Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Những công nghệ cảm ứng thay đổi thế giới

TTO - Công nghệ cảm ứng trong tương lai gần sẽ vượt qua phạm vi các đầu ngón tay truyền thống, kết hợp với trí thông minh nhân tạo, ánh sáng và thậm chí cả âm thanh.
Viễn cảnh về một thế giới của cảm ứng “không tưởng” như trong phim Minority Report sẽ thành hiện thực? - Ảnh minh họa: Internet

Hội nghị Computer Human Interface (tạm dịch: Bề mặt nhân loại và máy điện toán) tại Austin, Texas năm 2012 vừa giới thiệu nhiều phát minh và thành tựu mới trong công nghệ chế tạo màn hình cảm ứng, đây cũng là dịp để hơn 2.500 nhà phát minh quốc tế giới thiệu công trình của mình.
Tại đây, các khoa học gia cùng những nhà phát minh đã giới thiệu các công nghệ cảm ứng mới nhất, mà kết quả sẽ không chỉ thay đổi diện mạo của điện thoại, máy tính bảng cùng các loại thiết bị cầm tay trong tương lai, mà còn mở rộng phạm vi của công nghệ cảm ứng truyền thống đến chân trời mới.
Giúp điện thoại tương tác ngược tốt hơn
Một phát minh đáng chú ý từ Microsoft, SoundWave, sử dụng hiệu ứng Doppler thay cho camera truyền thống để đọc chuyển động tay của người dùng, thông qua việc đo lường sự thay đổi trong sóng âm thanh. Công nghệ này sẽ cho phép việc duyệt web bằng cách vẫy tay trong không khí. Microsoft hi vọng SoundWave sẽ thay thế công nghệ cảm ứng truyền thống trong tương lai gần.
SoundWave, công nghệ cảm ứng qua không khí từ Microsoft - Ảnh minh họa: Internet

Hai nhà khoa học khác đến từ Đại học Maryland và Đại học Washington, Mỹ thì gây ấn tượng với một bàn phím cảm ứng tích hợp trí tuệ nhân tạo (Articifial Intelligence).
Thiết bị có khả năng nhận biết liệu người dùng thường nhấn lực gõ phím vào phần đầu hay đuôi của phím, từ đó tái sắp xếp vị trí các phím này nhằm mang lại độ chính xác cao nhất.
Bàn phím ảo còn có thể phóng to kích thước phím, giúp việc nhập liệu dễ dàng hơn.
Công nghệ ShoeSense từ nước Đức - Ảnh minh họa: Internet

Một nhóm các nhà khoa học Đức từ Đại học Munich mang đến sự kiện công trình mang tên ShoeSense, một thiết bị cảm biến có thể mang trên người cho phép người dùng sử dụng động tác tay để điều khiển mọi thiết bị di động mang bên mình. Cụ thể, người dùng ShoeSense có thể di ngón tay dọc cẳng tay để… điều chỉnh volume chiếc máy nghe nhạc mp3, hoặc thậm chí là tự cấu vào người ba lần để… gửi thư điện tử.
Cảm ứng không còn là độc quyền của smartphone và tablet
Microsoft đã hiện thực hóa việc mở rộng phạm vi cảm ứng ra khỏi các thiết bị di động truyền thống bằng sản phẩm thử nghiệm mang tên “LightGuide”, vốn có thể giúp các chuyên gia vật lý trị liệu phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ.
Các camera Kinect sẽ quan sát chuyển động của bệnh nhân và hướng dẫn họ thực hiện các bài tập tay một cách chính xác. Theo Microsoft, sau khi được chính thức hoàn thành và thương mại hóa, LightGuide sẽ giúp thay thế việc mời chuyên gia trị liệu về tận nhà vốn khá tốn kém.
Màn hình cảm ứng “sờ được”
Các nút bấm trên màn hình cảm ứng giờ đây sẽ… nổi và lặn theo mệnh lệnh người sử dụng. Giờ đây, công nghệ cảm ứng thời thượng và bàn phím Qwerty tiện dụng sẽ trở thành một.
Từ nay phím bấm trên màn hình cảm ứng sẽ “nổi” được - Ảnh minh họa: Internet

Điều này có được nhờ công nghệ mới nhất từ Hãng Tactus Technology ở California, Mỹ tên gọi tấm nền (panel) Tactile Layer, được trình làng tại Triển lãm SID Display Week 2012 vừa qua. Tại đây công ty biểu diễn công nghệ trên một tablet dùng hệ điều hành Android: tùy theo mệnh lệnh của người dùng mà một dãy phím sẽ “nổi” lên trên bề mặt cảm ứng vốn trước đó hoàn toàn phẳng, và cũng chính dãy phím này sẽ lặn đi khi không còn cần đến.
Biểu diễn thử nghiệm trên một thiết bị Android, song CEO kiêm đồng sáng lập Craig Ciesla cho biết công nghệ này sẽ tương thích tốt với mọi nền tảng, hàm ý bao gồm cả iOS trên smartphone iPhones.
THÚY QUỲNH
nguồn:http://nhipsongso.tuoitre.vn/Nhip-song-so/505615/Nhung-cong-nghe-cam-ung-thay-doi-the-gioi.html
--------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001