Nguyễn Văn Huy - Biến động tại Ai Cập, bài học nào cho đối lập Việt Nam?
Nguyễn Văn Huy
Sau khi vị tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập bị quân đội truất phế ngày 3/7/2013, tình hình chính trị tại Ai Cập cho tới nay vẫn tiếp tục rối loạn. Xung đột giữa hai phe chống đối và ủng hộ ông Mohamed Morsi, vị tổng thống bị truất phế, ngày càng gia tăng cường độ. Cho tới ngày 06/07, đã có hơn 30 người bị giết và gần 1200 người bị thương. Con số này sẽ còn gia tăng trong những ngày sắp tới.
Những gì đang xảy ra tại Ai Cập đặt ra nhiều câu hỏi. Tại sao ông Morsi bị truất phế và sự truất phế này có hợp hiến không ? Quân đội có vai trò nào trong chính trường Ai Cập ? Bài học nào cho đối lập Việt Nam ?
Ai Cập dưới thời Mohamed Morsi
Ông Mohamed Morsi, 62 tuổi, là vị tổng thống thứ 5 và là vị tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập. Trong vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống tháng 01/2011, ông Morsi đã đắc cử với 51,73% số phiếu. Chính thức lên cầm quyền ngày 30/06/2012, Mohamed Morsi bị truất phế đúng một năm sau đó, ngày 03/07/2013.
Cũng nên biết từ sau khi giành được độc lập năm 1922, Ai Cập có 5 vị tổng thống, tất cả đều là quân nhân trừ Mohamed Morsi. Vị tổng thống đầu tiên là tuớng Mohammed Naguib, nắm giữ chức vị tổng thống được một năm (1953-1954) thì từ chức vì bị cáo buộc thân với nhóm Những anh em Hồi giáo (Muslim Brotherhood). Vị tổng thống thứ hai là tướng Gamel Abdel Nasser, trị vì 14 năm đến khi chết (1956-1970). Ngườithứ tư là tướng Hosni Moubarak, vị tổng thống trị vì lâu dài nhất Ai Cập, 30 năm, sau bốn lần đắc cử chức vụ tổng thống từ 1981 đến 2011.
Là một tín đồ Hồi giáo trung kiên, ông Mohamed Morsi là thành viên của tổ chức Những anh em Hồi giáo, một tổ chức cực đoan bị cố tổng thống Nasser giải tán năm 1954 và bị cấm sinh hoạt chính trị tại Ai Cập.
Những anh em Hồi giáo là một tổ chức Hồi giáo liên quốc gia được thành lập năm1928 tại Ai Cập. Chủ trương của tổ chức này là phục hồi lại giáo luật Sharia trong đời sống và chống lại mọi hình thức thế quyền và những giá trị phổ cập của phương Tây trong các xã hội Hồi giáo, nghĩa là tự do, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng nam nữ…. Nói tóm lại, tổ chức Những anh em Hồi giáo chống lại nền văn minh vật chất. Địa bàn phát triển của tổ chức này là những khu dân cư nghèo khổ trong các thành phố lớn vcủa xã hội phương Tâyà những vùng thôn quê hẻo lánh, nơi có trình độ dân trí thấp nên cán bộ của tổ chức tha hồ tuyên truyền theo ý muốn. Trong suốt thời gian bị cấm sinh hoạt chính trị tại Ai Cập, tổ chức Những anh em Hồi giáo tập trung vào buôn bán và làm chủ nhiều cửa hàng bán sỉ và bàn lẻ tại khắp nơi. Với số tiền lời thu được, tổ chức gây ảnh hưởng qua những công tác xã hội như trợ cấp tiền, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo… Qua những công tác xã hội mà Những anh em Hồi giáo đã xây dựng lại mạng lưới tổ chức và tranh thủ được cảm tình của tầng lớp quần chúng nghèo khổ.
Hiện nay Ai Cập có 84 triệu dân, lợi tức đầu người hơn 2700 USD/năm, nhưng hơn 3/4 dân số sống dưới mức nghèo khổ. Phe tổng thống Mohamed Morsi đã thắng mọi cuộc bầu cử là nhờ 75% thành phần quần chúng nghèo khổ này bỏ phiếu. Họ tin rằng khi nắm dân chủ chính quyền, tổ chức Những anh em Hồi giáo sẽ giúp mọi người có một đời sống vật chất khá hơn.
Nhiều tin đồn nói rằng tổ chức Những anh em Hồi giáo được những nhóm Hồi giáo quá khích (salafist và wahhabist) tại Ả Rập Saudi và các Tiểu vương quốc Ả Rập giúp đỡ tiền bạc là sai. Trong nội bộ những tổ chức Hồi giáo, tranh chấp ảnh hưởng có thể dẫn đến thù địch: những nhóm salafist và wahhabist trên bán đảo ả rập không ưa tổ chức Những anh em Hồi giáo vì không cùng mục tiêu phát triển. Những anh em Hồi giáo tập trung phát triển nếp sống Hồi giáo trong xã hội Ai Cập và muốn tranh giành quyền lãnh đạo đất nước qua những cuộc bầu cử, trong khi hai nhóm kia chủ trương phát triển Hồi giáo ra khắp trên nơi thế giới, bằng bằng bạo lực nếu cần, và đối thủ của hai nhóm Hồi giáo cực đoan này là Hồi giáo Shia.
Về đối nội, khuyết điểm của ông Morsi và Những anh em Hồi giáo là quá nóng vội. Ngay sau khi đảm nhiệm chức vụ tổng thống, Mohamed Morsi liền loại bỏ vai trò của Hội đồng tối cao những lực lượng vũ trang (tức quân đội) ra khỏi mọi sinh hoạt cầm quyền của Ai Cập và thành lập Đảng Tự do và Công lý để đưa người vào quốc hội chiếm giữ những ghế trống của quân đội và trở thành phe đa số. Điều này đã dấy lên một phong trào bất mãn trong giới sĩ quan vì bị tước mất một số quyền lợi vật chất đáng kể. Nhưng giọt nước đã làm tràn ly là sau một năm cầm quyền, Đảng Tự do và Công lý của tổng thống Mohamed Morsi chỉ tập trung củng cố địa vị của tổ chức Những anh em Hồi giáo và thông qua những đạo luật thuận với giáo luật Sharia, như cho phép quân đội để râu, cấm phụ nữ ăn mặc hở hang, đóng cửa những nhà hàng ca nhạc…
Thêm vào đó, ông Morsi còn tổ chức trưng cầu dân ý sửa đổi hiến pháp để rộng quyền cải tổ xã hội theo giáo luật Sharia. Những biện pháp này càng khiến Ai Cập bị cô lập với thế giới bên ngoài vì không ai muốn vào đầu tư và cũng không du khách nào muốn đến viếng thăm. Mất hai nguồn tài trợ này, đời sống dân chúng Ai Cập vốn đã thấp lại càng xuống cấp hơn. Chính những thành phần nghèo khổ trong thành phố trước kia đã ủng hộ Morsi nay quay lưng lại chống lại ông. Đó là chưa kể những vụ trả thù báo oán những người dám chống lại ông Morsi bằng tòa án. Vụ tuyên 21 án tử hình đối với những người gây bạo động tại Port Said trên bán đảo Sinai hồi tháng 3 vừa qua càng đào sâu hố thù hận giữa Cairo và những thành phố lớn khác.
Về đối ngoại, chính quyền của ông Morsi cũng làm thế giới phương Tây lo ngại. Ngay khi vừa lên cầm quyền, ông Morsi đã chính thức viếng thăm Iran trong dự kiến thành lập một liên minh chống Do Thái. Thêm vào đó Đảng Tự do và Công lý của ông cũng để lộ hậu ý muốn gia tăng cước phí vận chuyển dầu khí từ vùng Vịnh qua kênh đào Suez, điều mà các quốc gia Điạ Trung Hải và khối NATO không chấp nhận. Chính quyền của ông Morsi cũng làm ngơ để những nhóm Hồi giáo quá khích đọt phá và giết hại những người Công giáo Copte, một giáo phái Công giáo xưa nhất thế giới chỉ có tại Ai Cập.
Những cuộc biểu tình chống Morsi
Năm đầu tiên cầm quyền của ôngMorsiđã được đánh dấu bằng cuộc khủng hoảng kinh tế lan rộng, thiếu hụt nhiên liệu và các cuộc biểu tình phản đối.Ông Morsi bị chỉ trích là đã phản bội lý tưởng của cuộc Cách mạng mùa Xuân 2011đã đưa ông lên cầm quyền. Thay vì tập trung nâng cao mức ống người dân, ông Morsi chỉlotập trung quyền lực vàotay Đảng Tự do và Công lý của ông và tổ chức Những anh emHồi giáo.
Dưới thời Morsi, đời sống người dân Ai Cập khốn khổ hơn thời cựu tổng thống Hosni Moubarak: sinh hoạt kinh tế bị bế tắc, Ai Cập không có gì để xuất khẩu và cũng không ai đến đầu tư. Tỷ lệ thất nghiệp chính thức là 15%, nhưng trong thực tế hơn 30% (tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ rất cao: +50% cho phái nữ và +20% cho phái nam). Thêm vào đó, nguồn ngoại tệ trực tiếp thu được từ du lịch giảm sút thấy rõ, ảnh hưởng đến hơn 20% dân số sinh sống nhờ du lịch (khách sạn, nhà hàng, tài xế, nghề thủ công, bán hàng rong…). Các công ty lữ hành không dám đưa khách đến Ai Cập thăm viếng những di tích thời những Pharaon xa xưa vì mất an ninh và bị phiền hà bởi những cuộc biểu tình.
Nhân dịp kỷ niệm một năm cầm quyền của tổng thống Mohamed Morsi (30/06/2012-30/06/2013),phong trào đối lập mang tên Tamarod (Phản kháng) đã khởi động một kiến nghị yêu cầu tổ chức bầu cử quốc hội và đã đoàn kết được các nhóm đối lập tranh đấu cho tự do và dân chủ. Hơn 22 triệu người đã ký vào bản kiến nghị này. Trong ngày 30/06, tại khắp nơi trên lãnh thổ Ai Cập, hàng triệu người tham gia các cuộc tuần hành đòi ông Morsi phải ra đi.
Tại Cairo, những người ký kiến nghị đã xuống đường tại Quảng trường Tahrir đòi bầu cử quốc hội và được sự hưởng ứng của rất nhiều thường dân Ai Cập. Những người biểu tình đã tuần hành ngày đêm để biểu lộ sự tức giận đối với những chính sách kinh tế và hô to những khẩu hiệu yêu cầu ông Morsi hãy ra đi (get out) vì cuộc chơi đã chấm dứt (game is over). Những người chống đã xông vào trụ sở của tổ chức Những anh em Hồi giáo tại Cairo bị cướp phá và phóng hỏa.
Quân đội can thiệp
Trước nguy cơ xảy ra xung đột lớn giữa hai phe chống đối và ủng hộ tổng thống Morsi, ngày 01/07 Bộ tư lệnh quân đội Ai Cập đưa ra một tối hậu thư yêu cầu tổng thống Mohamed Morsi trong 48 giờ phải tìm cho ra một thỏa thuận với phe đối lập và "phải đáp ứng yêu cầu của nhân dân", nghĩa là là phải từ chức, nếu không sẽ phải đối diện với sự can thiệp quân sự. Tối hậu thư cũng cho biết sẽ đưa ra một "lộ trình" (sự vụ lệnh) cho tương lai đất nước nếu tổng thống Mohamed Morsi không đáp ứng yêu cầu của tối hậu thư trước 16g30 ngày 3/7. Theo lộ trình này, quân đội sẽ chỉ định một tổng thống tạm thời, đình chỉ Hiến pháp mới và giải tán Quốc hội. Trong thời gian chuẩn bị, một tổng thống lâm thời sẽ điều hành quốc gia và tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trong một thời hạn ngắn nhất. Tổng thống Mohamed Morsi từ chối, vì cho rằng ông là vị tổng thống dân cử hợp pháp của Ai Cập, không ai có quyền ra lệnh cho ông từ chức.
Chiều ngày 3/7, sau khi thời hạn 48 giờ đã trôi qua, tướng Abdel Fattah al-Sisi, tổng tư lệnh quân đội Ai Cập, lên tiếng trước ống kính truyền hình rằng ông Mohamed Morsi đã bị tước quyền lực và tuyên bố đình chỉ hiến pháp. Ông Adly al-Mansour, một chánh án Tòa án Hiến pháp Tối cao được chỉ định làm tổng thống lâm thời của Ai Cập. Sau tuyên bố của tướng al-Sisi, giáo chủ Tawadros II, người đứng đầu Giáo hội Thiên chúa cổ Ả rập (copte) và ông Mohamed el-Barradei, nhân vật được phong trào Tamarod (Phản kháng) đề nghị làm người đứng đầu hàng ngũ đối lập, cũng đã có những tuyên bố ngắn gọn. Ông Baradei nói lộ trình mới nhằm hướng tới hòa giải dân tộc và thể hiện cho một khởi đầu mới của cuộc cách mạng lật đổ Hosni Moubarak hồi tháng 01/2011.
Ngay sau tuyên bố của tướng al-Sisi, tổng thống Morsi cùng hơn 300 chức sắc khác của tổ chức Những anh em Hồi giáo và Đảng Tự do và Công lýbị bắt giữ. Những cơ sở tài chánh, truyền thông và thương mại của tổ chức Những anh em Hồi giáo đều bị niêm phong và đóng cửa.
Tại Quảng trường Tahrir, phe chống đối Morsi reo hò trong tiếng pháo bông và tiếng còi inh ỏi. Trong khi đó, tại khu vực phía bắc Cairo, hàng ngàn người ủng hộ Morsi chuẩn bị tiến vào trung tâm thủ đô yêu cầu trả tự do cho ông Morsi. Tổ chức Những anh em Hồi giáo lên án quân đội đãlàm"một cuộc đảo chánh quân sự". Trong những thành phố lớn khác của Ai Cập (Alexandria, Port Said…), hai phe chống đối và ủng hộ Morsi tiếp tục xung đột lẫn nhau.
Thế giới phương Tây quan ngại
Trước sự can thiệp của quân đội vào chính trường Ai Cập, cả thế giới phương Tây quan ngại. Theo hiến pháp Ai Cập, tổng thống là tổng tư lệnh tối cao của quân đội và quân đội phải chấp hành những quyết định của chính quyền dân sự. Nhưng trong tình hình hiện nay, chính dân chúng Ai Cập mong muốn quân đội can thiệp vào chính trị để đưa Ai Cập ra khỏi bế tắc. Đây là lần đầu tiên một vị tổng thống dân cử bị quân đội "truất phế", chứ không phải bị đảo chánh vì không một quân nhân nào có mặt trong chính quyền lâm thời. Nhưng cho dù có thế nào, truất phế hay lật đổ một tổng thống dân cử hợp pháp là không bình thường trong một quốc gia dân chủ đúng nghĩa.
Quốc gia e ngại đầu tiên là Hoa Kỳ. Tổng thống Mỹ Barack Obama nói ông quan ngại sâu sắc trước việc tổng thống Morsi bị lật đổ, nhưng tránh dùng chữ "đảo chánh" và kêu gọi quân đội Ai Cập không nên tùy tiện bắt giữ ông Morsi và những người ủng hộ ông. Lý do không sử dụng danh từ "đảo chánh" vì luật pháp Hoa Kỳ cấm chính quyền Mỹ ủng hộ hay giúp đỡ những người lãnh đạo do đảo chánh đưa lên cầm quyền. Trong tháng 5 vừa qua, quốc hội Hoa Kỳ đã phê chuẩn một gói viện trợ quân sự trị giá 1,3 tỷ USD cho Ai Cập, nếu đây là một cuộc đảo chánh thì Ai Cập sẽ mất nguồn viện trợ này.
Ông Ban Ki-moon, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nói rằng ông hiểu nhân dân Ai Cập bất mãn sâu sắc nhưng cũng bày tỏ sự quan ngại trước sự can thiệp của quân đội.
Bà Catherine Ashton, đại diện đối ngoại của Liên Hiệp Châu Âu, lên án hành động truất ohế của quân đội và kêu gọi Ai Cập sớm quay trở lại tiến trình dân chủ, như tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội một cách tự do và công bằng để phê chuẩn một bản Hiến pháp mới. Bà Ashton hy vọng rằng chính quyền chuyển tiếp sẽ bao gồm tất cả các phe phái chính trị và nhân quyền và pháp trị sẽ được tôn trọng.
Ông William Hague, ngoại trưởng Anh, nói nước ông không ủng hộ hành động can thiệp quân sự để giải quyết bất đồng trong một chế độ dân chủ.
Ông François Hollande, tổng thống Pháp, nói một vị tổng thống dân cử bị truất phế không có lý do chính đáng là không bình thường. Chính quyền mới tại Ai Cập phải tiến hành gấp những cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội mới.
Vế phía các quốc gia Hồi giáo, chỉ hai cấp lãnh đạo lên tiếng ủng hộ. Quốc vương Abdullah của Ả Rập Saudi lại ca ngợi sự can thiệp của quân đội Ai Cập và chúc mừng tổng thống lâm thời Mansour. Tổng thống Syria, ông Bachir al-Hassad lên tiếng ủng hộsự can thiệp của quân đội và lên án chính quyền Morsi đả chính trị hóa Hồi giáo.
Vai trò của quân đội Ai Cập
Quân đội Ai Cập hiện nay có khoảng một triệu đang tại ngũ và 50.000 người trừ bị. Quân đội Ai Cập là lực lượng quân sự mạnh nhất trên lục địa Châu Phi và cũng là một trong những lực lượng quân sự lớn nhất trong vùng Trung Đông. Những binh chủng đặc biệt của Ai Cập cũng có nhiều kinh nghiệm chiến trường hơn những quân đội khác trong vùng.
Hiện nay tướng Abdel Fattah al-Sisi, bộ trưởng quốc phòng, là người đứng đầu các lực lượng vũ trang Ai Cập. Theo hiến pháp Ai Cập, nhưng người chỉ huy tối cao của quân đội là tổng thống. Trong thời bình, tước vị chỉ huy tối cao quân đội chỉ là hư vị nhưng trong thời chiến, tổng thống kiêm luôn chức nguyên soái quân đội, đô đốc hải quân, nguyên soái (Colonel general) các lực lượng phòng không và không quân. Được tuyển vào các khóa huấn luyện sĩ quan là một vinh hạnh lớn đối với thanh niên Ai Cập, vì sau đó là một tương lai sáng lạn cho bản thân và gia đình. Nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam nhân Ai Cập từ tuổi 19, sinh viên có thể lùi thời hạn nhập ngũ tới tuổi 28. Thời gian nghĩa vụ phụ thuộc vào mức độ giáo dục của từng người.
Ai Cập hợp tác quân sự chặc chẽ với Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực chiến lược, trong đó có sự hiện đại hóa trang bị vũ khí và huấn luyện quân sự. Từ ba thập niên qua, Hoa Kỳ đã tài trợ hơn 30 tỷ USD cho quân đội Ai Cập và quân đội Ai Cập là lực lượng quân sự được trang bị chiến xa Abrams lớn nhất thế giới. Quân đội Ai Cập cũng thường xuyên tham gia các cuộc tập trận với Hoa Kỳ và các nước Châu Âu cũng như các đồng minh Ả rập. Quân đội Ai Cập đã liên tục tham gia vào các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc, gần đây nhất là tại Đông Timor, Sierra Leone và Liberia.
Nhắc lại, từ năm 1952, sau khi tướng Nasser lên cầm quyền, quân đội Ai Cập trở thành một định chế chính trị điều hành quốc gia với những quyền hạn lớn. Quân đội cũng là một định chế kinh tế nắm giữ độc quyền phân phối bánh mì, xây dựng cộng cộngn sản xuất mức trái cây, áo quần và tất cả những vật liệu gia dụng. Tù năm 1979, ngân sách quốc phòng, trong đó có 1,3 tỷ USD viện trợ của Hoa Kỳ, nằm ngoài sự kiểm soát của quốc hội và chính quyền. Những sĩ quan cao cấp sống trong khu vực sang trọng dành riêng cho quân đội. Sau khi loại bỏ thống chế Tatawi và đề cử tuớng Fattah al-Sisi vào chức tổng tư lệnh quân đội Ai Cập, tổng thống Morsi không dám đụng đến những quyền lợi kinh tế và ngân sách quốc phòng của quân đội và quyền miễn tố trước pháp luật.
Theo một thông lệ bất thành văn, quân đội đảm nhiệm vai trò bảo vệ hiến pháp như tại Nghĩ Kỳ. Nhưng quân đội Ai Cập nổi tiếng với truyền thống lật đổ chính quyền, như truất phế vua Farouk năm 1952 để đưa tướng Naguib lên làm tổng thống, sau đó buộc ông từ chức để đưa Nasser lên thay. Truyền thống lật đổ chính quyền của quân đội 61 năm sau vẫn không thay đổi, sau khi quay lưng lại với tổng thống Hosni Mubarak, một tướng lãnh cao cấp, táng 1/2011, lần này đến lượt một tổng thống dân sự, ông Mohamed Morsi. Không những thế, tướng Fattah al-Sisi, tổng tư lệnh quân đội còn chỉ định quyền tổng thống cho một chánh án Tòa án hiến pháp tối cao như một người lãnh đạo thực sự nước Ai Cập.
Dù quyền lực trên danh nghĩa được tổ chức theo hệ thống bán tổng thống đa đảng, theo đó quyền hành pháp trên lý thuyết được phân chia giữa tổng thống và thủ tướng, nhưng trên thực tế hầu như chỉ một mình tổng thống được bầu ra trong những cuộc bầu cử chỉ có một ứng cử viên trong vòng hơn năm mươi năm qua. Chính vì thế Ai Cập bị nhiều quốc gia dân chủ xếp vào hàng độc tài quân sự, vì các tổng thống đều xuất thân từ quân đội, trừ ông Mohamed Morsi.
Bài học nào cho đối lập Việt Nam ?
Năm 2011, trước làn sóng chống đối của hàng chục triệu người Ai Cập đòi cơm no áo ấm, ổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ sau 30 năm cầm quyền liên tục. Nhưng sau vài tháng hân hoan, công lao của những người làm nên một cuộc cách mạng lật đổ một chính quyền độc đoán đã bị một nhóm người nhỏ nhưng có tổ chức, "Những anh em Hồi giáo", tước đoạt sau những cuộc tuyển cử. Điều này cho thấy đấu tranh không có tổ chức chỉ làm kẻ dọn đường cho những cá nhân hay tổ chức có chuẩn bị.
Rút bài học đau thương năm 2011, lần này một phong trào tự phát mang tên Tamarod (Phản kháng) đã đưa một khuôn mặt có tiếng, ông Mohamed El Baradei, lên làm thủ lãnh phong trào đối lập và đã thành công. Nếu không có gì cản trở, ông El Baradei có thể sẽ là vị tổng thống dân chủ thứ hai của Ai Cập trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Chương trình hành động của ông El Baradei là thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc để đưa Ai Cập ra khỏi bế tắc.
Về phía ông Mohamed Morsi, tổng thống vừa bị truất phế, thắng cử với một tỷ lệ chưa tới 2% (51,73%) không phải là một thành tích lớn. Ông Morsi đã thắng cử qua bầu cử tự do, do đó có sự hợp pháp dân chủ nhưng chưa phải là sự chính đáng thực sự. Ông Morsi thắng cử vì phía đối lập không có tổ chức, hơn nữa trong vòng hai đối thủ của ông là một tướng lãnh của chế độ cũ nên đã bị cử tri tẩy chay mặc dù không ưa gì ông Morsi. Giữa dịch tả và kiết lỵ, người dân Ai Cập đã chọn kiết lỵ. Vì không thấy sự mong manh đó, ông Morsi tin rằng mình có sự chính đáng và đã hăng say hoán cãi xã hội Ai Cập theo giáo luật Sharia mà quên rằng ước muốn của dân chúng Ai Cập là cơm ăn áo mặc và việc làm. Hơn nữa, ông Morsi đã hứa hẹn quá nhiều rồi không giữ được lời hứa khiến nhiều người từng bỏ phiếu cho ông nay quay lại đòi truất phế ông.
Khuyết điểm thứ hai của ông Morsi là phe nhóm của ông, Những anh em Hồi giáo và Đảng Tự do và Công lý không có văn hóa dân chủ đa nguyên. Trong chính quyền và trong quốc hội, tổ chức của ông áp dụng một cách máy móc hình thức chuyên chính của đa số, nghĩa là thiểu số phục tùng đa số, và không mưu tìm thỏa hiệp hay tôn trọng những tổ chức thiểu số.
Về chính trị, ông Morsi đem một chính đảng có danh xưng tôn giáo và chính trị, điều này làm những người chủ trương dân chủ thế tục lo sợ vì giáo luật Sharia rất khe khắc với phụ nữ và kẻ trộm cắp. Tổng thống Syria đã ủng hộ quân đội Ai Cập truất phế ông Morsi vì theo ông không thể đem Hồi giáo vào chính trị, không làm gì có dân chủ Hồi giáo vì bản chất của Hồi giáo là toàn trị, tâm linh cũng như thế tục. Chủ thuyết cộng sản cũng thế, không làm gì có có dân chủ cộng sản vì bản chất của chủ nghĩa cộng sản là chuyên chính, nếu không chuyên chính thì không phải là cộng sản.
Trong suốt thời gian cầm quyền, ông Morsi đã chỉ hành xử như là một đảng viên Đảng Tự do và Công lý hay một thành viên của tổ chức Những anh em Hồi giáo, chứ không phải là một tổng thống của mọi người Ai Cập (trong đó 15% là người Thiên Chúa Giáo copte nằm giữ tra tay ít nhất 1/3 trọng lượng kinh tế và văn hóa. Nhu cầu hòa giải dân tộc tại Ai Cập rất lớn, nhưng phe Hồi giáo của ông Morsi không hề quan tâm. Chính vì sự bất bao dung này mà ngay sau bị loại khỏi chính quyền, phe của ông Morsi đang đưa xã hội Ai Cập vào hỗn loạn. Tổ chức Những anh em Hồi giáo kêu gọi những người ủng hộ ông Morsi tiếp tục vận động mọ người Hồi giáo từ các tỉnh thành đến làng mạc chuẩn bị xuống đường và tràn vào các quảng trường để bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Morsi.
Bài học sau cùng là phía người dân. Người Ai Cập cho rằng với một tổng thống được bầu cử theo quy chế tự do và dân chủ thì họ đã có dân chủ. Mà nếu Ai Cập đã có dân chủ thì kinh tế phải phát triển, dân phải đỡ nghèo, xăng phải xuống giá… Có lẽ người Ai Cập đã ngây thơ tin rằng có dân chủ là có hết, và để có dân chủ thì chỉ cần một hệ thống bầu cử chính trị dân chủ là đủ.
Với những dẫn chứng trên, đối lập Việt Nam phải hiểu rằng bất cứ cuộc đấu tranh nào muốn thành công cũng phải có tổ chức. Không có tổ chức thì không thành công, và nếu có thành công thì không phải những người đấu tranh được hưởng.
Nguyễn Văn Huy
nguyen_y_van gửi hôm Chủ Nhật, 07/07/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130707/nguyen-van-huy-bien-dong-tai-ai-cap-bai-hoc-nao-cho-doi-lap-viet-nam
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001