Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Vũ Quý Hạo Nhiên - Cực đoan tư nhân và cực đoan nhà nước
Vũ Quý Hạo Nhiên

Biểu tình chống đêm nhạc Trịnh Công Sơn, tại Garden Grove tháng 3, 2008. (Hình: Vũ Quí Hạo Nhiên)

Hôm tôi mới mất việc ở báo Người Việt, một bạn lên Facebook hỏi một câu thế này:
Thầy ui, có thành lập mặt trận đấu tranh tự do báo chí cho báo chí tiếng Việt ở Mỹ không Thầy ui?
Ý của bạn ấy chắc hẳn là blogger trong nước bị cộng sản đàn áp mình lập mặt trận đấu tranh cho họ, thì nay báo chí tiếng Việt ở Mỹ bị những người giống cộng sản đàn áp mình cũng lập mặt trận đấu tranh.
Bạn ấy nói thế vì chỉ mới nhìn thấy mặt nổi của vấn đề, là nhũng đám người cộng-sản và giống-cộng-sản uy hiếp tự do ngôn luận. Điều đó đúng, nhưng nhu cầu lập một “mặt trận tranh đấu” thì ở hai chỗ lại không giống nhau. Vì tuy cực đoan ở đâu cũng gần như nhau, có sự khác nhau rất lớn giữa cực đoan có cầm quyền, như chính phủ Việt Nam, và cực đoan không cầm quyền, như một nhóm người ở Bolsa.
Sụ khác biệt đó nằm ở cái quyền. Khi cực đoan cầm-quyền mà ra tay, thì có người đi tù. Khi cực đoan không-cầm-quyền mà ra tay, thì kết quả là tùy mình. Mình đầu hàng cái tay chém gió đó, thì nhóm cực đoan này mới có ảnh hưởng. Nhưng ngược lại, cái nguy hiểm là tự dưng trao quyền cho nhóm cực đoan, thì, y như chính quyền cộng sản, họ sẽ lấn tới gây thiệt hại cho cả cộng đồng. Đó là những ý tôi triển khai trong bài blog này.

Cực đoan trong xã hội

Có người hiểu chữ “cực đoan” khác với tôi. Họ cho rằng những kẻ nào bạo động, hay là tục tĩu, mới là cực đoan. Năm 1989, có người đốt xe báo Người Việt và xịt chữ “Nguoi Viet neu may VC we kill.” Còn trong hình trên là một ông chổng mông đưa đít lên trong cuộc biểu tình chống chường trình nhạc Trịnh Công Sơn năm 2008. Những người như vậy nhiều người công nhận là cực đoan.

“Đả đảo ai đó mừng ngày T.C.S.” trên biểu ngữ bên phải. (Hình: Vũ Quí Hạo Nhiên)
Tôi cho rằng định nghĩa đó chưa đúng. Đối với tôi, một người mà phán đoán rằng “ai hát nhạc Trịnh Công Sơn người đó là cộng sản” – đã đủ là một kẻ cực đoan rồi. Cái đầu óc phải lệch lạc dữ lắm, mới lấy một chuyện như thế rồi nối nó được tới kết luận “là cộng sản.” Trong bài này, tôi định nghĩa cực đoan như này:
Người cực đoan là người cho rằng mình luôn luôn đúng ,và ai nghĩ khác, nói khác, làm trái ý mình, đều là kẻ thù.
(Cũng có thể có định nghĩa khác, nhưng chuyện đó ngoài tầm bài này.) Định nghĩa này xem vậy chứ khá hẹp. Không phải ai cũng được là cực đoan theo định nghĩa này. Một người tự cho mình bao giờ cũng đúng, ai nghĩ khác mình là sai, là dốt, thì chỉ mới kiêu ngạo, hay vĩ cuồng, chứ chưa cực đoan. Phải cho người nào nghĩ khác mình là kẻ thù cơ, mới là cực đoan.
Theo định nghĩa này, thì trong dân tộc Việt Nam toàn cầu có ít nhất hai nhóm cực đoan.
(1) Nhà cầm quyền cộng sản, khi nhìn thấy ai nghĩ khác mình, nói khác mình, làm khác mình, đều cho là phản động hoặc bị thế lực thù nghịch lợi dụng. Đây là nhóm cực đoan nhà nước.(2) Những người tự xưng chống cộng, khi nhìn thấy ai nghĩ khác mình, nói khác mình, làm khác mình, chống cộng khác mình, đều cho là cộng sản và tay sai. Nhóm này là một nhóm cực đoan tư nhân.
Người cực đoan thường hay hành xử giống nhau. Lý do, họ xem những người khác ý kiến không chỉ là người sai trái, người nhầm lẫn, mà họ cho những người này là kẻ thủ, đã là kẻ thù thì không thể chừa một biện pháp nào.
Khi Điếu Cày bị bắt, cực đoan nhà nước Việt Nam bắt đầu hạch sách gia đình, kiểu như đúng ngày thi bắt lên đồn trình diện, khám xét nhà, gây khó khăn cho việc làm ăn. Mẹ của Tạ Phong Tần bị hành tới mức tự thiêu. Nhà nước không khác gì thực dân Pháp uy hiếp mẹ của Mai Xuân Thưởng, của Nguyễn Trung Trực.
Cực đoan Bolsa cũng một chiêu đó. Ở Philadelphia có tờ báo Người Việt Đông Bắc, một tờ báo độc lập mua tin, hình và một số dịch vụ của Người Việt. Để uy hiếp Trần Đông Đức, chủ bút báo này, đám cực đoan Bolsa tìm tới cha và mẹ kế của ông ở Quận Cam, gây áp lực với người già để hy vọng uy hiếp được người con.
Nhưng cái khác, là khi công an bắt con Điếu Cày lên đồn làm việc, thì em phải lên, vì đó là công an có súng, có quyền, nắm luật pháp trong tay. Còn cực đoan Bolsa thì có thể cưỡng được nếu muốn. Cực đoan cầm-quyền ép buộc được, chứ cực đoan không-cầm-quyền thì không.

Khi cực đoan không-cầm-quyền bỗng dưng có quyền

Nguy hiểm nhất là khi nhóm cực đoan không-cầm-quyền lại được trao quyền, do sự đầu hàng của người khác chẳng hạn. Khi đó, yếu tố phân biệt giữa cực đoan Bolsa với cực đoan Hà Nội bỗng biến mất, và cực đoan Bolsa bỗng có dịp triển khai tính cách giống-hệt-cộng-sản của họ.
Điều đó đã xảy ra năm 2008, khi cuộc biểu tình cái chậu rửa chân bắt đầu. Báo Người Việt cho nghỉ một loạt nhân viên, trong đó có tôi. Chuyện nhân sự là chuyện nội bộ một công ty, chuyện đuổi việc mất việc là sinh hoạt bình thường trong nền kinh tế tư bản. Nếu báo Người Việt khẳng định đó là chuyện riêng, thì không ai nói gì được. Nhưng lãnh đạo Người Việt khi đó lại nhầm lẫn ở chỗ công khai nói chúng tôi làm thế để trấn an quý vị biểu tình.
Không có cái gì hại cho cộng đồng, bằng tờ báo lớn nhất ở đó lại đầu hàng người cực đoan.
Ngay sau đó, cực đoan Bolsa lấn tới. Trong đầu họ say men chiến thắng; đã đánh được Người Việt là có thể đánh bại tất cả – tư duy kiểu Lê Duẩn thời sau 1975. Bất cứ ai ở Quận Cam đều có nguy cơ trở thành mục tiêu của họ. Báo Người Việt đăng bài của ông Tưởng Năng Tiến bàn phiếm về chuyện Hồ Chí Minh nuôi cây vú sữa. Tất nhiên kèm bức hình nổi tiếng “bác Hồ tưới cây vú sữa.” Thế là ăn đạn. Một thời gian dài bản chụp trang báo đó nằm trong bộ sưu tập của đoàn biểu tình trưng ra mỗi tuần.
Các chính trị gia cũng bị nhắm. Một số đi đêm với họ, trong hy vọng không bị tấn công công khai. Kết quả là nhóm này liên kết với với chính trị gia A, thì chụp mũ chính trị gia B là cộng sản. Và nhóm kia làm ngược lại.

Một email năm 2008 tường thuật cuộc biểu tình chống Lễ Tưởng Niệm Nạn Nhân Mậu Thân ở Việt Báo.
Tôn giáo cũng không được để yên. Đại nhạc hội Ánh Đạo Vàng Phật Đản năm 2008 bị kêu gọi “tẩy chay nhạc hội Ma Tăng.” Bên Công Giáo thì khi biết tin Hồng Y Phạm Minh Mẫn sẽ tới Đại Hội Lòng Thương Xót Chủa của dòng Chúa Cứu Thế tổ chức tại Long Beach, họ cũng đòi biểu tình nếu không rút lại lời mời Đức Hồng Y. Rốt cuộc Hồng Y vẫn tới, biểu tình khoảng mươi người.
Nghệ sĩ bị tấn công. Tấm hình biểu tình chống đêm nhạc Trịnh Công Sơn ở trên là diễn ra chỉ hơn một tháng sau khi họ thắng Người Việt.
Một số người hạ quyết tâm triệt cho được ngôi sao Khánh Ly. Nhà văn Nhã Ca (tác giả “Giải Khăn Sô Cho Huế”) và tòa soạn Việt Báo tổ chức tưởng niệm nạn nhân Tết Mậu Thân nhân dịp 40 năm. Ca sĩ Khánh Ly được mời đến hát, và thế là những người đang đứng biểu tình trước cửa báo Người Việt tràn qua biểu tình Việt Báo, không cần biết gì tới nạn nhân vụ tàn sát Mậu Thân.
Cảnh sát phải tới đưa cô Khánh Ly vào trong. (Xem phản ứng độc đáo của cô trong video này, bắt đầu phút 1:55.) Tuy nhiên, ở đây, phần nào cực đoan Bolsa đã thành công, dọa được một vài người viết báo cho tới nay vẫn sợ không dám nhắc tới Khánh Ly và Trịnh Công Sơn.
Tình trạng này kéo dài trong mấy năm, và chỉ bớt đi sau khi đám cực đoan vì tự tranh chấp lẫn nhau (ai nghĩ khác mình là kẻ thù mà) nên đổ vỡ từ bên trong.
Và chuyện được đằng chân lân đằng đầu của cực đoan Bolsa đang có nguy cơ lập lại hôm nay.
Vài tuần trước, sau khi tôi mất việc lần nữa, có một tác giả hay gửi bài vào, lên tiếng rằng dấu hiệu cộng sản trà trộn trong tòa báo là bài này bị cắt, bài kia bị không đăng. Nói như thế có khác nào cảnh cáo tòa soạn rằng từ giờ trở đi, đứa nào mà còn cắt, còn không đăng bài của ta, đứa đó là cộng sản!
Một khi những người này đã lấn được một phần quyền biên tập của tờ báo, người ta sẽ nỗ lực lấn sang những phần khác. Và phương pháp người ta lấn, sẽ là cùng với phương pháp đã dùng để lấn được phần đầu: Chụp mũ cộng sản.
Thẩm phán Tòa Di trú Phan Quang Tuệ, viết về tự do ngôn luận, có câu này:
Và chúng ta có muốn tiếp tục theo con đường và áp dụng những biện pháp tương tự cho đến khi tất cả chúng ta chỉ còn những tờ báo đồng một tiếng nói, một luận điệu, một ngôn ngữ với một lời cảnh cáo: ai nói khác sẽ bị tận diệt!
Ý ông Tuệ hẳn muốn nói rằng chuyện báo chí nào nói khác sẽ bị tận diệt – là chuyện không tốt, chuyện nên tránh.
Điều ông không ngờ, là chính đó là mục tiêu của những kẻ thích đưa huấn thị cho báo chí: Họ đang muốn tất cả những tờ báo ở đây đều đồng một tiếng nói, một luận điệu, một ngôn ngữ, và báo nào nói khác đều cần phải bị tận diệt. Họ sẽ đạt đích khi mà, giống báo chí trong nước, báo đài Quận Cam tự biết thân biết phận mà kiểm duyệt nội bộ cấm nói cấm viết khác ý đoàn biểu tình.
Đó là mục tiêu của cực đoan Bolsa. Nhưng họ có thực hiện được mục tiêu đó không – là tùy người đối diện có để cho họ làm tới hay không.

Admin gửi hôm Thứ Hai, 06/08/2012 
nguồn:http://danluan.org/node/13677
-------------------------------------------------------------------------------
Thuyền - “Cực Đoan” Từ Vị Trí Sen-Bùn

Thuyền
Để đảm bảo tính đa chiều, Dân Luận xin đăng bài viết sau đây của tác giả Thuyền về vấn đề chống cộng cực đoan ở hải ngoại. Mời độc giả tham gia tranh luận.

image001_30.jpg

Nhân đọc bài “Cực đoan tư nhân và cực đoan nhà nước” của Vũ Quý Hạo Nhiên

TƯƠNG QUAN SEN-BÙN

Tâm khảm khá nhiều người Việt ngày nay vẫn còn ưa chuộng một câu ca dao Việt Nam từ rất xưa:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, bông trắng, lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng, bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Một số nhóm/người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau còn có thể đi đến trạng thái chiếm hữu khái niệm ví von đó một khi tự vinh danh thổi phồng mình là “sen” nhưng lại không màng đến ngụ ý thâm sâu về ý nghĩa của hình tượng bùn trong câu ca dao đó.
Suốt chiều dài lịch sử liên hệ đến các xung đột mâu thuẫn trong xã hội dù lớn dù nhỏ, hiện tượng những nhóm/người cho-mình-là-trí-thức (hay nghệ-sĩ)--tự phong ta là kẻ có tư duy độc lập và khả năng sáng tạo khác người đời--dễ mắc phải triệu chứng kiêu ngạo (hay “chảnh”) này. Khi vơ vịn và thậm chí lậm lý lẽ của ngôn từ kiến thức và mê hoặc hay chịu áp lực của định luật phải sản xuất phải sáng tác để có chỗ đứng riêng, họ rất dễ quên rằng sen không thể sống mà thiếu cái đầm bùn lầy ấy.
Hiện tượng tự cho mình đặc quyền tách riêng này không thể chối cãi là có thật qua bao thế kỷ. Dù trong vô thức hay cố tình, một khi gán ghép cả quyết bùn là kẻ kia (the Other) (nhất là vì lú lẫn lãng quên tấm lòng của bùn lầy đã nuôi dưỡng cho sen thơm tỏa nồng) thì cách nhìn và lối sống vô ơn là chuyện chẳng đặng đừng. Hiện tượng đậm mùi giai cấp và liên quan đến một trạng thái của tâm bệnh vĩ cuồng đã ám ảnh, có khi ăn sâu trong, tâm khảm của nhiều người Việt Nam dù sống ở đâu. Và đã nhiều lúc dẫn dắt người ta đến chỗ lập tức phán xét ví người/nhóm khác là bùn, “sến”, “ngu dốt”, “man rợ”, hay được hợp xướng thành một tràn chuỗi định kiến như “Xấu. Huếnh. Rởm. Cẩu thả. Rẻ tiền”, v.v... và v.v...
Triệu chứng của hiện tượng này lúc nào cũng thấp thoáng đâu đó nhưng dường như vừa trỗi dậy bùng phát một lần nữa. Nó thể hiện qua một số vài bài viết mới đây dưới tiêu đề tự do ngôn luận và diễn luận “thống nhất trong đa dạng đa nguyên” (discourse of “unity through diversity”) — khởi xướng từ Trần Đông Đức (chủ bút Người Việt Đông Bắc) và Bùi Văn Phú đến bài của Đỗ Thái Nhiên qua các bài viết gởi đến BBC và Đàn Chim Việt, và mới đây nhất là dưới ngòi bút của Vũ Quý Hạo Nhiên (VQHN) tại Dân Luận — nhân chuyện nhật báo Người Việt lại một lần nữa đành hạ mình vì “người phụ trách đã phạm lỗi lầm lớn là đăng bức thư độc giả mà không đăng kèm theo lời giải thích, tạo sự ngỡ ngàng cho độc giả.”
Chúng tôi xin đưa ra một ví dụ về triệu chứng này qua một trong các bài viết ấy. Khi nhắc đến sự kiện liên quan đến tác phẩm nghệ thuật của Huỳnh Thủy Châu, Trần Đông Đức đã cổ võ cho hiện tượng tự-cho-mình-là-sen-(thơm) qua bài viết “kiến nghị” của ông ta. Trong khi say sưa xác định về bài viết gởi BBC trước đó (với ghi nhận VQHN “một cách khách quan và độc lập nhất mà [ông ta] có thể”), bài viết “kiến nghị” kế tiếp này của TDD cũng thể hiện rõ lối biện minh ra chiều dễ dãi đối với nghệ thuật. TDD cho nghệ thuật có quyền “dài rộng bao la” và “ý tưởng tung tăng như cánh bướm”, nhưng lại đóng khung khắc khe các phạm trù khác. Chẳng hạn như khi bàn luận về tương quan con người giữa cảm xúc và lý trí thì TDD diễn giải rằng “cộng đồng” là một nhóm “cố tình giam cầm cảm xúc, ác hóa cách diễn đạt để coi đó như là một biện pháp chà đạp người khác”.
TDD dành cho người làm nghệ thuật khoảng trời miễn nhiễm lương tâm như thể họ không cần một trách nhiệm nào đối với cộng đồng mà mình là một phần tử dù muốn dù không. Họ có đặc quyền được hành xử theo cảm quan cảm tính (như TDD?), và có thể lên tiếng chê trách phê bình hay đảo lộn nguyên tắc khái niệm cho dù tác phẩm cá nhân của mình mang tính xát muối vào vết thương lịch sử của một tập thể. Trái lại, TDD lại lãng quên “lớp bùn lầy” khi đòi hỏi cảm tính của những khán giả “bất đắc dĩ” phải được chế ngự để tôn trọng sự mênh mông “dài rộng” của người làm nghệ thuật. Ông ta còn gài khung (framing) khi xử dụng diễn luận “cộng đồng” với định nghĩa đơn điệu một chiều—cộng đồng thì đồng nghĩa với “bao dung, xây dựng”—hầu che lấp cảm tính và các khuất tất nhập nhằng khác do mâu thuẫn xung đột có liên quan đến quyền lực.
Thật ra đó chỉ là một ví dụ viết lách chủ quan “trong sen thơm cao ngạo” dẫn chúng tôi đến trọng tâm của bài này. Mục đích bài viết của chúng tôi là chia xẻ một số cảm nhận và suy nghĩ về vị trí sen-bùn của cái lăng kính cực đoan và quyết đoán đo lường về mặt lợi hại cho cộng đồng trong bài viết của VQHN, nhân vật đóng chính mà báo Người Việt đã tuyên bố là “cho thôi việc”.

“CỰC ĐOAN” TỪ VỊ TRÍ SEN-BÙN

Bài viết của VQHN trên Dân Luận mới đây dường như đưa ra một luận cứ giúp tác giả biện minh cho ứng xử của mình trong cương vị phụ tá chủ bút vừa đành khoác áo ra đi. Điều này đồng nghĩa là tác giả không (muốn) suy gẫm để cảm thấy điều mình đã làm (dù không chỉ là một lần và trên vài bình diện khác nhau) là có sai trái trong lăng kính đạo đức nghề nghiệp, hay có đụng chạm thương tổn đến một tập thể qua góc cạnh nhân bản và cảm quan một khi sát nhập với phần tư duy phản biện. Đây là một hành động có liên quan khả dĩ đến hiện tượng sen/bùn đề cập ở trên. Ngoài chuyện tác giả đã tự động đứng tách rời, không cha căng chú kiết gì với cái “nhóm cực đoan tư nhân” (vì họ là các kẻ kia — the Other) ấy, bài viết còn phản ảnh một chỗ đứng chịu ảnh hưởng của ngạo mạn như thể tác giả đã thấu triệt vấn đề.
Tác giả có vẻ muốn lên lớp người đọc về hiện tương liên hệ đến "harm principle" (nguyên tắc tổn thương thiệt hại) khi phán xét quả quyết như sau: "...cái nguy hiểm là tự dưng trao quyền cho nhóm cực đoan, thì, y như chính quyền cộng sản, họ sẽ lấn tới gây thiệt hại cho cả cộng đồng.". Thiệt hại cho cả cộng đồng như thế nào thì tác giả không hề triển khai ngoài việc thêm một câu là, “Không có cái gì hại cho cộng đồng, bằng tờ báo lớn nhất ở đó lại đầu hàng người cực đoan.” Tuy nhiên, không rõ là tác giả có ngộ đến việc nên áp dụng nguyên tắc tổn thương thiệt hại đó hay không vào chính những hành động của bản thân mình.
Thứ hai, luận cứ của tác giả xử dụng phép so sánh hai hình thức cực đoan--một thể chế chính quyền độc tài so với một nhóm hay tập thể hải ngoại mà tác giả xét định là "tư nhân"--nhưng không hề phân tích triển khai sâu rộng xem hai hình thức cực đoan này đã và đang diễn ra tại nơi chốn khác nhau như thế nào, và được lồng trong khung cảnh hay bối cảnh nào.
Cứ nhìn lại sự kiện tranh xã luận cho 12 biếm họa về nhà tiên tri Hồi giáo Muhammad mà tờ báo Jyllands-Posten của Đan Mạch đã cho ấn bản vào năm 2005. Sự kiện tranh chấp này đã kéo dài nhiều năm tháng và gây ra rất nhiều tổn hại về mặt quốc tế (chẳng hạn như tòa đại sứ của Đan Mạch tại một số nước đã bị phóng hỏa và hàng chục người đã bị thiệt mạng trong các cuộc biểu tình tại nhiều quốc gia khi cho in lại các biếm họa đó). Sự kiện ấy phải được thông hiểu trong bối cảnh kỳ thị phân biệt chủng tộc qua nỗi sợ ám ảnh tâm lý vô căn cứ về Hồi giáo, và cái nhìn nặng thiên kiến đối với người Hồi trong các mâu thuẫn tại Trung Đông cũng như cuộc chiến chính quyền Mỹ và các nước Tây Phương đeo đuổi dưới chiêu bài chống khủng bố. Lời khuyên đồng loạt của các nhà ngoại giao và giới chuyên trách về chống khủng bố mới đây nhất đã làm một trong những nhà xuất bản có tiếng, The Yale Press, không cho ấn hành các hình ảnh này trong một sách mới bàn luận về các biếm họa đã gây chấn động cả thế giới, “The Cartoons that Shook the World”.
Nếu bối cảnh không được đề cập đến thì một số vấn đề hệ trọng liên quan đến chuyện nền cho mỗi hiện tượng bỗng dưng bị xóa sổ một cách không công bằng, và dẫn đến chỗ luận cứ của tác giả xem có vẻ “có lý”, nhất là đối với những ai dễ tin, lười suy nghĩ, thiếu tỉnh thức.
Một số vấn đề rất quan trọng đến vị trí của một cộng đồng hải ngoại--chẳng hạn các ảnh hưởng của diễn luận hội nhập (discourse of integration) áp đặt lên các cộng đồng thuộc sắc dân thiểu số trong việc nhập cuộc với sinh hoạt xã hội Hoa Kỳ, ý nghĩa của quốc tịch và diễn luận định cư lạc nghiệp qua hình tượng mái ấm gia đình (discourse of home—đồng thuận với hình ảnh một cộng đồng không còn mang “mác” (mark) lưu vong tỵ nạn và cần đối ứng qua yêu thương, hòa hợp, chịu đựng, v.v. và v.v.), cũng như văn hóa sinh hoạt chính trị trong giòng chính và trên chính trường quốc tế, và sự định đoạt nhóm nào hiển nhiên có căn cước quốc gia. Khi các nhát dao uẫn khuất của vết thương lòng liên quan đến cuộc chiến, “chuyện mất nước”, và nỗi đau đớn khi chứng kiến nội tình đất nước nhiễu nhương chồng khắc lên những bối cảnh và diễn luận vừa đề cập thì các phản ứng mạnh mẽ của “bùn lầy” là điều khó tránh khỏi. Chuyện đó hoàn toàn khác với phản ứng của một chế độ độc tài tại VN.
Điều này minh họa việc gì? Tác giả đã không hề đề cập đến các vấn đề quan hệ mật thiết đến tương quan quyền lực khi làm công việc so sánh. Bài viết chỉ gài khung định đặt (framing) để nêu lên các điểm giống nhau của hiện tượng phán xét là “cực đoan”, và chọn lọc các sự kiện ví dụ cho phù hợp với điều tác giả cần chứng minh. Với cái nhìn tương đối phiến diện như thế của tác giả thì người đọc không được mục kích nhiều khía cạnh của vấn đề.
Trớ trêu thay tác giả quên đặc quyền của mình trong lúc cảnh cáo những ai trong đám đông thầm lặnng không có đặc quyền viết. Tác giả một mực tỏ thái độ võ đoán khi cho rằng nếu thái độ và hành động cực đoan hay/và đầu hàng tiếp diễn thì sẽ dẫn đến thiệt hại cộng đồng. Một nhận định quá đơn giản cho một hiện tượng xem ra rất đỗi phức tạp.
Câu hỏi cần phải đặt ra cho những ai viết lách làm báo (dù thuê hay độc lập) gởi đến các tập đoàn hay mạng truyền thông phải vượt qua phạm trù của diễn luận đa nguyên (discourse of pluralism) để chất vấn rằng:
Ai là người có đặc quyền viết? Viết cho ai? Cho các tập đoàn truyền thông (đậm mùi hay bắt chước) rập khuông kiểu tân-tự-do (neo-liberal), đặc biệt trong lúc bịt miệng (trực tiếp hay gián tiếp) các tiếng nói (không thể viết) của những thành phần bị xem là kẻ kia (the Other)? Nếu có đặc quyền thì viết và nói thế nào cũng như có lợi cho ai? Ngòi bút được xử dụng cho mục đích nào? Trong dụng ý gì? Dưới tiêu chuẩn nào? Nên trình bày ra sao để triển khai tính chất nhập nhằng của hiện tượng? Ai/nhóm nào sẽ bị xét định rạch ròi hoặc lãng quên qua ngòi bút để trở thành “kẻ kia” và như thế để có lợi cho ai?
Với một lối nhìn chủ quan và nhận định đơn giản nên tác giả không hề đặt ra dẫn chứng hay đào sâu về các giới hạn ẩn chìm của tự do ngôn luận—một phạm trù được đặt để trong một xã hội vị trọng cá nhân chủ nghĩa và tự do kiểu Tây/Mỹ (Western liberal democracy), nhất là lăng kính liên hệ đến quyền chủng tộc tối cao của họ.
Có bao giờ tác giả nghĩ đến các diễn luận của “tự do” (discourses of freedom) đó có thể dẫn ta đến cái ảo tưởng về tự do ý chí (illusion of autonomy) khi áp dụng triệt để trọng tâm của tự do cá nhân và tôn thờ cái nguyên tắc tổn thương thiệt hại (harm principle)—hai khái niệm của phương Tây được sinh sôi nảy nở dưới chiêu bài tự do dân chủ (“liberal democracy”) xem rất hấp dẫn trên bề mặt?
Các diễn luận này chỉ bẫy ta vào loại suy nghĩ cứng ngắc rằng mình đành phải “thỏa hiệp”, “đầu hàng”, “thua trận”, “lỗ lã”, v.v. và v.v... khi tiến hành một thương lượng với các kẻ kia thay vì là đó là cơ hội cho các giải pháp tiềm tàng đột phá.
Đã có quá nhiều quý vị đạt bằng cấp học vị cao tự đặt mình vào vị trí cá biệt tách riêng như thế--để kháng cự lại vị trí mình trong một tập thể--khi chắc mẫm rằng mọi thứ thuộc về mình. Cho nên trong bất cứ nhập cuộc nào của họ mà lãng vãng có mặt của sự thua thiệt nhượng bộ thì đó là một dự trù mất mát không thể chấp nhận được. Hóa ra mọi việc phức tạp qua bàn tay phù phép chữ nghĩa của người cho mình là "trí thức" lại chỉ được nhìn từ lăng kính trắng đen mà thôi?
Có bao giờ tác giả thừa nhận là cách đặt vấn đề của mình bị giới hạn? Như nhiều bài khác, thủ thuật gài khung của tác giả bị giới hạn do vị trí, khả năng tri thức, và tác động qua lại giữa kinh nghiệm cá nhânbề dày lịch sử của một tập thể cộng đồng muốn được công nhận quyền công dân bình đẳng qua các đóng góp trong xã hội nhưng không có tương quan quyền lực trong bàn cờ chính trị địa phương và quốc tế.
Tóm lại, lối suy nghĩ phân tích của tác giả trọng lý khinh tình và không diễn đạt được chiều sâu của vấn đề mà phần nào có liên quan đến hiện tượng sen-bùn. Liệu tác giả có tự hỏi lối suy diễn chủ quan với kết luận bằng một cảnh cáo về thiệt hại cho cộng đồng do “CCCD” thì có lợi cho ai và gây thiệt hại cho ai, thuộc cơ tầng nào?
Thật dễ để tự chọn cho mình chỗ đứng về phía “trung lập” (neutral) trong cái thỏa hiệp ngầm không màng gì đến cường quyền/bạo lực vì nó có thể giúp tránh né được phần nào cái thiệt hại đến quyền lợi riêng tư. Và than ôi thật là khó để chọn vị trí tay lấm chân bùn về phía của nước mắt và máu với thiệt hại vô phần.
Admin gửi hôm Thứ Tư, 08/08/2012
nguồn:http://danluan.org/node/13713
--------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001