Bùi Xuân Đính
Thời
phong kiến, trên các con đường “Thiên lý”, hay “đường Cái quan”, tức
đường giao thông lớn từ các địa phương về Kinh đô, cứ 30 dặm (mỗi dặm
khoảng trên 500 mét), Nhà nước đặt một trạm, mỗi trạm có một Dịch thừa
phụ trách chung và một Dịch mục là cấp phó phụ tá, có trên dưới 50 phu
trạm và ngựa để chạy công văn, giấy tờ, hộ tống quan lại các trấn, tỉnh
đi việc công về Kinh đô, từ phủ, huyện về trấn, tỉnh (và ngược lại), cả
quan đi sứ nước ngoài. Các trạm lần lượt chuyển giao công việc cho nhau
mỗi khi có quan hay việc quan đến.
Trải
bao đời, các quy định về việc sử dụng phu trạm để chuyển chở đồ đạc của
công và của các quan đi việc công được tuân thủ và được giám sát chặt
chẽ. Song, không tránh khỏi việc lợi dụng các trạm này để mưu lợi
riêng. Xin nêu hai vụ tiêu biểu dưới thời Nguyễn bị phát giác, được sử
cũ ghi lại..
Vụ thứ nhất,
vào tháng Một năm Nhâm Thìn, đời Vua Minh Mạng (tháng 12 năm 1832),
Hoàng Văn Đản, Trương Hảo Hợp, Phan Huy Chú trên đường đi sứ nhà Thanh
trở về đã bắt nhiều phu trạm phải chuyên chở đồ đạc, hàng hóa của riêng
họ mua từ nước ngoài về. Việc được tâu báo về Kinh đô Huế. Vua Minh Mạng
nghe lời tâu liền dụ các quan bộ Lễ rằng :”Bọn Hoàng Văn Đản, Trương
Hảo Hợp, Phan Huy Chú nhân lệnh vua đi sứ, trong bản nhật ký đi sứ ghi
rất sơ lược, không có một việc gì đáng xem, thực không xứng chức. Tới
khi về, lại sắm sửa riêng gấp hai lần của công, dân phu phải phục dịch, chuyên chở,
phí tổn rất nhiều. Ta nghĩ, các trạm đêm ngày bôn tẩu, nên đã nhiều lần
gia ơn, mỗi việc cốt phải giảm bớt cho đỡ phiền. Duy sứ bộ từ Lạng Sơn
về Hà Nội, đường thủy không tiện, đường bộ lại khó khăn, nên đã châm
chước định lệ : đồ đạc, hàng hóa không kể của công hay của tư, các trạm
phải chuyển vận, còn từ Hà Nội về Kinh đô, đường thủy, đường bộ đều
thuận tiện dễ dàng, nên chỉ có các đồ đạc, hàng hóa của công mới do các
trạm đài đệ, để đỡ cho phu trạm phải vất vả. Định lệ còn đó, sao bọn kia
dám vi phạm?”.
Rồi
Vua lập tức cách chức ba vị quan trên, giao cho bộ Hình xét xử. Một
thời gian sau, bản án được bộ Hình được dâng lên với các mức như sau :
- Hoàng Văn Đản bị đánh 100 trượng, phát đi khổ sai.
- Trương Hảo Hợp và Phan Huy Chú bị cách chức, về hiệu lực ở bộ chủ quản (làm các việc theo sai phái để lập công chuộc tội).
-
Các quan tỉnh Hà Nội là Án sát Bùi Nguyên Thọ lạm cấp tờ dẫn văn (giấy
chứng nhận việc vận chuyển hàng hoá hay đồ đạc khi đi qua trạm), Bố
chính Nguyễn Văn Mưu, Tổng đốc Nguyễn Văn Hiếu cùng tham gia vào việc
chứng nhận việc vận chuyển trên đều bị giáng phạt theo các mức khác
nhau.
Bản
án cũng đề nghị cho truy thu 100 lạng bạc của công quỹ mà ba viên quan
đi sứ đã lấy ra để chi vào việc “bồi dưỡng” các phu trạm chuyên chở đồ
đạc của riêng họ.
Vụ thứ hai,
vào năm Nhâm Dần đời Vua Thiệu Trị (1842), Lê Ngọc Chấn là quan thanh
tra của bộ Hình đi thanh tra các công việc ở tỉnh Hà Tĩnh trở về, đã tự
tiện lấy 14 phu trạm và hai con ngựa của trạm này để chuyên chở đồ đạc
riêng của gia đình mình. Các quan tỉnh Hà Tĩnh lại còn cắt cử binh lính
đi “hộ tống”! Việc bị các quan thanh tra là Vũ Trọng Bình tâu lên. Vua
Thiệu Trị cho rằng, Lê Ngọc Chấn khinh thường phép nước, liền hạ lệnh
cách chức, giao cho Viện Đô sát (cơ quan thanh tra và xét xử cao nhất
của triều đình thời Nguyễn) xem xét. Chấn sau đó bị tội mãn đồ (làm lao
dịch với công việc nặng nhất). Hai quan tỉnh Hà Tĩnh là Bố chính Nguyễn
Đồng Khoa, Án sát Nguyễn Khắc Trạch cùng bị giáng hai cấp và tội lưu (đi
đày).
Không
bao lâu sau vụ trên, Trịnh Ngọc Lâm là Thự Bố chính tỉnh Khánh Hòa đi
coi thi ở Gia Định, khi trở về đã tự tiện lấy 17 phu trạm về làm việc
riêng cho nhà mình. Có người phát giác tâu lên Vua. Vua Thiệu Trị quở
trách :’”Nhà trạm đặt ra đã có một quy tắc nhất định. Lính trạm phải
chạy quanh năm vất vả trên đường, nên phải định lệ để cho đỡ sự mệt nhọc
và dưỡng sức cho họ. Mới đây xảy ra vụ án Lê Ngọc Chấn, hắn là một
thuộc viên trong bộ, khi độ nhỏ nhặt, dễ kiêu căng, mắc vào pháp luật,
cố nhiên không đáng kể. Còn Trịnh Ngọc Lâm vốn là một viên từng làm việc
ở Kinh đường, lại trải coi việc Ty Án sát hai tỉnh, sao đã biết mà còn
cố phạm? Rất đáng quái gở”.
Rồi
Vua sai bộ Hình nghị xử. Trịnh Ngọc Lâm bị giáng bốn cấp. Vua nhân đó
thông dụ các quan lớn nhỏ trong Kinh và các tỉnh : phàm người nào có
việc vào Kinh, về tỉnh hay đi công sai mà đáng được do phu trạm đưa đi
đều phải y theo lệ định. Các dịch thừa, dịch mục phải chiếu theo giấy tờ
của các quan đã được cấp mà điều phu trạm, nếu ai làm trái lệ, không
theo văn bằng hay đòi bắt, sách nhiễu thì chuẩn cho quan lại sở tại tố
giác, xét đúng sự thật thì tâu lên, nghiêm xử, để dẹp hết mối tệ.
Lời bàn:
Hai
câu chuyện trên đây liên quan đến việc sử dụng phương tiện công và quỹ
công thời phong kiến. Nhà nước các thời đều có quy định nhằm ngăn ngừa,
hạn chế các quan lại lợi dụng quyền hạn của mình để trục lợi trong khi
thực thi công vụ. Với suy nghĩ “Mình đi việc công, nên có quyền và có
thể kết hợp giải quyết việc riêng” và “chắc cũng chẳng ai biết đâu vào
đâu”; nên các vị quan đã “vô tư” sử dụng các phương tiện công, công quỹ
và cả nhân viên dưới quyền” để làm việc riêng của mình. Trong các câu
chuyện trên, tất cả các quan đều dùng “quyền” ủa mình để “tranh thủ”,
“kết hợp” mua thêm hàng hóa (riêng các quan trong vụ thứ nhất lại mua
hàng trong khi đi sứ - một việc mà triều đình thời nào cũng có cấm ngặt,
lại mua hàng gấp hai lần đồ, hàng của công), sử dụng các phương tiện và
phu trạm của Nhà nước để chuyên chở.
Hành
vi lợi dụng của các vị quan đi việc công trên đây được tiếp tay bởi các
quan địa phương đặt trạm dịch. Họ biết rõ việc làm của các quan là sai,
nhưng hoặc thường “tặc lưỡi” cho qua, thông cảm với “nỗi vất vả của
người đi thực thi công vụ”, đặc biệt, sau khi được nhận một chút quà từ
các vị quan đó thì họ “vô tư” chứng nhận việc vận chuyển hàng hóa trái
phép, đánh đồng việc chuyển đồ, hàng của công với đồ, hàng riêng được
các quan kết hợp mua.
Còn
các phu trạm, họ thường chấp nhận “thân phận” của những người “cửu vạn
công”, và khi được các quan đi việc công lấy quỹ công “bồi dưỡng” hoặc
lấy một chút hàng riêng mua được “tặng” cho thì càng vui vẻ, sốt sắng
tải hàng cho các quan.
Song,
hành vi trục lợi của các quan đi việc công, các quan địa phương đặt
trạm dịch đã bị phát hiện và tất cả họ đều bị xử phạt thích đáng. Điều
đó chứng tỏ việc thanh, kiểm tra dưới triều Nguyễn khá sâu sát và việc
xét xử các vụ vi phạm rất nghiêm khắc.
Các
câu chuyện trên khiến chúng ta liên tưởng, hệt như xã hội ta ngày nay,
nhiều vị cán bộ có chức quyền cứ “điềm nhiên” dùng xe công (đương nhiên
là kèm theo cả “phu trạm” là các tài xế) vào việc riêng của gia đình,
như chuyển đồ, đưa người nhà về thăm quê, đi lễ hội; thậm chí có người
còn cho cả người thân, bạn bè dùng để “xài” vào cả việc riêng, cả việc
chơi bời của họ.
Ước
sao, việc kiểm tra, xử lý tình trạng sử dụng “lạm bậy” xe công trong xã
hội ta hiện nay được như trong các câu chuyện trên đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001