Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

LÊ ĐẠI CANG VÀ THĂNG TRẦM CỦA TÀI DANH 
NGUYỄN TRỌNG TẠO

1. Con người hiếu trung.
Thú thực là cho mãi đến khi nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, cháu ngoại 5 đời của Lê Đại Cang báo tin là sắp tổ chức hội thảo “Lê Đại Cang – Tấm gương kẻ sĩ” tôi mới chú ý đến vị danh tài này. Đọc những gì đã viết về ông, tôi thật sự khâm phục một nhân vật văn võ song toàn đầy nghĩa khí, lấy hiếu trung làm gốc, thậm chí lấy trung làm hiếu, vì nước đến trọn đời. “Một cuộc đời 76 tuổi, trong đó 40 năm cống hiến cho đất nước và triều đình nhà Nguyễn, trải qua 3 đời vua: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Lê Đại Cang đã được chính sử triều Nguyễn – Bộ Đại Nam thực lục ghi chép trong 6 tập: từ tập một đến tập sáu với dung lượng số trang rất lớn”. Qua đó, ta thấy ông là một ông tướng, một ông quan đại thần luôn song hành cùng vinh quang và cay đắng. Cuộc đời đầy thăng trầm, lúc làm quan to, khi bị giáng làm lính võng, thậm chí bị vu tố phải chịu án “trảm giam hậu” vẫn một lòng tin tưởng vào chính nghĩa, vì thế, nên luôn được “quý nhân phù trợ”, để rồi vẫn được trọng dụng, được cống hiến tài năng. Đọc tiểu sử Lê Đại Cang, khiến tôi nhớ Nguyễn Công Trứ, cũng là một đại thần triều Nguyễn, nổi tiếng thăng trầm. Phải chăng, đó là thăng trầm của những nhân tài dám “phá rào” để mở rộng chữ trung quân tới chữ trung dân?
2. Thăng trầm trong việc học.
Theo sử chép lại thì Lê Đại Cang việc học bị dang dở vì cha mẹ mất sớm, nên ông tự học là chính. Không thấy nói tới thi cử, đỗ đạt. Nhưng với một trí tuệ thông minh, ông được người đời cho là người tài giỏi. Vì thế, tuy không thi cử đỗ đạt, năm 31 tuổi (1802) ông được tiến cử và được bổ làm quan Tri huyện. Nên nhớ là triều Nguyễn, việc bổ chức Tri huyện chỉ dành cho người đỗ đạt cao. Việc bổ chức Tri huyện cho Lê Đại Cang chứng tỏ ông là người xuất chúng. Thậm chí năm 60 tuổi, ông được cử làm chủ khảo khoa thi hương ở trường thi Bắc thành, có Cao Bá Quát đỗ cử nhân. Ông được thăng nhiều chức vụ quan trọng: Kiểm sự Bộ Binh (1810). Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) ông làm Hiệp Trấn Sơn Tây, Cai bộ Quảng Nam, Cai bộ Vĩnh Long, Tham tri Bộ Hình (1929), Quản lý bờ đê Bắc Thành (1831), Thượng thư Bộ Binh kiêm Hữu Đô Ngự sử (1832), Tổng đốc 3 tỉnh Sơn Hưng Tuyên kiêm lãnh Hà Nội, Ninh Bình tổng đốc sự vụ, Tổng đốc hai tỉnh An Giang – Hà Tiên kiêm lãnh trách vụ bảo hộ Chân Lạp (1833).
Điều này khác với Nguyễn Công Trứ, 42 tuổi (1820) đỗ Giải nguyên và mới bắt đầu sự nghiệp làm quan. Nguyễn Công Trứ thua Lê Đại Cang 7 tuổi, cũng là người cùng thời, và sự thăng tiến cũng như hệ lụy thì rất gần cảnh ngộ.
3. Thăng trầm trong quản lý đê điều:
Trong thời gian Lê Đại Cang giữ chức quản lý bờ đê Bắc thành, 2 lần đê bị vỡ. Lần thứ nhất bị giáng 3 chức sau khi vừa được ban thưởng về thánh tích xây dựng hệ thống đê điều mới ở Bắc Thành thì 4 tháng sau đê vỡ ở Đa Hòa, Kim Quan. Ông lại chỉ huy khắc phục đê vỡ và được phục chức. Lần thứ hai do vỡ đê ở Sơn Nam, Lê Đại Cang lại bị cách chức. Trong thời gian đau đớn đó, ông đã có một thực tế để viết nên cuốn sách thống kê hệ thống đê công tư ở Bắc thành. Đây là cuốn sách mà chính sử đánh giá cao: “Chính thần Lê Đại Cương dâng sách tổng kê các đê công tư ở Bắc Thành: Đê điều các trấn Sơn Tây, Sơn Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương và phủ Hoài Đức thuộc hạt thành, đoạn nào đắp tự năm nào, đời nào, đoạn nào ở địa phận xã thôn nào, cùng dạng thức cao rộng bao nhiêu, sổ sách không rõ… Từ khi Lê Đại Cương chuyên coi việc đê mới đi khắp xem xét. Những chỗ đê gần sát bờ sông, thân đê sụt nứt, chiếu lệ đại công trình mà đắp đê mới, tất cả 18 sở, ngoài ra các đê mới cũ đắp từ đời trước và từ năm Gia Long thứ 2 trở lại, nhiều lần sửa đắp, phàm chỗ thế nước chảy xói nên quý làm đê công, thì theo lệ tiểu công trình mà sửa đắp, chỗ nào thế nước tầm thường nên làm đê tư thì cho dân coi giữ, chỗ nào nên bỏ thì san đi. Đến bấy giờ cứ các đê điều cho đến cống nước ở đê, họp làm sách tổng kê để phòng xem đến”. Cuốn sách quan trọng đó chỉ thể hiện trách nhiệm của ông quan với công việc quản đê, mà còn có cả lòng đam mê của một con người trước khoa học. Chính vì thế mà ông lại được phục chức và còn được bổ kiêm chức Hình tào Bắc Thành ngay sau đó, rồi kiêm cả Tổng đốc Hà Nội – Ninh Bình…
3. Thăng trầm trong chiến trận:
Rời Bắc Thành vào làm Tổng đốc An Giang – Hà Tiên, Lê Đại Cang cho xây thành củng cố quốc phòng, và đào kênh mở mang kinh tế. Nhưng bị Lê Văn Khôi dấy binh làm phản. Lê Đại Cang cùng Trương Minh Giảng, Lê Phúc Bảo, hội quân đánh giặc nhưng bị hỏa công của Khôi đánh trả quyết liệt nên thua trận. Thua trận này, ông lại bị cách chức Tổng đốc cho làm “đới lãnh binh dũng quân tiền hiệu lực” – ra trận phải đi trước lập công chuộc tội, nhưng được lưu để lập công chuộc tội. Về việc này, Vua Minh Mạng phê: “Hai đạo quan quân của Lê Đại Cương (tức Cang), là Lê Phúc Bảo không phải không nhiều, sao lại không hợp sức cùng lòng đều tiến đánh giặc, mà lại trùng trình nghe ngóng đề phòng không chu đáo, để đến nỗi có sự thua trận nhỏ này! Đáng lý ra phải trị tội nặng, nhưng nghĩ trong khi đang có việc nên chuẩn cho bọn Lê Đại Cương, Lê Phúc Bảo và các Lãnh binh đều phải đới tội lập công” và “đều được cách lưu”.Ông phải xông pha nơi đầu tên mũi đạn cùng với viện binh triều đình tái chiếm được các tỉnh đã mất, và được khôi phục chức Viên ngoại lang lãnh Án Sát sứ An Giang.
Nhưng thăng trầm trong chiến trận của Lê Đại cang đâu chỉ có thế. Sauk hi xin về hưu không thanh ở tuổi 65, Lê Đại Cang, vị “Lão đương ích tráng” lại tiếp tục sự nghiệp làm Tuần phủ An Giang kiêm Trấn Tây tham tán đại thần. Nhưng “loạn Cao Miên” nổi lên, nhiều thổ binh cũng làm phản… nên ông lại bị giáng chức làm lính trơn, thậm chí làm lính cáng võng. Uất chí, Lê Đại Cang nung nấu một tinh thần ái quốc, tự mình chiêu mộ quân lính, rèn luyện binh đao, củng cố đội ngũ để dành trận thắng. Những việc ông làm đến tai Trương Minh Giảng, người đã thay ông làm Tham tán Đại thần. Trương Minh Giảng bèn dâng sớ hạch ông về tội lạm quyền. Và cuối cùng lại thêm một oan khuất đến với ông với lời kết án của Vua Minh Mạng: “Đại Cang là kẻ bị cách chức phải sung tiền quân hiệu lực mà hành động như một viên đại tướng, không sợ phép nước, chẳng kiêng công luận, đáng làm án trảm giam hậu (giam lại, chờ sau sẽ chém)”. Ông bị giải về kinh rồi hạ ngục.
Theo tôi, đó là nỗi oan lớn nhất trong đời của một tài danh, nếu không có Vua Thiệu Trị cần người tài giỏi, chắc chắn ông đã bị chém đầu. Đúng là oan lớn, yêu nước mà phải bị hình chém? Nhưng đời ông vẫn gặp được quý nhân. Đó là điều may mắn lớn.
4. Thăng trầm của tài danh:
Sự thăng trầm kỳ lạ của những tài danh như Lê Đại Cang, Nguyễn Công Trứ… cũng là tấn bi kịch chung của những người tài giỏi, có bộ óc khác người. Công và tội với họ, đôi khi chỉ cách nhau một sợi tóc. Với những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, có khi công là tội, hoặc tội lại là công. Soi chiếu vào lịch sử gần đây, ta thấy trường hợp “khoán 10” của bí thư Kim Ngọc là khá rõ. Từ động cơ thương dân, vì dân mà hành động của ông đem lại lợi ích cho dân cho nước, nhưng ông vẫn bị kỷ luật. Nhưng rốt cuộc, hành động đó đã mở ra một tư duy mới cho thể chế, cho xã hội. Và ông được truy tặng Huân chương Sao Vàng, được đặt tên đường là điều xứng đáng. Lê Đại Cang cũng là một trường hợp cần đánh giá lại dưới cái nhìn biện chứng lịch sử. Phải chăng, chính vua Minh Mạng thời đó cũng đã băn khoăn nấn ná khi kết án ông, nên vua không cho trảm ngay mà lại cho “trảm giam hậu”? Vì ông vừa tài vừa trung. Vì hành động củng cố quân lính không phải vì động cơ cá nhân mà vì để đánh giặc giữ nước. Xét cho cùng thì với hành động ấy, Lê Đại Cang đáng được khen thưởng mới phải.
Theo tôi, đến hôm nay, chúng ta đã có thể khẳng định được về Lê Đại Cang: Dù có nhiều thăng trầm trong sự nghiệp, nhưng với tài năng và ý chí yêu nước lớn lao, ông đã đóng góp cho lịch sử nước nhà những trang vàng đáng trân trọng và gìn giữ.
Và tôi mong sao, sẽ có con đường mang tên ông – con đường đi giữa lòng dân như ông từng lựa chọn.
Hà Nội, 4/1/2013
NTT.
nguồn:http://nguyentrongtao.info/2013/01/06/le-d%E1%BA%A1i-cang-va-thang-tr%E1%BA%A7m-c%E1%BB%A7a-tai-danh/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001