Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

Vợ Bạc Hy Lai bình thản thừa nhận giết người
(VTC News) – Bà Cốc Khai Lai - vợ cựu Bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh bị mất chức Bạc Hy Lai đã bình thản thừa nhận tội giết người trước ngày diễn ra phiên tòa xử trọng án, tờ Daily Mail dẫn lời một công tố viên cấp cao Trung Quốc hôm 7/8.


Bà Cốc được mô tả là tỏ ra rất điềm tĩnh khi thú nhận với cơ quan chức năng về vụ đầu độc doanh nhân người Anh Neil Heywood hồi tháng 11 năm ngoái ở một khách sạn tại thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc.

Động cơ của vụ án mạng được cho là liên quan tới “mâu thuẫn kinh tế” giữa bà Cốc với nạn nhân, đồng thời có thể là hành vi nhằm ngăn chặn “mối đe dọa” từ phía Heywood tới cậu quý tử của Bạc gia, Bạc Qua Qua.

Trong khi đó, tờ Morning Post dẫn lời một quan chức dấu tên thuộc đội công tố viên thụ lý điều tra vụ án giết người ở Trùng Khánh cho biết, ngoài tội danh giết người có chủ ý, bà Cốc Khai Lai (53 tuổi) còn thừa nhận “các hành vi phạm pháp trong lĩnh vực kinh tế”.

Vợ Bạc Hy Lai bình thản thừa nhận giết người
Doanh nhân Neil Heywood (bên trái) là nạn nhân vụ đầu độc ở khách sạn Trùng Khánh cuối năm 2011 do bà Cốc Khai Lai chủ mưu

Vụ án doanh nhân người Anh 41 tuổi bị đầu độc ở Trùng Khánh do bà Cốc Khai Lai chủ mưu sẽ diễn ra ở thành phố Hợp Phì (Hefei) vào thứ Năm tuần này.

Trương Hiểu Quân – người giúp việc cho vợ chồng Bạc Hy Lai cũng bị cơ quan điều tra cho là liên quan tới việc sát hại Neil Heywood và là bị cáo thứ hai của vụ án.

Các nhà phân tích nhận định rằng tuy phiên tòa xét xử còn chưa diễn ra nhưng tội danh của bà Cốc Khai Lai đã được kết luận một cách chắc chắn và thậm chí, người ta đã sớm xác định một bản án dành cho phu nhân chính trị gia họ Bạc.

Giáo sư Willy Lam, một chuyên gia người Trung Quốc được tờ Telegraph dẫn lời nhận định rằng, phiên tòa sắp tới là thách thức đối với hội luật sư tham gia bào chữa nhằm “đảo ngược tình thế” trong khi một bản án đã được chính phủ định sẵn và do đó, “điều kỳ diệu thật khó có thể xảy ra”.

Trong khi đó, các nguồn tin từ chính phủ Trung Quốc gần đây cho biết các nhà lãnh đạo Đảng nước này đang tỏ ra e ngại trước việc một phần dư luận còn ủng hộ chồng bà Cốc, tức ông Bạc Hy Lai có thể sẽ gây rắc rồi cho phiên tòa.

Trước bối cảnh đó, Bắc Kinh đã phái hàng trăm nhân viên an ninh và cảnh sát mặc thường phục làm nhiệm vụ bảo vệ xung quanh tòa án nơi diễn ra vụ xét xử ở Hợp Phì, tỉnh An Huy.

Với địa vị của ông Bạc trong bộ máy chính quyền Trung Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng bà Cốc sẽ thoát án tử hình mặc dù đã thừa nhận mọi cáo buộc có liên quan.

Vợ Bạc Hy Lai bình thản thừa nhận giết người
 Chính trị gia Bạc Hy Lai vướng bê bối gây chấn động Trung Quốc ngay trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 18 sắp diễn ra ở Bắc Kinh

Bạc Hy Lai (63 tuổi) là cựu Bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh và từng được xem là một trong số những ứng cử viên sáng giá cho vị trí cao hơn trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị - “một nhà lãnh đạo có tương lai”.

Thế nhưng vụ bê bối hồi cuối tháng 2/2012 đã khiến chính trị gia họ Bạc tuột mất giấc mộng “đế vương” do liên quan tới các cáo buộc tham nhũng, giết người, làm ăn phi pháp...

Đây không chỉ là thời gian “sóng gió” của Bạc gia mà còn là một cú sốc lớn đối với giới chính trị Trung Quốc khi mà thời điểm chuyển giao quyền lực quan trọng sắp diễn ra vào mùa thu năm nay, sau Đại hội Đảng lần thứ 18.

Theo kế hoạch, phiên tòa xét xử vợ Bạc Hy Lai được tổ chức vào hôm 9/8 tới sẽ có sự tham gia của một số nhà ngoại giao Anh và đại diện gia đình nạn nhân Neil Heywood.

“Sự có mặt của các quan sát viên người nước ngoài tại một phiên tòa nhạy cảm mang tính chính trị ở Trung Quốc như thế này là rất hiếm. Chúng tôi mong muốn có thể nhìn thấy một phiên tòa diễn ra minh bạch, mang lại công lý cho nạn nhân Neil Heywood và gia đình của anh”, phát ngôn viên Văn phòng Đối ngoại Anh nói. 
Hạ Giang
nguồn:http://vtc.vn/311-343802/quoc-te/vo-bac-hy-lai-binh-than-thua-nhan-giet-nguoi.htm
--------------------------------------------------------------------------------
Diễn biến phiên xử vợ Bạc Hy Lai

Vụ án gây chấn động Trung Quốc kết thúc hôm qua sau 8 tiếng xét xử, với việc bị cáo Cốc Khai Lai, vợ của chính trị gia nổi tiếng một thời Bạc Hy Lai, thú nhận đã giết người để bảo vệ con trai.
Cốc Khai Lai không phản đối tội giết người

Bà Cốc Khai Lai, 53 tuổi, cùng trợ lý của gia đình là Trương Hiểu Quân, 33 tuổi, bị buộc tội đầu độc doanh nhân người Anh Neil Heywood bằng chất độc cyanide vào tháng 11 năm ngoái tại Trùng Khánh.
Các phóng viên nước ngoài không được phép sự phiên xử, nhưng nhờ lời kể lại của những người có mặt bên trong tòa án, các chi tiết về diễn biến phiên tòa đã được tái hiện.
"Tôi thừa nhận đã phạm tội và gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến đảng và quốc gia", một người chứng kiến phiên tòa kể lại lời bà Cốc phát biểu trước tòa. Bà cảm ơn các luật sư và thẩm phán, cũng  như các công tố viên, người mà bà nói rằng "đã vén bức màn che một ít bí mật xấu".
Bà Cốc bình thản cho biết đã sẵn sàng đối mặt với hình phạt từ quan tòa nhưng xin luật pháp khoan hồng với người trợ lý trung thành của gia đình. Các công tố viên cho hay ông Trương đã giúp bà Cốc giết người nhưng bà mới là thủ phạm chính. Mức án dành cho bà sẽ được tòa án công bố sau, một thông lệ thường thấy ở Trung Quốc.
Bà Cốc Khai Lai tại phiên tòa hôm qua. Ảnh: AFP
Cáo trạng cho biết bà Cốc bị trầm cảm nặng suốt những năm gần đây. Tâm lý của bà không được vững vàng lúc ra tay giết người và khả năng kiểm soát bản thân của bà cũng yếu hơn người thông thường.
Các công tố viên đã thuật lại chi tiết việc nạn nhân Heywood gửi email dọa dẫm Bạc Qua Qua như thế nào. Theo đó, trong email, ông Heywood tỏ ra thất vọng vì một thương vụ bất động sản bị đổ bể và yêu cầu Bạc Qua Qua, người mối lái ông đến dự án này, phải trả 10% lãi dự tính, tương đương 20 triệu USD, như đã hứa hẹn.
Email bằng tiếng Anh trên được đọc trước tòa bằng một bản dịch tiếng Trung. Theo bản dịch này, ông Heywood đe dọa rằng nếu Bạc  Qua Qua không chịu đưa tiền, anh ta sẽ "bị hủy diệt". Tòa không đưa ra bằng chứng xác minh rằng Heywood là người đã viết email trên.
Các công tố viên cho hay ông Trương đã kể cho bà Cốc về lời đe dọa, vì bà không sử dụng email. Bà Cốc sau đó đã hẹn Heywood đến Trùng Khánh để trao đổi. Hôm 13/11, ông Trương hộ tống doanh nhân này từ nhà riêng ở Bắc Kinh đến khách sạn Nanshan Lijing ở Trùng Khánh.
Bà Cốc đã chuẩn bị sẵn một hỗn hợp thuốc độc có chứa cyanide được mua từ một người bán hàng. Người bán hàng này sau đó cũng  bị bắt. Bà âm thầm yêu cầu ông Trương mang chất độc đến khách sạn, nơi bà và ông Heywood gặp riêng nhau. Hai người uống một chai whiskey Royal Salute cho đến khi doanh nhân say khướt và nôn mửa. Bà Cốc gọi điện cho người trợ lý vào trong.
Ông Heywood lúc đó nằm vật ra sàn, nôn mửa làm bẩn cả áo của ông Trương, rồi xin uống nước. Ông Trương đưa ông Heywood lên giường nằm, trong khi bà Cốc lấy cốc nước pha sẵn thuốc độc đổ vào miệng ông. Sau đó, hai người rời đi. Khi đó Heywood được giới chức cho là chết vì uống quá nhiều rượu, rồi được hỏa táng chóng vánh.
Ngày hôm sau, bà Cốc gặp Vương Lập Quân, giám đốc công an kiêm phó thị trưởng Trùng Khánh, cánh tay phải của chồng bà. Bà thú nhận về vụ ám sát với ông Vương mà không hay biết Vương đã bí mật ghi âm lại cuộc trò chuyện giữa hai người.
Ông Vương không những giữ bản ghi âm mà còn có cả mẫu máu lấy từ tim của Heywood. Ông nhờ phòng thí nghiệm của cảnh sát địa phương xét nghiệm mẫu máu này hai lần để tìm dấu vết của độc tố nhưng kết quả đều âm tính.
Đến tháng hai năm nay, ông Vương bất ngờ bỏ trốn sang thành phố lân cận Thành Đô và tị nạn 24 giờ trong lãnh sứ quán Mỹ, cho đến khi bị các nhân viên tình báo áp giải về Bắc Kinh. Tin tức về ông cũng mất hút từ đó, nhưng cấp trên của ông, Bạc Hy Lai, cũng vì vụ việc này mà bị cách chức bí thư thành ủy Trùng Khánh, ủy viên Bộ Chính trị và mọi chức vụ khác trong đảng. Sự nghiệp đầy triển vọng của ông Bạc tiêu tan.
Ảnh phiên xét xử bà Cốc Khai Lai
Phiên tòa xét xử bà Cốc hôm qua diễn ra ở tỉnh An Huy, cách hàng trăm km so với Trùng Khánh, nơi xảy ra vụ việc. Chỉ có các phóng viên thuộc hãng thông tấn Xinhua và truyền hình Trung Quốc CCTV được phép vào bên trong phòng xử án. Các báo Trung Quốc hầu như đưa tin về vụ xét xử dựa theo thông tin ngắn gọn trên Xinhua.
Hầu hết bằng chứng của vụ án được đưa ra trước tòa dưới hình thức một bản khai và được đọc to. Nhân chứng duy nhất có mặt ở phiên tòa là một nhà khoa học thuộc Bộ Công an Trung Quốc, xuất hiện trên CCTV với áo sơ mi trắng ngắn tay, cà vạt đỏ và đeo kính.  Ông này là người đã xét nghiệm mẫu máu của Heywood hồi tháng 4. Kết quả xét nghiệm xác nhận có độc tố trong máu.
Các luật sư bào chữa đã đưa ra những khả năng khác về cái chết của ông Heywood, gợi ý rằng có thể ông bị đau tim hoặc có những cá nhân khác liên quan trong vụ án. Họ cũng cho rằng doanh nhân Heywood có "một phần trách nhiệm" khi bị ám sát do đã đe dọa Bạc Qua Qua.
Xinhua cho biết 140 người đã tham dự phiên xét xử, trong đó có người thân và bạn bè của hai bị cáo, các thành viên cơ quan lập pháp Trung Quốc và hai nhà ngoại giao Anh. Một đại diện của gia đình ông Heywood cũng có mặt và yêu cầu tòa án xem xét trường hợp bồi thường dân sự, bên cạnh việc phạt tù hai bị cáo.
Ngoài ra, tòa án tuyên bố 4 quan chức cảnh sát Trùng Khánh cũng sẽ bị đưa ra xét xử hôm nay, do đã bao che cho bà Cốc.
Anh Ngọc (theo Washington Post)
nguồn:http://vnexpress.net/gl/the-gioi/tu-lieu/2012/08/dien-bien-phien-xu-vo-bac-hy-lai/
--------------------------------------------------------------------------------
Phiên xử bà Cốc Khai Lai kết thúc

Phiên tòa xử bà Cốc Khai Lai, vợ cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, tội sát hại một doanh nhân Anh đã kết thúc trong ngày thứ Năm 9/8.
Một quan chức tòa án ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, nói với các phóng viên rằng bà Cốc không bác bỏ cáo buộc rằng bà đã đầu độc ông Neil Heywood hồi năm 2011.
Quan chức này nói ngày tháng tuyên án sẽ được thông báo sau.
Bà Cốc là vợ cựu lãnh đạo Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người đã mất chức trong vụ bê bối xung quanh cái chết của ông Heywood.
Bà đã phải ra tòa cùng với trợ lý của mình, ông Trương Hiểu Quân.
Trong một cuộc họp báo hiếm thấy bên ngoài tòa án, quan chức của tòa Đường Nghĩa Can nói bà Cốc và ông Trương “không phản đối các chi tiết trong cáo trạng cũng như cáo buộc giết người ngoại quốc”.
Ông Đường cũng nói bà Cốc “sức khỏe tốt, đầu óc minh mẫn” trong suốt phiên tòa.
Ông nói: “Hội đồng xét xử sẽ thông báo bản án sau khi tham vấn”.
Các công tố viên nói bà Cốc đã bố trí cho ông Trương tháp tùng ông Heywood, người được cho là đối tác làm ăn, từ Bắc Kinh tới Trùng Khánh.
Họ nói sau đó bà Cốc đã qua đêm với ông Heywood tại khách sạn của ông.
Ông Đường nói: “Khi Heywood say rượu, nôn mửa và muốn uống nước, bà ta đã chuẩn bị sẵn thuốc độc mà bà nhờ ông Trương Hiểu Quân mang theo, đổ vào miệng ông Heywood và giết ông ta”.
Hai bị cáo có thể bị tử hình nếu bị cho là có tội.
Hai nhân viên tòa đại sứ quán Anh ở Trung Quốc đã có mặt để theo dõi phiên tòa.

Tiêu tan sự nghiệp

Xác ông Heywood được phát hiện ra tại một khách sạn ở Trùng Khánh hồi tháng 11/2011.
Lúc đó nguyên nhân cái chết được ghi là đột quỵ, nhưng sau đó bốn tháng, trợ lý thân tín của ông Bạc Hy Lai – giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân, trốn vào lãnh sự quán Mỹ với cáo buộc đây là một vụ giết người bị che dấu.
Phóng viên BBC John Sudworth có mặt tại Hợp Phì nói có yếu tố chính trị rõ rệt trong câu chuyện này.
Ông Bạc Hy Lai là Bí thư Trùng Khánh trong thời điểm cái chết của ông Neil Heywood.
Ông từng được xem là ứng cử viên sáng giá cho một vị trí cao cấp hơn ở Trung Quốc khi nước này chuẩn bị chuyển giao thế hệ lãnh đạo.
Thế nhưng ông đã bị mất chức vào tháng Ba và hiện đang bị điều tra “vi phạm kỷ luật Đảng”.
Vụ việc này làm nảy sinh câu hỏi về tham nhũng ở mức cao nhất của lãnh đạo Đảng, cho nên phiên tòa chắc chắn mang cả tính chính trị lẫn hình sự.
Phóng viên của chúng tôi nói thêm rằng phiên tòa có thể sẽ tính tới các yếu tố giảm nhẹ cho bà Cốc Khai Lai, thí dụ tình tiết bà quan ngại rằng ông Heywood là đe dọa cho an toàn của bà và con trai bà.
Đọc thêm:

‘Lừa đảo’ nhưng được việc?

Cùng thời gian Trung Quốc đem bà Cốc Khai Lai, vợ của cựu Bí thư Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai ra xử, trang Foreign Policy có bài nêu ra một cách đánh giá khác về nhân vật chính trị nổi tiếng từ Trùng Khánh.
Căn cứ vào các tuyên bố từ trước phiên tòa của chính quyền Trung Quốc, Foreign Policy nhận định rằng bà Cốc “chắc chắn sẽ bị coi là có tội” trong vụ xử án giết người.

Trùng Khánh từng ‘phá rào’ để nâng cao mức sống của dân

Trùng Khánh từng 'phá rào' nâng cao mức sống của dân
Tuy thế, số phận của ông Bạc Hy Lai vẫn chưa rõ, thậm chí còn “mù mờ như sương phủ Trùng Khánh”, đai đô thị vùng Tây Nam có tên là “foggy capital” (thủ đô mù sương) của đất nước.
Xóa một mô hình
Bài báo cũng viết rằng chính quyền trung ương ở Bắc Kinh sau vụ ông Bạc Hy Lai bị tước hết chức vụ đã tìm mọi cách để xóa sổ uy tín của ông và “mô hình Trùng Khánh” nhưng không được.
Nói ngắn gọn thì các chính sách kinh tế, xã hội mà ông Bạc cho áp dụng ở vùng đô thị trên 30 triệu dân này là hiện tượng phá rào khỏi dòng chính sách chung của quốc gia.
Nhưng Bắc Kinh cũng tìm cách xóa bỏ ảnh hưởng của các phong trào dân tuý như ‘nhạc Đỏ’, và chống băng đảng bằng cách rất nặng tay dưới thời ông Bạc.
Dù vậy, ảnh hưởng của các chính sách này vẫn còn rất rõ tại thành phố.
Foreign Policy đánh giá rằng cho tới cuối thập niên 1990, Trùng Khánh là một vùng rất lạc hậu, chỉ có mỗi danh tiếng là “thủ đô kháng chiến” và nổi danh nhờ ẩm thực [Tứ Xuyên] vào hàng cay nhất nước.
Năm 2000, khi Bắc Kinh tung ra chiến dịch ‘Tây Tiến’, Trùng Khánh đã giành lấy cơ hội và nhanh chóng trở thành đầu tàu cho sự phát triển các tỉnh phía Tây rộng lớn của Trung Quốc.
Nhưng dù thế, Trùng Khánh cũng còn xa mới đạt được trình độ phát triển của ba đại đô thị khác, được quản trị thẳng từ trung ương là Bắc Kinh, Thiên Tân và Thượng Hải.
Chỉ đến khi ông Bạc Hy Lai về làm Bí thư, mọi sự bắt đầu tăng tốc.
 
Gia đình họ Bạc nay ly tán: cha mẹ bị bắt, con tha hương
Chính sách có tên không chính thức mà ‘Quốc tiến dân thoái” (Nhà nước mạnh, dân và tư doanh yếu) được trung ương hô hào trong nhiều năm nhấn mạnh đến ưu tiên cho xuất khẩu và tập trung vốn cho doanh nghiệp nhà nước.
Nhưng Trùng Khánh đã tìm ra con đường khác, là triển khai nguồn lực và chính sách để cải thiện mức sống của người dân.
Thay vì đầu tư nhiều, Trùng Khánh khuyến khích tiêu dùng trong dân nhưng không phải qua cách bỏ tiền công để kích cầu.
Đầu tư được tập trung vào các lĩnh vực mức sống có thể cải thiện ngay lập tức.
Một dự án trồng cây xanh ba năm, tốn 1,5 tỷ USD, nay bị phê phán là lãng phí, đã tạo ra sự khác biệt lớn cho không gia đô thị.
Trong vòng năm năm qua, GDP của Trùng Khánh tăng trung bình 15,8% một năm, so với 10,5% trên cả nước.
Chính quyền cũng cấp hộ khẩu cho hơn ba triệu hộ, kể cả người nhập cư từ vùng nông thôn vào đô thị, và cho họ cả bảo hiểm y tế và quyền cho con đi học.
Đây là chuyện chưa từng có ở Trung Quốc, theo Foreign Policy.
Nói ngắn gọn thì mô hình Trùng Khánh do ông Bạc Hy Lai thực hiện chính là cách dùng nguồn lực nhà nước để cải thiện đời sống cho dân nhưng vẫn để Đảng và chính quyền nắm quyền chủ động.
Trước mắt, theo Foreign Policy, mô hình Trùng Khánh bị bôi đen cả trong và ngoài Trung Quốc vì vụ Bạc Hy Lai.
Nhưng về lâu dài, “khi sương mù” tan đi, đây có thể là mô hình đánh chú ý vì tính hiệu quả kinh tế và xã hội nhằm giải quyết các căng thẳng xã hội ở Trung Quốc.
Bản thân ông Bạc có thể sẽ được nhớ là kẻ táo bạo, thậm chí có thể bị coi là ‘lừa đảo’ (crook) nhưng đã dám thách thức các vấn đề khó khăn, bất kể động cơ riêng của ông ta là gì, theo kết luận của Foreign Policy.
@bbc
nguồn:http://anle20.wordpress.com/2012/08/10/phien-xu-ba-coc-khai-lai-ket-thuc/
------------------------------------------------------------------------------
Vụ án Cốc Khai Lai:  Nhiều tình tiết mới

TT - Sau hai ngày phiên tòa xét xử vợ cựu bí thư Thành ủy Trùng Khánh, Tân Hoa xã đã công bố chi tiết hơn 3.500 từ về diễn biến vụ xử án cũng như quá trình gây án của phu nhân họ Bạc cùng bốn cựu quan chức an ninh Trùng Khánh.
Cốc Khai Lai (thứ hai từ trái qua) và Trương Hiểu Quân (thứ hai từ phải qua) tại tòa - Ảnh: AFP

Các tờ báo lớn của Trung Quốc đều đăng bản tường thuật phiên tòa này của Tân Hoa xã.
...Khoảng 8g30 ngày 9-8, khán phòng xét xử của Tòa án nhân dân trung cấp Hợp Phì đã chật ních. Họ là người thân và bạn bè của hai bị cáo, người thân và bạn bè của nạn nhân, các nhà ngoại giao từ Đại sứ quán Anh ở Bắc Kinh, đại diện truyền thông, các nhà chức trách và các thành viên thuộc cơ quan cố vấn chính trị của Trung Quốc. Tất cả hơn 140 người.
Đúng 8g35 sáng 9-8, công tố viên thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Hợp Phì Đỗ Vi bắt đầu đọc cáo trạng, trong đó cáo buộc hai bị cáo Cốc Khai Lai và Trương Hiểu Quân đã phạm tội giết người bằng thuốc độc cyanide. Hành vi của họ đã vi phạm điều 232 luật hình sự Trung Quốc. Do đó, cả hai bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý giết người.
Án mạng tại phòng 1605
Phiên tòa xét xử kéo dài khoảng bảy giờ, mọi chứng cứ đều chống lại phu nhân họ Bạc. Tại tòa, các công tố viên đã trưng ra đoạn phim chứng minh Cốc Khai Lai và Trương Hiểu Quân đã đến phòng Neil Heywood ngay trong đêm xảy ra án mạng. Các mẫu ADN của hai bị cáo này còn được phát hiện trên nắp bình và tách trà tại hiện trường vụ án.
...Sau khi sắp xếp cho Heywood lưu trú tại phòng 1605, tầng 16 của khách sạn Nam Sơn Lệ Cảnh nằm trong quận Nam An. Khoảng 21g tối hôm đó, Cốc Khai Lai và Trương Hiểu Quân cùng đến khách sạn, mang theo trà, rượu và hai lọ thủy tinh, trong đó một lọ chứa chất độc cyanide và một lọ đựng nhiều viên thuốc dạng nang khác. Khi đến khách sạn, Trương cầm hai lọ thuốc đứng bên ngoài đợi lệnh, chỉ một mình Cốc Khai Lai bước vào phòng của Heywood và cùng doanh nhân này rượu chè đàm đạo.
Đợi đến khi Heywood say mèm và té ngã trong phòng tắm, Cốc Khai Lai gọi Trương Hiểu Quân đưa lọ thuốc độc cyanide vào cho bà ta. Sau khi được dìu lên giường, doanh nhân này nôn ói và đòi uống nước, lúc này Cốc Khai Lai rót chất độc cyanide vào một bình đựng nước nhỏ mà bà ta đã chuẩn bị trước, hòa chất độc này với nước rồi từ từ đi về phía mép giường bên trái, trò chuyện với Heywood và đổ trực tiếp hỗn hợp chất độc vào miệng của doanh nhân này. Tiếp theo, Cốc Khai Lai đổ lọ thuốc viên nang ra khắp sàn nhà nhằm tạo hiện trường giả là Heywood đã dùng thuốc sau khi say rượu và tử vong. Gây án xong, phu nhân họ Bạc đã yêu cầu phục vụ khách sạn không làm phiền vị khách đang ở phòng 1605 và không quên treo bảng hiệu “đừng làm phiền” khi bà ta rời khỏi hiện trường.
Trước khi phiên tòa kết thúc vào lúc 15g10 cùng ngày, Cốc Khai Lai đã tỏ ra thành khẩn khi thừa nhận tất cả những cáo buộc do cáo trạng đưa ra. “Vụ này đã gây nhiều tổn thất quan trọng cho đảng và đất nước, và do vậy tôi phải nhận mọi trách nhiệm. Nó đã như một tảng đá đè nặng lên tôi trong hơn nửa năm. Thật là một cơn ác mộng, suốt những ngày trong tháng 11-2011, tôi đã bị khủng hoảng tinh thần sau khi biết được con trai mình đang gặp nguy hiểm. Thảm kịch do tôi gây ra không chỉ ảnh hưởng đến Neil mà còn đến nhiều gia đình khác. Tôi phải chịu trách nhiệm, tôi sẽ chấp nhận và bình tĩnh đối mặt với mọi bản án do tòa phán quyết”.
Vì tình thân bao che tội phạm
Chứng cứ do cơ quan công tố cung cấp cho biết nguyên nhân lật lại vụ án là do họ phát hiện có quá nhiều khuất tất trong bản kết luận điều tra do Sở Công an Trùng Khánh thực hiện về cái chết của doanh nhân Neil Heywood ngày 15-11-2011. Sau khi Heywood được phát hiện chết trong khách sạn Nam Sơn Lệ Cảnh ở Trùng Khánh, phó chủ tịch Trùng Khánh lúc đó là Vương Lập Quân đã chỉ định phó giám đốc Sở Công an Trùng Khánh lúc bấy giờ là Quách Duy Quốc xử lý vụ án. Quách Duy Quốc lại là người có mối quan hệ khá mật thiết với phu nhân của bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hi Lai.
Nhận được chỉ đạo, Quách Duy Quốc đã yêu cầu đội trưởng đội cảnh sát hình sự Lý Dương, đội trưởng đội kỹ thuật điều tra Vương Bằng Phi và phó giám đốc thường trực Công an quận Sa Bình Bá cùng đến điều tra hiện trường vụ án. Thông qua thẩm vấn và điều tra tại hiện trường, Quách và đội điều tra của mình phát hiện Cốc Khai Lai là nghi can lớn nhất trong vụ án. Những người này ngay lập tức đã bưng bít sự có mặt của Cốc Khai Lai tại hiện trường vụ án bằng cách ngụy tạo chứng cứ, cụ thể là dàn dựng ghi âm những cuộc thẩm vấn tại hiện trường hòng tạo chứng cứ ngoại phạm cho phu nhân nhà họ Bạc, che giấu các vật chứng và hàng loạt biện pháp khác nhằm chạy tội cho Cốc Khai Lai.
Quách và ba thuộc hạ đã nhiều lần hội ý để lựa chọn nguyên nhân gây ra cái chết cho Heywood thật hợp lý để lừa dối công chúng. Cuối cùng, họ đã cho Heywood chết vì đột quỵ sau khi uống quá nhiều rượu và cố ý lái vụ án khỏi hướng “án hình sự”. Đội nhóm của Quách thuyết phục gia đình Heywood chấp nhận kết luận điều tra của họ và đem thi thể doanh nhân này đi thiêu ngay lập tức mà không cần khám nghiệm tử thi.
Vụ việc chỉ đổ bể sau khi Vương Lập Quân trốn vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô vào tháng 2-2012, tức gần ba tháng sau khi Heywood chết. Phó chủ tịch Vương tiết lộ Cốc Khai Lai là nghi phạm sát hại Heywood.
MỸ LOAN trích dịch
nguồn:http://tuoitre.vn/The-gioi/506372/Vu-an-Coc-Khai-Lai%C2%A0-Nhieu-tinh-tiet-moi.html
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
12 bí ẩn quanh vụ xét xử vợ Bạc Hy Lai

(Dân trí) - Phiên xử được dàn xếp vội vã vào tuần trước đối với vợ cựu bí thư “ngã ngựa” Bạc Hy Lai đã để lại nhiều bí ẩn. Phiên tòa như một màn kịch và bà Cốc là con rối trong cuộc tranh giành quyền lực chính trị giữa chồng bà và các đối thủ.
 >> Số phận bà Cốc Khai Lai sẽ được “định đoạt” vào thứ hai tới
 >> Hé lộ những thú nhận của vợ Bạc Hy Lai tại tòa

 
Doanh nhân người Anh Neil Heywood và bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc Hy Lai.
Doanh nhân người Anh Neil Heywood và bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc Hy Lai. 

Trong phiên tòa, bà Cốc Khai Lai đã thừa nhận giết đối tác làm ăn người Anh của bà, Neil Heywood. Bà cho biết sẵn sàng “chấp nhận và bình tĩnh đối mặt với bản án” và rằng bà mong tòa cho bà một “tuyên án công bằng và hợp lý”.

Qua xem xét tiến trình tòa án (bị rò rỉ ra ngoài) và tin tức chính thức cũng như phỏng vấn 2 trong số 140 người được chính phủ Trung Quốc chọn lọc để tham dự phiên tòa, tác giả của bài viết trên tờ The New York Times đã nhận thấy hàng chục vấn đề pháp lý quan trọng bị lờ đi hoặc bị bỏ qua tại phiên tòa. Những vấn đề này có thể dẫn đến việc xóa bỏ cáo buộc hoặc thậm chí được tuyên trắng án, nếu bên biện hộ được phép trả lời một cách thích đáng.

1. Bà Cốc Khai Lai đã chính thức được chuyên gia y tế do tòa chỉ định chẩn đoán bị vui buồn thất thường và bị tâm thần phân liệt mức độ trung bình. Kết luận này phần lớn dựa trên thú nhận của bà Cốc. Vậy nếu không có bất kỳ bằng chứng vững chắc nào, liệu chúng ta có thể biết trí nhớ của bà có đáng tin cậy hay không và việc bà bị suy sụp tinh thần có ảnh hưởng tới ý định phạm tội?

2. Động cơ của vụ giết người không rõ ràng. Bên công tố tuyên bố bà Cốc đã ấp ủ âm mưu giết ông Heywood khi bà được thông báo là ông ta đã giam và bắt cóc con trai bà ở Anh khi thỏa thuận làm ăn của họ đổ bể. Bằng chứng duy nhất được đưa ra tại tòa là một bức thư điện tử vào đầu tháng 11 của ông Heywood, trong đó ông viết cho con trai của bà Cốc, Bạc Qua Qua rằng: “Ngươi sẽ bị hủy hoại”. Nhưng khi đó, con trai bà Cốc đã ở Mỹ và đang học Harvard.

3. Bản cáo trạng cho biết bà Cốc đã lấy thuốc độc chuột trái phép. Có bằng chứng nào chứng tỏ bà thực sự làm vây? Bà lấy nó từ ai? Và Trong thuốc độc chuột có xyanua hay không?

4. Liệu xyanua có trong thi thể Heywood? Bà Cốc thừa nhận đã chuốc cho ông say và sau đó đưa cho ông ta nước có pha xyanua. Tuy nhiên, báo cáo khám nghiệm ban đầu, theo lời bên biện hộ, cho thấy không có dấu hiệu nào của việc đầu độc bằng xyanua. Chiếu CT đối với cơ thể nạn nhân trước khi được hỏa táng và mẫu máu ban đầu không tìm thấy dấu hiệu nào của xyanua.

5. Theo luật sư bảo vệ cho bà Cốc, ông Heywood có lịch sử gia đình mắc bệnh tim mạch. Do ông không phải là người uống nhiều rượu, nên liệu có khả năng ông chết vì nguyên nhân tự nhiên là đau tim do uống quá nhiều?


6. Theo bên công tố, điều tra trưởng đã lấy một mẫu máu khác, sau đó mẫu này được dùng làm bằng chứng quan trọng sau khi thi thể của ông Heywood đã được hỏa táng. Tuy nhiên nhà điều tra trưởng này đã mang mẫu máu về nhà mà không được phép. 4 tháng sau, thử nghiệm trên mẫu máu thứ hai cho thấy có xyanua, mà lượng của nó, rất trùng hợp, chỉ đủ giết chết một người. Liệu có bằng chứng nào chứng tỏ mẫu máu đó được đảm bảo nguyên vẹn trong suốt 4 tháng đó?

7. Đã có một cuộc vật lộn trước cái chết của ông Heywood? Bà Cốc cho biết ông Heywood đã chết trước khi bà rời phòng, với đầu đặt trên gối. Nhưng khi cảnh sát phát hiện xác của ông hai ngày sau đó, ông lại nằm thẳng trên giường và ga giường có dấu hiệu bị xê dịch. Xét đến bằng chứng này, một chuyên gia về tội phạm tin rằng ông Heywood có khả năng không phải bị giết bằng cyanide, chất có xu hướng gây tử vong nhanh, hoặc không có chất độc giết ông này ngay lập tức và ông Heywood thực ra vẫn sống khi bà Cốc rời phòng.

8. Theo luật sư bảo vệ, sau khi bà Cốc rời hiện trường vụ án, dấu chân của người lạ được tìm thấy ở trên ban công, nhưng không có dấu hiệu đột nhập. Tại sao tòa án không điều tra những dấu chân này xuất phát từ đâu?

9. Bên công tố cho biết đã thu thập 394 thẩm vấn nhân chứng, nhưng phiên tòa lại được tiến hành không có sự tham gia trực tiếp và đối chất nào của các nhân chứng quan trọng, trong đó có Vương Lập Quân, người từng là cảnh sát trưởng Trùng Khánh, đã chạy tới lãnh sự quán Mỹ tại đó và là người đích thân đem vụ việc ra ánh sáng.

Bà Cốc chọn luật sư bào chữa từ danh sách các luật sư do chính phủ chỉ định một tháng trước khi phiên tòa diễn ra. Với một vụ án quan trọng như vậy, tại sao luật sư lại được chỉ định nghiên cứu vụ việc chỉ trong thời gian ngắn như vậy? Và tại sao luật sư bào chữa không có cơ hội thẩm vấn những nhân chứng quan trọng trong khi diễn ra phiên tòa?

10. Không hề có một dòng gợi nhắc công khai nào về người chồng của bà Cốc Khai Lai, cựu bí thư Trùng Khánh bị phế truất Bạc Hy Lai, trong phiên tòa. Khi bà Cốc nhận thấy ông Heywood đang đe dọa con trai mình, lẽ nào bà không nói với chồng, bí thư thành ủy Trùng Khánh khi đó? Vì vậy câu hỏi đặt ra là liệu ông Bạc Hy Lai có liên quan đến âm mưu giết người?

11. Sau khi cảnh sát Trùng Khánh kết luận ông Heywood chết vì đau tim do uống rượu quá nhiều, bà Cốc đã thuyết phục thành công được gia đình ông Heywood đồng ý hỏa táng mà không khám nghiệm tử thi. Liệu bà Cốc hay chính quyền Trùng Khánh có trả tiền để đổi lấy sự im lặng của gia đình ông Heywood?

12. Quá trình luận tội cho thấy bà Cốc và ông Heywood kết hợp làm ăn vào năm 2005 với một giám đốc cấp cao ở một công ty nhà nước Trung Quốc trong nhiều hợp đồng bất động sản ở Trùng Khánh và Pháp. Nếu thành công, ông Heywood sẽ được thưởng 140 triệu bảng Anh. Nhưng thỏa thuận đổ bể. Ông Heywood đã yêu cầu được nhận đền bù 10% khoản ban đầu. Nhưng không có giải thích nào cho thấy những dự án đó là gì, tại sao lại thất bại, và vai trò của ông Heywood ra sao. Theo một nguồn tin ở Bắc Kinh, ông Bạc, người chuyển tới Trùng Khánh vào năm 2007, đã dừng các dự án đó do lo sợ chúng có thể làm hỏng tương lai chính trị của ông. Nếu điều đó được chứng minh là đúng, liệu bên công tế có giấu những chi tiết này – bởi chúng có thể mâu thuẫn với thông tin báo chí nhà nước Trung Quốc cho rằng ông Bạc là một quan chức tham nhũng?

Bà Cốc và gia đình bà có thể đã chủ động không kiên quyết chống lại những cáo buộc giết người và đã quyết định thỏa thuận với chính phủ, bởi bà hiểu mục tiêu thực sự của phiên tòa là chồng bà.

Nếu bà chiến đấu chống lại cáo buộc giết người, các đối thủ chính trị của gia đình ông Bạc có thể đưa ra các cáo buộc tham nhũng, cũng có thể dẫn đến tội chết. Tại Trung Quốc ngày nay, các chuyên gia cho rằng tham nhũng tràn lan tới mức gần như không quan chức nào “miễn dịch” được và một khi những cáo buộc như thế được đưa ra, con trai bà, chồng bà và nhiều bạn bè của bà cũng sẽ bị liên đới. Giữa hai lựa chọn, cáo buộc giết người có vẻ như là thỏa thuận tốt hơn.

Bằng việc hợp tác tích cực với chính phủ, thừa nhận tội lỗi và lôi kéo được cảnh sát trưởng và các phụ tá của ông ta vào vụ việc, bà Cốc mong bản án tử hình có thể được đưa ra đối với bà được giảm nhẹ.

Người Trung Quốc có câu nói: “Miễn là đồi xanh vẫn còn, sẽ luôn có gỗ để đốt lò”. Trong vụ bà Cốc, giữ được mạng sống và tránh cho chồng bà khỏi bị truy tố mở ra khả năng trở lại khi gió chính trường thay đổi. Bố chồng bà Cốc, ông Bạc Nhất Ba, từng bị coi là kẻ phản bội thời Cách mạng văn hóa, bị đánh đập, bêu giếu, bị giam hãm, đói khát trong tù. 3 năm sau vụ án đối với ông được lật ngược. Ông được lãnh đạo mới phục chức và ông sống thọ tới 99 tuổi, sống lâu hơn hầu hết kẻ thù của mình.
  
Xét về tính phức tạp của vụ việc cũng như sự quan tâm lớn của báo chí, nhiều người cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện nghiêm túc vụ việc, hay ít nhất là cố gắng tôn trọng tiến trình xét xử. Song các chuyên gia khẳng định phiên tòa được diễn ra vội vã, sơ sài.

Các chuyên gia cũng tin rằng phán quyết đối với bà Cốc sẽ do các lãnh đạo Đảng ở Bắc Kinh quyết định, thay vì thẩm phán tại tòa. Gấp gáp tìm ra lý do để phế truất ông Bạc, người từng là ứng cử viên sáng cho một trong những vị trí quan trọng trong bộ chính trị, sẽ giúp những nhân vật cấp cao ở Bắc Kinh “loại” được một đối thủ lớn trước cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo tại Đại hội đảng 18 vào cuối năm nay. Vì vậy giới chuyên gia cho rằng chính phủ Trung Quốc chắc chắn sẽ “trao” cho bà Cốc án phạt nặng, mà những câu hỏi pháp lý cơ bản nhất thậm chí không được hỏi, chứ chưa nói đến trả lời.

Vũ Quý
Theo NYTimes
nguồn:http://dantri.com.vn/c36/s36-631462/12-bi-an-quanh-vu-xet-xu-vo-bac-hy-lai.htm
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Đại hội đảng Trung Quốc còn nhiều bí ẩn sau bản án tử hình của Cốc Khai Lai
(Petrotimes) - Vụ bê bối Bạc Hi Lai làm rúng động chính trường Trung Quốc vừa bước sang giai đoạn mới với bản án tử hình dành cho Cốc Khai Lai, vợ của nguyên Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Theo đánh giá chung, vụ bê bối này đang ảnh hưởng xấu tới Đại hội đảng Trung Quốc.
Nạn nhân, doanh nhân người Anh Neil Heywood, và bị cáo Cốc Khai Lai
Tòa án Nhân dân trung cấp thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc đã đưa ra mức án tử hình đối với bà Cốc Khai Lai vào 10 giờ sáng 20/8 (theo giờ địa phương), nhưng cho hoãn 2 năm thi hành án. Trương Hiểu Quân - tòng phạm của Cốc Khai Lai trong vụ án giết người này bị tuyên án 9 năm tù giam.
Theo một số nhà phân tích, mức án tử hình với bà Cốc Khai Lai phù hợp với dự đoán của dư luận Trung Quốc trong mấy ngày qua.
Trước đó, hôm 9/8, Tòa án Nhân dân trung cấp thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy đã mở phiên tòa xét xử bà Cốc Khai Lai với tội danh cố ý giết người. Theo cáo trạng, bà Cốc Khai Lai cùng một người con trai có xung đột lợi ích kinh tế với doanh nhân người Anh Neil Heywood. Lo ngại ông Neil Heywood đe dọa đến an toàn cá nhân của con trai, bà Cốc Khai Lai đã cùng người giúp việc của gia đình mình là Trương Hiểu Quân hạ độc sát hại ông này.
Trong khi đó, Bắc Kinh hiện vẫn chưa công bố thời gian chính xác diễn ra Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, sự kiện được coi là quan trọng nhất trong vòng 10 năm qua ở nước này, với việc thế hệ lãnh đạo mới của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chính thức được bổ nhiệm.
Theo Báo "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng" (HongKong) số ra ngày 15/8, sự bí mật đến giờ phút này đã làm gia tăng những đồn đoán rằng quá trình kế nhiệm lãnh đạo 10 năm diễn ra một lần, dự kiến diễn ra vào cuối năm nay, đã bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối vẫn chưa được giải quyết liên quan sự kiện Bạc Hi Lai - Bí thư Thành ủy Trùng Khánh mất chức trong vụ bê bối chính trị được coi là tồi tệ nhất ở Trung Quốc trong 20 năm qua.
Mặc dù thời gian tiến hành Đại hội 18 vẫn chưa được chốt chính thức, nhưng ngày 14/8, các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn khẳng định rằng công tác chuẩn bị cho Đại hội 18 đang tiến triển êm ả, với 2.270 đại biểu đã được lựa chọn theo cách minh bạch và dân chủ hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, những tuyên bố như vậy đã vấp phải sự nghi ngờ, khi mà Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Kinh Thanh đã không giải quyết được những câu hỏi rất cơ bản - nhưng quan trọng - về các cuộc họp kín vốn đang thu hút sự quan tâm sát sao của giới truyền thông toàn cầu.
Ông Vương Kinh Thanh không cung cấp thông tin cập nhật về thời điểm khai mạc Đại hội 18. Thay vào đó, vị quan chức này nhắc lại một thông báo từ năm ngoái rằng Đại hội 18 đã được lên kế hoạch tổ chức vào nửa cuối năm nay.
Khi được đề nghị xác nhận tin đồn đang lưu truyền rộng rãi rằng số thành viên Thường vụ Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - nhóm quan chức quyền lực nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc - sẽ giảm từ 9 người hiện nay xuống còn 7 người tại Đại hội 18, ông Vương Kinh Thanh đã trả lời rằng ông không biết. Quan chức này nói rõ: “Tôi thậm chí không biết”.
Các chuyên gia phân tích cho rằng những phát biểu thận trọng của Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Vương Kinh Thanh là điều không có gì ngạc nhiên bởi vì điều đó phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, những người tập trung tại khu nghỉ mát Bắc Đới Hà ở tỉnh Hà Bắc trong những ngày gần đây để đưa ra những quyết định cuối cùng về các vấn đề gây bất đồng vốn đang phủ bóng lên quá trình chuyển giao quyền lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chuyên gia phân tích chính trị Johny Lau Yui-siu, một người có nhiều năm theo dõi chính trị Trung Quốc, nhận định rằng thời gian diễn ra Đại hội 18 chắc hẳn đã được ấn định tại cuộc họp kín ở Bắc Đới Hà, sự kiện được tin là vừa kết thúc. Tuy nhiên, ông Johny Lau Yui-siu nhấn mạnh rằng “theo thực tiễn trước đây, hãng tin Tân Hoa Xã sẽ không đưa ra một tuyên bố công khai cho đến khi diễn ra phiên họp toàn thể cuối cùng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 17, được tổ chức chỉ ít ngày trước khi khai mạc Đại hội 18”.
Mặc dù vậy, cả ông Johny Lau Yui-siu và ông Trương Minh, chuyên gia phân tích chính trị tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, đều nhấn mạnh rằng công tác chuẩn bị cho Đại hội 18 đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vụ bê bối chính trị Bạc Hi Lai và cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các phe phái trong ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Johny Lau Yui-siu nói: “Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn giảm thiểu tối đa tác động từ vụ bê bối Bạc Hi Lai và chưa chắc thời gian cụ thể cho việc tổ chức Đại hội 18 sẽ được công bố trước khi họ kết thúc các vụ án liên quan ông Bạc Hi Lai và vợ - bà Cốc Khai Lai, cũng như trợ thủ cũ của Bạc Hi Lai là Vương Lập Quân, cựu Giám đốc Sở Công an Trùng Khánh”.
Ông Vương Kinh Thanh và các cộng sự ngày 14/8 đã ra sức nói những điều tích cực về cuộc cải tổ lãnh đạo sắp tới của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đánh giá cao những nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc thúc đẩy dân chủ trong Đảng cũng như công tác lựa chọn các đảng viên là dân thường tham dự Đại hội 18.
Theo ông Vương Kinh Thanh, có 26 đảng viên là người nhập cư sẽ tham dự Đại hội 18 và sẽ có nhiều phụ nữ cũng như thanh niên tham dự sự kiện trọng đại này.
Vụ bê bối Bạc Hi Lai đang phủ bóng đen lên Đại hội 18 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc
Bất chấp sự bất mãn về tình trạng tham nhũng đã lan rộng trong dư luận, cũng như việc thiếu sự tham gia của công chúng và thiếu một tiến trình bỏ phiếu kín, ông Vương Kinh Thanh tuyên bố rằng một cuộc khảo sát gần đây đã cho thấy “có tới 97% đảng viên” hài lòng với cách lựa chọn các đại biểu dự Đại hội 18.
Người phát ngôn Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Thanh Minh ngày 14/8 cũng đưa ra những phát biểu mang tích chất tích cực khi khẳng định “đó là một hệ thống bầu chọn cởi mở và minh bạch. Tất cả đều hài lòng”.
Mặc dù vậy, các Đại hội Đảng bộ ở Bắc Kinh và Trùng Khánh, hai nơi đã có danh sách Đại biểu đi dự Đại hội 18, đã bị trì hoãn trong nhiều tuần do những lý do chính trị không rõ ràng. Về vấn đề này, chuyên gia phân tích Trương Minh nhận định: “Tôi không thấy bất kỳ sự tiến bộ hay sự cải thiện nào về mặt minh bạch trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội 18 so với quá trình chuẩn bị cho Đại hội 17 cách đây 5 năm. Trên thực tế, lần này còn tồi tệ hơn”.
Mặc dù các nhà cựu lãnh đạo, như cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, không được đưa vào danh sách đại biểu, nhưng ông Vương Kinh Thanh cho biết họ vẫn được mời dự Đại hội 18 với tư cách khách mời đặc biệt. Nhà vô địch bơi bướm 200m nữ Olympic Luân Đôn Tiêu Lưu Dương, 21 tuổi, sẽ là đại biểu trẻ nhất dự Đại hội 18, trong khi cựu Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Tiêu Nhược Ngu, 97 tuổi, là đại biểu già nhất.
Nh.Thạch (Tổng hợp)
nguồn:http://www.petrotimes.vn/news/vn/quoc-te/the-gioi-phang/dai-hoi-dang-trung-quoc-con-nhieu-bi-an-sau-ban-an-tu-hinh-cua-coc-khai-lai.html
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Bà Cốc Khai Lai có thể chỉ ngồi tù 9 năm

(Dân trí) - Bà Cốc Khai Lai, vợ của cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, có thể được ra tù chỉ sau 9 năm thu án để đi chữa bệnh, mặc dù bà bị kết án tử hình “treo” vì tội giết một doanh nhân Anh quốc.

Bà Cốc Khai Lai tại tòa ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc, ngày 9/8 vừa qua. 
Bà Cốc Khai Lai tại tòa ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc, ngày 9/8 vừa qua. 

Theo các chuyên gia án tử hình nhưng hoãn thi hành án hai nắm chắc chắn sẽ được giảm xuống còn tù chung thân. Và một số chuyên gia luật cho rằng bà Cốc Khai Lai có thể được thả chỉ sau 9 năm tù, như một số nhân vật chính trị cấp cao khác. Họ dẫn chứng nhiều trường hợp chính trị gia nổi bật trước bị kết án tử hình “treo” hoặc kết án tù lâu năm đều được thả để đi chữa bệnh sau khi thụ án vài năm, hầu hết là ở nhà tù Qincheng, ngoại ô Bắc Kinh. Thậm chí Giang Thanh, vợ nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông, cũng được thả vì để chữa bệnh khỏi nhà tù Qincheng năm 1991, sau 10 năm thụ án sau khi bị kết án tử hình nhưng hoãn thi hành hai năm vì gây ra những rối loạn chính trị trong Cách mạng văn hóa 1966-76 ở Trung Quốc. Tuy nhiên, bà tự sát tại bệnh viện vào cùng năm được thả.

Cha của ông Bạc Hy Lai, Bác Nhất Ba, cũng bị giam tại Qincheng trong những năm 1960.
 
Có rất ít thông tin về nhà tù này, điều kiện cũng như số lượng tù nhân. Một tờ báo Trung Quốc, tờ Shenzhen Economic Daily, hồi tháng 5 vừa qua có bài báo hiếm hoi về nhà tù. Theo tờ báo, mỗi nhà lao tiêu chuẩn rộng khoảng 20m2, với 1 toilet, 1 giường. Tường của nhà lao giam những phạm nhân trọng tội được gắn thêm cao su để ngăn họ tự làm hại mình.

Tuy nhiên, những tù nhân chính trị cấp cao thường có phòng lao rộng hơn, một số có thêm bàn, phòng tắm, toilet, máy giặt và được phép xem TV 2 giờ mỗi tối. Một số tù nhân cấp cao có vấn đề về sức khỏe có thể được nhận sự chăm sóc riêng của người nhà. Họ có thể cung cấp những vật dụng cần thiết, như quần áo.

Theo luật hình sự Trung Quốc, án tử hình “treo” dành cho bà Cốc có thể giảm xuống thành án chung thân nếu bà không mắc thêm tội trong 2 năm tới hoặc xuống còn 25 năm nếu bà thụ án tốt. Nhưng một số chuyên gia luật cho rằng bà Cốc có thể phải ngồi tù ít hơn thế.
 
Dui Hua Foundation, nhóm nhân quyền ở San Francisco cho hay, hầu hết án tử hình “treo” được giảm thành tù chung thân và người thụ án tù chung thân thường có đủ tư cách để được thả để chữa trị bệnh sau 7 năm thụ án.
 
“9 năm từ bây giờ, nếu bà có thể chứng minh với nhà tù rằng bà đang bị bệnh nặng. Khi đó sẽ có cơ sở pháp lý để thả bà”, Joshua Rosenzweig, một chuyên gia về luật hình sự Trung Quốc tại Đại học Trung Quốc của Hồng K ông cho biết.
 
 Donald Clarke, một chuyên gia về luật Trung Quốc tại Đại học Luật George Washington cũng phỏng đoán dựa theo một phán quyết của tòa án tối cao Trung Quốc rằng, án tử hình treo có thể được giảm xuống 15 năm tù, thậm chí là không cần lý do chữa bệnh.
 
Giới phân tích cho rằng, lãnh đạo Trung Quốc hi vọng tuyên án có vẻ nặng với bà Cốc sẽ thuyết phục được công chúng trong nước rằng không có thành viên cấp cao trong đảng nào được đứng trên pháp luật và hi vọng kết án sẽ giúp chấm dứt vụ bê bối chính trị lớn nhất nước này trong 2 thập niên qua.
 
Nhiều hoài nghi về bản án 
 
Tuy nhiên, rất nhiều người Trung Quốc tỏ ra ngờ vực với bản án dành cho bà Cốc. Trong số này có Yao Bo, chủ một mục báo và là nhà bình luận xã hội, viết trên tiểu blog Weibo: “Cuộc đời tuyệt biết bao, luật pháp có thể tùy cơ ứng biến miễn là có đảng bảo vệ”.

Nhà bình luận báo chí và thời trang Hong Huang, người có 5 triệu người theo dõi trên tiểu blog của mình, viết: “Tôi có một câu hỏi pháp lý: Liệu án tử hình treo có được giảm thành tù chung thân với thái thi hành án tốt? Và với thái độ tốt đó, liệu tù chung thân có thể chuyển thành được thả để chữa bệnh?”

Theo Tân Hoa xã, tòa án hoãn thi hành án đối với bà Cốc là bởi bà “bị rối loạn tinh thần” và “khả năng tự kiểm soát kém”. Ngoài ra, bà cũng cung cấp “bằng chứng liên quan đến vi phạm luật và quy định của những người khác, đóng vai trò tích cực trong cuộc điều tra và giải quyết các vụ việc liên quan”. Nhiều nhà quan sát cho rằng điều này có nghĩa là bà đã cung cấp thông tin về chồng mình.

Ngoài ra, bà Cốc đã nhận lỗi và hối lỗi với những gì đã gây ra và không có ý định kháng cáo, Tân Hoa xã cho hay. Điều này cũng được xem là chỉ dấu bà đã đồng ý không công khai phản đối tuyên án để đổi lấy sự khoan dung của tòa.

Một luật sư liên quan đến vụ việc cho biết bà Cốc chắc chắn sẽ được gặp gia đình trong vòng 10 ngày nếu bà không kháng án.

Một số người bạn của gia đình bà Cốc cho biết họ cảm thấy bà Cốc, hay còn gọi là Horus L.Kai, đã là kẻ giơ đầu chịu báng cho của những cáo buộc tham nhũng và lạm dụng quyền lực mà các đối thủ nhằm vào chồng bà, ông Bạc Hy Lai. 
 
Vũ Quý
Tổng hợp
nguồn:http://dantri.com.vn/c36/s36-632462/ba-coc-khai-lai-co-the-chi-ngoi-tu-9-nam.htm
------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001