Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Tại sao cần phải kỷ luật? 


Kỷ luật về thực chất là một loại hình phạt ở mức độ thấp. Do vậy lý do cần thiết phải kỷ luật cho người phạm lỗi cũng giống như lý do cần thiết phải dùng hình phạt cho người phạm tội. Người phạm tội là người đã vi phạm những thiết chế xã hội, và do vậy anh ta phải chịu hình phạt cần thiết để thiết chế xã hội ổn định, không bị phá vỡ và đồng thời qua đó thể hiện tính công bằng trong xã hội. Có những học thuyết khác về hình phạt, đưa ra những ý nghĩa bổ sung khác cho hình phạt như tính răn đe, hay tính giáo dục, cải tạo con người, nhưng cũng không loại bỏ chân lý cơ bản trên về hình phạt. Kỷ luật cũng giống như vậy, tuy ở mức độ thấp và có thể chỉ áp dụng trong một phạm vi cộng đồng hay tổ chức xã hội hẹp. Người phạm lỗi là người vi phạm thiết chế của cộng đồng hay tổ chức xã hội, hay vi phạm thiết chế của toàn thể xã hội nhưng chưa đến mức chịu hình phạt. Người phạm lỗi cần thiết phải bị kỷ luật, bởi vì nếu không kỷ luật thì thiết chế của cộng đồng hay tổ chức xã hội sẽ bị phá vỡ, tính công bằng được thiết lập trong cộng đồng hay tổ chức xã hội đó sẽ bị tiêu diệt, và dẫn tới cộng đồng hay tổ chức xã hội đó sẽ bị diệt vong.

Những luận điểm sau về vấn đề không thi hành kỷ luật với người phạm lỗi là ngụy biện:

* Không thi hành kỷ luật vì sợ rằng có những thế lực khác lợi dụng chuyện thi hành kỷ luật để chống phá cộng đồng hay tổ chức xã hội. Thực chất, không thi hành kỷ luật mới chính là nhân tố công phá tính ổn định, tính công bằng của cộng đồng và tổ chức xã hội.

* Không thi hành kỷ luật vì chưa tìm được người thay thế tốt hơn cho người bị kỷ luật. Đây là một luận điểm ngụy biện dựa trên học thuyết thần thánh hóa cá nhân, cho rằng trong một cộng đồng hay tổ chức xã hội chỉ có duy nhất một cá nhân thần thánh, không thể thay thế được và do vậy không thể kỷ luật được. Luận điểm này vừa mang tính giáo điều, vừa mang tính mê tín.

* Không thi hành kỷ luật vì sợ rằng nếu kỷ luật thì tình thế có thay đổi gì không, có tốt hơn lên không. Luận điểm này là ngụy biện đánh tráo mục đích của kỷ luật. Mục đích của kỷ luật không phải nhằm thay đổi tình thế hay làm cho tình thế tốt hơn. Mục đích của kỷ luật là nhằm tái lập sự ổn định và tính công bằng của cộng đồng và tổ chức xã hội mà hành vi phạm lỗi đã phá vỡ. Sự thay đổi của tình thế theo khuynh hướng tốt lên sau khi tiến hành kỷ luật là hệ quả phái sinh của tính ổn định và tính công bằng của cộng đồng và tổ chức xã hội, chứ không phải là mục đích hay mục tiêu của kỷ luật. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001