Phạm Phú Minh - MỘT CUỘC TRIỂN LÃM VÀ HỘI THẢO THÀNH CÔNG
at 7/13/2013 10:25:00 AM
Phạm Phú Minh
(Trưởng ban tổ chức cuộc Triển lãm và Hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn)
Cuộc triển lãm và hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn
được tổ chức hai ngày 6 và 7 tháng 7, 2013 vừa qua tại hội trường nhật
báo Người Việt ở Little Saigon Nam California đã thành công vượt xa sự
dự tính của người tổ chức. Nhiều người, quen biết lẫn xa lạ, đã đến nói
với tôi lời chúc mừng, và câu tôi thường nghe nhất là: từ khi người Việt
Nam tập họp sinh sống ở Quận Cam, đây là cuộc hội thảo lớn nhất và
thành công nhất.
Nhà văn Phạm Phú Minh
Bản thân tôi đến đất này khá muộn, vào cuối 1992, sống bằng nghề làm
báo, và cũng theo đuổi các hoạt động văn hóa như một cách học hỏi thêm
để bù đắp khoảng trống quá lớn 13 năm trong nhà tù cộng sản. Viết một
bài báo, đọc một quyển sách để giới thiệu với độc giả (trên mặt báo),
hay khán giả (trong các buổi ra mắt sách), gặp gỡ, thảo luận với các văn
hữu về một đề tài nào đó v.v... đối với tôi đều là những bài học, để
bắt kịp những gì mình đã mất. Tổ chức Ngày Phạm Quỳnh năm 1999 tôi mới
có dịp lặn sâu vào Nam Phong để biết nó là gì ngoài những kiến thức ít
ỏi thu thập từ nhà trường mà nay đã quên hầu hết; làm số báo đặc biệt về
Hồ Hữu Tường tôi mới có dịp liên lạc với con gái của ông là giáo sư Hồ
Huệ Tâm đang dạy tại đại học Harvard, từ đó biết thêm nhiều dữ liệu về
ông; tổ chức hội thảo về văn học hải ngoại tại Việt Báo năm 2007 là dịp
gặp gỡ và hiểu biết về khuynh hướng rất nhiều tác giả Việt Nam đang sáng
tác tại hải ngoại... Càng đi sâu vào các vấn đề văn hóa mới thấy đó
chính là nhu cầu của đồng bào đang sống cuộc đời di dân ở đây, trong đó
có mình. Tổ chức và tham gia các sinh hoạt văn hóa là hai mặt của cuộc
sống xa quê hương, mà chỉ trong một cộng đồng gắn bó với nhau nhiều năm
người ta mới thấy rõ sự cần thiết.
Cho đến lần này triển lãm và hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn, khi nghe nhận
xét "đây là lần thành công nhất từ 38 năm qua", tôi giật mình nhìn lại
toàn bộ vấn đề. Kinh nghiệm của người đã tham gia tổ chức nhiều sinh
hoạt văn học cho tôi biết rằng mỗi đề tài thường chỉ được sự lưu tâm của
một giới người, và cho tới gần đây chưa có một buổi nào thu hút trọn
vẹn nhiều thành phần trong cộng đồng cùng một lúc như cuộc hội thảo vừa
rồi. Trong hai ngày, ngày nào người tham dự cũng còn đông đảo cho đến
phút chót, dù chương trình kéo dài rất trễ. Ngay sau khi bế mạc vào
chiều Chủ nhật ngày 7 tháng 7, tôi tự hỏi nguyên do nào đã tạo nên sự
thu hút đó?
Hình ảnh mới lạ ư? Cuộc triển lãm chỉ là sự tái tạo phần nào một quãng
quá khứ cách đây 80 năm, may ra có một chút lạ chứ mới thì chẳng có gì
mới. Những khuôn mặt nhà văn kia, những bìa sách báo kia có thể không xa
lạ với nhiều người lớn tuổi trong cộng đồng chúng ta.
Các bài thuyết trình hấp dẫn ư? Suốt hai ngày trời xoay quanh hai tờ báo
Phong Hóa và Ngày Nay rồi Tự Lực Văn Đoàn, mổ xẻ hết khía cạnh này đến
khía cạnh khác. Dĩ nhiên các diễn giả đã đem lại nhiều hiểu biết và
nhiều thú vị cho người nghe, nhưng các buổi hội thảo văn học trước đây
cũng đã làm như thế, mà chỉ làm trong một ngày và kết thúc sớm, và
thường thì vào giờ chót khán giả đã vắng đi nhiều. Lần này thì trái lại,
hôm nào cũng gần 6 giờ chiều mới chấm dứt mà người tham dự thì cứ đầy
phòng, nấn ná chẳng chịu về.
Nhìn cảnh tượng mà nhiều người gọi là thành công ấy (mà rõ ràng là thành
công thật!), tôi không thể không tự hỏi: cái gì làm nên hiện tượng này?
Chắc chắn đề tài góp phần rất lớn, và đề tài lần này là báo Phong Hóa
Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn. Nhưng tại sao đề tài ấy lại gây hấp dẫn đến
vậy? Câu trả lời xem ra không đơn giản, và chúng tôi xin khất quý độc
giả một thời gian, để suy nghĩ, tiếp xúc, tìm hiểu thêm trước khi tạm
đưa ra câu trả lời.
Xin mời quý độc giả xem trong DĐTK hôm nay một số bài thuyết trình đã được trình bày trong cuộc hội thảo vừa rồi.
Phạm Phú Minh
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/07/pham-phu-minh-mot-cuoc-trien-lam-va-hoi.html
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001