Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Trung Quốc không muốn bị ràng buộc pháp lý 
2012-08-17
Đưa vấn đề biển Đông ra tòa án quốc tế là việc mà Philippines luôn kêu gọi. Tuy nhiên, có vẻ như điều này khó có thể xảy ra vì Trung Quốc không muốn có một quyết định mang tính ràng buộc pháp lý.

AFP photo
Người dân Philippine đốt cờ Trung Quốc trong một cuộc biểu tình trước Bộ Ngoại giao tại Manila ngày 27 tháng 7 năm 2012.

Quỳnh Chi trao đổi với Tiến sĩ Yas Banifatemi, thuộc nhóm Luật quốc tế và là đối tác của Tổ chức Trọng tài quốc tế thuộc Công ty luật Shearman & Sterlings. Trước tiên, TS Yas Banifatemi cho biết sơ qua các cách thức giải quyết tranh chấp quốc tế:
TS Yas Banifatemi: Có nhiều phương cách để xóa bỏ tranh chấp quốc tế bao gồm đàm phán, hòa giải, trọng tài… trước khi đến Tòa án Công lý Quốc tế - ICJ. Dựa vào tính chất của tranh chấp, dựa vào sự khó khăn khi tìm giải pháp mà các quốc gia liên quan chọn tìm các giải pháp nào. Các quốc gia có thể lựa chọn phương pháp hòa giải thông qua một bên thứ ba để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp nhưng không bằng một phương cách ràng buộc pháp lý. Còn nếu các quốc gia quyết định mang vấn đề lên tòa án quốc tế hay trọng tài quốc tế thì bên thứ ba là Tòa án Công Lý Quốc tế hoặc là trọng tài quốc tế. Các bên này sẽ có một quyết định dựa vào luật pháp và quyết định này có tính ràng buộc pháp lý. Đó là điểm khác nhau cơ bản. Và các quốc gia phải chọn phương pháp nào.
Quỳnh Chi: Nhưng mà nếu muốn có một quyết định mang tính ràng buộc pháp lý thì phải có sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan?
TS Yas Banifatemi: Nói một cách ngắn gọn, những quốc gia cần đến tòa án quốc tế hay trọng tài quốc tế khi liên quan đến những vấn đề quan trọng hoặc khi họ muốn có một quyết định cuối cùng mà có tính ràng buộc pháp lý. Những quốc gia đó phải cùng đồng thuận là cần đến một phiên tòa quốc tế.
Quỳnh Chi: Vậy thì xem ra khó có khả năng để Philippines có thể đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế?
TS Yas Banifatemi: Khả năng có một phiên tòa quốc tế là khả dĩ nếu tất cả các bên có liên quan cùng đồng thuận cần đến giải pháp này. Đó là điều kiện. Dù cho đó là một tòa án quốc tế, trọng tài quốc tế hay tòa quốc tế về luật biển chẳng hạn thì phải cùng nhau đồng ý. Còn bất cứ một bên nào từ chối ra tòa quốc tế thì rất khó để có mang tranh chấp ra tòa án quốc tế.
Tôi phải nói rõ là tôi không nói thay cho nước nào. Trung Quốc, Philippines hay bất cứ nước nào có chiến thuật như thế nào là tùy họ. Tất cả những gì tôi có thể nói là dựa theo Công ước LHQ về Luật biển – UNCLOS 1982 thì có một số lựa chọn bao gồm cả khả năng tìm đến Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa án Quốc tế hay là Trọng tài quốc tế về Luật Biển. Và các bên có thể chọn một trong các tòa án đó. Điều cần thiết là các bên cần có liên quan đến UNCLOS; chẳng hạn như phải thỏa điều kiện là thành viên của UNCLOS và đều đồng ý cần đến một bên thứ ba để giải quyết tranh chấp.
Những gì mà Trung Quốc đang làm là một trong những khả năng được UNCLOS quy định. UNCLOS quy định rằng những nước đã thông qua UNCLOS có thể có ngoại lệ là từ chối một phiên tòa quốc tế. Họ có thể chọn cách giải quyết thông qua trọng tài. Những gì mà Trung Quốc đang làm khiến tôi hiểu là Trung Quốc từ chối một phiên tòa quốc tế, nghĩa là nước này không muốn có một quyết định mang tính ràng buộc pháp lý.
Quỳnh Chi: Nếu như thế thì có nghĩa là vai trò của một bên thứ ba đối với vấn đề biển Đông sẽ không còn?
TS Yas Banifatemi: Điều này không có nghĩa là những lựa chọn khác bị từ bỏ bao gồm cả những đàm phán song phương và đa phương. Chẳng hạn như những cơ chế ổn định khu vực hoặc trọng tài. Xét về cấp quốc tế có nhiều cách thức để giải quyết tranh chấp. Ví dụ Trung Quốc vẫn có thể lựa chọn có sự can dự của trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp – hoàn toàn phụ thuộc vào họ cả. Ví dụ nếu 3 năm sau mà nước này muốn thay đổi ý định và nhờ đến phương cách tòa án quốc tế thì cũng được.
Quỳnh Chi: Câu hỏi cuối, chắc chắn là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 – UNCLOS sẽ đóng một vai trò quan trọng nếu tranh chấp biển Đông được mang ra tòa án quốc tế?
TS Yas Banifatemi: Dĩ nhiên. Những gì tạo nên luật biển là đều từ UNCLOS cả và nó là công ước hoàn chỉnh nhất nói về lĩnh vực luật biển. Cho nên nó sẽ đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra còn một số luật khác liên quan đến từng trường hợp; chẳng hạn như luật về hàng hải. Tòa án quốc tế và trọng tài quốc tế đã có một số phán quyết liên quan đến luật biển. Những quyết định này không mang tính ràng buộc pháp lý nhưng nó sẽ đóng vai trò hướng dẫn cho những tranh chấp liên quan đến biển.
Quỳnh Chi: Xin cám ơn bà.
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cn-not-want-binding-decision-qc-08172012111305.html
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001