Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Nhà giàu xứ ta 

Trước hết cần xác định: Giàu không phải là xấu. Thậm chí còn tốt, rất tốt nữa đằng khác. Một xã hội không thể coi là hạnh phúc, tiến bộ nếu chỉ nhan nhản sự nghèo. Suốt bao năm, dân tộc này chìm đắm trong cái nghèo. Nghèo đến thảm hại, tả tơi. Nghèo đến mức cái nghèo mặc nhiên thành thứ căn bản, cốt lõi của những thứ cùng cực khác: nghèo khổ, nghèo đói, nghèo hèn, nghèo túng, nghèo nàn, nghèo khó... Trăm thứ nghèo, chỉ nhân dân gánh chịu. Đã có thời, nhất là ở miền Bắc, các cán bộ quán triệt dân rằng nghèo mới trong sạch, còn giàu sang tất nhiên có vấn đề. Giàu đồng nghĩa với bóc lột, cần phải lên án, nhẹ thì chê bai, nặng thì tịch thu tài sản, đem đương sự ra tòa.

Đã là người, ai cũng có nhu cầu hạnh phúc. Sự nghèo đói không thể đem lại hạnh phúc thực sự. Thời thế thay đổi, con người nhận ra rằng phải giàu có, dân giàu thì nước mới mạnh. Sau bao nhiêu thập niên trói buộc con người trong những chủ thuyết ngoại lai cứng nhắc, nhốt con người trong sự nghèo hèn, nhà cầm quyền sực tỉnh, vội vàng cởi trói. Cũng chả phải do thương gì dân nghèo, mà không cởi, nó chết mình cũng chết, thậm chí mình còn có thể chết trước nó, hoặc nó làm cho mình chết. Trạng chết chúa cũng băng hà. Nhờ đó mà cuộc sống được khởi sắc, sinh sắc. Họ gọi đó là đổi mới và nhận công lao về mình. Rồi lịch sử sẽ xét lại công của ai, của họ hay của dân. Chỉ biết những sợi dây trói thì không phải do dân bện, dân thắt. Dân chỉ làm nhiệm vụ phá tung xiềng xích như xưa nay dân vẫn làm thôi.

Đất nước thống nhất. Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng. Thực tế ngay sau 1975 cho thấy nền kinh tế miền Bắc què quặt, bao cấp nặng nề, mang đặc trưng nghèo đói bao nhiêu thì nền kinh tế miền Nam phát triển, hàng hóa dồi dào, đáp ứng cuộc sống sung túc bấy nhiêu. Cứ nhớ lại hình ảnh anh bộ đội miền Bắc hớn hở trở về quê nhà với con búp bê nhựa hoặc chiếc khung xe đạp mà lại thương trào nước mắt.

Trong hơn 16 năm, đến khi Liên Xô sụp đổ, cả nước Việt Nam lao vào đà xuống dốc thảm hại. Nghèo càng nghèo thêm. Trong khi ấy nhiều nước cùng xuất phát điểm với xứ ta, hoặc đứng sau ta cứ tiến lên vùn vụt. Ta xã hội chủ nghĩa chìm trong nghèo hèn, còn họ tư bản giãy chết cập bờ no ấm. Với chừng ấy thời gian mà để cả một dân tộc chập chờn chết đói, bây giờ chưa phải lúc, nhưng đến hồi nào đó lịch sử sẽ phân định ai là kẻ gây ra thảm họa này. Không thể cứ xưng xưng xỉa xỉa nói lấy được, chối bay chối biến mà xong. Kéo lui lịch sử phát triển của một dân tộc, của hàng mấy chục triệu người, tội ấy không thể bỏ qua dễ như thế.

Kể từ năm 1992, chính sách mở cửa (với cả nội lẫn ngoại) đã khiến cuộc sống dễ chịu hơn. Người dân dễ thở hơn. Doanh nghiệp dễ làm ăn hơn. Nhiều cơ hội cho sự phát triển. Bức tranh hiện thực tươi tắn trở lại. Những nét giàu có, sung túc đã xuất hiện nơi này nơi khác. Tuy nhiên, so với đà phát triển chung của toàn cầu, của khu vực thì xứ ta vẫn lẹt đẹt. Đừng so sánh với Ethiopia, Zimbabwe, Triều Tiên, Cuba... để tự an ủi, cứ so với Lào, Campuchia ngay bên cạnh xem họ thay đổi thế nào để biết mà điều chỉnh mình.

Người giàu nhiều hơn. Lọt vào tầng lớp giàu có đã có lúc là niềm mơ ước vươn tới của nhiều triệu người. Thấy người ta vênh vang nhà biệt thự Phú Mỹ Hưng - Mỹ Đình, sắm xe Lexus, bỏ tiền tỉ cho những thú chơi thời thượng... cứ tưởng xứ này đã thoát nghèo. Nhầm to. Các cự phú nước nam ta hầu hết không thuộc dạng những người phất lên từ sản xuất làm ra của cải vật chất phục vụ xã hội, càng không phải những bộ óc siêu việt cho những phát minh, sáng chế thay đổi nhân loại kiểu Bill Gates, Steve Jobs. Họ ai là mà giàu thế, đến mức nắm giữ cổ phiếu trên thị trường chứng khoán hàng chục ngàn tỉ đồng?

Nhà giàu bất minh xứ ta, có thể điểm mặt ở mấy dạng sau đây:

-Quan chức nhà nước, nằm trong bộ máy công quyền hoặc cầm đầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Họ lợi dụng chức vụ, địa vị của mình để làm giàu. Được nhà nước cấp phát ưu đãi về lương bổng, quyền lợi hơn người khác nhưng nếu chỉ thu nhập từ chế độ, chính sách ấy dứt khoát họ không thành đại gia được. Lấy một ví dụ: liệu có tìm ra được một vị lãnh đạo nào trong tập đoàn dầu khí Việt Nam hoặc các tổng công ty của tập đoàn này chỉ có cuộc sống trung lưu? Dạng giàu kiểu này, tạm gọi là buôn chức quyền.

-Kinh doanh tài nguyên, công thổ, tài sản quốc gia. Rất nhiều nhà giàu nứt đố đổ vách xứ này là những ông vua buôn bán đất đai, phá rừng, vơ vét khoáng sản tuồn ra nước ngoài. Họ núp dưới danh nghĩa thực hiện dự án này nọ nhưng thực ra là cướp đất cướp rừng, mua rẻ bán đắt, ních cho chặt túi, không quên lo lót, chia bớt cho những kẻ tạo điều kiện để mình ăn cướp. Ví dụ được duyệt cái dự án sân golf nghìn hecta, làm chiếc sân golf chỉ hết phần nào, còn lại phân lô bán nền, xây biệt thự thu hàng núi vàng. Họ giàu nhưng dân chúng và xã hội chả được lợi lộc gì, ngược lại chỉ bị họ tước đoạt quyền lợi lẽ ra được hưởng. Dạng giàu kiểu này tạm gọi là buôn đất.

-Dùng thủ đoạn, mánh lới đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Tiền vốn ban đầu không phải họ không có, nhưng chủ yếu là bằng nước bọt, huy động tiền của người khác làm vốn của mình. Thâu tóm ngân hàng, khuynh đảo tài chính, bắt chẹt nhà sản xuất để thu lợi cho mình. Loại nhà giàu này tạm gọi là bọn buôn tiền.

-Dựa vào ưu thế của mình đặt ra chính sách này nọ, bắt xã hội phải tuân theo. Ai muốn dễ thì phải mua. Ai chống lại thì trị thẳng tay. Dạng này tạm gọi là buôn chính sách, buôn vua. Loại này mới nhác qua thì thấy đàng hoàng nhưng thực ra là nguy hiểm nhất, có thể làm nước mất thành xiêu.

Đầu óc thô thiển, nghĩ vậy thôi, sai đúng không dám bàn, xin quý vị đừng chấp nhặt.

27.8.2012
Nguyễn Thông


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001