Sau khi bầu Kiên bị bắt, đến lượt tổng giám đốc ACB cũng bị tạm giam để điều tra các cáo buộc vi phạm luật kinh tế. Những tin tức này đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngân hàng ACB trong mấy ngày qua, cụ thể là việc giá cổ phiếu giảm mạnh và việc khách hàng rút 5000 tỷ đồng khỏi ACB.
Tuy nhiên, trên thế giới, những sự việc này không phải là hiếm, và kinh tế học dùng thuật ngữ "đột biến rút tiền gửi" (tiếng Anh gọi là bank run) để chỉ hiện tượng đồng loạt rút tiền gửi tiết kiệm. Hiện tượng này có thể có hệ quả nghiêm trọng, ví dụ như trong cuộc Đại Khủng Hoảng ở Mỹ trong thế kỷ trước, hàng loạt vụ đột biến rút tiền gửi đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Mỹ.
Trong Đại Khủng Hoảng ở Mỹ thập kỷ 1930, 1940 đã có hàng loạt vụ đột biến rút tiền gửi.
Thông thường các trường hợp rút tiền đồng loạt xuất phát từ sự nghi ngờ của người dân với khả năng thanh khoản của một ngân hàng. Sự nghi ngờ này có thể xuất phát từ những phân tích chính xác về tình hình kinh tế và tài chính, nhưng cũng có thể xuất phát từ sự kết hợp của những tin đồn và tâm lý bầy đàn. Ví dụ, trong cuộc Đại Khủng hoảng ở Mỹ, có một câu chuyện thế này: một người đàn ông đi đến trụ sở Ngân hàng Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (Bank of the United States) để yêu cầu bán cổ phần của ông trong ngân hàng này. Sau khi được nhân viên ngân hàng tư vấn là không nên bán, ông này lập tức tung tin đồn rằng ngân hàng không đồng ý cho ông bán cổ phần của mình. Trong vòng vài giờ, một đám đông đã tụ tập trước ngân hàng này, và chỉ trong ngày hôm đó từ 2500 đến 3500 khách hàng đã rút tổng cộng 2 triệu USD tiền gửi từ ngân hàng.
Ở Mỹ, thuật ngữ "too big to fail" dùng để ám chỉ những tổ chức tài chính mà nếu sụp đổ sẽ tạo nên thảm hoạ đối với cả nền kinh tế. Do đó, chính phủ các nước sẽ buộc lòng phải cứu các ngân hàng dạng này.
Vấn đề đầu tiên mà ngân hàng đối mặt với đột biến rút tiền gửi là không có đủ tiền mặt để hoàn trả cho tất cả khách hàng. Một ngân hàng thông thường chỉ có khoảng 5 - 10% tài sản là tiền mặt, số còn lại được đem cho các doanh nghiệp và cá nhân vay. Ví dụ tại Mỹ, luật chỉ quy định các ngân hàng lớn trữ đủ tiền mặt để đáp ứng 10% yêu cầu rút tiền khi xảy ra đột biến rút tiền gửi. Tất nhiên ngân hàng cũng có thể đòi lại các khoản cho vay để bù đắp vào khả năng thanh khoản, nhưng vấn đề là tiền cho vay không thể thu hồi nhanh đến vậy, nên việc thanh khoản lập tức là bất khả thi.
Có một số phương pháp để cứu vãn các ngân hàng rơi vào vòng xoáy của đột biến rút tiền gửi. Ngân hàng có thể hoãn việc thanh khoản tiền gửi hoặc đặt một mức trần tiền gửi có thể được rút. Tuy nhiên, phương pháp "chữa cháy" thường thấy trong những tình huống đột biến như thế này là sự can thiệp của Nhà nước. Nhà nước có thể hồi phục lòng tin cho người dân vào ngân hàng bằng cách thực hiện các biện pháp làm minh bạch tình hình tài chính của ngân hàng đó. Ví dụ vào năm 1933, khi hàng loạt các ngân hàng tại Mỹ đang bị đột biến rút tiền gửi, Tổng thống Roosevelt đã quyết định công bố ngày lễ ngân hàng, yêu cầu tất cả các ngân hàng đóng cửa vào ngày đó để Cục dự trữ liên bang tiến hành thanh tra. Chỉ có các ngân hàng vượt qua được quá trình thanh tra mới được phép mở cửa lại vào ngày hôm sau. Kể từ sau động thái đó, lòng tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng bắt đầu hồi phục, và nhiều người đã quay trở lại các ngân hàng để gửi tiền.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong nỗ lực cứu ACB, cũng nhắm vào việc hồi phục lòng tin của công chúng bằng cách thông báo sẽ hỗ trợ thanh khoản. Thông báo này đã phần nào làm người dân bớt hoang mang trước hàng loạt tin tức xấu về các lãnh đạo ACB trong mấy ngày qua.
JP Morgan, một ngân hàng thuộc dạng "too big to fail" của Mỹ
ACB là một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam. Các mối quan hệ với nhiều tổ chức tài chính và kinh doanh của ACB khiến ngân hàng này trở thành một trong những mắt xích quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Ở Mỹ, thuật ngữ "too big to fail" dùng để ám chỉ những tổ chức tài chính mà nếu sụp đổ sẽ tạo nên thảm hoạ đối với cả nền kinh tế. Do đó, chính phủ các nước sẽ buộc lòng phải cứu các ngân hàng dạng này.
Tuy nhiên, một vấn đề khác là nếu Nhà nước bơm tiền cứu vớt vào các ngân hàng dạng này, có khả năng một vài nhân vật sẽ thừa cơ trục lợi được, giống như cách mà nhiều ngân hàng lớn được bơm tiền ở Mỹ đã thực hiện: chủ động tìm kiếm lợi nhuận trên nguồn tiền hỗ trợ của Nhà nước bằng cách tiếp tục thực hiện những thương vụ nhiều rủi ro nhưng có khả năng sinh lời nhiều. Chỉ có một hệ thống luật kinh tế chặt chẽ hơn mới có thể phần nào ngăn chặn những chiêu trò tinh vi này.
Hoàng Nguyễn
nguồn:http://thebox.vn/kiem/rut-tien-gui-dong-loat-ngan-hang-se-ra-sao/15261.html
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001