Anh Trần Trọng Dương, Viện Nghiên
cứu Hán Nôm:
Không phải cứ tăng lương là
thích
Trước thông tin Chính phủ dự kiến hoãn tăng lương theo lộ trình vào năm
2013 vì tình hình thu ngân sách năm nay khó khăn, anh Trần Trọng Dương, chuyên
viên tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho rằng, “lương tăng là điều ai cũng mong
muốn. Thế nhưng, nếu chỉ nghĩ đến việc tăng lương mà không có biện pháp kiềm
chế lạm phát, quản lý giá cả thị trường thì thà không tăng lương còn hơn”.
Sự cào bằng đáng sợ
Tôi tò mò, không hiểu với một chuyên viên nghiên cứu như anh, lại có
học vị Tiến sĩ thì tiền lương chắc cũng… đủ sống?
Nước mình có cái lạ, học vị Tiến
sĩ thì tiền lương cũng chỉ tính như cử nhân và tăng theo thâm niên công tác
thôi- đó là một sự cào bằng đáng sợ. Thế nên, lương của tôi cũng chỉ ba triệu
với hai lần tăng bậc. Một bài nghiên cứu (để kiếm thêm), tôi viết mất vài
tháng, đợi 2 năm mới được in trên tạp chí, nhuận bút năm trăm ngàn, trừ thuế
còn bốn trăm rưỡi. Tôi thấy nghề nghiên cứu là nghề rẻ mạt nhất trên đời.
Tiền lương như thế thì anh sống như thế nào?
Tôi cứ nói vui với bạn bè là
“lương này thì cứ tập yoga- hít thở đều là sống”. Còn thực tế, tôi phải cắt bớt
nhiều khoản thì mới tạm đủ.
Nếu có thể, hãy chia sẻ khoản mà anh buộc phải cắt bớt!
Tôi cắt nhiều thứ lắm: giảm ăn,
giảm tiêu, giảm mua sách vở, giảm tối đa các giao đãi xã hội, mỗi lần ra nhà là
kết hợp vài việc một lúc.v.v.
Sách chuyên ngành có vai trò như thế nào đối với những người làm công
tác nghiên cứu như anh?
Rất quan trọng chứ. Thế nhưng,
hầu như sách tôi có được là từ trước khi lấy vợ. Còn từ ngày lấy vợ thì hầu như
không mua được mấy. Vì mua sách là lạm ngay vào tiền sữa, tiền thức ăn của con.
Cảm nhận của anh như thế nào nếu so sánh với mức thu nhập ngoài xã hội?
Đấy, như đã nói tôi mất hai năm
rưỡi để có 450 ngàn cho một bài nghiên cứu khoa học, tính ra nhuận bút khoa học
của tôi chỉ bằng 1/ 912 lần so với nhuận bút của một nhà báo. Còn nếu so với
các anh công an, bác sĩ,…thì so làm sao được.
Tiến sĩ vẫn phải nhờ cha mẹ
Vợ chồng anh sinh được mấy cháu rồi?
Vợ tôi đang mang bầu đứa thứ hai,
con lớn gần hai tuổi.
Tiền lương chỉ đủ nuôi mình như thế thì không hiểu anh xoay xở như thế
nào để lo cho gia đình?
Với người làm nghiên cứu thì mỗi
năm, ngoài tiền lương chúng tôi còn được Nhà nước giao cho một nhiệm vụ nào
đấy, được trả chừng 15- 25 triệu đồng/người/năm. Thời gian còn lại, tôi xoay xở đủ chiều, viết
báo, viết nghiên cứu, làm thuê viết mướn.
Tiền lương của anh như thế, của chị nhà chắc cũng phải khá hơn thì mới
đủ trang trải chứ?
Có thể bạn không tin, nhưng lương
của hai vợ chồng tôi gộp lại cũng chỉ 6 triệu/tháng.
Thế thì phải ăn tiêu như thế nào đây?
Được cái chúng tôi không phải
thuê nhà. Vợ tôi làm ở trại chăn nuôi nên thịt, cá, trứng được mua với giá gốc nên
cũng đỡ đi được phần nào. Thêm nữa, thi thoảng ông bà hai bên cũng đỡ cho khoản
nào đó.
Giả dụ bây giờ, cần một lúc 20 triệu tiền mặt?
Với đồng lương như thế chúng tôi
hoàn toàn không có tích cóp gì hết. Thậm chí có tháng còn âm, nếu như tháng đó
không may bị ốm, có đám cưới, ma chay…
Không có tiền tích cóp mà chẳng may lúc cần tiền thì làm thế nào, ví
như lúc vợ sinh chẳng hạn?
Thì đành đi vay mượn chứ biết làm
thế nào. Nếu không thì cũng phải tăng ca sản xuất, làm thuê cho người ta.
Không tăng lương là tốt
Lương như thế, chắc hẳn anh cũng mong tăng lắm?
Như Mác đã tính, một người lao
động là một người có mức lương đủ nuôi sống ba người khác nữa. Ở Việt Nam, lương như
thế mình tự nuôi mình cũng khó. Tăng lương ai chẳng thích. Thế nhưng tăng như nào.
Tăng xong liệu có thể kiểm soát hậu quả của nó không?
Tại sao lại thế?
Như những năm vừa rồi, lương chưa
kịp tăng thì mọi thứ đã tăng trước rồi. Tăng như thế thì tăng làm gì? Nhà nước
tưởng tăng lương là có lợi cho 20 triệu công chức, nhưng thực ra là làm hơn tám
mươi triệu người gánh thêm sức nặng của sự trượt giá.
Nghĩa là, Chính phủ dự kiến hoãn lộ trình tăng lương vào năm tới là
tốt, theo anh?
Quyết định như thế là đúng, nếu biết
sớm từ chục năm trước thì tốt hơn, vì mỗi lần tăng lương là một sự thụt lùi. Đồng
tiền mất giá, con người cũng “mất giá” từng ngày.
Anh có thể nói cụ thể hơn?
Năm 2004, tôi ra trường và đi
làm. Lương khi ấy khoảng 800.000 đồng, đổ xăng hết chừng 9.000/lít, bữa trưa
10.000 đã ngon lắm rồi. Tôi vẫn có tiền để đi chơi, mua sách. Giờ lương 3 triệu/tháng
nhưng tiền xăng hơn 20.000/lít, bữa ăn trưa (cơm bụi) từ 30 – 35.000 đồng.
Lương tăng nhưng chất lượng sống giảm. Thế chẳng phải thụt lùi là gì?
Theo anh, căn nguyên của nó là do đâu?
Do Nhà nước không có khả năng
quản lý thị trường giá cả. Chỉ coi tăng lương là một sự cải thiện đời sống công
nhân viên chức nhưng lại không có khả năng quản lý được giá cả thị trường. Thế
mới có chuyện, lương tăng nhưng đời sống giảm.
Không tăng lương sẽ bớt đi một cớ tăng giá
Anh bảo tăng lương mà không quản lý được giá cả thì thà giữ nguyên. Thế
nhưng, thực tế thì giá cả thị trường còn nhảy múa theo giá xăng, điện?
Đúng thế. Xăng với điện cũng do
nhà nước độc quyền, việc tăng giá của hai mặt hàng đó cũng là do nhà nước. Việc
tăng lương cũng là việc của nhà nước nốt. Nhưng riêng thị trường lại không phải
của nhà nước. Ngành khoa học quản lý của ta còn quá kém, nên xã hội giờ mới như
một mớ bòng bong.
Có ý kiến lo ngại rằng, Chính phủ hoãn tăng lương vào năm tới theo lộ
trình sẽ làm cho niềm tin trong 22 triệu người bị ảnh hưởng bởi quyết định này
giảm đi. Anh có thấy thế?
Thực ra, tôi có tin đâu mà mất
hay giảm niềm tin, còn 22 triệu người còn lại thì tôi không dám nói. Vì bao
nhiêu việc chính phủ, nhà nước còn không làm được kia mà. Ví như tham nhũng đang
đục khoét từng tế bào của đất nước, chất lượng giáo dục thấp nhất trong vòng
bảy mươi năm qua, y tế là chỗ để kiếm tiền vào lúc bệnh tật của con người...
Tôi thấy chúng ta chưa đủ tầm trí tuệ và đạo đức để tự cứu mình. Vậy thì tôi
biết tin vào đâu?
Theo anh, liệu việc hoãn tăng lương vào năm tới có khiến cho nhiều
người buộc phải xoay xở mọi cách để có thêm thu nhập, vì thế mà những khoản thu
không chính đáng sẽ tăng?
Dù có tăng hay không thì toàn dân
vẫn xoay xở mọi cách đó thôi. Lên cơ quan nấu để nấu nướng, tắm giặt, ăn bớt
thời gian công vụ để làm việc riêng thì người ta đã làm từ lâu rồi. Những cái
đó chỉ là “cò con” so với sự lãng phí của các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Xưa
các cụ bảo “dân thì gian, quan thì tham”, hẳn cũng có cơ sở.
Bây giờ, để có thể sống được từ lương thì theo anh lương phải cần bao
nhiêu?
Theo cách tính của Mác như đã
nói. Tôi tính chừng 10 triệu/tháng/ người lao động hy vọng sẽ đủ lo cho vợ con.
Còn mức lương dành cho người làm nghiên cứu như Gs Ngô Bảo Châu được hưởng thì
tôi không bao giờ dám mơ tới. Tôi biết tôi là ai và tôi đang ở đâu.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Vũ Thủy (Thực hiện)
Ảnh: Trần Hải
Box 1: Sáng 16/10, Bộ trưởng Tài chính
Vương Đình Huệ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước
và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013. Theo Bộ trưởng, do tình
hình thu ngân sách năm 2012 rất khó khăn và tiếp tục khó trong năm tới, Chính
phủ không bố trí nguồn thực hiện chi cải cách tiền lương theo lộ trình vào năm
2013. Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai tính toán, sẽ có khoảng
22 triệu người dân bị tác động nếu không tăng lương này.
Box 2: Có
thể thông cảm với lý do Chính phủ nêu ra nhưng với điều kiện những khoản thu ưu
tiên cho năm tới phải quan trọng hơn cả việc tăng lương chứ không phải đầu tư
dàn trải, lãng phí như khi rót vào các tập đoàn Nhà nước. Đương nhiên, giá như
các tập đoàn bớt chi tiêu lãng phí đi thì sẽ có tiền để tăng lương. Nhưng người
nghĩ thì không làm được còn người làm được thì lại không nghĩ được như thế”,
anh Trần Trọng Dương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001