Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Thư kiến nghị
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam 
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
-------o0o-------

THƯ KIẾN NGHỊ
V/v đề nghị sửa đổi Luật Cán bộ công chức, Nghị định về xử lý kỷ luật đối với công chức.

Kính gửi:    -  Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam.
  -  Toàn thể cán bộ, Đảng viên và nhân dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Trước tiên, với tư cách là một công dân của đất nước, tôi xin gửi lời chào trân trọng và lời tha thiết mong mọi người hãy dành chút thời gian để chia sẻ những suy nghĩ của cá nhân tôi về một vấn đề mà theo tôi là có ý nghĩa trọng đại đối với sự phát triển của đất nước.

Từ ngàn xưa, cha ông ta đã xem trọng câu: Quốc có Quốc pháp, Gia có Gia phong. Bởi lẽ Quốc pháp, Gia phong chính là nền tảng thể hiện ý chí, chủ trương và định hướng vĩ mô để xây dựng và phát triển đất nước nói chung và mỗi gia đình – từng  tế bào của xã hội nói riêng.

Quốc pháp còn là một công cụ quản trị để ràng buộc tất cả mọi công dân của đất nước phải sống và làm việc trong một giới hạn hành vi nhất định, phù hợp với quy luật chung của toàn xã hội, hài hòa giữa hoạt động và lợi ích cá nhân với hoạt động và lợi ích chung của toàn dân tộc.

Với sự trăn trở trước những vấn đề tiêu cực, bất công của xã hội hiện tại, tôi đã buộc phải tìm hiểu một trong những điều Luật quan trọng của Quốc pháp, để rồi thật là bất ngờ khi phát hiện ra một thực trạng hết sức trái quy luật, những điều khoản hết sức vô lý trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành. Trong phạm vi thư này, tôi xin đề cập đến Chương 3 của Nghị định số 34/2011/NĐ-CP: Quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức(chi tiết của Nghị định được trích kèm ở phần dưới).

Với các nội dung ở Chương 3 của Nghị định này, tôi xin tổng hợp thành một quan điểm nổi bật đã được thể hiện như sau:
1- Nghị định này đã chấp nhận duy trì sự tồn tại trong hệ thống công quyền, một số lượng lớn cán bộ công chức có tư cách và đạo đức (thể hiện qua các hành vi đã sai phạm) sau:
 - Có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ;
 -  Gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;
 - Sử dụng trái phép chất ma túy bị cơ quan công an thông báo về cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức đang công tác;
 - Không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng gây ảnh hưởng đến công việc chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền;
 - Sử dụng tài sản công trái pháp luật; Sử dụng thông tin, tài liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị để vụ lợi; Lợi dụng vị trí công tác, cố ý làm trái pháp luật với mục đích vụ lợi;
 - Xác nhận giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện; Cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện; Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng; được dự thi nâng ngạch công chức;
 - Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công tác ở các mức độ nghiêm trọng.
 - Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ.

2- Nghị định này cũng đã chấp nhận duy trì sự tồn tại trong hệ thống công quyền, một số lượng lớn cán bộ lãnh đạo, quản lý có tư cách và đạo đức (thể hiện qua các hành vi đã sai phạm) sau:
 - Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ;
 - Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công, để xảy ra hậu quả ở mức từ nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng;
 - Để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn (có thể là bao che, dung túng hoặc thậm chí  là thỏa hiệp).
 - Vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.
 -  Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ;

Thưa các vị lãnh đạo liêm chính, chí công vô tư và còn trăn trở với trọng trách được giao phó!
Với quan điểm chủ đạo như đã tổng hợp trên thì làm sao các vị có thể xây dựng được một chính Đảng trong sạch, vững mạnh; một Nhà nước pháp quyền chân chính, đủ quyền lực để giữ gìn kỷ cương phép nước; một đội ngũ cán bộ công quyền liêm chính, xứng đáng với vai trò đại diện cho dân, vì dân, những tấm gương tiêu biểu để dân học hỏi, tín nhiệm?
Đến bây giờ tôi mới hiểu vì sao mà các vị buộc phải chọn giải pháp phê bình và tự phê bình, vì sao các vị hoàn toàn lúng túng, “đau đớn” nhìn thực trạng tiêu cực, tham nhũng tràn lan mà lại bất lực không thể làm được gì. Bởi chính các vị đã tự trói chặt tay mình, tự vứt bỏ cái công cụ quản trị cơ bản, tối thiểu và nhất thiết phải có mà nhân dân đã tin tưởng trao cho các vị. Các vị cứ mãi suy nghĩ và hành động theo cảm tính mà quên mất một nguyên tắc quan trọng là: Bất luận là do khách quan hay chủ quan, do vô tình hay cố ý, có hay không việc thành khẩn nhận khuyết điểm và hứa hẹn khắc phục; thương yêu hay ghét bỏ; khi những sai phạm đã vượt qua một giới hạn cho phép nào đó, không còn có thể chấp nhận được thì đều buộc phải loại trừ.
Các vị đại biểu Quốc hội thắc mắc làm gì, chất vấn làm gì với những sai phạm khi chính các vị đã chấp bút soạn thảo và biểu quyết thông qua cái đạo luật mà ở đó, các vị đã chấp nhận sự hình thành, tồn tại và phát triển hiển nhiên của các sai phạm đó. Làm sao các vị có đủ quyền để loại trừ được sự trơ lỳ, sự thất hứa; để buộc các đại diện các ban ngành chức năng phải thực thi tốt nhiệm vụ đã được các vị giao phó khi trong tay các vị chẳng có một quyền lực thực tế nào ngoài những lời đề nghị, chỉ trích không khác gì hình thức năn nỉ?!? Khiển trách là gì? Cảnh cáo, hạ bậc lương là gì khi họ đã cố tình sai phạm? khi hành vi trục lợi, tham nhũng của họ có thể mang lại lợi ích gấp hàng nghìn, hàng triệu lần những tổn thất nhỏ bé kia? Giáng chức là gì? Cách chức là gì khi những khối tài sản tham nhũng khổng lồ (ở mức rất nghiêm trọng) có thể nuôi sống không chỉ bản thân họ mà cả gia đình họ; không chỉ một đời mà có thể đến mấy đời.

Các vị hãy thử nghiền ngẫm lại đi! Nghị định trên là một công cụ pháp quyền đắc lực để răn đe, xử lý sai phạm, giữ gìn kỷ cương hay là một thông điệp khuyến khích cho sai phạm; một “chương trình siêu khuyến mãi” về những mảnh đất màu mỡ cho những hạt giống cường quyền, tham nhũng, nhóm lợi ích… nảy nở, đơm hoa, kết trái; một chất xúc tác hữu hiệu cho quá trình tha hóa đạo đức của đội ngũ cán bộ công quyền?!?
Các vị có là một người cha, người mẹ không? Làm sao các vị có thể kỳ vọng có được những đứa con ngoan khi chính các vị chỉ “khiển trách” hay cắt giảm tiền tiêu (hạ bậc lương) khi con cái các vị đã sử dụng ma túy, gây hiềm khích trong gia đình (mất đoàn kết), trộm cắp tài sản trong nhà (sử dụng tài sản công trái phép), không nghe lời, gian dối với bố mẹ (sử dụng giấy tờ bất hợp pháp), vi phạm đạo đức gia phong, đang bị tù treo??? Các vị đã từng là Giám đốc của một doanh nghiệp, Công ty chưa? đã từng xây dựng quy chế khen thưởng, kỷ luật của đơn vị mình chưa? Làm sao các vị có thể dám duy trì sự tồn tại trong doanh nghiệp của các vị những người gây mất đoàn kết, gian dối và vướng tệ nạn xã hội? Các vị có dám mang tài sản và sự phát triển kinh doanh của doanh nghiệp ra đánh đổi với sự bao dung cho những hành vi vụ lợi, lãng phí, bòn rút… không? Có dám duy trì sự tồn tại trong đon vị mình những cán bộ, nhân viên không chấp hành lệnh, không hoàn thành nhiệm vụ gây hậu quả nghiêm trọng hay những tù nhân đang bị án treo không?!?
Vậy thì tại sao? Tại sao các vị lại chấp nhận sự tồn tại của những thành phần tiêu cực đó trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước và cơ quan công quyền? Các vị quá bảo thủ, trì trệ, xem trọng sự đoàn kết (tiêu cực), tình cảm nội bộ, ứng xử theo cảm tính hay các vị xem nhẹ trọng trách với hàng chục triệu người dân, với tài sản, lợi ích chung của dân tộc? Các vị vô tình, sơ ý do quan điểm hay cố tình thỏa hiệp theo phương châm “khó người khó ta, dễ người dễ ta” để cùng nhau quay lưng, hách dịch, cửa quyền với những  người đang trả lương cho mình; để nhân danh đại diện, vì dân mà trục lợi trên mồ hôi, nước mắt của dân?
Các vị thường chê trách, lên án, trù dập, bắt bớ những người đã bất mãn, bất đồng thậm chí là tỏ ra chống đối sự lãnh đạo của các vị. Nhưng biết làm sao được khi chính các vị đã tạo ra những phản ứng đó, công khai thể hiện sự vô lý và không chịu lắng nghe những ý kiến của người khác. Niềm tin của nhân dân đã trao cho các vị quyền lực để rồi các vị đã sử dụng quyền lực đó để đi ngược lại lợi ích của nhân dân, để đối kháng, để đàn áp và làm hao mòn niềm tin ấy. Có thể các vị đã, đang và sẽ tiếp tục thắng, đã “thống trị” được toàn dân, chế ngự được mọi sự phản kháng nhưng điều quan trọng hơn, đáng trân trọng hơn phải là niềm tin, là sự tự nguyện chứ không phải là sự nhẫn nhịn cam chịu, thậm chí là vô cảm, khinh thường, thưa các vị!

Thưa toàn thể cán bộ, Đảng viên và nhân dân cả nước!

Như tôi đã tổng hợp và phân tích ở phần trên, tôi đã thể hiện quan điểm về sự bất hợp lý của một phần quan trọng trong hệ thống pháp luật hiện hành (tôi cũng chỉ vừa mới có ý định nên chưa có thời gian để tìm hiểu nhiều hơn). Tôi cũng xin lỗi trước để nhắn gửi đến mọi người rằng, nếu có ai chưa từng để ý, tiếp xúc với những tài liệu, văn bản loại này; chưa quen với các khái niệm khen thưởng, kỷ luật thì cách đơn giản nhất là thử tìm hiểu ở ngay trong các văn bản, quy định của các Công ty, doanh nghiệp, nơi mà các vị hoặc người thân, bạn bè các vị đang công tác. Tìm hiểu để biết, để có sự đánh giá trực tiếp với quan điểm mà tôi đã thể hiện trong thư; để so sánh và cảm nhận được sự bất hợp lý, trái quy luật mà tôi đã nhận định. Bằng sự chân thành, tôi rất mong mọi người, kể cả những người đã từng được nhắc đến bằng các cụm từ hơi thiếu thiện cảm là bàng quan và vô cảm.. hãy dành chút thời gian cho việc này. Tuy mức độ liên quan của những vấn đề vĩ mô, đại sự này đối với mỗi người là rất khác nhau, thậm chí không ít người sẽ nghĩ là vô can, là xa vời… nhưng suy cho cùng, đã là công dân của đất nước này thì cũng sẽ chịu sự ảnh hưởng, dù ít hay nhiều, dù trực tiếp hay gián tiếp. Hay dù không suy nghĩ xa vời, không bận tâm nhiều như thế thì ít ra cũng có thể xem là sự đồng cảm, chia sẻ mang tính cộng đồng.
Bản thân tôi cũng vậy, nếu nói về liên quan đến vấn đề quản lý vĩ mô thì tôi xin thành thật khai nhận chỉ thuộc nhóm chịu sự ảnh hưởng ít nhất, xa nhất nếu tránh không muốn dùng từ là không ảnh hưởng. Chỉ hoàn toàn là sự vô tình, là cảm xúc bản năng tự nhiên chứ chưa dám hô hào là trách nhiệm mà tôi đã càng lúc càng quan tâm sâu hơn về những thực trạng xã hội ở phạm vi rất lớn này. Tôi cũng đã muốn buông xuôi, thờ ơ sau khoảnh khắc ngạc nhiên, bàng hoàng với những gì mà theo cảm nhận của tôi là quá bất công, nghịch lý; muốn trốn chạy sau khi kìm nén một tiếng thét thật lớn trong sâu thẳm tiềm thức của mình cho vơi đi cảm giác bất bình (như ở đây). Nhưng rồi, khoảng lặng của một đêm thao thức, trải qua cảm xúc như một sự phản kháng vô thức, sự ước ao tìm được một chút đồng cảm, sẻ chia của mọi người mà tôi đã cố quay đầu lại, định hình những suy nghĩ, chọn lọc những câu từ để gửi gắm đến mọi người những nỗi niềm qua bức tâm thư này.

Vẫn biết là sự trăn trở trong suy nghĩ và ngay cả khi những kiến nghị của tôi là đúng cũng chẳng thay đổi được gì, thậm chí là chưa chắc đã làm xáo động được lương tâm, trách nhiệm của vài người ở cương vị lãnh đạo; vẫn biết là những lời tha thiết và chân thành của tôi chưa chắc đã tìm được sự đồng cảm của cộng đồng, của những công dân nước Việt, thậm chí còn có thể bị hiểu ngược lại, là “chém gió”, là hoang tưởng, viễn vông, là “ôm rơm nặng bụng”… nhưng tôi không lo lắng về những điều đó. Chỉ cần dược thể hiện suy nghĩ của mình cho đỡ bức xúc hay nếu nâng quan điểm lên một tý thì gọi là đỡ áy náy với trách nhiệm của một công dân là tôi đã cảm thấy nhẹ lòng. Nếu còn được nhận một sự đồng cảm, một lời sẻ chia của thêm một người thì lại càng là một niềm vui, niềm an ủi với tôi. Chỉ vậy thôi, với danh phận nhỏ bé, tôi không ao ước gì hơn, bởi tôi và theo tôi nghĩ, cũng có rất nhiều người đã, đang và sẽ mất dần niềm tin vào chính những gì đang diễn ra xung quanh, với những trào lưu mới của một xã hội đã phần nào chịu sự chi phối của quyền lực và vật chất.

Bi quan là vậy, nhưng nếu vẫn còn một chút gì để kỳ vọng, một điều ước được nói ra thì tất nhiên là tôi rất mong được thật nhiều người cùng chia sẻ, cùng nhau góp sức vào một tiếng nói chung; cùng tôi hoặc một công dân nào đó có uy tín và bản lĩnh hơn tôi để đấu tranh cho lẽ phải, cho quyền được sống bình yên trong một xã hội công bằng. Hay lý tưởng hơn, kỳ diệu hơn là chính những vị lãnh đạo có thể ghi nhận những điều kiến nghị, có thể thay đổi dù ít hay nhiều.

Hô hào, vận động, triệu tập sức mạnh đoàn kết toàn dân để chống lại một thực trạng bất công nào đó có thể không khó, cái khó nhất là làm sao để mỗi người nhận ra đâu là đúng, đâu là sai, đâu là mục tiêu chính nghĩa mà nhất thiết cần phải đồng tâm, hiệp lực để đấu tranh. Vì vậy, với bức tâm thư này, tôi chưa nghĩ đến điều gì lớn hơn ngoài mong muốn có càng nhiều càng tốt những người quan tâm đến nhau, quan tâm đến những mối quan hệ xã hội, đến những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường mình đang sống, bao gồm cả những vấn đề vĩ mô của Quốc gia, của hệ thống chính trị, của Đảng lãnh đạo và của nhà nước pháp quyền. Được tôn trọng, tham gia góp ý, chung sức nhau hoàn thiện hay sẽ phải đấu tranh cho sự tiến bộ của xã hội thì càng tốt nhưng trước hết, đơn giản và tối thiểu nhất là để hiểu, để có quan điểm rõ ràng hơn, đồng cảm, chia sẻ hơn cho dù chỉ là để cùng nhau cam chịu sự tồn tại của những nghịch lý, những bất công vẫn từng ngày, từng giờ diễn ra trong cuộc sống của xã hội, của cộng đồng…

Thật quá khó để diễn đạt hết suy nghĩ của mình, đến mức những lời lẽ trên của tôi như đã nặng về tâm sự, chia sẻ hơn là mục đích kiến nghị như đề thư đã nêu. Tuy nhiên, tôi rất mong mọi người không xem lời lẽ, hành văn là quan trọng mà quan trọng nhất là mọi người có thể hiểu và phản hồi quan điểm về tính phù hợp của Nghị định trên, về những nhận định mà tôi đã bày tỏ, bằng cách đơn giản và tế nhị nhất là tham gia vào bảng thăm dò ý kiến kèm theo ở cuối trang. Và tất nhiên là tôi cũng rất mong nhận được nhiều hơn bằng những ý kiến đóng góp trực tiếp cho tôi qua bức thư này.

Xin gửi lời cảm ơn và lời chào trân trọng đến tất cả mọi người!



Trích chương 3- Nghị định số 34/2011/NĐ-CP:
QUY ĐỊNH VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC

Chương 3.
ÁP DỤNG HÌNH THỨC KỶ LUẬT
Điều 8. Các hình thức kỷ luật
1. Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Hạ bậc lương;
d) Buộc thôi việc.
2. Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Hạ bậc lương;
d) Giáng chức;
đ) Cách chức;
e) Buộc thôi việc.
Điều 9. Khiển trách
Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ;
2. Không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng;
3. Gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;
4. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 03 đến dưới 05 ngày làm việc trong một tháng;
5. Sử dụng tài sản công trái pháp luật;
6. Xác nhận giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện;
7. Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công tác.
Điều 10. Cảnh cáo
Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện;
2. Sử dụng thông tin, tài liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị để vụ lợi;
3. Không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền;
4. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng; được dự thi nâng ngạch công chức;
5. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 05 đến dưới 07 ngày làm việc trong một tháng;
6. Sử dụng trái phép chất ma túy bị cơ quan công an thông báo về cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức đang công tác;
7. Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;
8. Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng đã thành khẩn kiểm điểm trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật.
Điều 11. Hạ bậc lương
Hình thức kỷ luật hạ bậc lương áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Không thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao mà không có lý do chính đáng, gây ảnh hưởng đến công việc chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
2. Lợi dụng vị trí công tác, cố ý làm trái pháp luật với mục đích vụ lợi;
3. Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.
Điều 12. Giáng chức
Hình thức kỷ luật giáng chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng;
2. Vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng đã thành khẩn kiểm điểm trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật;
3. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn.
Điều 13. Cách chức
1. Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
a) Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ;
b) Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng;
c) Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ;
d) Vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.
2. Việc áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với công chức giữ các chức danh tư pháp được thực hiện theo quy định của Nghị định này và quy định của pháp luật chuyên ngành.
Điều 14. Buộc thôi việc
Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo;
2. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;
3. Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;
4. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 03 lần liên tiếp;
5. Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.
(hết trích)

Trân trọng mời mọi người tham gia: 

THĂM DÒ Ý KIẾN
  •  Nghiêm khắc.
  •  Bình thường, hợp lý.
  •  Nhẹ so với sai phạm.
  •  Bất hợp lý, quá nhẹ.
  •  Không chấp nhận được vì quá nhẹ.
  •  Phản tác dụng, dung dưỡng sai phạm.
Acepoll
 (Hướng dẫn tham gia ý kiến: Bấm vào nút tròn đằng trước mỗi ý kiến để chọn sau đó bấm vào chữ "Vote" để xác nhận và xem kết quả)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001