Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Nhân dân thua cuộc 



15:20, 07/06/2013
(ĐVO) – ‘Quốc hội, Chính phủ nên có lời xin lỗi dân vì việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ trong giai đoạn vừa qua để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí. Đây cũng là tiền thuế của dân do dân đóng góp’.

Thảo luận ở hội trường sáng 7/6 về kết quả giám sát việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012 ĐBQH bức xúc vì quá nhiều dự án đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ tranh thủ xin – cho và lãng phí.


Doanh nghiệp và nhân dân thua thiệt trong cuộc chơi
Đại biểu Lê Nam đến từ đoànThanh Hóa bức xúc, nguốn vốn huy động từ trái phiếu Chính phủ thực chất là tiền vay nợ trong nước cho đầu tư phát triển. Giai đoạn 2006-2012 với 2.682 dự án tổng mức đầu tư ban đầu là 409.415,5 tỉ đồng.

Đến năm 2012 tổng mức đầu tư được điều chính lên 684.794,5 tỉ đồng (tăng hơn 67% so với dự kiến). Giai đoạn 2008-2009 là thời gian bổ sung rất nhiều dự án đẩy tổng mức đầu tư lên rất nhanh.
‘Dư luận nhiều năm qua nói về việc chi % trong công trình đầu tư cơ bản, người bảo 10%, người nói 30%, thậm chí chưa có đồng nào doanh nghiệp đã phải rải tiền các cửa. Kêu về tệ ‘bôi trơn’ nhưng qua giám sát cho thấy tham nhũng trong xây dựng cơ bản từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dường như không có.
Có tin được không?. Tôi khẳng định là không tin. Nhân dân càng không tin. Nhưng mà bảo có thì cả thanh tra và kiểm toán tìm chưa thấy’, ĐB Nam đặt ngược vấn đề.
Các dự án giao thông thường được điều chỉnh vốn sau phê duyệt tăng 1,8 lần
Các dự án giao thông thường được điều chỉnh vốn sau phê duyệt tăng 1,8 lần
Những gì trong sử dụng vốn, trái phiếu Chính phủ cho thấy hậu quả của nó là nguyên nhân của lạm phát, nợ xấu của hàng ngàn doanh nghiệp khốn đốn. ĐB Nam nhấn mạnh: ‘Doanh nghiệp và nhân dân trong cuộc chơi này luôn là người thua thiệt’.
Cũng bức xúc về tình trạng đầu tư dàn trải, không kiên quyết đến cùng trong việc bố trí nguồn vốn cho từng dự án, ĐB Trần Thị Dung, Hà Giang nêu: ‘thiếu nguồn lực, lãng phí thất thoát lớn nhưng trách nhiệm thuộc về ai. Trước nhân dân cả nước QH cần mổ xẻ phân tích rõ ràng đẩy đủ trên cơ sở pháp lý là thực hiện Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí’, ĐB Dung nói.
Theo ĐB Dung, qua Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội  về việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản trong 7 năm qua, đại biểu nào cũng sẽ thấy được sự lãng phí xảy ra ở tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư. Song khâu lãng phí nhất ngay từ khi xác đinh chủ trương quy hoạch kế hoạch. Một số chủ trương chính sách ban hành còn thiếu tính khả thi. Quyết định chủ trương đầu tư vượt xa với nguồn vốn. Khi nhiệm vụ này chưa hoàn thành lại tiếp tục mở rộng sang mục tiêu đầu tư khác.
ĐB Dung nêu cụ thể từ các bệnh viện, kiên cố hóa trường lớp học, ký túc xá sinh viên và nhiều dự án giao thông thủy lợi. Chủ trương phân cấp, phân quyền quản lý kinh tế trong các ngành còn nhiều điều bất hợp lý. Lập thẩm định phê duyệt dự án đầu tư chưa được chú trọng đúng mức. Nhiều dự án vượt quá khả năng phân bố nguồn vốn.
Báo cáo kiểm toán số 422 của Kiểm toán Nhà nước nhận định do năng lực yếu nên chưa phát hiện hết sai sót. Ví dụ Hậu Giang một số đề án không có đề cương, nhiệm vụ khảo sát chưa được duyệt; một số hạng mục không có bản vẽ thiết kế không đủ cơ sở tính toán khối lượng. Thiết kế kỹ thuật chưa phù hợp với thiết kế cơ sở.
‘Công tác triển khai thực hiện dự án chưa thực sự được quan tâm dẫn đến tình trạng các dự án dở dang kéo dài, chậm tiến độ. Giai đoạn 2006-2012 còn 800 dự án chưa hoàn thành nguyên nhân chính là thiếu vốn, không đảm bảo vốn đúng tiến độ.Tình trạng giải ngân không thực hiện hết kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ phải chuyển nguồn cho năm sau trong khi việc huy động hết sức khó khăn sẽ là lãng phí vì Chính phủ phải trả lãi cho nguồn vốn này’ bà Dung nêu.
Theo ĐB Dung, trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chưa cao, còn trông chờ ỷ lại vào nguồn vốn này khi chưa làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư; xác định nhu cầu không sát, không bố trí các nguồn vốn hợp lý theo quy định.
‘Không ai không cảm thấy xót xa khi con số lãng phí luôn là đơn vị tỉ đồng và nhiều tỉ đồng. Đây cũng là tiền thuế của dân do dân đóng góp. Tôi đề nghị Quốc hội nên có lời xin lỗi đối với dân về tất cả những thất thoát lãng phí trong sử dụng nguồn trái phiếu chính phủ trong giai đoạn vừa qua’, bà Dung bức xúc.
Quốc hội khẳng định có tình trạng lãng phí
Báo cáo kết quả giám sát “Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012” của QH chỉ ra việc phân bổ vốn TPCP trong giai đoạn 2006 - 2012 còn dàn trải; bổ sung nhiều mục tiêu, số lượng dự án và tổng mức đầu tư tăng nhanh, dẫn đến thiếu vốn; nhiều dự án đang triển khai phải cắt, giảm, giãn, hoãn tiến độ, chuyển đổi hình thức đầu tư, gây lãng phí nguồn lực.
Bích Ngọc
nguồn:http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/201306/nhan-dan-thua-cuoc-2348414/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001