày tỏ sự mong muốn “trên căn bản của sự đồng thuận” nhằm làm hướng đến sự chấp thuận cuối cùng cho một nguyên tắc ứng xử.

Nguồn:
The Associated Press (AP)
 
© DCVOnline
nguồn:http://www.tintuchangngay.org/2012/08/hoa-ky-tq-ung-chia-re-e-roi-xam-chiem.html
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001