Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Hai 'sân khấu lớn' trong cuộc đời 'bầu' Kiên 

(Petrotimes) - Cho đến khi bị bắt, “bầu” Kiên vẫn luôn là ẩn số, một con người bí ẩn khiến cho người ta vừa ngưỡng mộ vừa có chút gì đó sợ hãi. Trên cả 2 sân khấu của cuộc đời mình là thương trường và bóng đá, “bầu” kiên đã thể hiện 2 khuôn mặt trái ngược: Trong thương trường ông bí ẩn bao nhiêu thì trong bóng đá ông ồn ào bấy nhiêu.
Những ngày gần đây, dư luận như bị rúng động vì thông tin ông Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên) bị Cơ quan Công an khởi tố, bắt tạm giam. Sẽ không có gì quá ồn ào nếu “bầu” Kiên không phải là người nổi tiếng, nổi tiếng vì những phát ngôn gây sốc trong làng bóng đá và cũng nổi tiếng vì mối quan hệ trong giới tài chính - ngân hàng.
Dư luận xung quanh con người này có vô vàn điều bí ẩn, thậm chí thêu dệt, đồn đại. Vậy, “bầu” Kiên là ai và sức ảnh hưởng của con người này đến đâu?
Ngân hàng, bóng đá, truyền thông… cùng náo loạn!
Sáng ngày 21/8, khi một số thông tin đồn đại về việc “bầu” Kiên bị bắt lan truyền trên Internet, đã có nhiều người hồ nghi, thậm chí cho là “tin vịt”. Thông tin này nhanh chóng được Trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) xác nhận với nhà báo Nguyễn Như Phong. Khi hỏi về các thông tin liên quan thì ông chỉ nói ngắn gọn: “Ông Nguyễn Đức Kiên là công dân vi phạm pháp luật”.
Thông tin này, sau đó lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các trang báo điện tử. Đời tư, sự giàu có, nổi tiếng cũng như những phát ngôn của Nguyễn Đức Kiên được các báo khai thác. Và như một sự đồn đoán về mối quan hệ của “bầu” Kiên với giới tài chính ngân hàng và về cổ phần trong Ngân hàng ACB, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến ngày đen tối nhất trong lịch sử khi các nhà đầu tư ồ ạt bán ra cổ phiếu ở những ngân hàng mà họ nghi là có sự “liên quan” với “bầu” Kiên.
Trong một phiên họp tổng kết mùa bóng, trong phòng họp tối, bất ngờ ánh sáng từ chiếc Ipad hắt lên mặt “bầu” Kiên và bức ảnh này được các phóng viên thể thao gọi là “Bóng ma của bóng đá Việt Nam”
Lâu lắm rồi người ta mới chứng kiến thị trường tài chính, chứng khoán biến động lớn đến vậy. Ngân hàng ACB cũng lảo đảo khi người dân liên tục tìm đến rút các khoản tiền gửi của mình. Ngân hàng này ra thông báo khẳng định “bầu” Kiên không còn nắm quyền điều hành ở ACB, không còn “chân” trong hội đồng sáng lập và chỉ là một cổ đông giữ mức vốn không lớn.
Một loạt các ngân hàng khác cũng phủ định sự liên quan đến “bầu” Kiên. Tuy nhiên, chiều hôm đó, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã có câu hỏi về vụ ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt. Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã phải giải thích rất kỹ về việc “bầu” Kiên không còn liên quan nhiều đến Ngân hàng ACB. Ông cũng trấn an người dân bằng việc sẽ hỗ trợ tối đa cho Ngân hàng ACB trong việc thanh khoản nếu người dân ồ ạt rút tiền.
Cũng trong ngày hôm đó, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước đều phải ra thông báo vụ việc để khẳng định vụ việc bắt ông Nguyễn Đức Kiên là một công việc bình thường của các cơ quan thực thi pháp luật, không có liên quan gì đến hoạt động của Ngân hàng ACB cũng như các công ty khác.
Cũng trong ngày đầu tiên có tin “bầu” Kiên bị bắt, giới bóng đá, giới cầu thủ cũng được một phen rúng động. Bởi trong bóng đá, ông Kiên nổi tiếng không chỉ vì kiểu ăn nói chẳng biết “ngán” ai, mà ông còn được biết đến với sự “chịu chơi”, “chịu chi” và đang là ông bầu của CLB Bóng đá Hà Nội. Chưa hết, Ngân hàng Kiên Long Bank mà người ta đồn là của ông cũng đang là bầu sữa của đội Kiên Giang và Ngân hàng Eximbank - nơi có “dấu tay” của ông Kiên thì lại đang là nhà tài trợ chính cho cả giải bóng đá vô địch quốc gia.
Sau khi nghe tin ông Kiên bị bắt, giới cầu thủ, đặc biệt là các cầu thủ CLB Bóng đá Hà Nội được một phen ngỡ ngàng và chênh vênh thực sự. Mất “ông bầu”, đội giải tán chứ chẳng chơi. Chẳng vậy mà ngay từ khi “bầu” Kiên sa cơ, nhiều cầu thủ nổi tiếng của CLB này đã bắt đầu tính toán việc tìm bến đỗ mới. Thậm chí, có tin, các CLB mới xuống hạng vừa rồi đã nhăm nhe tính chuyện mua lại suất đá giải V-League đội bóng của “bầu” Kiên.
Cho đến những ngày sau, thông tin về hoạt động kinh doanh của “bầu” Kiên, về các phi vụ đầu tư tiếp tục được các cơ quan truyền thông khai thác triệt để.
Những diễn biến dồn dập chỉ trong 1 ngày đầu tiên có tin “bầu” Kiên bị bắt. Chúng tôi xâu chuỗi lại để thấy rằng: Việc “bầu” Kiên bị bắt đã tạo nên một sự xáo trộn nhất định cả trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thể thao lẫn về mặt dư luận. Từng đó thôi cũng đủ thấy sức ảnh hưởng của người đàn ông này.
“Cánh tay phải” và “cánh tay trái” của “Bầu” Kiên
Trước năm 2011, dư luận ít ai biết đến Nguyễn Đức Kiên. Những người thạo tin trong giới tài chính, ngân hàng cũng chỉ biết rằng, đây là một doanh nhân có nhiều cổ phần trong các ngân hàng và có thêm một số công ty riêng. Danh tiếng của Nguyễn Đức Kiên chỉ thực sự được biết đến rộng rãi sau khi ông hay “bật” lại các quan chức của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Tại hội nghị tổng kết giải bóng đá vô địch quốc gia, ông Kiên đã đứng lên phát biểu như “hắt nước vào mặt” các quan chức của Liên đoàn và đe dọa sẽ thành lập một giải bóng đá mới thay thế giải V-League. Từ đó, dư luận biết đến ông với cái tên quen thuộc “bầu” Kiên.
Sau đó, “bầu” Kiên xuất hiện trên mặt báo liên tục với các phát ngôn gây sốc, các vụ chuyển nhượng cầu thủ đình đám, vụ tranh chấp bản quyền truyền hình với AVG và cả những siêu xe triệu đô mà Việt Nam chỉ có vài chiếc.
Nguyễn Đức Kiên cũng trở thành trung tâm của những lời bàn luận, đồn đoán trên các diễn đàn Internet. Giới thạo tin còn cho rằng: Bóng đá chỉ là “cánh tay trái” để “bầu” Kiên làm thương hiệu và vui chơi, còn “cánh tay phải” của “bầu” Kiên lại nằm ở mảng kinh doanh tài chính, ngân hàng. Ngoài số cổ phiếu tại Ngân hàng ACB, ông Kiên còn nắm giữ cổ phiếu của một số ngân hàng khác là Kiên Long (KienLongBank), Đại Á (DaiABank - được cho là cổ đông lớn nhất). Bên cạnh đó, còn có tin đồn rằng, “bầu” Kiên sở hữu cổ phần của VietBank, Eximbank (EIB) và Sacombank (STB).
Nguyễn Đức Kiên - con đường đến doanh nhân thành đạt
Là một doanh nhân thành đạt nhưng ông Nguyễn Đức Kiên không xuất thân từ gia đình giàu có. Trong trí nhớ của nhiều cựu học sinh Trường THPT Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm, Hà Nội), Nguyễn Đức Kiên được biết đến là cậu bé béo, lùn, đen trũi, hay nghịch ngợm kiểu tinh quái và đặc biệt ít nói nhưng rất thông minh.
Nguyễn Đức Kiên là con trai của hai giáo viên ở Trường THPT Cao Bá Quát: Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Lung và cô Nga dạy Văn. Thầy Lung với nhiều năm làm Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát là một nhà giáo nổi tiếng, nhiều năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn ngành. Các cựu học sinh của trường cho đến giờ còn nói với nhau: Thầy Lung xứng đáng với danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Còn với cô Nga, “được học văn cô Nga là vinh dự của nhiều thế hệ học sinh”.
Siêu xe Bentley Continental Flying Spur của “bầu” Kiên
Tuy nhiên, con đường ông Kiên chọn lại không gắn nhiều với chữ nghĩa, sư phạm như bố mẹ mà theo quân đội. Năm 17 tuổi, Nguyễn Đức Kiên vào quân đội và học tại Trường đại học Kỹ thuật quân sự khóa 15 (B5 - C156 - Đại đội 156) trực thuộc Bộ Quốc phòng (từ 1980-1981). Một trong những người giàu nhất Việt Nam hiện nay là ông Trương Gia Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) FPT cũng học trường này.
Đến năm 1981, thay vì đi Nga, Nguyễn Đức Kiên được gửi đi học ở Hungary, tại Trường Kỹ thuật quân sự Zalka Maté (Hungary) - ngành thông tin - một ngành rất mới và lạ lúc đó cho tới năm 1985. Học quân sự, đi Hungary học ngành thông tin nhưng năm 1986 về nước, ông Nguyễn Đức Kiên về làm… cán bộ Tổng Công ty Dệt may - Bộ Công Thương.
Cuộc sống thời “trai trẻ” của Nguyễn Đức Kiên cũng khá bình lặng và không có gì đáng để nói. Chỉ đến năm 1994, khi ông Kiên tham gia làm ăn ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng thì một “doanh nhân cỡ bự” mới thực sự được khai sinh. Nguyễn Đức Kiên cùng các ông Trần Mộng Hùng, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang xây dựng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB). Và ở tuổi 30, Nguyễn Đức Kiên trở thành Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập của Ngân hàng Á Châu ACB - được xem là ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam thời điểm đó. Tỷ lệ góp vốn của cá nhân ông Kiên vượt xa sở hữu của 2 sáng lập viên Trần Mộng Hùng và Phạm Trung Cang. Trước khi thôi làm thành viên HĐQT của ACB, ông Nguyễn Đức Kiên cùng vợ và 3 người em nắm giữ 9,7% cổ phần của ACB.
Không chỉ là “trùm ngân hàng”, ông Kiên còn đầu tư vào các lĩnh vực khác như du lịch, may mặc. Có thể liệt kê ra những ngân hàng và công ty ông Nguyễn Đức Kiên có cổ phần và chức vụ lớn như: Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu; Chủ tịch HĐQT Công ty May thời trang MTT; Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Nam; Chủ tịch HĐQT Công ty Liên doanh nhựa đường Caltex; Chủ tịch HĐQT Công ty Thể thao ACB; Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Liên doanh KFC Việt Nam; Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch Chợ Lớn (cùng ông Phạm Trung Cang), thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh… Trong đó, Công ty Thiên Minh được biết đến nhiều với thương vụ chi 45 triệu USD mua lại chuỗi khách sạn Victoria vào đầu năm 2011.
Người ta có cảm tưởng rằng, ngay sau khi ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, nhất loạt các ngân hàng đều lên tiếng phủ nhận liên quan đến nhân vật này như một kiểu chối bỏ. Nhưng các ngân hàng càng “gồng mình” lên chối bỏ, phủ nhận sự ảnh hưởng của “bầu” Kiên thì dư luận càng thấy vai trò của ông này rất lớn - không lớn thì làm sao mà giới ngân hàng phải “giật mình chối đây đẩy” đến vậy!
Ví dụ như với Eximbank, ngay sau khi Nguyễn Đức Kiên bị bắt, ngân hàng này đã lên tiếng “thanh minh” rằng ông này chỉ là cổ đông thường tham gia mua cổ phiếu và nắm trên dưới 1% cổ phần tại Eximbank.
Eximbank còn viện dẫn việc báo cáo thường niên năm 2011 của Eximbank cũng không hề nhắc đến ông Nguyễn Đức Kiên như một cổ đông lớn và chủ chốt.
Tuy nhiên, những ai tinh ý theo dõi việc Eximbank ký kết hợp tác với Hãng Hàng không Air Mekong cách đây vài tháng thì sẽ thấy ông Kiên ở vị trí trung tâm của buổi ký kết (đứng giữa Tổng giám đốc Eximbank và Chủ tịch Air Mekong). Một cổ đông bình thường và chỉ có 1% cổ phần thì khó mà có mặt trong một buổi ký kết tầm cỡ như thế. Chưa hết, sau vụ này, người ta còn đồn: Ông Kiên đã nhảy sang cả lĩnh vực hàng không và sở hữu cổ phần ở Hãng Hàng không Air Mekong.
Đấy là chưa kể đến, tại buổi lễ tổng kết mùa giải năm 2011 của VFF, chính “bầu” Kiên đã khẳng định vai trò và tầm ảnh hưởng của mình tại ngân hàng này khi lớn tiếng “dọa” các quan chức Liên đoàn Bóng đá Việt Nam rằng: Nếu không làm ăn tử tế thì ông sẽ yêu cầu Eximbank cắt nguồn tài trợ.
“Lâu đài” của “bầu” Kiên ở gần Hồ Tây, Hà Nội
Rồi như ACB, dù lớn tiếng khẳng định không liên quan nhiều nhưng khi “bầu” Kiên bị bắt thì lại bị một phen thê thảm. Ai cũng hiểu rằng, ngoài ông Kiên thì vợ con, người thân của ông cũng nắm giữ hàng triệu cổ phiếu của ACB và “thực quyền” ở đây thì chỉ có “bầu” Kiên.
Vậy, người đàn ông đầu bạc đang giữ vai trò gì sau các ngân hàng này mà khiến họ lao đao đến vậy. Chúng ta chỉ có thể hiểu Nguyễn Đức Kiên là một “ông chủ” nhưng không ghi danh mà chỉ đứng từ hậu trường. Ông giàu lên từ việc mua bán cổ phiếu, cổ phần của các ngân hàng trong quá trình tách, sáp nhập, cổ phần hóa, tái cơ cấu ngành ngân hàng.
Điềm tĩnh, tự tin, quyết đoán và nắm bắt thời cơ cực tốt là những tố chất làm nên thương hiệu doanh nhân của Nguyễn Đức Kiên. Có thể nói, ông Kiên tham gia rất nhiều tổ chức kinh tế nhưng ông chỉ luôn giữ vai trò đạo diễn ở hậu trường.
Chỉ có bóng đá là “sân khấu” duy nhất mà ông thể hiện một bộ mặt khác hẳn: Bạo lời, bạo chi và chịu chơi.
Bóng đá - “sân khấu ngược” trong đời “bầu” kiên
Trong làm ăn kinh tế, “bầu” Kiên lặng lẽ và giấu mình bao nhiêu thì trong bóng đá, ông thể hiện mình bấy nhiêu.
Đầu tiên là việc “bầu” Kiên nói như “hắt nước vào mặt” các quan chức Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, lại có một ông chủ đội bóng “dám” nói các quan chức Liên đoàn nặng lời như thế. Sau đó “nói là làm”, ông bắt tay với một loạt các ông chủ đội bóng thành lập nên Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) để điều hành giải bóng đá cao nhất của Việt Nam. Phải thừa nhận rằng, sự quyết đoán và dám nói của người đàn ông này đã cho bóng đá Việt Nam có cơ hội đổi mới mình.
Tiếp sau đó là việc ông Kiên đứng ra “biến cái không thể thành có thể” trong việc đòi hợp đồng bản quyền đã ký giữa AVG và VFF. Việc làm với danh nghĩa “vì người hâm mộ bóng đá” của ông được rất nhiều người ủng hộ và cuối cùng, VFF đã phải nhượng bộ.
Trong thời gian chưa đầy 1 năm, có thể nói, “bầu” Kiên đã làm đảo lộn cả nền bóng đá Việt Nam, đây có lẽ là một trong những điều khiến ông nổi tiếng nhất. Tiếp sau đó phải kể cả việc ông “hớt tay trên” tiền đạo số 1 Việt Nam thời điểm này - Lê Công Vinh khỏi tay một đại gia khác là “bầu” Hiển một cách ngoạn mục. Rồi vụ ông Kiên “dìm” cầu thủ trẻ tài năng Đinh Thanh Trung một thời gian dài dù cầu thủ này đã hết hợp đồng với CLB của ông. Đinh Thanh Trung nhờ vả hết luật sư cho đến sự ủng hộ của báo chí nhưng vẫn không “xi nhê” gì với ông bầu tóc bạc này. Chỉ đến khi, Đinh Thanh Trung mò đến “xin lỗi” và “bầu” Kiên “gật đầu” thì đội bóng khác mới dám ký hợp đồng với Đinh Thanh Trung. Giới cầu thủ đồn rằng: Với quan hệ của mình, “bầu” Kiên sẵn sàng cho Thanh Trung thất nghiệp, không chốn nương thân nếu cầu thủ này “láo”. Đây có lẽ là vụ duy nhất mà “bầu” Kiên thể hiện chất doanh nhân của mình trên “sân khấu” bóng đá.
Chưa hết, “bầu” Kiên còn thể hiện chất “chơi trội” của mình trên “sân khấu” bóng đá bằng việc mua hẳn 2 siêu xe giá khoảng 50 tỉ đồng: Bentley Continental Flying Spur và Rolls-Royce Phantom phiên bản Rồng.
Cho đến khi bị bắt, “bầu” Kiên vẫn luôn là ẩn số, một con người bí ẩn khiến cho người ta vừa ngưỡng mộ vừa có chút gì đó sợ hãi. Trên cả 2 sân khấu của cuộc đời mình, “bầu” kiên đã thể hiện 2 khuôn mặt trái ngược. Nhưng với sân khấu nào, khuôn mặt nào thì “bầu” Kiên cũng luôn thể hiện sự nổi trội của mình.
Nổi tiếng trong sự bí ẩn, đó có lẽ là câu mà chúng ta có thể khái quát ngắn gọn nhất về Nguyễn Đức Kiên - người mà đôi khi vẫn được gọi là “ông trùm”.
Hoàng Thắng
(Năng lượng Mới số 149, ra thứ Sáu ngày 24/8/2012)
nguồn:http://www.petrotimes.vn/news/vn/phong-su-dieu-tra/hai-san-khau-lon-trong-cuoc-doi-bau-kien.html
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001