Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Đại gia Trầm Bê và dấu ấn ở đất Trà Vinh 


Ông Trầm Bê là người sở hữu dinh thự lớn nhất Trà Vinh. Ở quê nhà, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank còn có pháp danh Tắc Hậu.


Dinh thự của Trầm Bê tại quê nhà Trà Vinh. Ảnh: Thiên Phước
Cách cửa biển Định An khoảng 7 km về hướng Trà Vinh, xã Hàm Tân của huyện Trà Cú (Trà Vinh) mới được tách ra từ xã Hàm Giang cũ. Đây là vùng đất thuần nông, nghèo khó nhưng có chi nhánh của Ngân hàng Phương Nam, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phương Nam, ngôi chùa lớn Vàm Ray (chùa Phật nằm), một dinh thự hoành tráng với vườn tùng bao quanh…
Hình ảnh những dấu ấn của ông Trầm Bê tại quê nhà
Chùa Vàm Ray khánh thành chánh điện năm 2008 do gia đình ông Trầm Bê (pháp danh Tắc Hậu) hỗ trợ, được ghi nhận bằng bảng công đức đặt ngay đường lên chánh điện. Nơi đây còn ghi tên vợ ông với pháp danh Tắc Lượng. Tại một lối khác cũng dẫn lên chánh điện chùa Vàm Ray là bức ảnh lớn của 5 người nhà ông Bê, bên hông khắc tên 3 người con. Những người quá cố trong gia đình cũng được tạc di ảnh lên tường của chùa Vàm Ray.
Trao đổi với phóng viên, ông Liên Phước Thiện, Chủ tịch UBND xã Hàm Tân cho biết ông Bê tuy sống ở TP HCM nhưng rất quan tâm đến địa phương mà cụ thể là hỗ trợ vốn xây dựng chánh điện chùa Vàm Ray, ngoài ra, ông còn hỗ trợ nhiều gia đình khó khăn. “Hương lộ 12 đầu tư trên 5 tỷ đồng, ông Bê cũng đóng góp 20%. Gia đình ông ấy còn mua đất cất nhà cho 250 hộ nghèo trong xã và mỗi năm đều có hỗ trợ 20 tấn gạo cho những gia đình khó khăn”, ông Thiện cho biết thêm.
Tên và pháp danh của vợ chồng Trầm Bê tạc lên tường ngay lối vào chánh điện chùa Vàm Ray ở xã Hàm Tân (Hàm Giang cũ). Ảnh: Thiên Phước
Cạnh chùa Vàm Ray là khu đất rộng khoảng 1 ha trồng tùng có đánh mã số. Đây là đất gốc của cha mẹ Trầm Bê và người phụ nữ lớn tuổi nhất ở đây được hàng xóm gọi là cụ Lệl. Hằng ngày bà cụ ngoài 70 tuổi vẫn đi chùa thắp nhang, dâng cơm cúng Phật. Bà cho biết là chị họ với ông Bê. “Mấy đứa em của tôi ít khi về, các con đi làm thuê hết rồi. Chồng tôi gần 80 tuổi nhưng phải ra đồng mỗi ngày vì không mướn được người làm công ngoài ruộng. Cây cảnh trong vườn do Trầm Bê mang về trồng, giá trị bao nhiêu tôi không rõ”, bà cụ cho biết.
Trong khu đất rộng khoảng 30 ha ở ấp Vàm Ray có mộ cha mẹ ông Bê nên người dân địa phương quen gọi là “nhà mồ”. Tại đây, ngoài tòa nhà 5 tháp nóc hoành tráng nhất Trà Vinh vườn tùng giá trị bao quanh.
Cụ Trầm Phong (80 tuổi) ở ấp Vàm Ray cho biết gia đình bố mẹ ông Trầm Bê vốn không nhiều ruộng đất nhưng chí thú làm ăn nên cuộc sống sung túc. Năm 2009 mẹ ông Trầm Bê qua đời, sau đó một năm thì cha ông mất. Thời điểm này ông Bê bắt đầu xây dựng khu dinh thự, đóng góp tiền của về quê làm ăn, chăm lo cho đồng bào nghèo.
Vườn tùng tại nơi ông Trầm Bê chôn nhau cắt rốn. Ảnh: Thiên Phước
Về sự việc gia đình ông Trầm Bê mới đây báo mất trộm sừng tê giác, người đứng đầu xã Hàm Tân, Liên Phước Thiện, cho biết, việc người thân của ông Bê báo mất sừng tê giác đã được công an xã chuyển lên Công an huyện Trà Cú. Thượng tá Nguyễn Văn Thuyền, Trưởng Công an huyện Trà Cú, cũng nói rằng vụ mất trộm sừng tê giác tại nhà ông Trầm Bê đang được điều tra nhưng chưa có kết quả.
Một người làm công cho biết con tê giác nhồi bông có sừng được ông Bê đưa về dinh thự vào cuối năm 2011. Nhưng thông tin ông Bê bị mất sừng tê giác làm nhiều người nghi ngờ. Ông Thạch Khưa (65 tuổi) nhà ngang cổng chính dinh thự Trầm Bê cho biết nhiều năm nay địa phương này không nghe chuyện trộm cướp dù nhiều nhà ngủ không khóa cửa. “Nhà ông Bê có bảo vệ canh gác ngày đêm thì ai dám vào trộm. Người dân quê quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, có biết con tê giác là gì đâu”, ông Khưa bộc bạch.
Ông Nguyễn Tấn Sự, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Hàm Giang (công ty do ông Bê làm Chủ tịch HĐQT), hiện không cho bất kỳ ai vào dinh thự Trầm Bê với lý do “Công an huyện cấm, đang điều tra sợ mất dấu vết hiện trường”.
Duy Khang
@NgoiSao
nguồn:http://anle20.wordpress.com/2012/10/15/a-61/
======================================================================
Sừng tê nhà Trầm Bê ‘chưa có hồi kết’

Published on October 20, 2012


Chiếc sừng tê được nói là bị trộm từ nhà ông Trầm Bê gần đây.

Việt Nam hoãn k‎ý văn bản luật với Nam Phi nhằm hạn chế nạn săn bắn trộm tê giác trong lúc Bộ Môi trường Nam Phi đặt câu hỏi về chiếc sừng tê bị trộm từ chủ nhân Trầm Bê.
Báo Mail & Guardian của Nam Phi ngày 18/10 có bài nói biên bản ghi nhớ -đã từng được thảo luận giữa hai nước kể từ tháng chín năm ngoái– đáng ra được ký kết tại một hội nghị đa dạng sinh học quốc tế bế mạc vào hôm thứ Sáu tại Hyderabad, Ấn Độ.
Tuy nhiên Bộ Môi trường Nam Phi xác nhận với báo Mail & Guardian tuần này rằng lễ ký kết đã bị tạm hủy, với người phát ngôn Roopa Singh nói rằng bộ trưởng của bộ có chức năng của Việt Nam “không tới để ký được”.
Ông Singh cho biết cuộc thảo luận với phía Việt Nam sẽ tiếp tục với hy vọng biên bản ghi nhớ có thể được ký kết trước cuối năm nay.
Nam Phi thông báo rằng mức độ săn trộm đã tăng đến mức cao kỷ lục, với 455 con tê giác bị giết kể từ đầu năm đến nay, vượt con số của năm ngoái là 448.
Tiến sĩ Jo Shaw – điều phối viên phụ trách tê giác WWF Nam Phi – cho biết cần có “hỗ trợ chính trị từ cấp cao nhất ở Nam Phi” để đảm bảo rằng thỏa thuận cuối cùng sẽ được ký kết và rằng “những câu từ này được chuyển thành hành động thông qua quá trình thực thi pháp chung giữa hai nước”.

Biên bản Ghi nhớ Việt Nam – Nam Phi

Thông báo của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 11/10/2012.
Câu hỏi:Đề nghị cho biết thời điểm và địa điểm ký kết thỏa thuận song phương về chống buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã giữa Việt Nam và Nam Phi?
Trả lời: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Môi trường và Tài nguyên nước của Nam Phi vừa qua đã tiến hành đàm phán và đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục pháp lý để tiến tới ký kết trong thời gian sớm nhất “Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực quản lý đa dạng sinh học và thực thi pháp luật”.
Theo đó, Việt Nam và Nam Phi cam kết nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế trog việc bảo vệ, chống săn bắn, buôn bán và vận chuyển trái phép tất cả các loài động vật hoang dã.
Trong nhiều tháng, Bộ Môi trường Nam Phi đặt hy vọng của mình – một số người nói là viển vông – vào biên bản ghi nhớ với Việt Nam.
Việt Nam là nước đã ký Công ước LHQ về đa dạng sinh học nhưng lại là quốc gia được xem là thị trường tiêu thụ chính cho sừng tê giác.
Tác giả bài báo, Julian Rademeyer mô tả điều ông gọi là Việt Nam dường như miễn cưỡng hợp tác với Nam Phi trong bất kỳ cấp độ nào.
Vào tháng Tư năm nay, Bộ trưởng Môi trường Nam Phi Edna Molewa cho biết đã yêu cầu Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam “tiến hành kiểm tra và xác minh xem sừng tê giác trắng xuất từ Nam Phi sang Việt Nam vẫn còn thuộc sở hữu của những người săn bắn hay không”.
Trong tuần này, người phát ngôn Bộ Môi trường cho biết nhà chức trách Việt Nam vẫn chưa cung cấp cho Nam Phi bất kỳ bằng chứng nào rằng sừng tê giác xuất khẩu sang Việt Nam vẫn còn thuộc sở hữu của chính những thợ săn gốc.
“Nhà chức trách Việt Nam tỏ ‎y rằng họ sẽ chỉ có thể tiến hành thanh tra vào cuối năm 2012,” Bộ trưởng môi trường Edna Molewa nói.
Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 11/10/2012 khẳng định điều họ gọi là đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục pháp lý để tiến tới ký kết trong thời gian sớm nhất “Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực quản lý đa dạng sinh học và thực thi pháp luật”.
“Thợ săn thể thao”
Những tay “thợ săn thể thao” Việt Nam đầu tiên đến Nam Phi là vào năm 2003.
Đến năm 2007, thợ săn Việt khuynh đảo phần lớn thị trường săn bắn tê giác ở Nam Phi.
Làn sóng bắn tê lấy sừng chỉ dừng lại vào đầu năm 2012 sau khi Nam Phi bắt đầu từ chối cấp giấy phép cho các thợ săn Việt Nam trong khi chờ đợi kết quả thanh tra mà Việt Nam hứa sẽ làm.
“Bất kỳ hoạt động nào liên quan đến chiếc sừng mà không trực tiếp [hoặc], dành để sử dụng cá nhân, có thể bị xem là có mục đích thương mại; và một hoạt động thương mại liên quan đến sừng tại nước nhập khẩu là không được phép trong khuôn khổ của Công ước”
Roopa Singh, Người phát ngôn Bộ Môi trường Nam Phi
Traffic, mạng lưới giám sát động vật hoang dã quốc tế, ước tính ít nhất 400 con tê giác đã bị bắn trong các vụ “săn trá hình” từ các đối tượng trung gian (cả nam và nữ) là người Việt.
Hầu hết những người thợ săn đã được thuê vào các tập đoàn dùng mánh lách luật luật săn bắn của Nam Phi để kiếm được sừng tê giác cho các thị trường lậu ở Đông Nam Á.
Sừng tê giác được sử dụng nhiều tại Việt Nam – đặc biệt là những người giàu có – như thần dược cho bách bệnh trong đó có ung thư.
Ngoài ra còn có những bằng chứng là những đại gia mới giàu cũng ưa dùng sừng tê để trị nhức đầu do uống rượu bia quá nhiều cũng như trưng bày sừng tê như biểu tượng của sự thành đạt.
“Ngày nay, hối lộ cho các quan chức được cải trang dưới hình thức không chỉ là món quà, kì nghỉ sang trọng và xe hơi, mà còn là sừng tê giác, mật gấu, hoặc cao hổ”, Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến nói với báo trong nước.
Bài báo liên hệ nạn buôn lậu sừng tê với sự cố trong đó một trong các doanh nhân giàu có nhất ở Việt Nam, ông Trầm Bê, bị trộm vào nhà lấy đi sừng tê trong “thú nhồi bông”.
Ông Trầm Bê khẳng định với báo trong nước rằng ông nhận con tê giác ở dạng quà tặng ngày tân gia cách đây bốn năm và có đầy đủ giấy tờ cần thiết cũng như giấy phép để chứng minh ông là chủ sở hữu hợp pháp con tê giác này.
Tuy nhiên, tờ báo Mail & Guardian cho rằng sự việc không hẳn như thế.

Sử dụng cho cá nhân

Ông Trầm Bê mới đây công bố giấy tờ liên quan tới con tê giác ông được tặng.

Giấy tờ cho thấy con tê giác này bị bắn bởi thợ săn Ngô Thành Nhân từ Tp HCM. Theo ông Singh, Người phát ngôn của Bộ Môi trường Nam Phi thì sừng tê này “có chủ sở hữu hợp pháp là ông Ngô Thành Nhân, người có đứng tên trong giấy phép xuất mà CITES cấp cho ông”.
CITES, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, cả Nam Phi và Việt Nam đều đã ký, quy định về việc buôn bán các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng và bị đe dọa.
“Công ước CITES nói… sừng nên được coi như là một hạng mục để sử dụng cho cá nhân [của thợ săn],” ông Singh nói.
“Bất kỳ hoạt động nào liên quan đến chiếc sừng mà không trực tiếp [hoặc], dành để sử dụng cá nhân, có thể bị xem là có mục đích thương mại; và một hoạt động thương mại liên quan đến sừng tại nước nhập khẩu là không được phép trong khuôn khổ của Công ước”.
“Hoạt động này tuy nhiên phải được thi hành luật pháp tại quốc gia nhập khẩu sừng.”
Nhà chức trách Việt Nam tiếp tục truy lùng kẻ trộm [sừng tê trong nhà ông Trầm Bê], nhưng đã không có nỗ lực để bắt giữ người bị mất cắp, báo này bình luận.
Trong khi đó đại diện Hiệp hội bảo tồn Ðộng Vật Hoang dã (WCS) cho BBC biết cho tới ngày 19/10/2012 “WCS chưa nhận được trả lời từ phía công an tỉnh Trà Vinh hay công an huyện Trà Cú về tính hợp pháp của chiếc sừng tê giác được báo là bị mất ở nhà ông Trầm Bê”.
 Theo BBC

Xem tin nguồn: http://www.ttxva.org/sung-te-nha-tram-be-chua-co-hoi-ket/#ixzz29oZUpxia
nguồn:http://www.ttxva.org/sung-te-nha-tram-be-chua-co-hoi-ket/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001