Cỏ Dại - Vườn Quốc gia Cát Tiên: “Oan cho tôi quá!”
Cỏ Dại
Sáng nay (ngày 20/6/2013) tôi có đọc một bài báo với tựa đề “Quốc tế lý giải Cát Tiên trượt di sản thế giới” trên trang web http://
vietnamnet.vn (đường link bài báo:
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/127906/quoc-te-ly-giai-cat-tien-truot-di-san-the-gioi.html). Bài này cũng xuất hiện trên một số trang mạng khác. Nội dung bài báo có thể được rút gọn thành hai vấn đề mấu chốt sau đây:
Bài báo nêu lên nguyên nhân chính mà Tổ chức bảo tồn thiên nhiên Quốc tế
(IUCN) quyết định vườn Quốc gia Cát Tiên không lọt vào danh sách di sản
thiên nhiên thế giới là do giá trị đa dạng sinh học của vườn Quốc gia –
một tiêu chí đánh giá quan trọng bậc nhất - thì lại chưa đáp ứng yêu
cầu [1]
Để giải đáp phần thắc mắc của độc giả về tác động của dự án hai công
trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A tới vườn Quốc gia Cát Tiên- một vấn đề
gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua - tác giả đã viết như sau:
“Theo các chuyên gia IUCN, nếu các công trình thủy điện không được vận
hành một cách đúng đắn thì nó sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến VQG Cát Tiên
thông qua chế độ dòng chảy của sông Đồng Nai khi chảy qua các hệ thống
bậc thang thủy điện này. Tuy nhiên, không thể vì thế mà chúng ta đưa ra
biện pháp cấm cản việc xây dựng cũng như vận hành các công trình thủy
điện trong tình trạng đất nước đang thiếu điện nghiêm trọng như hiện
nay.” [1]
““Thay vào đó, để các đập thủy điện không còn là mối đe dọa đối với đa
dạng sinh học VQG Cát Tiên thì việc xây dựng, vận hành các công trình
phải đảm bảo giảm thiểu tới mức thấp nhất ảnh hưởng đến Vườn, đồng thời,
bảo đảm điều hòa được lưu lượng và mực nước sông Đồng Nai ở hạ du và
Bàu Sấu”, IUNC nhấn mạnh.” [1]
Sau khi đọc xong bài viết trên, bạn có nhận định gì? Có phải bạn sẽ như
tôi, cũng kết luận vậy nguyên nhân chủ yếu của việc “trượt” này là do
chính bản thân vườn Quốc gia Cát Tiên nghèo nàn về độ đa dạng sinh học
và hai công trình thủy điện kia không phải là nguyên nhân như bao người
đồn đoán vì nó có tác động không đáng kể. Hơn nữa, quyết định xây dựng
hai công trình thủy điện là hết sức đúng đắn và cần thiết.
Nhưng đó có phải là sự thực? Ta hãy đối chiếu bài báo mạng nói trên với bản báo cáo tóm tắt của IUNC
(link download bản tóm tắt của IUCN: http://whc.unesco.org/archive/2013/whc13-37com-8B2inf-en.pdf - Vườn quốc gia Cát Tiên ở trang 64).
Trong bài báo cáo, trước hết, họ mô tả sự đa dạng sinh học của vườn dựa
trên tài liệu do Việt Nam cung cấp và so sánh với những vườn khác trong
khu vực Đông Nam Á. Sau đó, IUCN nhận định rằng: “độ đa dạng ở mức độ
chi của những khu rừng thường xanh ở vùng địa hình thấp thì tương tự với
các vùng khác trong khu vực Đông Nam Á bao gồm Indonesia và Malaysia và
chỉ thấp hơn các vùng này về độ đa dạng loài” [2]. Thêm nữa, họ cũng
khẳng định “độ đa dạng về loài của động vật có xương sống thì tương tự
như một số vị trí rừng nhiệt đới đa dạng loài nhất đã được ghi tên trong
danh sách Di sản thế giới và cao hơn nhiều so với Campuchia” [2]. Kế
đến, họ đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn sau: Protection (sự bảo vệ),
Boundaries (Ranh giới của vùng đề cử), Management (Sự quản lý khu vườn),
Community (cộng đồng người dân địa phương sinh sống quanh vùng đệm) và
Threat (những nguy cơ tiềm ẩn). Với các tiêu chí này, chỉ duy nhất tiêu
chí Protection là đạt yêu cầu. Các tiêu chí còn lại hoặc không đạt yêu
cầu (gồm tiêu chí Boundaries, Management) hoặc vẫn còn vấn đề tồn tại
(gồm tiêu chí Community và Threat). Cuối cùng, họ đi tới kết luận là
chính sự không đảm bảo tính toàn vẹn (Integrity) như trong bản thiết kế
mới là nguyên nhân cốt yếu. Sự không đảm bảo tính toàn vẹn được thể hiện
qua nhiều khía cạnh bao gồm:
Vùng đề cử không bao gồm vùng đệm vốn được coi là rất quan trọng đối với các khu vườn bảo tồn.
Do quản lý còn lỏng lẻo nên vẫn có các hiện tượng săn bắn trộm, câu cá trộm, đốn hạ cây gỗ…
Cũng do quản lý chưa tốt nên hoạt động du lịch sinh thái với lượng
20,000 khách mỗi năm đã gây ảnh hưởng tới sự sinh sống của sinh vật
trong vườn [2].
Vấn đề tái định cư và hỗ trợ cho các cộng đồng dân cư địa phương sống ở
khu vực lân cận vườn Quốc gia cũng chưa được giải quyết thấu đáo.
Đặc biệt là chưa đánh giá được những nguy cơ tiềm năng có thể gây tác
hại tới sự bảo tồn của khu vườn. Ở mục này, báo cáo nêu rõ trong hồ sơ
đề cử của Việt Nam đã không hề nhắc tới dự án hai công trình thủy điện
cũng như những tác động của chúng tới hệ sinh thái của vườn Quốc gia Cát
Tiên. Họ còn đưa ra dự đoán nếu các đập của hai công trình thủy điện
được xây sẽ làm thay đổi dòng chảy của sông Đồng Nai và làm giảm chế độ
nước ở phía Bắc của khu vực đề cử. Do đó, nó sẽ làm giảm hoặc đảo ngược
chế độ nước theo mùa của sông Đăk Lua là nguồn đem lại thức ăn cho vùng
đầm lầy nằm giữa khu vực bảo tồn, kéo theo sự giảm nguồn nước đầu vào
(chưa rõ mức độ giảm) cũng tức là hủy hoại hệ sinh thái vùng đầm lầy. Họ
cũng cảnh báo các tác động tiêu cực của công trình thủy điện tới sự đa
dạng sinh học trong vùng đề cử đặc biệt là đối với cá sấu Xiêm (một loại
động vật quý hiếm cần bảo tồn).
Như vậy là trong cả bản báo cáo tóm tắt đó, tôi không hề đọc được kết
luận nào nêu nguyên nhân của sự “trượt” kia là do sự đa dạng của vườn
Quốc gia Cát Tiên là chưa đáp ứng yêu cầu. Cũng không tìm thấy câu nào
nói là “để các đập thủy điện không còn là mối đe dọa đối với đa dạng
sinh học VQG Cát Tiên thì việc xây dựng, vận hành các công trình phải
đảm bảo giảm thiểu tới mức thấp nhất ảnh hưởng đến Vườn, đồng thời, bảo
đảm điều hòa được lưu lượng và mực nước sông Đồng Nai ở hạ du và Bàu
Sấu” [1] như bài báo đã nêu. Thậm chí, ở đoạn kết, IUCN còn nhấn mạnh
“công trình thủy điện (mặc dù chưa được xây dựng) là một mối hiểm họa
tiềm năng nhưng hết sức nghiêm trọng ảnh hưởng tới chức năng hệ sinh
thái và sự đa dạng sinh học của khu bảo tồn” [2]. Hơn bữa, trong phần
ghi chú một lần nữa họ đề nghị nhà nước ta nên xây dựng các biện pháp
bảo vệ mạnh mẽ hơn cùng với các kế hoạch quản lý phù hợp để chống lại
các nguy cơ chính như công trình thủy điện, khai thác cát trên sông,
hoạt động du lịch quá tải và đặc biệt là các hành vi mua bán trái phép
và săn bắn trộm trong khu vực bảo tồn này [2].
Với sự đối chiếu mới chỉ ở mức độ sơ sài thôi, chúng ta có thể nhận thấy
sự khác biệt hoàn toàn về nội dung giữa bài báo mạng và bản báo cáo của
IUCN. Tôi cho rằng đây là một sự vu cáo trắng trợn đem lại tiếng oan
trước hết cho danh tiếng vườn Quốc gia Cát Tiên sau là của tổ chức IUNC.
Rõ ràng, vườn quốc gia Cát Tiên bị loại khỏi danh sách Di sản thiên
nhiên thế giới là do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là từ phía hoạt động
của con người (quản lý kém, hoạt động khai thác trái phép và xây dựng
công trình thủy điện), hoàn toàn không phải do bản chất về độ đa dạng
sinh học của vườn.
Tôi viết bài này trước hết là để khẳng định bài báo mạng với tựa đề
“Quốc tế lý giải Cát Tiên trượt di sản thế giới” là bịa đặt, đánh lừa dư
luận. Sau nữa, điều quan trọng tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta phải
chung tay cùng hành động để bảo vệ vườn quốc gia Cát Tiên ngay từ bây
giờ, kiên quyết không để hai công trình thủy điện được khởi công. Vì một
khi đã bị loại ra khỏi danh sách Di sản thiên nhiên thế giới, chẳng có
nhà chức trách nào còn băn khoăn về việc bảo tồn khu vườn nữa, thậm chí
có khi chúng ta sẽ mất đi một khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học
và vườn Quốc gia Cát Tiên sẽ chỉ còn là hình ảnh trong ký ức.
Ký tên
Cỏ Dại
Bài do tác giả gửi cho DĐTK
Tài liệu tham khảo:
1. Song Ly, 2013. Quốc tế lý giải Cát Tiên trượt di sản thế giới.
URL:http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/127906/quoc-te-ly-giai-cat-tien-truot-di-san-the-gioi.html
2. IUCN, 2013. IUCN Evaluations of Nominations of Natural and Mixed Properties to the World Heritage List. P64-72
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/06/co-dai-vuon-quoc-gia-cat-tien-oan-cho.html
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001