Tạ Phong Tần ra Bắc
Đây là cuộc chiến của công lý và danh dự!
Tạ Phong Tần
————————————————–
Khi mới vào Nam, ông Nguyễn Đăng Mạnh đã “nẩy ra ý khái quát” thế này:
“Vào Sài Gòn ngay sau 1975, người miền Bắc quả đã bị choáng ngợp. Nếu có chê thì chê theo một định kiến cũ kỹ về mặt đạo đức. Thí dụ, đàn bà con gái mặc áo dài không có áo lót, hở ra bên hông (Ông Vũ Thuần Nho gọi là triangle sexuel) Nhiều cô mặc áo như cái maillot, có cô mặc quần soóc đi ngoài đường…vv…
Quan sát cảnh vật và sinh hoạt của con người từ Bắc vào Nam, tôi nảy ra ý khái quát này: từ Bắc vào Nam là đi từ miền đất nghèo đến nơi giầu có, từ chỗ hàng năm hễ gặp hạn hán hay lụt lội là đói khát, đến nơi dường như sờ đâu cũng có cái ăn, cây trái, tôm cá ê hề, muốn chết đói cũng khó.
Nhưng mặt khác, đi từ Bắc vào Nam là đi từ nơi văn hoá cao đến nơi văn hoá thấp.” (Hồi Ký Của Giáo Sư Nguyễn Đăng Mạnh).
Có lẽ vì độ “vênh” văn hoá giữa hai miền rõ ràng (như thế) nên hàng trăm ngàn viên chức, văn nghệ sĩ, và sĩ quan miền Nam đã được đưa ra Bắc học tập cho… chóng tốt. Duy có điều đáng tiếc là khí hậu (cũng như điều kiện sinh sống) “nơi văn hóa cao” không hiền hoà và tử tế gì cho lắm nên không ít “học viên” đã bỏ mạng tại chỗ, ngay khi chương trình cải tạo vừa mới bắt đầu:
“Anh em từ trong Nam ra cứ yên trí là ‘học tập một tháng’, nên quần áo mang đi theo làm gì nhiều cho nặng. Ra đây, đụng cái buốt giá của mùa đông thượng du miền Bắc, thêm mưa phùn ẩm ướt nên cái lạnh càng thêm thấm thía. Ban đêm cái nền xi măng trong nhà tù nó lạnh như nước đá, mặc đủ các thứ áo quần hiện có mà vẫn lạnh, mặc cả áo mưa đi ngủ, có anh chui vào một cái bao tải vừa kiếm được mà vẫn cứ run. Hóa ra cái lạnh ở ngoài vào thì ít mà cái lạnh ở trong ra thì nhiều. Cái lạnh vì đói cơm nhiều hơn cái lạnh vì thiếu áo…
Đã lâu lắm rồi, người địa phương ở Sơn La nói vậy, mới có năm quá lạnh như năm nay (1976). Đúng là ‘Giậu đổ bìm leo’, vào cái lúc mà tù cải tạo ra Bắc, lại đụng ngay một trận rét kinh hồn…Mà xưa nay cái lạnh và cái đói có quan hệ ‘hữu cơ’ với nhau. Càng đói thì càng rét-mà càng rét thì càng đói.
Anh em đã có người ‘nằm xuống’ vì đói lạnh. Vũ Văn Sâm (viết văn, làm nhạc) chết đêm 16 rạng sáng 17-11- 1976 bên bịnh xá, sau cơn gió mùa đông bắc đầu tiên. Đến đầu tháng giêng 1977 (không rõ là ngày 3 hay ngày 13 tháng giêng, tôi nhớ không được kỹ lắm) Ngô Qúy Thuyết, Tòa án Quân sự vùng 4 cũng đi luôn, đi rất êm đềm, rất lặng lẽ. Sáng ra không thấy anh ta dậy nữa, lay chân gọi dậy thì người đã lạnh cứng từ lúc nào rồi.”
(Phan Lạc Phúc. Bạn Bè Gần Xa. Westminster, CA: Văn Nghệ, 2000 – Trích dẫn lại từ Bên Thắng Cuộc. Osinbook, 2012. Vol.1.)
Đói lạnh (có lẽ) chỉ làm cho những người tù từ miền Nam chóng chết, chứ không chóng tốt. Không những thế, những kẻ sống sót, với thời gian (xem chừng) mỗi lúc một thêm khó cải tạo hơn. Xin đơn cử một trường hợp tiêu biểu:
“…Trương Văn Sương quê ở Chùa Dơi tỉnh Sóc Trăng bị bắt vào khoảng những năm 1977- 1978. Và tổng số thời gian ở tù của anh cũng đã ngót 28 đến 30 năm ròng rã… Anh đã từng là sĩ quan của quân lực Việt Nam Cộng Hoà trước đây.
Không bao giờ anh và những người tù án nặng ở buồng 6 viết bản nhận tội. Cứ mỗi lần như vậy thì anh Sương đều là người đứng đầu đấu tranh và ban giám thị trại Nam Hà phải điều hàng chục binh sĩ và cán bộ công an xuống khoá tay, đưa anh đi cùm biệt giam ở nhà kỷ luật…
Suy nghĩ của tôi khi viết bài này là chỉ mong Đảng CSVN, nhà nước Việt Nam và Bộ công an thôi đi hãy đừng cố chấp, hãy đừng mong mỏi gì được mấy dòng chữ ‘tôi nhận rõ tội lỗi, thật thà ăn năn hối cải’ ở nơi anh Trương Văn Sương và nhiều người tù khác nữa theo “4 tiêu chuẩn 1269” vô hồn, vô nghĩa kia nữa. Mà hãy cao hơn thế là tình người, là lòng nhân đạo, là sự bao dung, là sự khoan dung và sự đại lượng…hãy thả vô điều kiện những người tù như anh Trương Văn Sương ra khỏi trại giam vì anh đã ở tù gần 30 năm là quá đủ rồi…”
(Nguyễn Khắc Toàn – Tù Nhân Trương Văn Sương & Những Người Tù Khác).
Những lời kêu gọi “sự khoan dung và sự đại lượng” (thượng dẫn) được gửi đi vào năm 2006, và đã hoàn toàn rơi vào hư không. Ông Trương Văn Sương đã qua đời 5 năm sau, vào hôm 11 tháng 7 năm 2011, tại trại Nam Hà. Người tù cải tạo này, tiếc thay, đã không “tiếp thu” được chút “chính nghĩa cách mạng” nào ráo trọi – sau 33 năm học tập ở một nơi xa nhà hàng ngàn cây số!
Tuy thế, những trại tù ở miền Bắc vẫn mở rộng cửa tiếp tục chào đón những tù nhân từ miền Nam – như tin loan của BBC, nghe được vào hôm 22 tháng 5 năm 2013:
“Blogger Tạ Phong Tần, người bị chính quyền Việt Nam kết án tù vì tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ nhưng lại được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh là ‘Phụ nữ dũng cảm’ đã bị chuyển trại giam từ Đồng Nai ra Thanh Hóa hôm 3/5.
Hiện tại bà đang bị giam giữ tại Phân trại số 4 thuộc Trại giam số 5, thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.”
Bà Tạ Minh Tú, em gái bà Tạ Phong Tần, đã có chuyến ra Bắc thăm nuôi chị mình hôm 15/5.
Nói với BBC từ quê nhà Bạc Liêu, bà Tú cho biết bà đã nói chuyện với bà Tần trong khoảng 30′ dưới sự giám sát của bốn cán bộ trại giam.
Theo đó, bà Tần than phiền ở nơi giam giữ mới này nước nôi rất khan hiếm. Có khi bà không có nước rửa ṃăt.
‘Không có chỗ tắm chỉ có hồ nước khoảng 10m2 cho 200 người giành nhau tắm như là ăn cướp,’ bà Tú thuật lại lời bà Tần.
Theo lời kể của bà Tú thì bà Tần cáo buộc ‘chính quyền biết rõ tình trạng bệnh tật của bà là viêm họng và đau khớp’ nên chuyển bà ra ngoài Bắc với điều kiện khí hậu thất thường và mùa đông lạnh giá bất lợi cho bệnh tật của bà.”
‘Họ cố tình làm cho gia đình không thăm nuôi được do nhà quá xa xôi với lại chi phí cao quá nếu có bệnh hoạn gì nếu gia đình không biết thì chết không ai biết luôn,’bà Tú thuật lại lời bà Tần…
‘Trước khi đi chị cũng gửi lời thăm hỏi các cha và nói là cứ yên tâm chị vẫn trước sau như một, không có gì thay đổi,’ bà Tú nói.”
Khẩu khí của Tạ Phong Tần dễ khiến cho tôi thốt nhớ đến những chuyện (vô cùng) phiền phức đã xẩy ra cho nhân viên ở trại giam Nam Hà, vài năm về trước, vẫn theo như lời của nhà báo Nguyễn Khắc Toàn:
“Lúc đó anh Sương đã hô khẩu hiệu chống đối rất to: ‘Đả đảo CSVN đàn áp tù chính trị, các cán bộ công an có giỏi thì hãy bắn tôi đi. Trương Văn Sương này suốt đời chiến đấu cho lý tưởng tự do…’ làm cho hàng chục cán bộ công an, quản giáo và các binh sỹ công an trẻ rất e ngại. Họ đã có lệnh sẽ bịt miệng và bằng cách dùng khăn tẩm ê te và hơi cay để trấn áp không cho anh Trương Văn Sương tiếp tục thét gào phản kháng nữa.”
Xem như thế thì chỉ còn hy vọng vào điều kiện địa dư khắc nghiệt ở nơi văn hoá cao mới có thể khuất phục được người tù bất khuất Tạ Phong Tần. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một niềm hy vọng (mong manh) thôi vì không phải ai cũng có thể bị “khí hậu thất thường và mùa đông lạnh giá” đốn gục như mong đợi:
“Tôi đã sống bẩy năm trên vùng thượng du của tỉnh Thanh Hoá, bên bờ con sông Mã, và đã bẩy mùa xuân chứng kiến những kỳ diệu của đất trời, núi sông và lòng mình. Đấy là một nơi hiểm trở, trại đóng ngay bên sườn núi trông xuống sông, bên kia sông là một bình nguyên nho nhỏ, rồi lại tiếp tục núi. Hai đầu sông được chắn bởi núi, bốn phiá toàn núi, gần xa đậm nhạt khác nhau”.
Chữ “trại” trong đoạn văn vừa dẫn là một trại tù, và người say mê mô tả cảnh “kỳ diệu của đất trời núi sông” là một tù nhân. Một người tù “quắt queo đói lạnh, tả tơi đứng bên sông núi” (suốt từ năm này sang năm khác) mới cảm nhận hết được lẽ chuyển đổi vi diệu của đất trời, để ghi lại cho chúng ta những câu văn diễm lệ:
“Mùa thu núi bỗng mơ màng. Bầu trời trong xanh hơn và núi như phủ mờ một làn suơng khói mỏng. Trời càng se lạnh núi càng xa cách, càng rời xa vẻ thực tế tầm thường để tự biến mình thành huyền ảo. Vào mùa thu sông Mã đã thôi gầm lên khúc độc hành, vẻ đục ngầu dữ tợn của mùa hè đã trôi mất, bây giờ lặng lẽ trong xanh để hoà hợp với dáng núi đang trong một chuyển cung yểu điệu. Trời, núi, sông và người cùng vào một cơn ngất ngây buồn như tiên cảm một nỗi lạnh tê đầy bất trắc. Các ruộng bắp ven sông đã úa vàng. Công việc thu hoạch mùa màng vào những buổi chiều mùa thu mang một vẻ đẹp cổ điển với ánh nắng vàng xiên xiên, lá bắp khô xào xạc, và bếp lửa nấu nước ở bờ ruộng vuơn cột khói lên cao…” (Phạm Xuân Đài. “Nét Xuân Sơn“. Hà Nội Trong Mắt Tôi. Westminster, CA: Thế Kỷ, 1994.)
Tác giả đoạn văn thượng dẫn đã sống sót trở về, sau nhiều năm “tả tơi quắt queo sống trong đói lạnh” ở Thanh Hoá. Ông nguyên là chủ biên của Tạp Chí Thế Kỷ 21, và hiện đang chủ trương trang Diễn Đàn Thế Kỷ, có trụ sở đặt tại miền Nam – California.
Đã đôi lần, tôi có hân hạnh tiếp chuyện với ông Phạm Xuân Đài, và ông Phan Nhật Nam – một người tù khác, sống qua hàng chục năm biệt giam ở trại tù giam Thanh Cẩm. Thái độ sống, cũng như ngòi bút, của cả hai ông bao giờ cũng đậm nét bao dung và tử tế. Những tù đã qua, xem ra, đã không gây cho họ một chấn thương tâm thần nào ráo trọi.
Những năm tù sắp tới cũng chưa chắc sẽ gây được tổn hại nào đáng kể cho Tạ Phong Tần. Nhưng bản án khắc nghiệt, cùng cách hành sử đê tiện, vừa qua – chắc chắn – sẽ có ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến sự tồn vong (vốn đã rất mong manh) của nhà nước hiện hành. Không ai, kể cả những người lạc quan và cực đoan nhất hiện nay, có thể tin rằng chế độ bạo ngược này có thể tiếp tục cầm quyền thêm mười năm nữa.
©Tưởng Năng Tiến
©Đàn Chim Việt
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/76408/ta-phong-tan-ra-bac/2013/06
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001