Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

Phục vụ kém, Hà Nội không có văn hóa tiền ‘bo’’
Thứ sáu, 03/08/2012 07:56

"Những người làm nghề phục vụ ở Hà Nội họ không coi đó là một nghề. Trong suy nghĩ, họ luôn thấy nhục vì phải phục vụ người khác...", anh H. nhận định.


Anh T.Q.H (ông chủ của chuỗi nhà hàng từ Bắc vào Nam khá nổi tiếng hiện nay) thừa nhận: "Ở Hà Nội, nhân viên đi làm trong các nhà hàng không bao giờ coi đó là một nghề mà người ta chỉ coi đó là một việc làm tạm thời, làm thêm. Việc phục vụ người khác là một việc gì đó họ cho là nhục nên không bao giờ bỏ qua được cái sĩ diện cá nhân hết lòng với khách, chăm sóc khách của nhà hàng như khách của mình".


Mong muốn chia sẻ quan điểm của mình nhưng anh H. xin giấu tên với lý do, đôi khi nhà hàng của anh cũng để xảy ra nhiều thiếu sót với khách.


Thời nay khách hàng là nữ hoàng, nhân viên là thượng đế


Nhiều năm bôn ba khắp nơi để tìm hiểu về việc kinh doanh nhà hàng, anh H. chia sẻ: “nhiều người nghĩ kinh doanh nhà hàng đơn giản chỉ cần nấu những món ăn ngon thôi. Nhưng không phải như vậy, khách hàng đến nhà hàng là để hưởng cả dịch vụ của chính nhà hàng mang lại nữa”.


Anh H. thấy buồn vì cảnh nhân viên nhà hàng la mắng khách.


“Tôi thường trò chuyện với nhân viên của mình là coi khách hàng như nữ hoàng. Câu "khách hàng là thượng đế" chỉ đúng với ngày xưa thôi. Thời bây giờ, mọi khách hàng đều là nữ hoàng và chính nhân viên là thượng đế. Nhân viên là người quyết định, mời chào khách lần sau có muốn quay lại nữa hay không. Nếu nhân viên làm tồi thì khách sẽ chẳng bao giờ quay lại nhà hàng của mình lần thứ hai. Tôi phải dạy nhân viên nghĩ rằng khách hàng mới chính là người trả lương cho mình chứ không phải là ông chủ nhà hàng trả lương cho mình” – anh H. tâm sự.


Trao đổi về chuyện “bún mắng, cháo chửi” anh H. cho rằng, đôi khi khách hàng cũng có cái sai nhưng trong mọi tình huống mình luôn nhận cái sai về mình thì khách sẽ nể.


“Nếu là tôi, trước tiên tôi phải sa thải ngay quản lý và các nhân viên đó, trực tiếp xin lỗi khách hàng đó cũng như tất cả các khách hàng đã đến với nhà hàng và xin được một cơ hội làm lại. Tôi không ngần ngại lên tiếng xin một cơ hội được sửa sai, được phục vụ khách. Đối với ngành phục vụ, câu xin lỗi luôn ở cửa miệng”.


Trước khi quyết định mở một nhà hàng cho mình, bản thân anh H. cũng đã từng trải qua rất nhiều nghề từ đầu bếp, phụ bàn ở trong nước và cả nước ngoài. Anh chỉ muốn tìm cho mình một kinh nghiệm làm giàu. Kinh nghiệm đó với anh chính là một phong cách phục vụ tốt nhất.

Vì sao Hà Nội thiếu văn hóa “bo”

Ở Sài Gòn, làm phục vụ trong nhà hàng, quán café người ta coi đó là một nghề kiếm cơm, mang lại cuộc sống cho họ nên họ làm nhiệt tình. Họ chăm sóc khách hàng như khách của chính gia đình mình vậy.


Anh H. nhớ “tôi đã từng đi dép lê, mặc quần áo lếch thếch vào một nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn nhưng tôi không hề bị đối xử như một người không có tiền. Một cốc café chỉ 20 nghìn đồng tôi vẫn được chăm sóc không khác gì những người ăn mặc đồ hiệu sang trọng.


Nước đá, nước trà họ luôn mang tới dù mình không gọi. Chính vì cách phục vụ như thế mà ở Sài Gòn có văn hóa "bo" (hay boa là tiền tip, tiền thưởng thêm cho nhân viên để tỏ sự hài lòng của khách về việc được phục vụ chu đáo). Đến nơi mình được phục vụ, được chăm sóc như người nhà thì lần sau không ai nỡ từ chối không đến lần hai và không ai tiếc một chút tiền tặng lại cho nhân viên đó cả”.


Ở Sài Gòn khách hàng được coi như nữ hoàng.


Còn ở Hà Nội thì khác, khách nào mặc một chiếc áo cũ kỹ, dép lê vào nhà hàng sang trọng khách sẽ bị nhân viên mắt tròn mắt dẹt nhìn bạn cho đến khi khách ngồi vào bàn. Thậm chí, người ta còn chẳng thiết tha gì chăm sóc nước non, mời khách. Bởi họ sợ khách đó không có tiền. Trong thâm tâm của những người đó nhà hàng phân chia đẳng cấp thượng lưu, trung lưu và hạ lưu và nơi này chỉ dành cho những người thượng lưu.


Một người đi xe đạp và một người đi xe SH cùng vào quán cà phê ở Hà Nội, chắc chắn từ nhân viên bảo vệ cho đến nhân viên lễ tân đều nhiệt tình mời gọi người đi xe SH. Khách đi xe đạp thì tự dắt xe vào chỗ nào đó. Bảo vệ cũng không đón xe từ ngoài.


Anh H. cho rằng khách đến nhà hàng cũng như khách đến chính nhà của chúng ta. “Nếu chúng ta tiếp khách nhiệt tình, cởi mở thì lần sau người ta sẽ ghé lại thăm chúng ta lần nữa và sẽ có quà. Khách đến chúng ta kiêu ngạo, lạnh lùng thì không bao giờ người ta đến lần thứ hai. Đó là phương châm kinh doanh của tôi. Tôi cố gắng dạy cho nhân viên của mình học được phong cách đó”, anh H kết luận.
Theo Báo Giáo Dục Việt Nam 
nguồn:http://2sao.vn/p0c1048n20120803080018834/phuc-vu-kem-ha-noi-khong-co-van-hoa-tien-%E2%80%98bo%E2%80%99%E2%80%99.vnn
--------------------------------------------------------------------------------
Quán 'ăn mắng' ở Sài Gòn

"Đi với giai đẹp mà khó tính thế ai chịu được... muốn chỗ sạch thì leo lên nóc nhà mà ngồi", bà chủ quán thịt cầy trên đường Trần Não (quận 2, TP HCM) văng tục và mắng cô gái vừa hỏi có chỗ ngồi nào sạch sẽ hơn không.

Vừa bước vào quán đã nghe những lời chói tai của bà chủ, nữ thực khách là dân Sài Gòn gốc cảm thấy sốc, tức giận định bỏ về. Người bạn trai đi cùng cô níu tay bảo: "Tính bà ấy vậy ở đây ai mà chẳng biết, miệng chửi bậy bạ vậy chứ trong lòng chẳng nghĩ gì đâu".
Chàng trai phải mất vài phút giải thích về văn hóa "chửi" làm nên thương hiệu của quán thịt cầy Hải Phòng ở khu Trần Não này, cô gái mới nguôi giận. Cả hai sau đó cố gắng tìm cho mình một chỗ ngồi nép sâu vào góc quán chật chội.
Bà chủ quán "thịt cầy chửi" (áo đen chấm bi) mở miệng ra là chửi tục nhưng nhiều vị khách thích ghẹo để được nghe bà nói. Ảnh: Thi Trân.
Từ trung tâm thành phố đi qua khỏi cầu Sài Gòn rồi rẽ phải vào đường Trần Não hỏi quán thịt cầy chặt này, nhiều người biết. Bà chủ quán nổi tiếng "chửi thề ngọt như chuối", thường quát nạt khách nhưng dường như tối nào quán này cũng đông đến nỗi các bàn nhậu phải kê sát lưng nhau mới có chỗ ngồi. Thực khách chủ yếu là nam, song cũng có một số phụ nữ đi cùng bạn bè, người thân đến đây.
Bà chủ quán quê Hải Phòng tên Trang, trạc tuổi 40, dáng người phốp pháp, giọng nói sang sảng. Tối đến bà vừa bán hàng vừa đi từng bàn cụng ly với khách và cười nói oang oang. Mỗi lần bà mở miệng lại đệm câu chửi thề rất tự nhiên.
Anh Tùng, một khách quen ở đây cho biết, số lượng quán thịt cầy chặt chính hiệu ở TP HCM không nhiều, đặc biệt những quán vừa ngon, nhiều món lại chế biến đúng vị như bà chủ này làm thì hiếm.
"Ăn ngon và nghe chửi là lý do khách đến đây ăn khá đông. Với lại đến đây đa phần là đàn ông ai thèm chấp phụ nữ. Bà ấy nói gì thì nói, mình ăn ngon là được", chàng thanh niên quê Bắc Giang đánh giá.
  
 
Tại TP HCM, trung tâm kinh tế văn hóa phồn thịnh của phía Nam, nơi chất lượng dịch vụ luôn được chú trọng với tâm thế "khách hàng là thượng đế", thì sự tồn tại của những quán chửi như thế này khiến nhiều người ngạc nhiên. Thậm chí những nơi này nhờ "chửi" mà trở nên nổi tiếng.
Gần đây, sinh viên làng đại học Thủ Đức thường kháo nhau về quán sinh tố "chửi" ở gần cổng ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM. Không biết tên thật của quán nhưng nó nổi tiếng đến nỗi nhiều bạn trẻ bảo "ở làng đại học mà chưa uống sinh tố chửi thì giống như đời sinh viên không biết mùi vị của mì tôm".
Hội ủng hộ quán
Hội ủng hộ quán "Sinh tố chửi" trên Facebook thu hút hàng nghìn thành viên tham gia. Ảnh chụp màn hình.
Thậm chí người hâm mộ còn lập cả một hội "Sinh tố chửi" trên Facebook với các thành viên tự giới thiệu là "những người ghét bị chửi nhưng vẫn thích uống sinh tố cô Chửi". Chủ hội này còn thường xuyên cập nhật thông tin về những món mới ở quán, còn các thành viên thì vào đây để viết nên những "kỷ niệm đau thương khó quên" với bà chủ quán.
Chủ quán tên Dung rất hay chửi bới khách đến đây ăn uống chỉ vì những lý do vụn vặt. "Khách hỏi món nào bà không bán là y rằng bị chửi 'đui sao không nhìn thực đơn'. Mua một ly sinh tố 10.000 đồng mà đưa tờ 200.000 đồng trở lên là thế nào cũng bị nói sốc", một bạn chia sẻ.
Một nhóm sinh viên ở làng đại học rủ nhau "sinh tố chửi nhé". Vừa đến quán đã nghe bà chủ sa sả: "Mày thấy bao nhiêu người chờ không, đâu phải tao bán cho mỗi mình mày. Muốn nhanh thì đứng đấy mà đợi bưng ra, không thì còn lâu nhá". Chàng sinh viên kia vì ngồi chờ 15 phút vẫn chưa có sinh tố uống nên giục chủ quán, thế là "ăn" chửi.
Chứng kiến cảnh này, Thúy (sinh viên Đại học Kinh tế Luật TP HCM) cho biết đó là chuyện "như cơm bữa" ở đây. Song Thúy phân bua "bà chủ quán hay la lối nhưng vì sinh tố ở đây ngon mà giá lại rẻ nên sinh viên vẫn ngồi".
Đặng (sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) kể, người lần đầu tiên đến đây ăn sinh tố dễ bị "sốc". Cũng vì bà chủ quán tính tình thất thường nên sinh viên gọi bà với biệt danh là "cô Khùng" hoặc "cô Chửi".
Trên Facebook, các thành viên hội này còn chế truyện tranh Doreamon về bà chủ quán sinh tố chửi. Ảnh chụp màn hình.
Mặc dù vậy không ít người lần đầu đến đây ăn đã nghe chửi nên "cạch" luôn đến già. Như chàng trai Lê Anh Tuấn tâm sự trên diễn đàn "Sinh tố chửi": "Ba mẹ sinh mình ra, cho tiền mua sinh tố uống cho khỏe để học, chứ không phải uống sinh tố để nghe chửi".
Thi Trân
* Tên chủ quán đã được thay đổi
nguồn:http://vnexpress.net/gl/doi-song/cau-chuyen-cuoc-song/2012/08/quan-an-mang-o-sai-gon-1/
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001