Thiện Giao - CSIS tổ chức hội thảo ‘Kềm Chế Căng Thẳng Biển Ðông’: Không một ai tin Trung Quốc
at 6/07/2013 02:48:00 PM
Thiện Giao/Người Việt
(tường trình từ Washington, DC)
WASHINGTON, DC (NV) - Chương trình hội thảo kéo dài 2 ngày, 5 và 6
Tháng Sáu, tại Washington, DC, với chủ đề “Kềm Chế Căng Thẳng Biển
Ðông” quy tụ gần 200 người tham dự, trong đó thành phần diễn giả gồm
nhiều học giả, luật gia, giáo sư, nhà ngoại giao, giới quân sự, đến từ
các quốc gia đang có tranh chấp tại Biển Ðông.
Mục đích của buổi hội thảo, do Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến
Lược (Center For Strategic & International Studies-CSIS) tổ chức, là
tìm hiểu các nguyên nhân gây nên tình trạng căng thẳng, giải pháp kềm
chế căng thẳng, và các đề nghị hợp tác khai thác tại Biển Ðông.
Một buổi thảo luận tại hội thảo “Kềm Chế Căng Thẳng Tại Biển Ðông.” Từ trái, Tiến Sĩ Trần Trường Thủy
(đứng), ông Murray Hiebert, Tiến Sĩ Wu Shicun, Tiến Sĩ Renato De Castro,
và Tiến Sĩ Yann-Huei Song. (Hình: Thiện Giao/Người Việt)
và Tiến Sĩ Yann-Huei Song. (Hình: Thiện Giao/Người Việt)
Ði tìm nguyên nhân tranh chấp
Một số học giả cho rằng nguồn gốc căng thẳng đến từ nguồn tài nguyên, gồm hải sản, dầu và khí thiên nhiên trong khu vực này.
Một số thì cho rằng an ninh hàng hải, quyền tự do hải hành, và mậu dịch, mới là nguyên nhân chính.
Tương tự các hội thảo khác, Trung Quốc vẫn là quốc gia cô đơn trong
tranh luận; và trong khi mục đích hội thảo là tìm kiếm niềm tin, giới cử
tọa dường như đồng thuận ở một điều: sự hợp tác là khó có thể khả thi.
Ông Gregory Poling, học giả của CSIS, mở đầu chương trình hội thảo bằng
bài thuyết trình có chủ đề “Xác Ðịnh Các Giới Hạn Của Tranh Chấp Biển
Ðông.”
Bài viết có đoạn: “Niềm tin, sự thực hiện những nhượng bộ cần thiết để
thúc đẩy quá trình thương lượng liên quan đến các tranh chấp biển đảo
hoàn toàn không tồn tại [ở khu vực này].”
Ðịnh nghĩa rõ các khu vực tranh chấp là điều cần thiết, theo ông Poling,
“và chính các định nghĩa ấy đóng vai trò tối quan trọng giúp kiềm chế
căng thăng trong khu vực.”
Ông Poling, thông qua tài liệu từ các nghiên cứu về luật biển và dữ liệu
được phổ biến công khai, đã vẽ một bản đồ thể hiện diện tích tối đa của
khu vực đang có tranh chấp trên Biển Ðông. Ðiều thú vị là, diện tích
tối đa mà ông Poling vẽ nên lại “nhỏ hơn diện tích nằm bên trong đường
lưỡi bò” của Trung Quốc.
Sự khác biệt vừa nêu, thêm vào những khác biệt khác, theo ông Poling, là “cốt lõi để tìm ra giải pháp cho Biển Ðông.”
Ông Poling cho rằng, giải pháp tích cực nhất cho khu vực tranh chấp tại
Biển Ðông là, trong khi chưa cần phải giải quyết vấn đề chủ quyền, các
bên cần hợp tác khai thác các loại tài nguyên tranh chấp. Tài nguyên này
bao gồm hải sản, dầu và khí thiên nhiên.
Ông cũng cẩn trọng nhắc thêm, “Bất cứ nỗ lực hợp tác khai thác nào, để
thành công, cần có sự hiện diện của Trung Quốc - tay đấm hạng nặng và
đồng thời là tác giả của hầu hết các vụ khiêu khích trong những năm gần
đây.”
Những tranh chấp trong vùng, vốn xuất xứ từ việc Trung Quốc nằng nặc đòi
hỏi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Ðông (nhưng không đưa ra được một
bằng chứng pháp lý nào), dẫn đến các tranh chấp về tài nguyên trong lòng
biển. Sự kiện công ty dầu khí CNOOC mang đấu thầu các lô khai thác dầu
và khí thiên nhiên hồi Tháng Sáu, 2012 là một ví dụ: Các lô này đều nằm
sát thềm lục địa Việt Nam trong khi lô gần nhất cũng đã cách Trung Quốc
đến... 230 hải lý.
Tiến Sĩ Patrick Cronin, cố vấn cao cấp Chương Trình An Ninh Châu Á-Thái
Bình Dương, thuộc Trung Tâm An Ninh Hoa Kỳ, thì nói thẳng, tranh chấp
tại Biển Ðông “ngày một căng thẳng hơn; đầu tư của các bên tranh chấp
cũng như tại khu vực tranh chấp ngày một gia tăng. Hoạt động hàng hải
tại Biển Ðông ngày càng bận rộn. Cùng lúc ấy, võ khí, tàu chiến, lực
lượng tuần duyên cũng ngày càng gia tăng.”
Một điều không thể chối cãi, theo ông Cronin: Vai trò của Trung Quốc
ngày càng đậm nét; và ảnh hưởng của quốc gia này đã vượt qua khỏi “đường
9 đoạn mang hình lưỡi bò.”
Vẫn theo Tiến Sĩ Cronin, cho dù Hoa Kỳ hoàn toàn có khả năng chế ngự
Trung Quốc cũng như có khả năng xây dựng hệ thống kềm tỏa không mang
tính đe dọa, căng thẳng tại khu vực này đều gây quan ngại.
Và ông kêu gọi “biến điều tiêu cực thành tích cực,” đồng thời “cự tuyệt hành động mang tính hiếp đáp.”
Khoảng 200 người tham gia cuộc hội thảo do Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế
và Chiến Lược (Center For Strategic & International Studies-CSIS)
tổ chức tại Washington, DC. (Hình: Thiện Giao/Người Việt)
tổ chức tại Washington, DC. (Hình: Thiện Giao/Người Việt)
Lại đường lưỡi bò
Một chương trình được nhiều người chờ đợi là buổi thảo luận “bốn tay,”
gồm Tiến Sĩ Wu Shicun (giám đốc Viện Nghiên Cứu Quốc Gia về Biển Nam
Trung Hoa), Tiến Sĩ Renato De Castro (giáo sư tại đại học De La Salle
University), Tiến Sĩ Yann-Huei Song (chuyên viên nghiên cứu thuộc Viện
Nghiên Cứu Âu-Mỹ) và Tiến Sĩ Trần Trường Thủy (Học Viện Ngoại Giao Việt
Nam).
Tiến Sĩ Shicun đại diện cho quan điểm của Trung Quốc. Tiến Sĩ De Castro
đại diện quan điểm của Philippines. Tiến Sĩ Song đại diện quan điểm của
Ðài Loan. Tiến Sĩ Trần Trường Thủy đại diện quan điểm Việt Nam.
Ông Shicun, bằng ngôn ngữ bóng gió, nói rằng “nhiều nước lợi dụng cơ hội
để áp lực Trung Quốc, đòi quốc tế hóa chuyện Biển Ðông, làm phức tạp
nhiều chuyện.” Trong khi đó, vẫn theo ông Shicun, Bắc Kinh “chỉ muốn hòa
bình, chưa bao giờ trực diện với ai và chưa bao giờ đòi hỏi chủ quyền
trên toàn bộ Biển Ðông.”
Quan điểm của ông Shicun gặp nhiều câu hỏi, nhiều khi gay gắt, từ cử tọa, liên quan đến ý nghĩa của “đường lưỡi bò.”
Ông Shicun nói rằng Trung Quốc “không định nghĩa tính sở hữu của đường
lưỡi bò,” vì làm như thế có nghĩa là “phải lấy lại tất cả các đảo (thuộc
các quốc gia khác) nằm trong phạm vi lưỡi bò.”
Phát biểu này lập tức gặp phải sự phản biện của cử tọa. Có người nói
thẳng: Không định nghĩa đường lưỡi bò là cách để tránh làm xấu đi tình
hình, tránh “làm giận” các quốc gia khác.
Mà thực tế thì Trung Quốc đã có ý đồ khống chế toàn bộ Biển Ðông.
Ông Wu, trước nhiều câu hỏi liên tiếp, đã kết luận: “Sẽ không có nhiều
không gian để lãnh đạo Trung Quốc thỏa hiệp hay sửa đổi đường 9 đoạn.”
Tức là: Trung Quốc sẽ không bao giờ thay đổi quan điểm về đường lưỡi bò.
Ðiều này được Tiến Sĩ Yann-Huei Song tái xác nhận: “Càng ngày, Trung
Quốc và Ðài Loan càng gặp khó khăn trong việc xác định ý nghĩa của đường
lưỡi bò.”
Tuy nhiên, một ý kiến khác của ông Song khiến cử tọa để ý, là lời kêu
gọi Trung Quốc tìm cách để Ðài Loan cùng tham gia trong các tranh chấp
biển đảo. Ông Song nói là các tranh chấp của Ðài Loan tương đồng với
Trung Quốc, nhưng “thái độ, cách tiếp cận và giải pháp mang tính hợp tác
hơn.” Trong khi đó, cử tọa thì cho rằng Ðài Bắc sẽ thiên vị Bắc Kinh
trong các tranh chấp này.
Về phía mình, Giáo Sư De Castro thì khẳng định Philippines cần thiết
phải mang tranh chấp ra trước tòa án quốc tế. Ông cũng đưa ra lý thuyết,
nếu Trung Quốc thành công trong tranh chấp với Philippines tại
Scarborough, Bắc Kinh sẽ tiếp tục lấn chiếm các đảo khác với chiến thuật
tương tự.
Ðại diện Việt Nam tiếp cận vấn đề theo một cách khác. Tiến Sĩ Trần
Trường Thủy nêu hàng loạt sự kiện trên Biển Ðông, cho thấy sự tương phản
giữa hành động của Trung Quốc với Việt Nam và các quốc gia khác. Qua
đó, Tiến Sĩ Thủy đưa ra một vài kết luận: Trung Quốc đang khống chế Biển
Ðông; các quốc gia nhỏ trong vùng ngày càng đoàn kết; ảnh hưởng của
Trung Quốc tại Biển Ðông càng lớn thì quyền lợi của Hoa Kỳ càng lớn; và
Hoa Kỳ cần nói Trung Quốc từ bỏ đường lưỡi bò.
Giảm thiểu căng thẳng?
Tiếp cận Biển Ðông theo nhãn quan kinh tế, ông Alexander Metelitsa, kinh
tế gia thuộc Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, cho rằng trữ lượng năng lượng dưới
lòng Biển Ðông không lớn. Nếu so sánh cung và cầu về năng lượng cho các
nước trong khu vực, thì rõ ràng năng lượng không phải là lý do để tranh
chấp.
Lý do chính, theo ông, là “năng lượng trên mặt biển,” tức đường vận chuyển năng lượng đi qua khu vực này.
Ông Metelitsa khẳng định: “Mậu dịch thông qua đường hàng hải mới là điểm xuất phát của tranh chấp.”
Trong khi đó, ông Murray Hiebert, phó giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc
Tế và Chiến Lược (Center for Strategic and International Studies -
CSIS), tập trung vào tài nguyên hải sản của Biển Ðông.
Ông Hiebert từng đi thăm Quảng Ngãi, cho biết ông “từng gặp những ngư dân bị Trung Quốc đốt tàu.”
Ông nói: “Ngư dân Việt Nam thiệt thòi nhất, vì bị tất cả các nước đe dọa.”
Ông Patrick Cronin, thuộc Trung Tâm An Ninh Hoa Kỳ, thì cho rằng cần xây
dựng các định chế giám sát chung để giảm thiểu căng thẳng và ngăn chặn
sự leo thang của tranh chấp. Ông nói, vụ Philippines bắn chết một ngư
dân Ðài Loan hồi gần đây là một ví dụ để cảnh tỉnh.
Alexander Metelitsa thì cho rằng “xây dựng một đường ống dẫn dầu xuyên
qua các quốc gia có tranh chấp cũng là phương cách hợp tác.”
Trong khi các diễn giả tập trung vào việc nêu giải pháp hợp tác phát
triển, thành phần cử tọa không tin rằng hợp tác là điều khả thi. Và
nhiều người đặt thẳng câu hỏi: vai trò của Mỹ.
Ông đại sứ Philippines tại Hoa Kỳ đặt câu hỏi: Trung Quốc liên tục vi
phạm tại khu vực biển tranh chấp nhưng không hề thấy Hoa Kỳ lên tiếng.
Gần đây, Bắc Kinh tuyên bố có quyền lên tàu ở những khu vực tranh chấp
để xét hỏi, cũng không thấy Washington lên tiếng.
Một cử tọa khác đặt câu hỏi, chỉ mỗi sự hợp tác đánh bắt cá cũng đã thất
bại, làm sao các hợp tác khác có thể khả thi. Sự thất bại về hiệp ước
đánh bắt cá giữa Việt Nam-Trung Quốc-Philippines cách đây mấy năm là một
minh chứng.
Nhiều người nhắc lại chiến lược quay trở lại Á Châu của Hoa Kỳ, nhưng
cho rằng “sự cân bằng” - balancing act - là con đường của Washington.
Ông Cronin nói rằng, Hoa Kỳ cần bảo đảm “sự cân bằng, cam kết với đồng
minh, nỗ lực ngăn chặn tai nạn và khuynh hướng chạy đua võ trang.”
“Thịnh vượng phải là thịnh vượng chung, dựa trên một hệ thống đặt trên nền tảng luật pháp.” Theo ông Cronin.
Trước câu hỏi của một diễn giả Trung Quốc, là ông Wu Shicun, về chính
sách của Hoa Kỳ tại khu vực Biển Ðông, ông Cronin nói rằng Hoa Kỳ “thiên
vị khi chọn đồng minh nhưng hoàn toàn trung lập đối với vấn đề luật
pháp quốc tế.”
Từ một cách tiếp cận khác, ông Joseph Yun, một quan chức cao cấp thuộc
Cơ Quan Quan Hệ Ðông Á và Thái Bình Dương, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, nói
rằng “quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ là mối quan hệ dày đặc.” Khi nói về
quan hệ này, cần phải hiểu là quan hệ “mang tính hợp tác.”
Nhưng ông cũng khẳng định điều được các chuyên viên nghiên cứu nhắc đi
nhắc lại: “Quan hệ ấy được xây dựng trên nền tảng luật pháp quốc tế.”
“Nền tảng luật pháp” là điều mọi người đều cần, nhưng lại là điều đầu tiên Trung Quốc thiếu, khi tham gia các cuộc tranh luận.
Hội thảo 'Kềm Chế Căng Thẳng Biển Ðông' (phần 2)
Trung Quốc phải theo luật quốc tế
Thiện Giao/Người Việt (tường trình từ Washington, DC)
WASHINGTON, DC - Ngày thứ nhì của hội thảo “Kềm Chế Căng Thẳng Tại Biển
Ðông” diễn ra với tranh luận liên quan đến vấn đề pháp lý và luật quốc
tế.
Cuộc tranh luận diễn ra gay gắt, và một lần nữa, quan điểm của Trung
Quốc bị cô lập hoàn toàn, từ phía cử tọa cũng như các chuyên viên từ các
quốc gia khác.
Buổi hội thảo về khía cạnh pháp lý của tranh chấp Biển Ðông,
được CSIS tổ chức tại Washington, DC, ngày 6 Tháng Sáu. Từ trái, ông Ernest Bower,
Tiến Sĩ Xinjun Zhang, ông Henry Bensurto, ông Peter Dutton, Tiến Sĩ Nguyễn Ðăng Thắng.
(Hình: Thiện Giao/Người Việt)
Tiến Sĩ Xinjun Zhang, ông Henry Bensurto, ông Peter Dutton, Tiến Sĩ Nguyễn Ðăng Thắng.
(Hình: Thiện Giao/Người Việt)
Diễn giả tham gia buổi hội thảo này gồm Tiến Sĩ Xinjun Zhang (Khoa Luật,
Ðại Học Thanh Hoa, Trung Quốc), ông Henry Bensurto (Bộ Ngoại Giao
Philippines), ông Peter Dutton (Giáo Sư Học Viện Hải Chiến Hoa Kỳ) và
Tiến Sĩ Nguyễn Ðăng Thắng (đại diện Việt Nam).
Mở đầu bài nói chuyện của mình, Tiến Sĩ Zhang đi thẳng vào vấn đề
Philippines mang tranh chấp biển với Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Ông Zhang giải thích, Trung Quốc không tham gia vụ kiện của Philippines
vì Bắc Kinh “không tranh luận về chủ quyền tại Biển Ðông,” và cũng vì
công ước biển UNCLOS không có thẩm quyền phân xử về chủ quyền trên biển.
Ðại diện Philippines đáp lời, phía của họ không đặt vấn đề chủ quyền trong vụ kiện này, mà đặt vấn đề “quyền lợi hàng hải.”
Ðiều đáng để ý là tất cả các diễn giả tham gia hội thảo, ngoại trừ Trung
Quốc, đều mở đầu bài nói chuyện của mình bằng đề tài “Nguyên Tắc Của
Luật Pháp.”
Ông Bensurto nêu “nguyên tắc luật pháp,” trong một sự ám chỉ Trung Quốc:
“Luật pháp là nền tảng giải quyết mọi mâu thuẫn,” “không có một xã hội
nào lại không có luật pháp,” và “luật pháp quốc tế là ngôn ngữ chung của
mọi phía tranh chấp.”
Trong phần trình bày của mình, Tiến Sĩ Nguyễn Ðăng Thắng nhắc đến “lợi
ích dài hạn của việc tuân thủ luật pháp,” đồng thời khẳng định, cũng là
một thông điệp cho việc Trung Quốc né tránh vụ kiện của Philippines:
“Luật quốc tế không phải là cái 'thực đơn' để các phía chọn món ăn phù
hợp cho mình.”
Trong tất cả các phần tham luận, ngoại trừ đại diện Philippines đi thẳng
vào các yếu tố kỹ thuật của vụ kiện Trung Quốc, phần phát biểu của Giáo
Sư Dutton được xem là thẳng thắn nhất, trực diện với Trung Quốc.
“Ðiều khó khăn là thiết lập tiêu chuẩn hành xử,” Giáo Sư Dutton phát biểu.
Ông nói, cách hành xử của nhiều quốc gia trong vùng, theo công ước
UNCLOS, đã và đang tạo nên tiêu chuẩn hành xử tại khu vực tranh chấp
trên Biển Ðông. Tuy nhiên, Trung Quốc là một trong các quốc gia không
tuân theo tiêu chuẩn này. “Một trong các quan ngại là Trung Quốc dựa
trên đường lưỡi bò chứ không theo tiêu chuẩn của UNCLOS.”
Ông Dutton cho rằng, Philippines là ví dụ rõ ràng của việc dựa trên tiêu
chuẩn UNCLOS nhằm nâng cao lợi thế khi đòi hỏi giải quyết các tranh
chấp về biển.
“Kể từ mùa Xuân 2009, chính phủ Philippines dồn mọi nỗ lực trong việc
ban hành luật quốc gia phù hợp với tiêu chuẩn UNCLOS. Bằng cách này,
Philippines đi trước các láng giềng vốn mạnh hơn mình,” theo Giáo Sư
Dutton.
Trong xu hướng này, luật quốc tế đang dần có khả năng định hướng thái độ
ứng xử của các quốc gia tranh chấp tại Biển Ðông. “Và điều này ảnh
hưởng tích cực lên sự ổn định toàn cầu,” Giáo Sư Dutton phân tích.
Tuy nhiên, vẫn còn những quốc gia chọn hành xử “không theo tiêu chuẩn
UNCLOS.” Và quyết định không theo tiêu chuẩn luật quốc tế xuất hiện khi
các tiêu chuẩn này không thuận lợi cho quyền lợi của họ, hoặc họ có sức
mạnh hơn các quốc gia khác.
“Nói cách khác, có một sự liên hệ giữa sức mạnh và luật.” Lời kết luận ám chỉ rõ ràng thái độ của Bắc Kinh.
Các đàm phán tại khu vực tranh chấp ở Biển Ðông từ hai thập niên qua
không đưa đến kết quả nào. Giới quan sát cho rằng, lý do là vì “Trung
Quốc luôn đòi hỏi nhiều hơn những gì các quốc gia khác sẵn sàng thỏa
thuận.”
Theo ông Dutton, các đồng nghiệp Việt Nam và Philippines cho ông biết,
Trung Quốc thậm chí đòi hai quốc gia này “thừa nhận chủ quyền của Bắc
Kinh trước, rồi mới chịu nói chuyện.”
Theo chiến thuật ấy, Trung Quốc ngày càng nỗ lực chia rẽ khối ASEAN để tránh phải thương thảo đa phương.
Vẫn theo Giáo Sư Dutton, “cho đến thời điểm này, Trung Quốc luôn từ chối
đưa các tranh tụng ra tòa án quốc tế. Có thể, họ biết luật quốc tế bất
lợi cho các đòi hỏi của họ, nhất là đòi hỏi về chủ quyền tại vùng biển
nằm bên trong đường lưỡi bò.”
Cho đến nay, Trung Quốc chọn chiến thuật tránh né đưa các vấn đề tranh
chấp biển theo hướng luật quốc tế hoặc dùng các cơ chế của luật quốc tế
để giúp giải quyết tranh chấp với các quốc gia láng giềng. Theo ông
Dutton, “chiến thuật của Bắc Kinh là dùng sức mạnh, thậm chí vũ lực, chứ
không dùng luật.”
Chọn phương cách tránh né tòa án, theo Giáo Sư Dutton, Trung Quốc “gặp
rủi ro, là có thể bị mất mặt khi cộng đồng quốc tế phán quyết bất lợi
trong các tranh chấp về biển.”
Hầu như mọi tranh luận về các tranh chấp tại Biển Ðông đều dẫn đến câu hỏi: Vai trò của nước Mỹ.
Giáo Sư Dutton cho rằng, để đạt được mục đích kềm chế căng thẳng tại khu
vực Biển Ðông, Washington cần theo đuổi một số chiến lược.
Trước hết, Mỹ phải hiện diện mạnh mẽ tại Ðông Nam Á. Tiếp theo, Mỹ cần
bỏ các mâu thuẫn sang một bên khi giải quyết tranh chấp, đồng thời cần
để cho các quốc gia trong khu vực xây dựng lực lượng tuần duyên cần
thiết để đối mặt với các áp lực của Trung Quốc trên biển.
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng cần đẩy mạnh sự áp dụng các tiêu chuẩn của luật
quốc tế; khuyến khích các quốc gia tranh chấp dùng giải pháp ngoại giao
để đi đến đồng thuận.
“Nếu nói về khía cạnh chủ quyền,” theo Giáo Sư Dutton, “Hoa Kỳ cần phải đứng ở vị trí trung lập.”
Nhưng đối với “đường lưỡi bò,” Hoa Kỳ cần có thái độ dứt khoát: “Thẳng
thắn đối mặt với Trung Quốc nếu nước này dùng đường lưỡi bò làm biên
giới biển chính thức.”
“Không phải lịch sử, không phải quyền lực, mà phải là luật quốc tế!” Ông Dutton khẳng định.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/06/thien-giao-csis-to-chuc-hoi-thao-kem.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001