Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

1197. QUAN HỆ KẾ THỪA CHỦ QUYỀN CỦA CÁC QUỐC GIA CÓ LIÊN QUAN ĐẾN NAM HẢI TỪ THỜI CẬN ĐẠI ĐẾN NAY
Posted by basamnews on 10/08/2012
Một blog tiếng Trung về lịch sử, khoa học, âm nhạc

QUAN HỆ KẾ THỪA CHỦ QUYỀN CỦA CÁC QUỐC GIA CÓ LIÊN QUAN ĐẾN NAM HẢI[i] TỪ THỜI CẬN ĐẠI ĐẾN NAY

Tác giả: Nibelugen ốc nho 尼伯龙根·蜗藤 [ii]
Người dịch: Quốc Thanh
26-06-2012
Nói cho chuẩn xác, xung quanh Nam Hải ngay từ thế kỷ 16 đã bước vào thời kì cận đại. Các nước lớn Âu-Mỹ, bao gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp và Mỹ cùng Nhật ở Châu Á sau thế kỷ 16 đã dần phát triển thế lực của mình ở Đông Nam Á. Đây chính là sự khởi đầu đi vào thời cận đại của Nam Hải.
Trong số các nước quần đảo ở Đông Nam Á, trước thời cận đại, Borneo[iii] và Philippines là những quốc gia chưa được hình thành. Ở Sumatra và Java và Malaysia thuộc Indonesia ngày nay và Malacca thuộc Malaysia đều từng xuất hiện những quốc gia lớn mạnh. Song những nước này đều không liên quan trực tiếp đến vấn đề Nam Hải mà chúng ta đang bàn tới, Indonesia cũng không nêu yêu cầu về lãnh thổ đối với các quần đảo Nam Hải. Cho nên, trong các thư tịch cổ có liên quan đến chủ quyền, sự thay đổi chủ quyền của những quốc gia này không được đề cập tới. Thế kỷ 15, ở Borneo thành lập Vương quốc Hồi giáo Brunei, các thế lực Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan và Mỹ lần lượt tiến vào khu vực này.

Nhưng với hai nước Trung Quốc đại lục và Việt Nam chiếm vị trí chủ yếu trong tranh chấp Nam Hải, thì đến giữa thế kỷ 19 mới bắt đầu đi vào thời cận đại của mình. Hầu như cùng thời kì, cả hai nước đều trải qua những biến đổi lớn, Trung Quốc 2 lần bị Anh và Pháp đánh bại trong cuộc Chiến thanh nha phiến đã dần trở thành bán thuộc địa. Còn Việt Nam thì dường như là dần trở thành thuộc địa của Pháp.
Tóm lại, trong tranh chấp chủ quyền ở Nam Hải từ thời cận đại đến nay, đã có thêm rất nhiều đối tượng tham dự mới, và đã làm thay đổi căn bản cục diện tranh chấp ở Nam Hải.
Phần bài viết này chủ yếu bàn về sự thay đổi chủ quyền của các nước xung quanh Nam Hải, chứ không đề cập tới tranh chấp Nam Hải một cách cụ thể (điều này sẽ được bàn kĩ thêm ở phần sau).
Trung Quốc
Trung Quốc thời cận đại đã trở thành bán thuộc địa vào cuối đời Thanh, nhưng nếu nói về quyền lợi đối với Nam Hải, thì ở đời Thanh cơ bản vẫn giữ nguyên chủ thế bất biến, mặc dù chủ quyền cụ thể ít nhiều đã có sự thay đổi nhiều lần trong giai đoạn này.
Triều nhà Thanh đã chấm dứt sau cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911. Chính phủ theo luật định của Trung Quốc đầu tiên là chính phủ Bắc Dương ở Bắc Kinh, sau năm 1927 là chính phủ Quốc Dân Đảng ở Nam Kinh. Nhưng có liên quan đến Nam Hải lại là tỉnh Quảng Đông. Trước khi Bắc phạt thành công, tỉnh Quảng Đông đã nhiều lần tách khỏi chính phủ Bắc Kinh để tuyên bố độc lập. Trong thời gian độc lập, chính phủ Miền Nam ở tỉnh Quảng Đông đã nhiều lần đại diện cho Trung Quốc để thừa hành những quyền lợi mang tính chủ quyền ở Nam Hải.
Chính phủ Miền Nam tổng cộng đã tồn tại 3 lần. Năm 1913, Tôn Trung Sơn phát động cuộc cách mạng lần 2, tỉnh Quảng Đông tuyên bố độc lập. Thời gian diễn ra cuộc cách mạng này rất ngắn, về cơ bản không được coi là chính phủ Miền Nam hợp lệ. Trong cuộc Chiến tranh giữ nước năm 1916, Quảng Đông cùng với các tỉnh miền nam khác thành lập nên Trung Quốc Dân quốc Quốc vụ viện, đây mới được coi là lần thành lập chính phủ Miền Nam đầu tiên, nhưng thời gian cho lần này cũng hết sức ngắn ngủi. Tháng 8.1917, Tôn Trung Sơn thành lập chính phủ Trung Quốc Quốc dân Quốc quân, từ đó đã khởi đầu sự đối kháng Nam-Bắc trong suốt thời gian dài. Mặc dù tên gọi trong thời kì này liên tục thay đổi, nhưng chính phủ Miền Nam vẫn luôn giữ vị trí độc lập với Bắc Kinh, cho đến năm 1927, chính phủ Miền Nam đã Bắc phạt thành công và giành được chính quyền thống nhất trong toàn quốc. Ở giai đoạn này, sự vụ Nam Hải luôn do chính phủ Miền Nam kiểm soát.
Sau Chiến tranh thế giới II, Trung Quốc xảy ra nội chiến. Chính phủ Quốc Dân Đảng hợp pháp thuở ban đầu đã bị Đảng cộng sản lật đổ vào năm 1949 và thất bại rút lui về Đài Loan. Sau đó thực sự có 2 chính phủ đều tuyên bố là chính phủ đại diện cho Trung Quốc, một ở Bắc Kinh, một ở Đài Bắc. Trước năm 1971, chính phủ Đài Bắc là đại diện của Trung Quốc ở Liên hợp quốc, sau năm 1971, chính phủ Bắc Kinh là đại diện của Trung Quốc ở Liên hợp quốc. Cho đến tận bây giờ, cả chính phủ Bắc Kinh và chính phủ Đài Bắc đều lần lượt thực hiện sự có mặt quân sự ở các quần đảo Nam Hải, hơn nữa đều tuyên bố là có chủ quyền đối với tất cả các quần đảo Nam Hải.
Việt Nam và Pháp
Sự thay đổi chủ quyền của Việt Nam ở thời cận đại còn phức tạp hơn so với Trung Quốc. Pháp bắt đầu vào Việt Nam ngay từ thế kỷ 17. Sau thế kỷ 18, khi chính quyền chúa Nguyễn bị anh em nhà họ Nguyễn ở Tây Sơn tiêu diệt, vua Gia Long Nguyễn Ánh[iv] từ thưở niên thiếu đã phải sống lưu vong ở Pháp. Cuối cùng với sự trợ giúp của Pháp đã đánh bại nhà họ Nguyễn ở Tây Sơn, và thiết lập lại chính quyền nhà Nguyễn (cũ). Đây chính là hoàng triều cuối cùng trong lịch sử Việt Nam – triều Nguyễn (1802-1945).
Sau thời vua Gia Long, mối quan hệ giữa nhà Nguyễn với Pháp dần xấu đi, đặc biệt là việc cấm truyền bá Thiên chúa giáo và chính sách nhà nước bế quan tỏa cảng bắt chước Trung Quốc đã khiến cho Pháp nổi giận. Năm 1858, Pháp bắt đầu xâm nhập Việt Nam. Trải qua cuộc chiến tranh trong 3 năm rưỡi, Việt Nam đã cắt nhượng cho Pháp 3 tỉnh miền Nam vào năm 1862. Sau đó, Pháp đặt tên cho 3 tỉnh này là Nam Kỳ (Cochinchina).
Năm 1883, Pháp hoàn tất việc chinh phục Campuchia xong lại hướng tầm ngắm về Việt Nam. Vừa dịp quân Cờ đen do tướng Lưu Vĩnh Phúc người Trung Quốc cầm đầu vượt qua biên giới chiếm đoạt một dải đất ở miền Bắc Việt Nam, đã giết chết một người Pháp trong vụ xung đột với người Pháp. Pháp đã lấy đó làm cớ để yêu cầu Việt Nam cho Pháp tiễu phỉ, rồi khi bị từ chối liền phát động cuộc chiến với Việt Nam. Việt Nam cầu cứu Trung Quốc, và thế là xảy ra cuộc chiến Trung-Pháp. Năm 1885, Trung Quốc bại trận, hai bên ký Hiệp định Thiên Tân. Trung Quốc từ bỏ “quyền bá chủ” Việt Nam. Và rồi cả đất nước Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp. Pháp chia Việt Nam thành 3 phần, Nam Kỳ ở miền nam do Pháp trực tiếp cai trị, còn An Nam ở Trung bộ và Tonkin [Bắc Bộ] thì tồn tại dưới hình thức xứ bị bảo hộ, triều nhà Nguyễn vẫn còn, đồng thời cai quản An Nam trên danh nghĩa. Pháp cai trị Việt Nam đến Chiến tranh thế giới II thì bị Nhật làm gián đoạn, sau Chiến tranh thế giới II lại được khôi phục tạm thời.
Chiến tranh có 3 ảnh hưởng chủ yếu đến thực dân của Việt Nam trong vấn đề kế thừa chủ quyền Nam Hải. Thứ nhất, về lý thuyết, quyền lợi vốn có của Việt Nam (bao gồm cả Đại Việt và Chămpa) đối với Nam Hải được Pháp kế thừa. Song trên thực tế, trong những năm tháng trở thành thuộc địa, Việt Nam không lo nổi thân, bởi vì chủ quyền đối với các quần đảo Nam Hải mà họ tuyên bố thực sự đã bị gián đoạn. Còn Pháp thì về cơ bản chẳng hào hứng gì với Tây Sa và Nam Sa ở thời điểm trước thập kỷ 30 của thế kỷ 20. Thứ hai, từ thập kỷ 30, Pháp bắt đầu mở rộng thế lực tới Tây Sa và Nam Sa, mà một trong những luận cứ là Pháp đã kế thừa quyền cai trị cả hai Sa của Việt Nam. Thứ ba, khi Việt Nam độc lập tách khỏi Pháp vào sau Chiến tranh thế giới II, quyền lợi của Pháp ở Việt Nam đã được chính quyền mới của Việt Nam kế thừa. Những quyền lợi này có quan hệ trực tiếp đến vấn đề chủ quyền Tây Sa và Nam Sa trong khuôn khổ luật quốc tế hiện nay.
Chiến tranh thế giới II đối với Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác là một cơ hội hiếm có để thoát khỏi thân phận thuộc địa. Nhật đã đánh đổ vị trí của Pháp ở Việt Nam. Sau Chiến tranh thế giới II, Pháp tỏ ra lực bất tòng tâm trong việc tiếp tục cai trị. Trong cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Bắc Việt dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh đã gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại nặng nề. Trong bản Hiệp định đã đạt được, hai phía Nam Việt và Bắc Việt lấy 17º vĩ Bắc làm đường phân giới, Pháp rút khỏi Việt Nam, Việt Nam thực sự bị chia cắt làm hai nước. Miền Bắc là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bắc Việt) do Việt cộng kiểm soát, Miền Nam là Đế quốc Việt Nam do hoàng đế Bảo Đại kiểm soát. Nhưng chẳng bao lâu sau, Ngô Đình Diệm đã lật đổ hoàng đế Bảo Đại vào năm 1955, thành lập nên Việt Nam Cộng hòa (Nam Việt). Trong hai chính phủ Việt Nam, kiểm soát và kế thừa quyền lợi Nam Hải của Pháp là chính phủ Nam Việt. Và rồi quyền lợi Nam Hải đã từ tay Pháp chuyển sang Nam Việt.
Nam Việt và Bắc Việt ngay sau đó đã diễn ra cuộc Chiến tranh Việt Nam khoảng 20 năm (Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai). Đến năm 1975, Nam Việt bị Bắc Việt và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền NamViệt Nam xóa bỏ. Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam đã thành lập Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ở Nam Việt. Một năm sau, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam hợp nhất với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thành lập nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trong giai đoạn lịch sử này, quyền lợi Nam Hải từ tay Việt Nam Cộng hòa chuyển sang cho Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, rồi năm tiếp theo lại chuyển sang cho nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thống nhất.
Brunei, Malaysia Vương quốc Anh
Vùng tiếp giáp với nam Nam Hải là Borneo (đảo Kalimantan). Trên Borneo xuất hiện 3 quốc gia là Brunei, Malaysia và Indonesia. Về mối quan hệ nhằng nhịt của các nước này, ở đây xin trình bài gộp luôn.
Ở khu vực quần đảo Đông Nam Á, do các quần đảo ở rời rạc, nên trước khi người phương Tây đến, chưa hề hình thành được một chính quyền thống nhất giống như các nước hiện đại. Cho nên, vấn đề truy nguồn mối quan hệ kế thừa chủ quyền là hết sức khó khăn.
Ở khu vực này, các thế lực chính trị quan trọng nhất thường xuất hiện ở đảo Sumatra, bán đảo Mã Lai và đảo Java. Hai địa danh đầu nhờ bởi vị trí địa lí ưu việt của mình mà đã độc quyền được thương mại Đông-Tây. Còn đảo Java thì có ưu thế về môi trường tự nhiên trời cho độc đáo, nên đã dung chứa được lượng dân số đông nhất Đông Nam Á. Borneo thì ở vị trí tụt hậu về cả hai điểm này. Do thiếu tư liệu lịch sử về vùng đất này, mà lịch sử thuở ban đầu của nó phần nhiều được tái hiện lại trong các tư liệu của Trung Quốc và Indonesia cùng những thành quả khảo cổ ở đây.
Thổ dân của Borneo di chuyển từ Vân Nam Trung Quốc tới vào thế kỷ 4-5. Thế kỷ 7, ở Borneo xuất hiện một chính quyền bản địa gọi là Vijayapura, xưng thần với Tam Phật Tề (tức Srivijaya ở đảo Sumatra) lớn mạnh. Gần như cùng thời, cái tên nước Bột Ni cũng xuất hiện trong sách sử Trung Quốc. Cả hai liệu có phải cùng một chính quyền hay không vẫn còn đang tranh luận. Bột Ni từng tiến cống cho Trung Quốc lúc bấy giờ. Thế kỷ 13, Madjapahit ở Java đánh lui quân Mông Cổ đồng thời bắt đầu lớn mạnh. Thế lực mở rộng tới bờ biển Borneo, thậm chí tới tận nam Philippines và Đông Timor. Madjapahit cho đến tận cuối thế kỷ 15 mới bị Vương quốc Hồi giáo Demak tiêu diệt. Dù là quan hệ với Trung Quốc hay với Madjapahit về đại thể đều chỉ mang tính tượng trưng. Borneo trong khoảng thời gian này đại để chỉ xuất hiện dưới hình thức tiểu bang quốc, không có một chính quyền thống nhất. Borneo chủ yếu ở vào giai đoạn Ấn Độ hóa, và cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc.
Thế kỷ 15, Borneo bắt đầu Hồi giáo hóa. Ở miền bắc Borneo đã thành lập Vương quốc Hồi giáo Brunei. Tương truyền Ong Sum Ping là di dân Trung Quốc đã có ảnh hưởng quan trọng ở Vương quốc Hồi giáo Brunei thời xa xưa. Vương quốc Hồi giáo Brunei đạt tới thời hoàng kim vào thế kỷ 16. Lãnh thổ bao gồm Brunei, Sabah, Sarawak ngày nay, xa tới tận vùng Manila trên đảo Luzon, Philippines cũng thuộc phạm vi thế lực của nước này, Vương quốc Hồi giáo Brunei trở thành nước lớn trong khu vực.
Năm 1578, Tây Ban Nha đánh Brunei, một dạo đã chiếm lĩnh được thủ đô Brunei. Nhưng cuối cùng do bệnh dịch bùng phát mà công cốc quay về. Brunei tuy đẩy lui được người Tây Ban Nha, nhưng thực lực bắt đầu giảm sút, phải nhượng Vương quốc Hồi giáo Sulu nằm ở phía đông (nay là miền nam Philippines). Năm 1702, Vương quốc Hồi giáo Sulu giúp Brunei dẹp cuộc nổi loạn trong nước, Brunei cắt nhượng Bắc Borneo (Sabah Đông) cho Vương quốc Hồi giáo Sulu.
Năm 1824, Anh và Hà Lan ký kết hiệp định, vạch đường phân giới thế lực (ảo) của Borneo. Kể từ đó, người Anh bắt đầu tích cực khai khẩn Borneo. Năm 1836, Sarawak xảy ra cuộc nổi loạn chống lại Brunei, thuyền nhân Anh James Brooke đã hiệp trợ cho Brunei dập tắt cuộc nổi loạn. Để trả ơn, Brunei đã chấp nhận Brooke làm tổng đốc (Rajah) Sarawak. Năm 1842, Brunei bị Brook đánh bại, chính thức công nhận tình trạng độc lập của Sarawak. Vậy là người Anh đã thiết lập thuộc địa lần đầu tiên ở Borneo. Trong những năm tháng tiếp đó, Brook và những người kế thừa đã tìm cách mở rộng ranh giới của Sarawak đến tận cương giới ngày nay. Cho đến trước ngày Nhật tấn công Nam Dương[v] vào Chiến tranh thế giới II, Sarawak luôn là thực thể chính trị tự trị độc lập nằm dưới sự quản lý của vị tổng đốc người Anh, song nước Anh không hề có quan hệ trực tiếp.
Sabah có các nguồn gốc lịch sử khác nhau. Phần phía đông Sabah cho Vương quốc Hồi giáo Sulu cai trị, phần phía tây do Brunei cai trị. Vương quốc Hồi giáo Sulu cho Mỹ thuê Sabah vào năm 1885. Nhưng người Mỹ vừa trải qua cuộc Chiến tranh Nam-Bắc, không có ý định mở thuộc địa ở Đông Nam Á, nên đã chuyển nhượng quyền lại cho người Anh. Cuối cùng, Sulu chính thức cho British North Borneo Chaptered Company thuê Sabah, thế là từ đó Sabah rơi vào tay người Anh. Đồng thời, sau một loạt các thỏa thuận, người Anh liên tiếp giành được phần đất đai ở tây Sabah ngày nay từ Vương quốc Hồi giáo Sabah.
Năm 1888, Anh đã ký thỏa thuận với Brunei, Sarawak và Sabah để tích hợp thế lực của mình ở Bắc Borneo. Anh phụ trách ngoại giao và quân sự, từ đó lập nên thuộc địa Bắc Borneo của Anh. Trong số 3 phần này: Brunei chịu thân phận nước bị bảo hộ; Sarawak cũng là nước bị bảo hộ, mặc dù thống đốc là người Anh; Sabah là một thuộc địa của Viện Hoàng gia Chartered. Sau khi trải qua những quá trình này, quyền lợi Nam Hải của Brunei được chuyển vào tay Vương quốc Anh.
Trong Chiến tranh thế giới II, Bắc Borneo bị Nhật chiếm giữ. Sau khi Nhật bại trận, Anh đã quốc hữu hoá Sabah và Sarawak để trở thành lãnh địa hải ngoại. Năm 1963, Sabah và Sarawak độc lập, đồng thời cùng với Malaya và Singapore thành lập Liên bang Malaysia (Singapore rút khỏi sau đó ít lâu) trong cùng năm. Thế là quyền lợi Nam Hải lại được chuyển vào tay Malaysia.
Sau chiến tranh, Brunei lại biến thành nước bị bảo hộ của Anh. Năm 1959, Brunei giành được quyền tự trị, năm 1971, Brunei giành được quyền tự trị hoàn toàn, năm 1984 giành được độc lập. Thế là các quyền lợi Nam Hải tương ứng cũng được chuyển vào tay Brunei.
Philippines, Tây Ban Nha và Mỹ
Trước khi người Tây Ban Nha tới, Philippines chưa hình thành một quốc gia thống nhất. Philippines thuộc ngữ hệ Nam Đảo, có cùng nguồn gốc với thổ dân Đài Loan. Philippines có niên đại tín sử mới bắt đầu từ thế kỷ 9. Bắc Philippines (vùng đảo Luzon) và nam Philippines có lịch sử khác nhau khá lớn.
Thế kỷ 10, trên đảo Luzon xuất hiện Đường Đa Quốc (Kingdom of Tondo), Đường Đa Quốc có thể chỉ mang tính chất liên minh bộ lạc. Thế kỷ 16 thời Vương quốc Hồi giáo Brunei hùng mạnh, Vương quốc Hồi giáo Brunei đánh bại Đường Đa, lập nên nước vệ tinh của mình ở vùng Manila. Thế là Luzon trở thành phạm vi thế lực của Vương quốc Hồi giáo Brunei. Theo những tư liệu hiện có, đảo Luzon khi ấy không hề có bộ máy hành chính ở tầng cấp quốc gia, chủ yếu vẫn là những ngôi làng nhỏ. Người Tây Ban Nha đến Philippines vào năm 1521, đánh bại được các bộ lạc địa phương trong Chiến tranh thuộc địa 1565-1571, thành lập chính quyền thuộc địa ở Manila để cai trị bắc và trung Philippines. Tây Ban Nha phát triển Thiên chúa giáo ở khu vực mình cai trị, Philippines trở thành một nước Thiên chúa giáo chiếm ưu thế duy nhất trong khu vực.
Nam Philippines bắt đầu bước vào thời kỳ Hồi giáo hóa từ thế kỷ 15, lần lượt thành lập Vương quốc Hồi giáo Sulu và Vương quốc Hồi giáo Mindanao (Maguindanao) trên quần đảo Sulu và đảo Mindanao. So với các làng ở bắc và trung Philippines, Vương quốc Hồi giáo Sulu và Vương quốc Hồi giáo Mindanao thực sự mang tính chất nhà nước. Vương quốc Hồi giáo Sulu lập nước năm 1457, định đô trên đảo chính Jolo của quần đảo Sulu. Vương quốc Hồi giáo Mindanao lập nước năm 1520, nằm ở tây đảo Mindanao.
Năm 1578, Tây Ban Nha tấn công Sulu, bị thất bại. Đồng thời, Tây Ban Nha còn tấn công cả Brunei, Vương quốc Hồi giáo Brunei bị đánh bại nặng nề. Sulu lớn mạnh trong khu vực từ đó. Vương quốc Hồi giáo Sulu thay thế Vương quốc Hồi giáo Brunei nắm quyền thương mại từ Trung Quốc đến quần đảo Moluccas (Maluku), quần đảo Moluccas còn được gọi tên là quần đảo hương liệu, nơi sản xuất các hương liệu chủ yếu. Năm 1596, Tây Ban Nha phát động chiến tranh với Vương quốc Hồi giáo Mindanao rồi cuối cùng cũng thất bại.
Sau lần thứ nhất của cuộc chinh chiến, Tây Ban Nha còn tiến hành 2 lần chiến tranh nữa ở khu vực phía nam. Lần thứ hai xảy ra vào đầu thế kỷ 18, kéo dài liên tục suốt hơn 30 năm, Tây Ban Nha đánh không ngơi nghỉ, cuối cùng nước Anh thừa dịp Tây Ban Nha đánh ở phía nam đã tấn công vây hãm đại bản doanh Manila và kết thúc cuộc chinh chiến này. Lần thứ ba bắt đầu từ thế kỷ 19 đến năm 1940, lúc này Sulu và Mindanao đã trở thành sân đấu quốc tế, Pháp, Hà Lan, Anh và Đức đã lần lượt bị cuốn vào vòng tranh chấp, khiến cho tiến trình chiến tranh bị kéo rất dài. Vào thập kỷ 50, Tây Ban Nha chinh phục được Mindanao, đến thập kỷ 80, Tây Ban Nha mới biến Sulu thành nước bảo hộ của mình. Nhưng cho đến khi Tây Ban Nha kết thúc chế độ thực dân ở Philippines cũng vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được hai khu vực này.
Cuối thập kỷ 90, trên chính đất Philippines nổ ra cách mạng. Điều quan trọng nhất là, vào năm 1898, chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ nổ ra, Tây Ban Nha bại trận, Tây Ban Nha “bán” Philippines cho Mỹ. Sự thống trị hàng mấy trăm năm của Tây Ban Nha ở Philippines đã chấm dứt. Mỹ tiếp quản Philippines và đã trấn áp được cuộc cách mạng Philippines sau khi trải qua cuộc chiến gần 2 năm. Từ đó, Philippines thuộc Tây Ban Nha biến thành Philippines thuộc Mỹ. Dưới ách cai trị của Mỹ, miền nam mới thực sự được hợp nhất vào Philippines.
Trong Chiến tranh thế giới II, Nhật đã chiếm Philippines. Năm 1945, Mỹ lấy lại Philippines. Năm 1946, Philippines độc lập. Và thế là những quyền lợi của Philippines thuộc Mỹ được chuyển về tay Philippines.
Indonesia và Lan
Phần phía nam của Borneo có một lịch sử khác, nó từng là một phần của thuộc địa Đông Ấn Độ thuộc Hà Lan, hiện giờ là một phần của Indonesia.
Người Hà Lan tiếp xúc với Borneo lần đầu tiên là vào năm 1606, NamBorneo khi ấy do Vương quốc Hồi giáo Banjamasin cai trị. Năm 1635, người Hà Lan đã ký thỏa thuận hạt tiêu với Banjamasin, thành lập căn cứ ở Masin. Với sự trợ giúp thương mại của Hà Lan, ở thế kỷ 17, thế lực Banjamasin đã được mở rộng tối đa, tới tận Đông Nam, Tây Nam và Trung Borneo. Năm 1787, người Hà Lan biến Banjamasin thành nước bảo hộ của mình. Trong Chiến tranh Banjamasin 1859-1863, người Hà Lan tấn công Banjamasin, phế bỏ Vương quốc Hồi giáo này, từ đó chiếm cứ luôn cả Nam Borneo. Trung Borneo dân cư thưa thớt, đến đầu thế kỷ 20 mới nhập vào lãnh thổ của người Hà Lan.
Ở Tây Borneo là một loạt các vương quốc Hồi giáo khá nhỏ do người Mã Lai lập ra, bao gồm Sambas, Landak và Sukadana… Bắt đầu từ cuối thế kỷ 17, người Hà Lan gây dựng thế lực của mình ở Tây Borneo. Năm 1772, với sự trợ giúp của người Hà Lan, Vương quốc Hồi giáo Pontianak được thành lập, đồng thời trở thành trung tâm thương mại của người Hà Lan. Năm 1818, người Hà Lan ký thỏa thuận với các tiểu quốc Hồi giáo, chính thức đặt những nước này vào vị trí nước bị bảo hộ. Cuối thế kỷ 18, người Trung Quốc bắt đầu đến đãi vàng ở Tây Borneo, các địa điểm khác chủ yếu ở Sambas. Người Trung Quốc ít lâu sau đã không nằm dưới sự cai trị của Vương quốc Hồi giáo Sambas, mà ở vào trạng thái tự trị bán độc lập, cho đến khi người Hà Lan đánh bại người Trung Quốc mới thôi. Thế là đến giữa thế kỷ 19, người Hà Lan đã lập nên thuộc địa Tây Borneo.
Các quốc gia chủ yếu ở Đông Borneo là Vương quốc Hồi giáo Kutai phía nam, Vương quốc Hồi giáo Berau ở miền trung và Vương quốc Hồi giáo Bulunga ở phía bắc Đông Borneo. Kutai lập nước vào khoảng năm 1300, đến thế kỷ 17 bắt đầu tôn thờ đạo Hồi, là quốc gia mạnh nhất của Đông Borneo, có thể chế phong kiến của riêng mình trong khu vực. Berau lập nước vào năm 1400, đến thế kỷ 17 bắt đầu tôn thờ đạo Hồi. Bulunga lập nước vào khoảng năm 1650, đến giữa thế kỷ 18 bắt đầu tôn thờ đạo Hồi. Các nước này lần lượt bị Hà Lan chinh phục vào các năm 1844, 1850 và 1900.
Cả Đông, Nam, Tây, Trung Borneo đều là một phần của thuộc địa Đông Ấn Độ thuộc Hà Lan. Toàn bộ thuộc địa đến năm 1920 mới mở rộng được tới cương giới Indonesia ngày nay. Trong Chiến tranh thế giới II, Indonesia bị Nhật chiếm đóng. Sau khi Nhật bại trận, người Hà Lan có mưu đồ thiết lập lại nền cai trị ở Indonesia, hoặc cân nhắc tới hình thức Liên bang Hà Lan – Indonesia. Song những ý tưởng này đều thất bại. Năm 1949, Indonesia độc lập, kế thừa chủ quyền của thuộc địa Đông Ấn Độ thuộc Hà Lan. Năm 1963, mảnh thuộc địa cuối cùng của Hà Lan ở Đông Nam Á – Tây New Guinea đã được chuyển giao cho Indonesia, chấm dứt ách cai trị của người Hà Lan ở Đông Nam Á.
Nhật
Từ thế kỷ 20, Nhật bắt đầu quan tâm đến các quần đảo Nam Hải. Trước Chiến tranh thế giới II, Nhật đã tiến hành khai thác bán chính thức ở các quần đảo Nam Hải. Trong Chiến tranh thế giới II, Nhật thực sự đã chiếm các quần đảo Nam Hải, đồng thời đưa các quần đảo Nam Hải về cho tỉnh Đài Loan cai quản, bất chấp có sự tranh chấp về phạm vi và thời gian quản lý thực tế đối với các quần đảo Nam Hải và trong quan hệ với Pháp (xin xem chi tiết ở những bài sau). Sau chiến tranh, Nhật đã từ bỏ các quần đảo Nam Hải.
Nhìn chung, chủ quyền đối với Nam Hải của Nhật là dựa trên sự xâm lược, thuộc về chủ quyền không chính đáng, hơn nữa sau chiến tranh, Nhật lại đã tuyên bố từ bỏ các quần đảo Nam Hải. Điều này khiến cho chúng ta không nên coi Nhật là một đối tượng cạnh tranh ở Nam Hải hiện nay. Về nguyên tắc, sự chiếm lĩnh của Nhật không ảnh hưởng tới hệ thống trật tự Nam Hải đã được thiết lập từ trước chiến tranh. Song, những hành vi ở Nam Hải của Nhật cùng những quy định về các quần đảo Nam Hải trong các hiệp ước với Nhật sau chiến tranh lại khiến cho vấn đề luật định của các quần đảo Nam Hải sau chiến tranh trở nên mơ hồ. Do những hiệp ước này là căn cứ chủ yếu nhất về vấn đề địa vị của các quần đảo Nam Hải theo ý nghĩa luật quốc tế hiện nay, nên ở những bài sau sẽ bàn kĩ hơn.
Tiểu kết Quan hệ kế thừa quyền lợi Nam Hải (từ thời cận đại đến nay)
1. Năm 1911, Trung Hoa Dân quốc thay thế triều Thanh.
2. Năm 1917, Chính phủ Miền Nam thành lập.
3. Năm 1927, Chính phủ Miền Nam Bắc phạt thành công
4. Năm 1937, Nhật xâm lược Trung Quốc toàn diện. năm 1942, phát động Chiến tranh Thái Bình Dương, lần lượt chiếm nhiều nước ven bờ Nam Hải. Năm 1945, Nhật bại trận. Quyền lợi Nam Hải của Nhật dựa trên sự xâm lược, vì thế không chính đáng, sau chiến tranh từ bỏ. Được biểu thị bằng đường gạch chấm.
5. Năm 1945, Trung Hoa Dân quốc khôi phục quyền kiểm soát toàn bộ Trung Quốc.
6. Năm 1949, Đảng cộng sản Trung Quốc đánh bại Quốc dân đảng, Quốc dân đảng thua rút về Đài Loan. Trung Quốc tồn tại đồng thời hai chính quyền Bắc Kinh và Đài Bắc.
7. Năm 1885, Pháp biến Việt Nam thành nước bảo hộ.
8. Năm 1946, Pháp khôi phục lại thuộc địa Đông Dương.
9. Năm 1954, căn cứ theo “Hiệp định Genève”, Pháp rút khỏi Việt Nam. Việt Nam lấy 17º vĩ Bắc làm ranh giới chia thành Bắc Việt và Nam Việt.
10. Năm 1955, Cộng hòa Việt Nam thay thế Đế Quốc Việt Nam, đoạt được chính quyền Nam Việt.
11. Năm 1975, Cộng hòa Việt Nam bị Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và Bắc Việt xóa sổ, Miền Nam Việt Nam thành lập Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.
12. Năm 1976, Nam Việt hợp nhất với Bắc Việt, thành lập Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
13. Vương quốc Hồi giáo Brunei vào giữa thế kỷ 19 bắt đầu dần cắt nhượng đất đai, lần lượt thành lập Sarawak và Sabah thuộc Anh.
14. Năm 1888, Anh ký thỏa thuận với Brunei, Sarawak và Sabah, biến những nước này thành nước bảo hộ của mình. Bắc Borneo thuộc Anh được thành lập.
15. Năm 1945, Anh khôi phục lại Bắc Borneo thuộc Anh.
16. Năm 1967, Sarawak và Sabah độc lập, ít lâu sau cùng với Malaysia và Singapore thành lập Liên bang Malaysia. Brunei tiếp tục thuộc lãnh thổ hải ngoại của Anh.
17. Năm 1984, Brunei độc lập.
18. Năm 1898, Tây Ban Nha bại trận trong Chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha, cắt nhượng Philippines cho Mỹ, Philippines thuộc Tây Ban Nha trở thành Philippines thuộc Mỹ.
19. Năm 1946, Philippines được thành lập.
20. Giữa đến cuối thế kỷ 19, Hà Lan dần thôn tính đồng thời sát nhập nhiều vương quốc Hồi giáo ở Nam Borneo vào Đông Ấn Độ thuộc Hà Lan.
21. Năm 1945, Hà Lan mưu đồ khôi phục lại ách thống trị ở Đông Ấn Độ thuộc Hà Lan, khai chiến với các thế lực độc lập.
22. Năm 1949, Hà Lan công nhận Indonesia độc lập.
Nguồn: Blog Nibelungen (dddnibelungen.wordpress.com)
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

Chú thích của người dịch:
[i] Tức Biển Đông.
[ii] Đây là nickname; tạm chuyển sang tiếng Việt: “Nibelugen – Ốc nho”
[iii] Tiếng Indonesian: Kalimantan.
[iv] Trong nguyên bản viết nhầm là Nguyễn An (阮安).
[v] Nam Dương: Tên gọi các nước Đông Nam Á ở gần Biển Đông, bao gồm Malaysia, quần đảo Philippines và quần đảo Indonesia, vào thời Minh, Thanh Trung Quốc.

Ghi chú: bài viết này thuộc chủ nhân một blog tiếng Trung, có nhiều bài và thông tin, tư liệu có giá trị liên quan Biển Đông, đã được dịch đăng trên Ba Sàm: 1175. Xem xét quá trình quy thuộc Nam Hải (Biển Đông) qua các bản đồ từ cuối đời nhà Thanh đến (Trung Hoa) Dân quốc (Phần 1); + 1176. Xem xét quá trình quy thuộc Nam Hải (Biển Đông) qua các bản đồ từ cuối đời nhà Thanh đến Trung Hoa Dân quốc – Phần 2; + 1177.Xem xét quá trình quy thuộc Nam Hải (Biển Đông) qua các bản đồ từ cuối đời nhà Thanh đến (Trung Hoa) Dân quốc – Phần 3; + 1183. TÂY SA VÀ NAM SA SAU NĂM 1956.
nguồn:http://anhbasam.wordpress.com/2012/08/10/1197-quan-he-ke-thua-chu-quyen-cua-cac-quoc-gia-co-lien-quan-den-nam-hai-tu-thoi-can-dai-den-nay/#more-71374
--------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001