Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Đại tá Học viện Chính trị phản biện các quan Hà Nội 

29/09/2012  
Tại hội nghị giao ban quận, huyện về công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến quản lý đất đai sáng 27/9, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho rằng, việc người dân đi khiếu kiện là bày tỏ nguyện vọng cá nhân, nhưng mặc áo màu Quốc kỳ, cầm khẩu hiệu đòi đất đã “làm xấu hình ảnh thủ đô, ảnh hưởng đến ngoại giao”.
Người dân còn kỳ vọng vào chế độ ở đất nước “Cờ đỏ Sao vàng”, mới đem màu cờ sắc áo đi đấu tranh đòi quyền lợi, mong được sự công minh của Nhà nước pháp quyền CHXHCN Việt Nam. Thế mà, ông Thảo là đảng viên Cộng sản, nhưng đã chê màu cờ đỏ là “màu xấu”. Nhưng chí ít ông cũng thừa nhận rằng: Đánh giá của UBND thành phố cho thấy, công tác chỉ đạo và giải quyết khiếu nại của chính quyền ở một số nơi còn thiếu quyết liệt, ngại va chạm, né tránh, sợ liên đới trách nhiệm. Trong khi đó, công tác quản lý đất đai của địa phương còn lỏng lẻo, để xảy ra vi phạm nhưng không giải quyết kịp thời, để tồn đọng…đề nghị, khi có khiếu nại đông người, lãnh đạo các quận, huyện phải trực tiếp đối thoại với người dân, giải quyết các kiến nghị của dân để giải quyết dứt điểm các khiếu nại khi mới phát sinh.
Bằng sự hứng khởi thường trực khi phát biểu tại hội nghị, ông Thảo cũng “ra tuyên bố” ngon lành là: “Trong khi lượng đơn thư vẫn tăng mạnh thì cần thực hiện nhiều giải pháp, quan tâm đến các kiến nghị của người dân để có chính sách hỗ trợ tốt nhất mà không nên áp dụng các quy định cứng nhắc. Ông cũng yêu cầu các ngành rà soát các chính sách thu hồi đất đảm bảo đời sống của người dân khi bị thu hồi đất được bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; đơn giản các thủ tục hành chính”.
Còn Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nói rất kêu như chuông khánh: “Người giải quyết đơn thư phải có tinh thần giải quyết dứt điểm vụ việc chứ không nói là tôi làm đúng thẩm quyền, đúng thủ tục. Kể cả người dân khiếu kiện sai thì phải giải thích rõ cái sai đó. Yêu cầu, công tác khiếu nại tố cáo phải gắn với đấu tranh phòng chống tham nhũng và cải cách hành chính; phối hợp giám sát, kiểm tra, thanh tra công vụ đối với các cơ quan quản lý nhà nước”.
Thưa hai Ông Lớn làm Quan cách mạng đang nắm giữ quyền hành ở Thủ đô, ông Thảo nói là đã giải quyết đến 89% đơn khiếu nại. Vậy tại sao dân Dương Nội, Kiến Hưng, Yên Nghĩa, Tiên Dương, Quốc Oai, Nghĩa Tân… vẫn ùn ùn kéo vào Trung tâm Thiên triều Ba Đình để khiếu kiện, “làm xấu hình ảnh Thủ đô”.
Nay có người đồng đội, Đại tá Nguyễn Văn Tuyến, Học viện Chính trị QĐND Việt Nam, bị mất đất, mất nhà (dù chỉ là nhà cấp 4) vợ con phải đi ở trọ, mà đơn kiện đã hơn hai năm nay chưa được giải quyết? Một vị sĩ quan cao cấp trong quân đội đã bị các ông đối xử như vậy, thế thì người nông dân mất đất kêu oan cho đến khi chết còn oan ức, chắc các ông vẫn báo cáo thành tích hàng năm là giải quyết kịp thời các đơn khiếu kiện của người dân. Những lá đơn kêu oan ức, đòi lại quyền lợi chính đáng của ông Đại tá Nguyễn Văn Tuyến dưới đây các ông đã đọc chưa? Và nếu đọc rồi thì các ông xử lý, giải quyết như thế nào, hay lại “chuyển tiếp” trở về quận, về xã coi như xong việc? Hay đơn bị trùm lấp, rồi vứt đi đâu rồi? Sau đây, Bvbqd đăng các lá đơn kêu oan của Đại tá Nguyễn Văn Tuyến:
ĐƠN KIẾN NGHỊ KHẨN CẤP:
V/v làm trái luật đất đai, các nghị định chính phủ của UBND quận Hà Đông

Kính gửi:
- Ông Kim Quốc Hoa, TBT báo NCT và các cơ quan báo chí
- Ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy, TP Hà Nội
- Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Tp Hà Nội
- Ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ.

Tên tôi là Nguyễn Văn Tuyến – Đại tá, đang công tác tại Học viện Chính trị. Ngụ tại số124 đường Ngô Quyền, quận Hà Đông, TP Hà Nội.
Gia đình tôi đang khiếu nại Quyết định số 8273/QĐ – UBND ngày 21/12/2009 của UBND quận Hà Đông, thu hồi 230 m2 đất của gia đình tôi. Đến nay vẫn chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong khi chờ đợithì Ngày 24/08/2011 Chính quyền quận Hà Đông và phường Hà Cầu đã tổ chức cho quận đội, công an cưỡng chế nhà đất của tôi, với diện tích 356 m2 nhà đất có: 70 m2 nhà cấp 4, và các ông trình trong khi chưa có kết luận của UBND TP Hà Nội. Nhà nước chỉ có một chứ không thể phường, quận là nhà nước riêng. Với cách hành xử và vi phạm luật pháp nhưvậy thì chính quyền Hà Đông có còn là Nhà nước của dân, do dân và vì dân không? Kính mong ông xem xét việc kiến nghị của gia đình tôi để đảm bảo sự công bằng, đúng pháp luật, quyền lợi của gia đình được đảm bảo.
Tôi xin trình bày như sau: 1/ Nguồn gốc đất của gia đình tôi sử dụng: là đất cá thể –Không vào HTX ở tại xứ Đồng Trồi –Nó không phải đất 5% hay đất công (đất HTX giao theo chính sách nhà nước). Khu Đồng Trồi này UBND xã Hà Cầu và thị xã Hà Đông đã xác nhận. Giấy xác nhận đứng tên em vợ tôi là Tâm vì khi đó tôi là bộ đội không có hộkhẩu tại xã, họ đã yêu cầu em tôi đứng tên, tôi đã làm theo vậy. Giấy xác nhận là xứ Đồng Trồi. Gia đình tôi sử dụng liên tục từ năm 1973 đến nay không có tranh chấp với tập thể cá nhân nào.
Vì không có chỗ ở cho vợ con, đất lại không có nước, năm 1992 tôi đã san lấp đất xây dựng nhà cấp 4 để ở, chăn nuôi, xây tường bao xung quanh, từ đó đến nay gia đình tôi không thấy bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào có ý kiến. Tôi được quân đội chia cho 50 m2 phải bán để bồi bổ mảnh đất này, nay bị bốc hơi – cướp trắng. Mảnh đất này đã che chở, sinh lợi để nuôi các con tôi thành cán bộ đảng viên. 2/Năm 2008 UBND tỉnh Hà Tây cũ có quyết định số 835/QĐ – UBND ngày 09/04/2008 về việc thu hồi 90.466,4m² đất của HTX nông nghiệp Cầu Đơ để thực hiện đầu tư XD hạ tầng để giao đất dịch vụ cho các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp. Tại Quyết định thể hiện các vị trí: – Khu Bãi sậy : 19.896m²; – Khu Bồ Hỏa: 16.806m²; – Khu Đồng Dưa: 53.763m². Tổng diện tích đủ 90.466m2. Ông thấy không có xứ đồng Trồi trong QĐ số 835/QĐ. Quyết định 835 ghi rõ chủ thể bị thu hồi đất là đất công của HTX NN Cầu Đơ. Nhà đất gia đình tôi sử dụng là đất cá thể, Tôi là bộ đội, vợ tôi là công nhân, không phải là xã viên làm ruộng nên không thuộc đối tượng mà HTX quản lý theo qui định.
Thực tế dự án này đã dư ra hơn 2000m2. Tôi đã nhiều lần ý kiến với các cơ quan. Tại buổi làm việc với Cán bộ Thanh tra thành phố Hà Nội ngày 07/01/2011, tôi đã đề cập đến toàn bộ nôi dung nêu trên. Biên bản kiểm đếm tài sản của giađình tôi ngày 07/03/2009 do cô Phan Bích Thủy và Vũ thị Ngọc Hà là cán bộ địa chính và tài nguyên môi trường của phường ghi rõ: Hộ Ông Tuyến: 70 m2 nhà cấp 4, tường vây quanh và công trình phụ, cổng sắt….Tổng diện tích đất là 351m2 cóảnh, kèm theo. Tôi cũng đã kê khai tài sản này tại đơn vị – Học viện Chính trị từ năm 2008. Cho rằng tôi không cho vào đo là thiếu khách quan và vu khống. Hệ thống chính trị quận có hiểu: Trong thì không sợ dối dân để cầu cái lợi nhỏ, ngoài thì không sợ dối nước thân với mình để tìm cái lợi lớn. Trong không lo sửa cho ngay chính những thổ địa tài hóa của mình, mà lại muốn những thổ địa tài hóa người. 3/ Tại khoản 2,3,4 Điều 49; khoản 1,2,3,6,7 Điều 50 Luật đất đai năm 2003; Điều 48 Nghị Định 181/2004/NĐ-CP; Điều 14,15 Nghị định 84/2007/NĐ-CP; Điểm h Khoản 1, Điều 8 Nghị định 88/2009/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ; Điều 6 Quyếtđịnh 02/2010/QĐ-UBND ngày 18/01/2010 của UBND Thành Phố Hà Nội thì việc sử dụngđất của gia đình tôi tại khu vực này phù hợp với qui hoạch, đủ điều kiện để được cấp giấy CNQSDĐ mà nhà nước qui định. Nhà nước không thu hồi loại đất nhưgia đình nhà tôi đang sử dụng rất rõ ràng. 4/ Chính sách của Đảng và Nhà nước qui định là đúng đắn, nhưng người có chức quyền thực hiện lại không đúng với chính sáchđó.
Ông Nguyễn Trường Sơn PCT quận Hà Đông cùng chính quyền phường đã mài quyền lực của chế độ để ép chết tôi, gây tan nát và tổn thất quyền lợi chính đáng cho gia đình tôi. Thưa Ông quận phường tranh chấp với gia đình tôi thì vô lý quá. Ông đã biết đầu những năm 90 đất nước khó khăn như thế nào! bộ đội như chúng tôi đâu dám đòi hỏi gì! Năm 1992 tôi phải san đất làm nhà tạm để có chỗ ở cho vợ con. Đời lính của tôi đã 6 năm ở chiến trường Campuchia hơn 30 quân ngũ để góp phần giành lại chủ quyền cho đất nước, để rồi hôm nay sang lĩnh vực đời thường được những người “cán bộ quận-phường” thực hiện chính sách khôngđúng với những gì mà Đảng và Nhà nước qui định rõ ràng, cụ thể, cộng với chính sách hậu phương quân đội.
Tôi rất tin tưởng vào Ông là người của nhân dân, vì vậy tôi có ý kiến đến Ông, kính đề nghị Ông chỉ đạo làm rõ một số kiến nghị của tôi như sau: – Thứ nhất: Theo Quyết định số 835/QĐ ngày 09/4/2008 của UBND tỉnh Hà Tây. Thực tế quận Hà Đông thu dôi ra trên 2000 m2. Xứ Đồng Trồi không có trong QĐ 835. Gia đình tôi không phải xã viên, phá nát nhà đất của tôi phải trả lại quyền lợi chính đáng cho tôi.
Chính quyền ngụy biện không có xứ Đồng Trồi là không tôn trọng lịch sử và coi thường tiền nhiệm của chế độ XHCN. – Thứ hai: Tại Quyết định số 8273/QĐ – UBND ngày 21/12/2009 của UBND quận HàĐông, thu hồi 230 m2 đất của gia đình tôi. Nhưng cưỡng chế thu hồi của gia đình tôi là 356 m2 đất ở, trong đó có 70m2 nhà cấp 4, tường xây xung quanh, cửa hàng và các công trình phụ…..đã được thể hiện tại biên bản kiểm tra hiện trạng hộ Ông Tuyến ngày 07/03/2009 do cô Phan thị Bich Thủy và cô Vũ Thị Ngọc Hà là cán bộ của phường Hà Cầu lập. Vu khống là tôi không cho để đo kiểm? – Thứ ba: Đất nhà tôi vẫn được ở liên tục từ trước tới nay không có tranh chấp với bất cứ tập thể và cá nhân nào. Năm 1992 tôi làm nhà ở cấp 4, xây tường vây quanh dân cho là hợp pháp vì đất cá thể. Đền bù tất tật gia sản trên của tôi là 74 triệu (thông báo) thì đúng hay sai thế nào? – Thứ tư: Tôi đang chờ quyết định giải quyết khiếu nại của UBND Thành phố Hà Nội thì ngày 24/08/2011 UBND quận Hà Đông và phường Hà Cầu tổ chức cưỡng chế phá nát tài sản trên đất nhà tôi như đã trình bày ở trên theo luật pháp hiện hành thì đúng hay sao? Kỷ cương phép nước ra sao. – Thứ năm: Đề nghị Ông cho thành lập Đoàn liên ngành của Thành phố gồm các cơquan: Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên- Môi trưởng, … để làm rõ việc ban hành các văn bản pháp quy, quy trình, quy định về thu hồi, cưỡng chế nhà đất, để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước của dân được hài hòa, đúng pháp luật và đạo lý, tránh đểLãnh đạo đất nước phải chỉ đạo như Tiên Lãng. -Thứ sáu: Nhà đất của tôi không nằm trong diện thu hồi, không nằm trong quyết định 835/QĐ và không ảnh hưởng gì đến dự án, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch, công lao gây dựng từ hơn 20 năm nay. Đề nghị được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất này cho gia đình tôi theo đúng pháp luật. Đảng quận Nhà nước quận không thể vì chủ nghĩa cá nhân, bất chấp Nghị định của Chính phủ và luật của Nhà nước hiện hànhđể thôn tính quyền lợi chính đáng của cán bộ như vậy được. Thanh tra Hà Nội (cô Chi, cô Ngọc và phòng 1) đã bao che cho quận Hà Đông làm trái pháp luật. Nhà đất của tôi khoảng gần 30 tỷ đồng, nhưng họ đền cho tôi 74 triệu đồng! Kỷ cương phép nước ra sao? Tôi không muốn làm ảnh hưởng đến danh dự của Người bộ đội cụ Hồ, không muốn để Lãnh đạo Thành phố Hà Nội phải băn khoăn đối với việc của gia đình tôi. Nay tôi hết đường kiên nhẫn. Chính quyền quận Hà Đông đã bất chấp kỷ cương phép nước. Nhà cửa không còn phải đi thuê ở cho vợ con. Tôi bức xúc nhất là làm mất lòng tin của lớp trẻ vào Đảng ta, bức xúc trong dư luận, đây là gây nên tự diễn biến hòa bình. Hậu quảnhư thế nào tôi không chịu trách nhiệm. Chính quyền Hà Đông dùng quyền lực lấy nhà đất của tôi để chia cho những người khác. Đại tá như tôi đã 6 năm chiến trường, 30 năm quân ngũ mất nhà chẳng khác vụ Tiên Lãng, nhưng tôi chưa manh động vì tôi tin Đảng, Bác Hồ, vì uy tín chính trị của Học viện. Tự trọng cán bộ,Quân đội còn thể thống gì. Vì công lao tôi quá nhỏ so công lao của 60 năm bao thế hệ cha anh đi trước với Đảng với Tổ Quốc, Học viện tôi được thưởng Huân Chương Sao Vàng. Nếu tôi manh động mà ảnh hưởng đến Học viện thì mình phản lại cha anh mình. Tôi bầm gan tím ruột lắm chứ. Gia đình ly tán, bất hòa? Uất ức quá! Tôi đi chiến đấu, theo Đảng, Bác Hồ ước mơ sẽ xâydựng một phòng khám từ thiện cho dân nghèo tại mảnh đất này vừa kiếm sống vừa làm việc thiện cho dân. Vì quyền lợi chính đáng của gia đình tôi và đây là phần xương máu của tôi bao năm nơi chiến trường, trong quân ngũ, đúng với tư tưởng đạo đức Bác Hồ, tôi rất mong Ông xem xét thật công minh, đảm bảo đúng pháp luật để gia đình tôi ổn định cuộc sống, bản thân tôi yên tâm công tác. Khẩn thiết kính mong sự quan tâm xem xét của các ông!
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Hà Đông, ngày 28 tháng 9 năm 2012
Kính đơn Đại tá Nguyễn Văn Tuyến
———————–
(PL&XH) – Ngày 9-4-2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có Quyết định (QĐ) số 835/QĐ-UBND thu hồi hơn 9.000m² đất của HTX Nông nghiệp (HTXNN) Cầu Đơ (phường Hà Cầu, TP Hà Đông); tạm giao cho UBND TP Hà Đông (nay là quận Hà Đông) gồm: Khu Bãi Sậy, khu Bồ Hỏa, khu Đồng Dưa. Điều đáng nói, một số hộ không nằm trong khu vực bị thu hồi đất, nhưng vẫn bị buộc phải di dời để giải phóng mặt bằng (GPMB).

Đất không nằm trong khu vực bị thu hồi
Theo trình bày của ông Nguyễn Văn Tuyến, công tác tại Học viện Chính trị, và vợ là bà Ngô Thị Thành, trú tại số 3, khu Cầu Đơ 5, phường Hà Cầu, Hà Đông (Hà Nội), ngày 24-12-2009 gia đình ông Tuyến nhận được QĐ số 8273/QĐ-UBND của UBND quận Hà Đông, với nội dung thu hồi diện tích 230m² đất của gia đình đang sử dụng (thuộc phường Hà Cầu) để giao cho BQLDA đầu tư xây dựng quận Hà Đông thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB…

Khúc mắc của gia đình ông Tuyến là ở chỗ, QĐ 8273 của UBND quận Hà Đông ban hành là căn cứ theo QĐ số 835/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ký đã ban hành ngày 9-4-2008 tại điều 2 của QĐ 835 đã nêu rõ: Thu hồi 90.466,4m2 đất của HTXNN Cầu Đơ, phường Hà Cầu, TP Hà Đông; tạm giao UBND TP Hà Đông các khu vực bị thu hồi đất gồm: Khu Bãi Sậy, khu Bồ Hỏa, khu Đồng Dưa. Vậy, căn cứ vào QĐ 835 thì khu đất của gia đình ông Tuyến không nằm trong khu vực bị thu hồi, vì diện tích nhà đất của ông nằm trong khu Đồng Trồi (có văn bản gọi là Đồng Chồi). Nhưng tại điều 2 của QĐ 8273/QĐ-UBND của UBND quận Hà Đông đã được “gài” thêm dòng chữ: “Căn cứ điều 1 QĐ này, Phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) chủ trì phối hợp với UBND phường Hà Cầu chỉnh lý hồ sơ địa chính” (!?), mà điều 1 QĐ này thì lại ghi: “Khu đất thuộc xứ đồng Bồ Hỏa”, điều này không hề có trong QĐ 835 của tỉnh Hà Tây (cũ). Như vậy, diện tích đất của gia đình ông Tuyến tự dưng bị rơi vào khu xứ đồng Bồ Hỏa (khu vực bị thu hồi đất), và gia đình ông bị mất đất.
Thu hồi nhầm hay vì lý do nào khác?
Không đồng tình với việc làm “lập lờ đánh lận con đen”, ông Tuyến gửi đơn khiếu nại QĐ 8273/QĐ-UBND của UBND quận Hà Đông. Ngày 25-1-2010, UBND quận Hà Đông có QĐ số 2325/QĐ-UBND, về việc giải quyết khiếu nại của ông Tuyến, lại vẫn khẳng định QĐ số 8273 được ban hành ngày 21-12-2009 là đúng; đồng thời yêu cầu gia đình ông Tuyến chấp hành nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng.

Theo QĐ số 2325/QĐ-UBND, tổng số tiền mà gia đình ông Tuyến được đền bù là hơn 74 triệu đồng. Trong khi đó, theo giá thị trường, diện tích nhà đất của ông Tuyến có giá trị hàng tỷ đồng. Điều này khiến gia đình ông Tuyến nghi ngờ, đặt câu hỏi: “Diện tích đất này không thuộc diện bị thu hồi, không phải đất an ninh quốc phòng, tại sao lấy của dân chia cho người khác? Ông Tuyến bức xúc.
Về nguồn gốc đất, ông Tuyến cho biết, diện tích đất này trước đây của bà Nguyễn Thị Ba, trú tại xóm Chùa, xứ Đồng Trồi, thôn Cầu Đơ, bà được thừa hưởng từ bố mẹ. Những năm 1980, diện tích đất này được bà Ba cho vợ chồng ông Tuyến, bà Thành khai thác, sử dụng. Sau đó, năm 1992, gia đình bà Ba nhượng lại toàn bộ diện tích đất trên cho vợ chồng ông Tuyến.
Theo Giấy giao QSDĐ giữa gia đình bà Nguyễn Thị Ba với gia đình ông Nguyễn Văn Tuyến, ngày 25-8-1992 khẳng định thửa đất không nằm trong phần đất của HTXNN Cầu Đơ mà thuộc xứ Đồng Trồi. Giấy bàn giao này có chứng thực của UBND xã Hà Cầu (nay là phường Hà Cầu). Trước đó, vào ngày 26-1-1994, trong Biên bản xác định diện tích của mảnh đất trên, cũng đã thể hiện rõ: “Thửa ruộng ở khu Đồng Trồi, có tổng diện tích là 331m²” (không phải chỉ có 230m² như QĐ 8273 đã nêu).
Đặc biệt, trong báo cáo xác minh của UBND phường Hà Cầu, QĐ thu hồi đất và QĐ giải quyết khiếu nại của UBND quận Hà Đông có sự vênh nhau và thiếu nhất quán. Cụ thể, QĐ giải quyết khiếu nại số 2325/QĐ-UBND của UBND quận Hà Đông nêu: “Căn cứ QĐ số 2376/QĐ-UBND ngày 7-12-2007 của UBND tỉnh Hà Tây về việc thu hồi 90.466,4m² đất của HTXNN Cầu Đơ, phường Hà Cầu, Hà Đông; tạm giao UBND quận Hà Đông”.
Nếu căn cứ như vậy, diện tích đất của gia đình ông Tuyến không phải là đất của HTXNN Cầu Đơ, và không nằm trong diện bị thu hồi. Điều này còn được chính QĐ 2325 tái khẳng định ở phần sau QĐ đã nêu rõ: “Nguồn gốc đất 230m² đất của hộ gia đình ông Tuyến, bà Thành đang sử dụng là đất nông nghiệp, cá thể mua lại của bà Nguyễn Thị Ba”.
Như vậy, trong các văn bản và trên thực tế đều thể hiện, diện tích đất của gia đình ông Tuyến đang quản lý sử dụng thuộc khu Đồng Trồi và không nằm trong diện bị thu hồi theo QĐ 835/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tây (cũ). Không hiểu căn cứ vào đâu UBND quận Hà Đông và phường Hà Cầu vẫn khẳng định, diện tích đất của gia đình ông Tuyến nằm trong qui hoạch đất dịch vụ, đất ở của HTXNN Cầu Đơ bị thu hồi? Bên cạnh đó, các giấy tờ trước đây đều có chữ ký và con dấu của người có thẩm quyền, có cơ sở pháp lý. “Liệu UBND quận Hà Đông có thu hồi nhầm, hay vì lý do nào khác? Hay bởi khu đất của gia đình tôi có vị trí đẹp, sát mặt đường Tô Hiệu mở rộng nên UBND quận “thu nhầm còn hơn bỏ sót?”, ông Tuyến đặt câu hỏi.
Đề nghị các cơ quan chức năng của TP Hà Nội và UBND quận Hà Đông cần xem xét, giải quyết để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của gia đình ông Nguyễn Văn Tuyến.

Theo Blog Đại tá Bùi Văn Bồng

nguồn:http://caunhattan.net/2012/09/29/dai-ta-hoc-vien-chinh-tri-phan-bien-cac-quan-ha-noi/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001