16/08/2012 08:57
Thói thường, nước nhỏ thường bị nước lớn bắt nạt, nhưng có phải lúc nào cũng vậy? Đó là điều mà chúng ta rất cần phải suy ngẫm.
Ai cũng biết là Israel là một nước nhỏ, với dân số chưa đến 8 triệu người, nằm lọt thỏm trong khu vực người Arab với hơn 372 triệu dân. Quan hệ giữa Israel và các nước Arab thế nào thì mọi người đều biết. Thế nhưng Israel không hề bị các nước Arab ức hiếp. Nhà nước Israel ra đời sau đại chiến thế giới II, trên vùng đất nhỏ hẹp, cằn cổi, một phần là sa mạc, không hề có “rừng vàng , biển bạc”, nhưng nay là một nước công nghiệp phát triển hùng mạnh, có nền nông nghiệp hiện đại và với thu nhập trung bình đầu người là 27.007 $ (theo WB). Để đạt được những thành tựu đỉnh cao đó người dân Israel đã có cách nghĩ và làm hoàn toàn khác với người Arab sống ngay trên mảnh đất đó trước kia. Nếu người dân Israel sau khi tiếp quản vùng đất trước đó của người Arab, mà cứ nghĩ và làm như người Arab thì chắc đất nước Israel không còn tồn tại được đến ngày hôm nay.
Singapore là một điển hình khác về nước nhỏ. Năm 1965 nước Singapore ra đời trên một vùng đất cũng không hề có ‘rừng vàng, biển bạc”, trong hoàn cảnh rất khó khăn, thậm chí nước dùng sinh hoạt vẫn phải nhập khẩu. Ngày nay Singapore là một nước phát triển với chỉ hơn 3 triệu dân. Chỉ nói riêng về môi trường, thì năm 1965 môi trường Singapore bị ô nhiễm nặng nề, lúc đó dòng sông chảy ngang đất nước ra biển chứa nhiều rác thải, nước đen và bốc mùi hôi. Thế mà nay Singapore được đánh giá là một trong số ít nước có môi trường xanh và trong lành, sạch sẽ nhất. Con sông ô nhiễm ngày nào, nay là một tuyến du lịch bằng thuyền. Thu nhập bình quân đầu người của Singapore là 61.103 $ (theoWB), trên thế giới, chỉ kém hơn hai nước Qatar và Luxemburg. Điều gì làm nên kỳ tích đó? Sự thần kỳ nằm ở cách nghĩ và cách làm. Trước câu hỏi nói trên, nhiều người giải thích đơn giản: đó là trường hợp của một lãnh thổ nhỏ. Thế nhưng người ta không lý giải được vì sao thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng có diện tích cở Singapore lại không làm được, dù chỉ một phần như họ. Nguyên nhân chủ yếu ở đây là sự khác nhau về cách nghĩ và cách làm. Cũng đừng quên là trên thế giới có nhiều nước lớn nhưng có tốc độ phát triển rất khác nhau, chủ yếu cũng do sự khác nhau về caqch1 nghĩ, cách làm.
Sự phát triển của Hàn Quốc cũng là điều đáng để tâm. Đến năm 1975 Hàn Quốc vẫn còn là một nước nghèo, nhưng chỉ sau ba thập niên đã trở thành một nước công nghiệp phát triển. Dân số hiện tại khoảng 50 triệu dân với thu nhập bình quân tính theo đầu người là 30.206 $. Dù đến nay đất nước vẫn còn bị chia cắt và luôn trong tình trạng “bên miệng hố chiến tranh”, Hàn Quốc đã đứng vào hàng ngũ tổ chức OECD. Điều gì giúp Hàn Quốc đạt được thành công vượt trội từ sau năm 1975 đó? Cũng là cách nghĩ và cách làm.
Khi một nước nhỏ trở nên giàu mạnh thì nước lớn không dễ gì bắt nạt. Nhưng vì sao một đất nước giàu tài nguyên thiên nhiên, với hơn 87 triệu dân luôn tự hào về truyền thống anh hùng, thông minh, cần cù lại cứ mãi thua kém người? Suy đến cùng vẫn là do cách nghĩ cách làm. Có câu: để đạt được điều mình chưa từng có, phải dám làm những điều mình chưa từng làm. Quy luật của cuộc sống là thay đổi cách nghĩ tất yếu sẽ dẫn đến việc thay đổi hành động và kết quả của sự việc, kể cả vận mệnh của con người hay đất nước. Thành quả công cuộc đổi mới của nước nhà là minh chứng hùng hồn về tác động của thay đổi tư duy; ngược lại những tồn động, trì trệ và một số vấn nạn xã hội kéo dài là hậu quả của kiểu tư duy theo lối mòn và hành động theo thói quen còn rơi rớt lại. Thế nhưng những năm qua, dù có nhiều đổi mới, nhưng thực chất chỉ có giá trị về mặt chiến thuật (trừ việc chuyển sang nên kinh tế thị trường, tuy còn có phần méo mó), xem ra về ý nghĩa chiến lược, cơ bản ta vẫn quẩn quanh trong cách nghĩ theo lối mòn có từ hàng thế kỷ trước và cách làm theo thói quen không mấy đổi thay. Mọi biện pháp chấp vá và đối phó tình thế không thể nào giúp giải quyết được cội nguồn của vấn đề. Thế giới không ngừng đổi thay, vì vậy không phải tất cả những gì đúng và tốt trong quá khứ vẫn đúng trong thời đại ngày nay. Một khi còn luyến tiếc cái cũ, thì cái mới không có cơ hội phát sinh. lịch sử và thực trạng thế giới ngày nay cho thấy mạnh hay yếu, giàu hay nghèo phụ thuộc trước tiên vào cách nghĩ cách làm chứ không phải nước lớn hay nước nhỏ. Sức mạnh của dân tộc chỉ được phát huy tối đa khi có cách nghĩ và làm hợp lòng dân.
Cách nghĩ theo lối mòn và làm theo thói quen đó được biện minh rằng đó là điều đúng nhất, tốt nhất và chống lại tất cả những cái mới chưa từng nghĩ, chưa từng làm. Đó là kiểu tư duy “bên trong chiếc hộp”. Không có quy luật nào do con người đặt ra là bất biến. Nguyên nhân của sự thua kém nằm ngay trong đầu ta đó, đừng cố tìm cách biện minh, chỉ làm cho tình hình thêm trầm trọng. Những bài học về sự thành công và thất bại trong thời đại mới vẫn ràng ràng ra đấy. Hãy học cái đáng học, làm cái phải làm!
nguồn:http://tam-sang.com/?q=node/199
-------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để
xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001