El Choclo, tango gối mộng Của quý đàn ông
Thứ sáu 12 Tháng Bẩy 2013
Thời nguyên thủy, tango được mệnh danh là Vũ điệu ác quỷ (DR)
Trong thể loại tango của Argentina, bản nhạc El Choclo là giai
điệu nổi tiếng nhất nhì trên khắp thế giới, chỉ thua nhạc phẩm La
Cumparsita (Vũ nữ thân gầy). Bản El Choclo từng được dịch sang tiếng Anh
là Kiss of Fire (Nụ hôn rực lửa) và trong tiếng Việt là Tình như Mũi
tên (lời của Anh Bằng). Nhưng ít có lời nào lột tả một cách trọn vẹn cái
hồn của nguyên tác : ca từ thanh tao, ý tứ thô tục.
Nội dung các ca khúc chủ yếu nói về cuộc sống về đêm, xoay quanh cái thế giới của các cô gái điếm. Trong những khu phố bình dân của vùng Rio de la Plata, có đủ mọi thành phần xã hội lui tới các nhà chứa : từ giới thượng lưu quý tộc, các doanh nhân tài phiệt, thành phần văn nghệ sĩ, các tay anh chị trong giang hồ, thổ dân da màu hay công nhân thấp hèn trong tầng lớp nhập cư … Thượng vàng hạ cám, khác biệt hay chăng là ở cái túi tiền mà khách làng chơi, giàu sang hay nghèo nàn, chịu bỏ ra để mua vui.
Một điều cũng khá dễ hiểu vì chẳng có ai mà dám công bố mình là tác giả của những bài hát với lời lẽ thô tục, sống sượng đến như vậy. Những bản nhạc lưu truyền cho tới tận ngày nay, thường là những ca khúc dùng chữ thanh để nói lên cái tục : bài hát El Choclo vì vậy trở nên tiêu biểu cho các khúc tango hoan vui trụy lạc, lẳng lơ đĩ thõa.
Trong tiếng Tây Ban Nha, El Choclo có nghĩa đen là Trái Ngô, nhưng trong nghĩa bóng nên hiểu là ‘‘Của quý đàn ông’’ thì có lẽ đúng hơn. Khúc nhạc El Choclo do nhà soạn nhạc Angel Villoldo (tác giả của bài "El Porteñito") sáng tác vào khoảng những năm 1897-1898 và được diễn lần đầu tiên vào năm 1903. Theo sử sách, lời của bài hát đã được viết vào năm 1905. Trong phiên bản nguyên gốc, tác giả dùng những chữ thanh tao như :
Đầu đồng có trái ngô
Mịn râu kết hạt vàng
Rót vào hồn miên man
Giọt đam mê dịu dàng
Trong thực tế, "El Choclo" là biệt danh của một tên ma cô chuyên cò mồi, dắt khách vào nhà chứa. Dựa vào một nhân vật có thật, với mái tóc vàng như râu ngô, tác giả Angel Villoldo phác họa cảnh dục vọng ái ân giữa hai nhân tình cũng như quan hệ giữa tên ma cô và cô gái điếm.
Đến năm 1947, bài El Choclo lại có thêm một lời thứ ba trong tiếng Tây Ban Nha. Nhà thơ Enrique Santos Discépolo với cách dùng chữ trang trọng trau chuốt, lái hẳn nội dung của nguyên tác về một hướng khác. Tác giả nói về tình quê hương, những kỷ niệm thời thơ ấu để gợi lên tình cảm gắn bó của ông với đất nước, quê nhà thông qua biểu tượng của dòng nhạc tango, từ lúc khai sinh cho tới khi trở thành hình ảnh tiêu biểu của một quốc gia.
Những năm gần đây hơn thì có các phiên bản của Julio Iglesias, Helmut Lotti hay của Hugh Laurie. Còn trong tiếng Việt, nhạc sĩ Anh Bằng đặt lời cho bài này sau năm 1975, các phiên bản quen thuộc nhất là qua tiếng hát của Tuấn Ngọc phối theo điệu rumba, hay của Nguyên Khang phối theo tango.
Lối dùng ca từ trau chuốt của nhà thơ Enrique Santos Discépolo định hình khuôn thước của bài El Choclo, tất cả các phiên bản ghi âm trong tiếng Tây Ban Nha đều chọn lời thứ ba làm khuôn mẫu. Các bản dịch cũng ít nhiều gợi hứng từ lời này. Bài thơ của Enrique Discépolo được nhiều người tán tụng, trong đó có văn hào trứ danh Jorge Luis Borges khi ông cho rằng không có bài thơ nào viết về tango hay như bài thơ này.
Khi nhìn lại các bản nhạc tango viết vào những năm 1890, người ta sẽ thấy là có nhiều bài hát thô tục, thô trong cách tả chân, tục vì có sao nói vậy. Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều bài đậm đặc chất thơ, trong đó các tác giả khuyết danh cũng như các nhà soạn nhạc lưu danh hậu thế nhờ trổ tài luồn lách, nói bóng nói gió, qua ẩn dụ hay hoán dụ, dùng chi tiết để nói lên tổng thể, dùng cận ảnh để phác họa toàn cảnh.
Thông qua những hình tượng như Una Flota (Ống sáo), Siete pulgadas (Bảy tấc hay là Dài như bảy đốt ngón tay), El Serrucho (Ổ khóa), El fierrazo (Nòng súng) hay El Choclo (Trái Ngô), các tác giả đánh vào tâm trí người nghe. Hình ảnh càng thanh, thì ý nghĩa càng tục : Chỉ cần một chút tưởng tượng thì người ta có thể hình dung ra được các tác giả đang muốn nói gì.
Khi nghe các phiên bản sau này của bài El Choclo, cái bối cảnh hình thành của dòng nhạc tango trở nên mờ nhạt hơn. Trong nghĩa đen, ca từ nguyên gốc làm cho ta liên tưởng đến những ca khúc dân gian đồng án, còn trong nghĩa bóng, ý nghĩa của bài hát làm cho những tác giả thánh thiện đạo mạo phải thẹn thùng đỏ mặt.
Trong cách chơi chữ hình thanh mà bóng tục, bài hát Trái Ngô coi vậy mà lại khuynh đảo tư tưởng phải đạo, vì thế cho nên các tác giả thường dùng uyển ngữ để làm nhẹ đi ca từ. Khi lược bỏ thủ pháp hoán dụ, lưỡi kéo kiểm duyệt đã hai lần cắt ngang "Của quý Đàn ông".
nguồn:http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20130726-el-choclo-cua-quy-dan-ong-thanh-tuc-trong-dieu-tango
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001