Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Khai thác bôxit: Chi phí tăng cao, công nghệ lạc hậu


CẦM VĂN KÌNH

TT – Tại hội thảo do Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật VN tổ chức ngày 9-5, đại diện Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản VN (TKV) đã công khai các con số mới nhất về các dự án bôxit ở Tây nguyên. 
Công nhân Nhà máy bôxit nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) chằng buộc, phủ bạt che chắn số alumin để ngoài trời vì chưa bán được (ảnh chụp tháng 4-2013) – Ảnh: Mai Vinh

Mặc dù những số liệu mới công bố đều bất lợi, đại diện Bộ Công Thương vẫn nhận định hai dự án bôxit chắc chắn có hiệu quả và việc đề xuất dừng dự án là không hợp lý. TKV khẳng định dự án sẽ hoàn vốn trong khoảng 12-13 năm, còn các chuyên gia cho rằng dự án sẽ… “mắc kẹt”. 
Những con số biết nói
Chậm tiến độ
Về việc chậm tiến độ, TKV giải thích do dự án có quy mô lớn, phức tạp, đền bù giải phóng mặt bằng chậm, thi công hồ bùn đỏ phải kéo dài do  phải tái thẩm định và bổ sung giải pháp an toàn sau sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary. Đáng lưu ý, TKV thừa nhận chất lượng giao thông khu vực đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đèo, dốc chỉ đảm bảo xe trọng tải đến 25 tấn nên việc vận chuyển thiết bị… siêu trường siêu trọng gặp khó khăn.
TKV cũng nêu một nguyên nhân nữa khiến dự án chậm là vì tác động của  dư luận xung quanh việc tiếp tục hay dừng triển khai dự án bôxit cũng như có số lượng lớn các đoàn công tác của trung ương, địa phương và cơ quan báo chí đến kiểm tra, giám sát, tìm hiểu thông tin… đã ảnh hưởng đến tâm lý chủ đầu tư, nhà thầu…
TKV cho biết tổ hợp bôxit nhôm Lâm Đồng được phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư trên 11.300 tỉ đồng (khoảng 670 triệu USD). Tuy nhiên, đến tháng 3-2013, TKV phải điều chỉnh tăng thêm trên 3.640 tỉ đồng (tăng 33,1%).
Nguyên nhân, đại diện TKV cho biết vì tỉ giá, lãi suất tăng và khi lập dự án đã chủ quan chưa tính đến chi phí nguyên vật liệu chạy thử, chi phí vay vốn.
Đặc biệt, khi tính toán lại tại thời điểm tháng 3-2013, với dự án Tân Rai, lợi nhuận sau thuế bình quân năm chỉ còn khoảng 896 tỉ/năm, giảm tới trên 310 tỉ so với tính toán hồi năm 2009. Số năm lỗ kế hoạch tăng thêm hai năm, tức phải năm năm sau nhà máy mới hết lỗ.
Các loại thuế phải nộp của dự án cũng chỉ còn khoảng 422 tỉ/năm, giảm trên 117 tỉ so với tính toán cũ. Ngược lại, thời gian thu hồi vốn (kể từ khi đi vào hoạt động) sẽ là 11,8 năm, tăng hơn hai năm rưỡi.
Với nhà máy Nhân Cơ, TKV cho biết tổng vốn đầu tư tăng 31%, số năm lỗ kế hoạch là bảy năm với tổng lỗ khoảng 1.700 tỉ đồng, thời gian thu hồi vốn của dự án này cũng dài hơn, lên tới 12,9 năm.
Trong khi số thuế nộp cho ngân sách lại… giảm trên 623 tỉ. Như vậy, so với tính toán hồi năm 2009-2010 để đi đến quyết định đầu tư giữa lúc dư luận băn khoăn, công bố khả năng nộp thuế của hai dự án bôxit nay đã được TKV giảm xuống tổng cộng trên 740 tỉ đồng.
Theo báo cáo của TKV, tính đến tháng 4-2013, tổ hợp bôxit nhôm ở Tân Rai đã khai thác được 1,6 triệu tấn quặng bôxit. Nhà máy tuyển quặng sau nhiều bước chạy thử đã cho ra sản phẩm quặng tinh bôxit cơ bản đảm bảo thiết kế, riêng phần nước tuần hoàn và nước thải ra “hồ thải quặng đuôi” chưa đạt yêu cầu.
Còn nhà máy alumin Nhân Cơ (Đắk Nông), trước nhiều ý kiến cho rằng cần dừng dự án này lại, TKV khẳng định dự án đã hoàn thành xây lắp khoảng 51% và gần như… tất cả thiết bị chính đã được tập kết đến chân công trình. Tổng giá trị đã thực hiện cho nhà máy này đã lên tới trên 6.800 tỉ đồng.
Sẽ mắc kẹt hơn 10 năm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia tham dự hội thảo (phần thảo luận hạn chế báo chí tham dự) cho biết ông Nguyễn Mạnh Quân, vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công thương, đã cho rằng dư luận xã hội và các nhà khoa học lo ngại hiệu quả kinh tế hai dự án bôxit là chính đáng.
Ông Quân cũng cho rằng số liệu công bố ngày 9-5 có thể coi là số liệu chính thống và để đánh giá hiệu quả dự án phải dùng số liệu mới này.
Ông Quân lưu ý giá bán bôxit của TKV tính theo giá hiện nay (giá khoáng sản đang rơi), và nhận định hai dự án bôxit chắc chắn có hiệu quả và đề xuất dừng dự án lại là không hợp lý. 
Ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban bôxit nhôm, Tổng công ty Khoáng sản VN,  cho rằng các số liệu về mức đầu tư của TKV chưa bao giờ thống nhất. Theo ông Ban, có khi mức đầu tư một dự án bôxit đã được công bố lên tới 800 triệu USD, nên nếu tăng tới trên 30%, tổng số tiền phải đổ vào một tổ hợp alumin đã lên tới trên 1 tỉ USD.
Ông Ban cũng cho rằng bôxit VN chất lượng không cao, vùng khai thác đều cách rất xa cảng biển, lớp bôxit trên đất rất mỏng, vùng khai thác lại rất thiếu nước, chi phí đền bù cao…
Nhấn mạnh với khoảng cách đều trên 100 km, việc vận chuyển bôxit từ nhà máy ra biển phải bằng tàu hỏa, nếu lấy ôtô chở là cực kỳ rủi ro, chi phí rất cao (chi phí vận chuyển theo TKV tính thì ở Tân Rai là 478.500 đồng/tấn; Nhân Cơ 528.000 đồng/tấn).
Trong khi đó, quy hoạch Bộ Công thương lại nói đến sau năm 2020 mới nghiên cứu làm đường sắt. Ông Ban khẳng định “như thế là hai nhà máy sẽ mắc kẹt hơn 10 năm nữa”.
Phải hy sinh cho TKV?
GS. TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế, trong tham luận gửi hội thảo đã đánh giá tất cả những gì đang xảy ra ở Tân Rai chứng tỏ “sự yếu kém của cả ban quản lý dự án, nhà thầu và chủ đầu tư”.
Nêu chi phí đền bù cho dân của TKV hiện khoảng 800 triệu đến 1 tỉ  đồng/ha, TKV đề xuất giảm chỉ còn 250 triệu/ha; TKV cũng đề nghị giảm thuế môi trường từ 30.000 đồng/tấn xuống chỉ còn 5.000 đồng/tấn, ông Thái đặt câu hỏi: Liệu có phải Nhà nước đang bị đặt vào tình thế buộc phải “hy sinh” cho TKV? Nếu Nhà nước đồng ý giảm, ông Thái cho rằng như thế thật ra về mặt kinh tế với đất nước sẽ… không hiệu quả.
TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng của TKV, cho rằng thực tế triển khai các dự án thử nghiệm cho thấy tính chất thử nghiệm không đúng, vì TKV thử nghiệm cùng lúc hai dự án cùng một công nghệ, cùng quy mô, cùng nhà thầu, cùng loại bôxit… Quy mô thử nghiệm theo ông Sơn cũng trái chỉ đạo phải “làm từ nhỏ đến lớn”. Bởi công suất thử nghiệm 1,26 triệu tấn/năm, thực tế đã gấp… 10 lần nhu cầu trong nước.
TS Sơn nói TKV đã mắc vào “cái bẫy giá rẻ” của Trung Quốc. Công nghệ sử dụng than của dự án đòi hỏi phải đưa than tốt từ Quảng Ninh vào. Phân xưởng khí hóa than thì sử dụng công nghệ từ cách đây nửa thế kỷ. Đặc biệt, nhà thầu chỉ cam kết làm ra 1 tấn alumin cần tới 679kg than, 49,2kg vôi, 7m3 nước… nên ông Sơn cho rằng riêng lượng than cấp cho Tân Rai đã đủ cấp cho một nhà máy nhiệt điện phát 1 tỉ kWh/năm…
Sẽ thăm dò bôxit ở Bình Phước, Gia Lai
Thừa ủy quyền của Bộ Công thương, Viện Khoa học công nghệ mỏ – luyện kim đã công bố dự thảo quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng quặng bôxit đến năm 2020 có xét đến năm 2030. Theo đó, quy hoạch dự báo giá alumin từ năm 2010-2020 trung bình sẽ ở mức khá cao, tới 450 USD/tấn (TKV đang bán được giá chỉ trên 300 USD/tấn). Quy hoạch còn xác định đến năm 2015 sẽ mở rộng diện phải thăm dò bôxit ra cả Bảo Lộc (Lâm Đồng), mỏ Thống Nhất, Thọ Sơn (Bình Phước), Sơ Pai (Gia Lai)…
C.V.K.
Nguồn: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/547580/khai-thac%C2%A0boxit-chi-phi-tang-cao-cong-nghe-lac-hau.html?page=2#ad-image-0
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/46795
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001