Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Giả dối lên ngôi, đạo đức suy đồi

Thanh Quang, phóng viên RFA

Lời bình của Hà Sĩ Phu:
Có hay không một “Quốc nạn Giả dối”?
Bây giờ nếu mở cuộc trưng cầu dân ý với câu hỏi “xã hội ta bây giờ có giả dối không” thì tôi dám chắc trăm phần trăm dân chúng sẽ cười vào mũi Ban Tổ chức rằng: Hỏi vớ vẩn thế mà cũng hỏi, điều ai cũng biết tỏng mà còn hỏi, điên à?
Nhưng nếu mở cuộc thi sáng tác về “quốc nạn giả dối” thì các tác phẩm sẽ vô cùng phong phú, và rất có thể sẽ xuất hiện những tác phẩm “tương xứng với thời đại” vì tư liệu thì ngồn ngộn, trên dối trá to, dưới dối trá nhỏ, trong nhà ngoài ngõ… đâu đâu chả sờ thấy dối trá, xử tội dối trá thì có mà tù cả nước.
Có lẽ chỉ cần hai chữ LÊN NGÔI là đủ nói lên tất cả: Vì đã lên ngôi (dĩ nhiên là ngôi cao, ngôi thống trị) thì nó “thống trị xã hội”, nó làm thoái hóa cả “hệ thống” tức là “từ A đến Z” và tình trạng đương nhiên là “trầm kha”. Mặt khác đã “lên ngôi” thì vua chúa nào rồi cũng đến lúc mất ngôi, “vua Dối trá” cũng vậy, có thể nào trường cửu?
Tuy vậy nói về Dối trá khó nhất là tìm ra nguyên nhân vì từ đó mới có phương sách chữa trị. Trong 5 câu hỏi mà Blogger Alan Phan đề cập dưới đây thì câu thứ tư (Yếu tố nào đã gây nên những hệ quả này: dân trí, kinh tế, lịch sử hay thể chế?) hẳn là câu trung tâm.
Xin để bạn đọc cùng suy nghĩ. Riêng tôi lưu ý đến ý kiến của GS Trần Kinh Nghị: “làm thì láo, báo cáo thì hay cùng thói chạy theo thành tích vốn phát xuất từ thời XHCN ở Miền Bắc”…, và “Nó bắt nguồn từ thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc Cả hai yếu tố mà GS Trần Kinh Nghị đề cập đều là những yếu tố nhất thời nổi lên, mà đã nhất thời thì còn cơ may sửa đổi.
Nghĩa là dân ta vốn có “gốc” tốt, chỉ nhất thời bị những xáo động của chế độ chính trị làm cho “mất gốc” (chữ của ông Dương Trung Quốc). Chứ nếu dối trá là bản chất gắn với những yếu tố trường cửu của lịch sử và dân tộc Việt Nam thì dân tộc ta đã “mạt kiếp” từ lâu, chứ làm gì có những trang sử oai hùng và những di sản văn hóa phi vật thể ở tầm cao để con cháu ngày nay ngẩng mặt cùng thiên hạ?
Sẽ không ngoa khi nói: Cả nước dối trá sẽ mất nước! Diệt trừ Dối trá để cứu nước! Nói thật để cứu nước!
Lời bình của Alan Phan:
Một bạn BCA gởi tôi bài viết trên đăng trên BBC [trên RFA, Alan Phan nhầm – chú thích của BVN] cách đây vài tháng để xin tôi câu bình luận. Thực tình, tôi không chắc là mình có được sự hiểu biết sâu rộng về xã hội này cũng như một góc nhìn khách quan để đánh giá một vần nạn có thể nói là nghiêm trọng và căn bản trong sự vận hành của một quốc gia.
Tôi xin dành sân chơi này cho các bạn: những người con của tổ quốc đang trải nghiệm trong môi trường; đang có những băn khoăn bức xức (hay đang an hưởng hạnh phúc); muốn nhìn thấy một Việt Nam khác biệt (hay vẫn như thế); và có một tình yêu quê hương sâu đậm (hay makeno).
Tôi xin đề nghị vài câu hỏi.
  1. Sự giả dối có lan tràn từ A đến Z hay không? Hay chỉ là cục bộ và không trầm trọng đến vậy?
  2. Đây có phải là một vấn đề cơ chế cần tái cấu trúc toàn bộ? Hay có thể sừa sai từng phần?
  3. Nếu sự xuống cấp của xã hội quá tồi tệ thì bản thân và gia đình bạn sẽ chịu đựng và tốn tại như thế nào? Trong bao lâu?
  4. Yếu tố nào đã gây nên những hệ quả này: dân trí, kinh tế, lịch sử hay thể chế?
  5. Bạn có thể tạo cho mình một ốc đảo thanh bình giữa những nhiễu nhương?
Let the game begins…trong những ngày hè lười biếng và nóng nực.

Từ A đến Z
Qua bài “Lạm bàn về căn bệnh dối trá tại Việt Nam”, Giáo sư Trần Kinh Nghị từ Hà Nội đề cập tới điều có thể nói hài hước – nhưng chua chát – rằng “ở Việt Nam mọi thứ đều giả, chỉ có dối trá là có thật!”.
Một nhà giáo dục luôn quan tâm cho vận nước, dân tộc là GS Hà Văn Thịnh từ Huế cảnh báo rằng tình trạng giả dối ở Việt Nam giờ lan tỏa từ “A đến Z”, khi cảnh nhiễu nhương, tự tung tự tác đang hoành hành xã hội Việt Nam:
Vì giờ người ta giả dối từ A tới Z, từ trên xuống dưới. Ai muốn làm gì thì làm, ai muốn lừa ra sao thì lừa, muốn tự tung tự tác hay ăn cướp thế nào đó vẫn được.
GS Hà Văn Thịnh

"Trong bản chất xã hội Việt Nam có sự giả dối, vô cảm, ích kỷ, sự tàn nhẫn. Đó là tất cả những gì biểu hiện của văn hóa Việt Nam hiện nay. Nói ra chẳng ai thích đâu. Nhưng đó là sự thật. Vì sao? Vì giờ người ta giả dối từ A tới Z, từ trên xuống dưới. Ai muốn làm gì thì làm, ai muốn lừa ra sao thì lừa, muốn tự tung tự tác hay ăn cướp thế nào đó vẫn được.
Theo GS Trần Kinh Nghị, thì dối trá thoạt nghe qua cũng chỉ là một thói đời không mấy tốt đẹp vốn nhan nhản trong xã hội loài người, nên người ta dễ tưởng rằng “không có gì nguy hại lắm”. Nhưng, khi “Lạm bàn về căn bệnh dối trá ở Việt Nam”, GS Trần Kinh Nghị không khỏi lưu ý rằng “Ở Việt Nam bệnh dối trá có những đặc thù riêng”. Những “đặc thù riêng” ấy là như thế nào?
Tác giả giải thích:
Nó bắt nguồn từ thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, trải qua nhiều biến cố lịch sử với những phong trào thi đua và những đợt cải cách ruộng đất, cải tạo công thương, nhân văn giai phẩm v.v… khiến xã hội bị xáo trộn, lòng người đảo điên. Những thời kỳ kinh tế khắc khổ cũng khiến con người ta trở nên bon chen và thủ đoạn. Tất cả tạo nên lối sống và tư duy phức tạp, thường mang tính hai mặt, nói và làm không đi đôi với nhau.”
Căn bệnh trầm kha
Vẫn theo GS Trần Kinh Nghị, thói “làm thì láo, báo cáo thì hay” cùng thói “chạy theo thành tích” vốn phát xuất từ thời XHCN ở Miền Bắc đã góp phần làm trầm trọng thêm căn bệnh dối trá ở Việt Nam hiện nay, và đã trở thành “căn bệnh trầm kha bám sâu rễ trong toàn xã hội đến độ ai không biết nói dối, không biết làm ẩu và không biết ‘ăn theo nói leo’ thì không thể tồn tại”.
Và tác giả báo động rằng tệ nạn bè phái, tham nhũng nghiêm trọng tràn lan trên khắp quê hương hiện nay cũng có nguyên nhân sâu xa từ căn bệnh dối trá ấy, để từ đó, sinh sôi và dung dưỡng cho “những kẻ bất tài, vô đạo đức nhưng thích làm quan”.
Nhà văn Nguyên Ngọc qua bài “Cần một cuộc tự vấn” đã thẳng thắn đề cập tới “một trạng thái chán chường sâu sắc và mênh mông về đạo đức xâm chiếm mọi con người”. Theo cái nhìn của nhà văn Nguyên Ngọc thì tâm trạng chán chường trước sự sa sút về đạo đức ấy phát sinh từ một “căn bệnh” cứ “vây kín quanh mình”, “va vào đâu cũng gặp” dưới “mọi kiểu trắng trợn hay tinh vi”, đó là sự giả dối.
Nhà văn Nguyên Ngọc phân tích:
Tôi cho rằng căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất, toàn diện nhất của xã hội ta hiện nay là bệnh giả dối. Chính cái giả dối tràn lan khiến người ta không còn thật sự tin vào bất cứ điều gì nữa. Câu hỏi thường trực bây giờ: Tốt để làm gì? Sạch để làm gì? Quên mình để làm gì? Xả thân chống lại cái xấu, cái giả để làm gì? Liệu rồi có ai, có cơ chế nào bảo vệ những nỗ lực đạo đức đó không? Hay thậm chí bị cả cơ chế quật đánh lại như vẫn thấy không hề ít?
Đang thống trị xã hội
Nhưng toàn bộ hệ thống đã hư, đã sai rồi, thì phải thay đổi cả hệ thống mới cải tạo được xã hội hiện nay. Hiện sự giả dối đang thống trị xã hội chúng ta.
Nhà văn Trần Mạnh Hảo
Nhà văn Trần Mạnh Hảo cũng không tránh khỏi âu lo khi căn bệnh giả dối ấy “đang thống trị xã hội” Việt Nam, mà chủ yếu bắt nguồn từ tình trạng thiếu trung thực của nền giáo dục nước nhà:
Sự giả dối tồn tại ở xã hội Việt Nam lâu rồi. Ngay trong lãnh vực giáo dục, ông Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phụ trách các mặt văn hóa-giáo dục cũng khẳng định là tình trạng thiếu trung thực trong giáo dục là bệnh lớn nhất tại VN.
Mà giáo dục là gì? Giáo dục là dạy cho con người trở thành người. Nó dạy cho con người phải có đạo đức. Mà cái đầu tiên của đạo đức là chân thật. Giả dối thì trái ngược lại, là phản giáo dục. Vừa rồi nhà bác học toán học Hoàng Tụy cũng vừa viết một bài rất hay góp ý cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tái cấu trúc xã hội
Theo GS Hoàng Tụy thì không thể nào tái cấu trúc xã hội. Bởi vì tái cấu trúc là những bộ phận rời. Nhưng toàn bộ hệ thống đã hư, đã sai rồi, thì phải thay đổi cả hệ thống mới cải tạo được xã hội hiện nay. Hiện sự giả dối đang thống trị xã hội chúng ta.
Cả một hệ thống
Cách nay chưa lâu – tức hồi cuối năm ngoái, vào một buổi chiều cuối năm, khi “giá rét và nỗi buồn… tràn ngập tâm hồn khiến nỗi lòng chùng xuống”, TS Nguyễn Xuân Diện đã phóng bút bài “Chiều cuối năm nhìn lại”, qua đó ông không quên lưu ý tới “những vụ giết người cướp của ngày càng táo bạo, kẻ thủ ác tuổi đời càng ngày càng trẻ và cách thức giết người càng ngày càng dã man, độc án, quyết liệt” hơn.
Nhà văn Trần Mạnh Hảo cũng có cái nhìn tương đồng về việc xã hội Việt Nam ngày nay – mà theo lời ông, “xuống cấp chưa từng thấy”:
TS Nguyễn Xuân Diện nói thế là chính xác bởi vì điều đó có rất nhiều người đã khẳng định rồi. Ngay cả nghị viên Quốc hội Việt Nam Dương Trung Quốc cũng nói rằng thế hệ chúng ta là thế hệ mất gốc. Mà mất gốc là mất những giá trị tốt đẹp của Việt Nam.
Còn xã hội Việt Nam hiện nay, về mặt đạo đức, xuống cấp chưa từng thấy. Tình trạng này đầy tràn những mặt báo “lề phải”: Ngày nào cũng cướp, cũng giết, cũng có những tội phạm xã hội khủng khiếp. Nó tràn lan, không còn là hiện tượng riêng lẻ, mà cả hệ thống như vậy rồi.”
Nếu ngày xưa – cách nay hơn một thế kỷ – nhà thơ Trần Tế Xương than phiền và báo động tình trạng xã hội Việt Nam lúc đó suy đồi về đạo đức, khi:
Nhà kia lỗi đạo con khinh bố
Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng
thì ngày nay, tình hình đạo đức sa sút ngày càng trầm trọng trong nước đang gây bất an, trăn trở triền miên cho những người có tâm huyết với quê hương.
T. Q.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/deceptions-enthroned-fallof-trad-morality-06242012093655.html
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/40328
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001