Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

NHỮNG DÂY PHÁO ĐỂ DÀNH

Một truyện viết từ năm 2004, viết xong chẳng hiểu sao quên luôn, giờ nghe nhiều người nhắc đến pháo chợt nhớ lại lôi ra đọc, vui phết. Đố các cao thủ võ lâm chứ truyện này ảnh hưởng ai :)
-------------------------------------
 Truyện ngắn của Hồ Trung Tú

Vào một tối giữa hè năm 2004. Đã hơn chín giờ đêm nhưng cái nóng vẫn chưa dịu đi mấy. Các đợt gió nồm mang theo hơi nóng như từ miệng một cái lò nung nào đó thỉnh thoảng lại thổi qua từng đợt. May mà có ánh trăng dịu mát. Nó khiến con người thư giãn được và bớt đi sự giận dữ rất dễ bùng nổ. Người ta mang chõng, trải chiếu ra sân và chuyện trò. Không ai nghĩ đến chuyện đi nằm trong cái không khí như thế. Thình lình một loạt tiếng nổ giòn giã, inh tai nhức óc vang lên dai dẳng kéo dài hàng phút đồng hồ. Trẻ con khóc thét. Đám thiếu niên trên dưới mười tuổi đang chơi từng tốp dưới trăng bỏ chạy toán loạn. Cứ như là tiếng súng trong một phim khủng bố nào đó chúng đã xem. Tuy đã rất quen với các loại phim như thế chúng vẫn kinh hãi chạy túa đi đứa nào về nhà nấy. Người lớn thì đứng phắt dậy. Sau một thoáng giật mình họ nhận ra có cái gì đó quen quen. Không phải như bọn trẻ quen phim ảnh. Nó quen đến mức thân thuộc. Pháo ! Trời ơi pháo nổ ! Ai dám liều mạng đốt pháo vào giờ này ? Mà lấy pháo ở đâu ra để đốt ? Năm, sáu năm nay nhà nước cấm tiệt. Mấy năm đầu còn có người liều mạng đốt nhưng bị phạt rất nặng. Về sau thì có muốn mua thì cũng không tìm đâu ra chỗ bán để mua. Các nơi sản xuất và bán pháo bị theo dõi sít sao và phạt đến mức không ai còn dám tơ tưởng tới. Mới chỉ có vài năm mà xã hội đâm quen với sự im lặng trong các dịp cưới, hỏi, tết nhất. Cũng chẳng có gì gọi là mất vui. Tuy vẫn có cái gì đó văng vắng, thiếu thiếu.
Nhưng đây là một tràng dài hẳn hoi. Người ta còn nhớ đến một thời nối dây nọ vào dây kia để đốt. Đám thanh niên xác định rất nhanh hướng nổ. Chúng như bị đánh thức bởi một ký ức tuổi thơ khó phai, thời lao vào cả viên pháo đang cháy để chặn lại để rồi sau đó sợ hãi nghĩ lại, nhỡ như có chuyện gì ! Phút chốc, một đám đông đã có mặt trước nhà ông Sửu hớt tóc. Những kẻ đến sớm còn kịp chứng kiến nửa dây pháo về cuối. Nó có cái gì đó kỳ lạ thức dậy trong mỗi người đến xem. Nó tưng bừng, hỉ hả nhưng lại vừa lạ lẫm. Đến đám thanh niên còn phải đưa tay bịt tai nữa là. Và khi ba viên pháo tống cuối cùng đánh nhịp ba kết thúc, hoàn toàn không có đứa trẻ nào lao vào nhặt pháo lép. Một tập quán đã bị cắt đứt. Bọn trẻ thì sợ. Đám thanh niên thì còn ngẩn ngơ, ngây ngất trước những gì vừa nghe, ngửi, thấy. Mùi thuốc pháo nồng nồng, lâng lâng. Cứ như là vừa nhìn thấy chính tuổi nhỏ của mình vậy.
Giữa đám khói thuốc cuộn đen ấy ông chủ nhà tưng tưng nhảy ra, hai tay đưa lên trời miệng hét : Hoan hô ! Hoan hô ! bằng cái giọng cực kỳ sảng khoái. Nhưng ông Sửu dừng lại rất nhanh khi nhận thấy một đám đông đang đứng lặng phắt nhìn ông. Hơn nữa, đứng giữa đám đông ấy là anh công an khu phố.
Ở đồn công an phường ông Sửu được đích thân ông đại úy trưởng đồn phỏng vấn. May quá, khách quen. Ông Sửu thầm mừng nhưng anh đại úy thì nghiêm nét mặt tuy vẫn chào hỏi và nhận người quen đàng hoàng.
- Bác mua pháo ở đâu ?
Đó là câu hỏi quan trọng nhất cần được hỏi. Liệu có chăng một nơi sản xuất pháo hoặc một đường dây buôn lậu mới chưa biết đến ?
- Tôi để dành từ năm năm nay. Từ hồi chính phủ cấm đốt pháo tôi đã mua vài dây cất để dành đốt khi cần thiết.
- Đốt khi cần thiết ! Anh công an thét lên. Ai cho phép bác cái quyền ưng đốt pháo lúc nào thì đốt. Lại giữa đêm hôm khuya khoắt như thế này.
- Trời nóng, chưa ai đi ngủ vào giờ này.
- Không ai ngủ thì bác cũng không có quyền. Bà con mình không nghe pháo nổ, quen rồi.Giờ bác làm thình lình như thế lỡ như có ai đau tim ngã ra chết thì sao ?
- Không đến nỗi như thế đâu đồng chí đại úy.
- Bác im đi ! Như thế nào là không đến nỗi ? Vợ tôi mới sinh đang nằm cho con bú nghe tiếng pháo của bác giật bắn người mồ hôi vả ra, mặt xanh lơ xanh lét. Như thế là có đến nỗi không ?
Chết rồi, chuyến nào chứ chuyến này thì toi. Ông Sửu thầm nghĩ. Không khéo mình làm người ta lên cơn hậu sản thì nguy. Nhưng tại sao mới chỉ mấy năm mà con người từ chỗ ham thích tiếng pháo đâm ra sợ tiếng nổ đến thế nhỉ ?
- Chết thật ! Tôi xin lỗi. Tôi không nghĩ nó lại đến như thế.
Ông Sửu nói lí nhí. Khổ, hàng ngày ông là người hoạt bát. Quán hớt tóc của ông lúc nào cũng có khách và cũng là nơi đọc báo công cộng của cả khu phố. Ngày nào ông cũng mua vài tờ để khách đọc đỡ phải nóng ruột ngồi chờ. Mà ông mua báo cho ông là chính, ông đọc không chừa cái mục nào. Chính vì thế chuyện trên trời dưới đất gì ông cũng tường tận. Người lại mau miệng, tuy đã quá tuổi sáu mươi, nên khách của ông là bất cứ ai, làm bất cứ nghề gì, ông cũng có thể tham gia và góp ý ở những lĩnh vực hóc búa nhất. Dĩ nhiên là như vậy rồi, chỉ những vấn đề hóc búa nhất người ta mới trao đổi trên báo. Như với anh đại úy công an này, mới tuần trước đây thôi, ông đã cả gan dám chê rằng công an phường nhà không điều tra ra vụ trộm ở nhà bà Hồng thì đúng là quá dở. Chúng nó cạy cửa, để lại bao nhiêu là dấu vết. Anh đại úy công an cũng công nhận rằng mình yếu nhưng vì các phương tiện đều thiếu. Trong trường hợp này nếu mà có được một con chó nghiệp vụ thì bọn trộm khó có đường thoát. Ông Sửu reo lên : Cần gì chó, mua cái máy ngửi mùi cũng được. Công an thế giới người ta trang bị cả rồi. Mỗi mùi màn hình cho ra một số. Ta chọn số nào là cây kim cứ theo hướng mùi đó mà chỉ. Ta cứ việc vào tận bếp tên trộm mà lôi ra các tang vật. Mỗi máy đâu chừng một hai trăm đô-la. Có mắc gì đâu nhưng bảo vệ được tài sản của dân có khi nhiều hơn hàng chục, hàng trăm lần. Anh công an gật gù. Đó là lúc ông Sửu đang bóp vai chứ đang cắt tóc hay cạo râu thì có muốn cũng chẳng gật gù được.
Thấy ông lão lí nhí anh công an như có vẻ thông cảm.
- Bác không phải xin lỗi, bác chỉ phải nộp phạt thôi. Nặng đấy. Cả tháng làm việc của bác chưa chắc đã đủ.
Ông Sửu không nói gì chỉ thở dài một cái nghe đánh sượt. Anh công an mỉm cười :
- Bác hối rồi phải không ? Có gì vui mà bác đem cả dây pháo để dành từ năm năm nay ra đốt vậy ?
Ông Sửu như sực nhớ ra :
- Này, đồng chí đại úy. Vợ đồng chí vừa sinh đứa thứ ba phải không ?
- Vâng, vỡ kế hoạch. Cô ấy lại cứ thích giữ.
Ông Sửu reo lên sung sướng :
- Khỏi lo, khỏi lo ! Từ nay có thuốc kế hoạch mới rồi, không phải kiêng cữ, đeo bao cao su hay đặt vòng gì sất. Chỉ cần một cái ống hít như ống hít khi người ta nghẹt mũi. Người phụ nữ hít một lần thì vỏ trứng sẽ dày lên khiến các anh chàng có đuôi không tài nào chui lọt. Rất là thiên nhiên chứ không phải như các kiểu cũ vừa thô bạo vừa bất tiện...
Anh công an nghiêm mặt :
- Không phải lúc đùa. Ở đây không phải là quán hớt tóc của bác. Bây giờ, giấy bút đây, bác viết kiểm điểm đi. Tại sao bác lại đốt pháo.
Ông Sửu vẫn như đang trong dòng say sưa của mình :
- Mới vừa nghe thế tôi sướng quá liền mang dây pháo ra đốt. Bà con mà không kéo đến thì tôi đã đốt thêm dây nữa rồi. Mà này, chú có biết không, đó là công trình của người Việt Nam mình. Sướng nhé ! Người Việt Nam mình đã cứu cả nhân loại khỏi nạn nhân mãn. Từ cây A năng của đồng bào Vân Kiều các nhà khoa học đã làm được điều đơn giản kỳ diệu ấy.
Anh công an hoài nghi :
- Bác nghe ở đâu cái tin ấy ?
- Đài BBC chứ đâu. Tổ chức dân số của Liên hợp quốc đã công nhận và gấp rút phổ biến trên khắp thế giới, nhất là các nước châu Phi. Chú cứ hình dung ra đi, dân số ít, nhu cầu ít, con người ta không phải giành giật mọi thứ... Tất cả đều nhờ cái ống hít ấy.
Anh công an cười tủm tỉm :
- Mà tại sao bác lại mừng cho cái phát minh này đến thế ? Bác gái cháu trông lọm khọm quá rồi.
- Ai dà, bà nhà tôi thì nước nôi gì nữa. Ngay cả tôi cũng thế thôi. Ông Sửu lại thở dài đánh sượt. Tôi mừng là mừng cho anh kìa. Mà anh cũng chưa ăn thua, lớp trẻ hơn anh nữa mới thật là sung sướng.
Nghe ông Sửu nói chẳng hiểu sao anh công an lại cảm thấy thương vô hạn cái tuổi quá sáu mươi của ông Sửu. Nếu người ta tìm ra thuốc trẻ lại dám lão ta đốt cả nhà để ăn mừng chứ chẳng chơi.
- Bác bảo là ở nhà bác còn để dành mấy dây pháo nữa ?
Ông Sửu hào hứng :
- Ba dây cả thảy. Một dây đốt rồi. Một dây để dành lúc ...Ai mà biết được chuyện gì sẽ xảy ra.
- Có phải bác để dành lúc con người tìm ra thuốc chống tuổi già ?
- Hay ho gì cái thứ đó chú. Sống cho ra sống, trẻ con lớn lên thay thế cho người già tắt đi, như thế vui hơn nhiều chứ.
- Vậy chứ bác chờ điều gì ?
Ông Sửu cười, như mỉa mai chính mình :
- Chú đừng cười. Tôi mong rằng đến một lúc nào đó con người sẽ thắng được lực hút của trái đất và bay vèo vèo trong không trung như Tề Thiên Đại Thánh mà không cần dựa vào bất cứ thứ máy móc nào.
Đúng lúc ấy bà vợ ông Sửu bước vào, tay ôm hai bành pháo được chế tạo từ hồi 1994. Bành pháo đến là to, viên nào viên nấy to như ngón tay cái. Không cần chào hỏi ai, bà ta ngoay ngoắt :
- Đáng đời chưa, lão già ? Tôi đã van ông bao nhiêu lần là hãy hủy mấy dây pháo đi, ông vẫn không nghe. Đang nằm nghe đài tự nhiên vùng dậy hét ầm ĩ : Hoan hô cây A năng! Hoan hô ống hít ngừa thai. Thật không biết xấu hổ. Ông ngừa thai với ai ? Nào, nói đi ! Sao im thin thít thế.
- Thôi, im đi bà già. Ông Sửu vừa nói vừa nhăn mặt. Có đem tiền đó thì nộp phạt cho chú ấy để tôi còn về.
- Không có nộp phạt nộp phiết gì cả. Ông đáng cho chú ấy bỏ tù rục xương luôn may ra mới khôn lên được. Đây, còn hai dây pháo lão giữ khư khư lâu nay, tôi nộp cho chú. Thế là yên chuyện.
Lão Sửu ôm đầu như cố bịt tai lại. Lão liếc hai bánh pháo rồi cúi mặt xuống. Chao, hai dây pháo. Giá mà nhìn thấy, nghe thấy chúng mày nổ tung đùng, đùng, đoàng, đoàng trước khi nhắm mắt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001