Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

TẢN MẠN VỀ
MỘT NGÔI LÀNG LỚN, VỚI MÀU ÁO ĐỎ.
hạ đình nguyên.
Tháng 9- Sài gòn

Cách đây hơn mười năm, có một du khách nước ngoài, từ Sài gòn đi Hà nội, rồi quay về lại Sài gòn, trong câu chuyện với tách café, ông ta nói : “Sài gòn là một thành phố lớn, Hà nội là một ngôi làng lớn” (Saigon is a big city, Hanoi is a big village).
Tôi thầm nghĩ về nhận xét của ông khách, chỉ cởi ngựa xem hoa, làm sao hiểu được chiều sâu của mảnh đất nghìn năm văn vật xứ sở nầy. Vì thế không thể trách ông ta. Có lẽ, ông chỉ chú ý về dân số, về diện tích, về những người đi qua lại, với cái hồ nước lặng câm, từng vang danh là Hồ Gươm thơ mộng, từng là biểu tượng đầy vẻ đẹp của sự kiêu hãnh, quật cường.
Một Hà nội mà các Văn nhân, Thi sĩ không hết lời ngợi ca, về danh lam thắng cảnh, về phong cách sống của con người Hà nội, về di tích văn hóa, các chứng tích lịch sử chống ngoại xâm oai hùng của tiền nhân, về khí phách và mưu trí mà cả nước phải ngưỡng mộ dành riêng cho người Hà nội, bằng một từ ngữ đã thành danh : “Sĩ Phu Bắc Hà”. Nhiều nhạc sĩ như Phan Nhân, Trịnh Công Sơn, Phạm Tuyên, và nhiều nữa, đã tả không hết vẻ đẹp của nó, không những là vẻ đẹp của thiên nhiên, con người, mà còn là cái đẹp tinh thần bất khuất của bao thế thế hệ nam thanh nữ tú, đã hăm hở từ biệt phố phường của tuổi xuân rực rỡ, lên đường kháng chiến cùng với thanh niên nam nữ cả nước của mùa thu năm ấy. Cái đẹp của Hà nội nhiều lắm, nhưng chỉ xin lấy vài câu trong bài ca của nhạc sĩ Phan Nhân thôi, cũng đủ là tiêu biểu cho những ý nghĩa..
“Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời…”. Xin mọi người tạm dừng lại ở câu nầy. Nó là thơ ?, là nhạc?, là họa ? sao mà đầy màu sắc, và lập tức mở ra cho ta một không gian bao la, sinh động mà sáng sủa, gợi thương, gợi nhớ cho cả những người dù chưa biết về Hà nội. Nhưng không chỉ có thế ! Riêng tiếng Hồ Gươm đã dựng lên một chiều kích lịch sử sâu thẳm mà thiêng liêng, đã hích hoạt cho một tinh thần yêu nước bật dậy, một tinh thần chiến đấu như ánh sắc của lưỡi gươm. Có lẽ trên thế giới có hàng triệu chiếc hồ nhưng chưa từng có một chiếc hồ nào mang cái tên độc đáo là “Hồ Gươm” gắn liền với một huyền thoại bất hủ của dân tộc. Mà mặt nước Hồ Gươm “vẫn” trong xanh êm ả, sau nhiều đợt vần vũ như cơn bảo táp quay cuồng của hằng chục máy bay B52 cùng với bom đạn, nó “vẫn” lung linh mây trời, như lòng người Hà nội cùng với chiếc gươm báu trong tim.
“Hà nội ngát hương thơm hoa Thủ Đô …”. Tôi không nghĩ đó là giống hoa cụ thề nào. Nhưng hiểu là loại hoa vô cùng đặc biệt, tên Hoa Thủ Đô ! Là loại hoa yêu nước và chiến đấu, là bộ phận đầu não và tinh hoa của cuộc kháng chiến mà cả nước hướng về với tất cả niềm tin. Và người nhạc sĩ tài hoa Phan Nhân đã hạ xuống một câu kết : “Hà nội đó, niềm tin yêu và hy vọng của núi sông hôm nay và mai sau…”.
Tôi có duyên may, đã tình cờ gặp anh Phan Nhân một lần trên một đồi chè tỉnh Lâm Đồng. Anh nén nót tiềng đàn, cố dạy cho tôi và mấy bạn, hát cho đúng âm tiết của lời ca chứa đựng đau thương mà không hề nao núng, trong bối cảnh và não trạng mà anh đã trải qua và cố thể hiện, sau trận bom B52 bão bùng, tơi tả với cảnh “mặt nước Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời”. Người nghe, dù gần 40 năm chiến tranh đã đi qua, vẫn sống dậy trong lòng những cảm xúc chân thực và sống động. Bây giờ, đã lâu không gặp, không có tin tức, tôi vẫn mãi nhớ đến anh. Nếu còn sống, có lẽ, anh cũng đang lung linh đâu đó, với niềm tin yêu và hy vọng, trong một không gian hẹp của người cao tuổi, cái tuổi mà vật chất đang rủ nhau tan rã, thầm mong rằng với tiếng đàn, anh tự an ủi được mình, vì dù sao anh cũng đã sống trọn vẹn với chính mình, cho dù “Hà nội đó” ngày nay có ra sao, nhưng Hoa Thủ Đô thì mãi mãi vẫn còn đó, vì còn đất nước là còn Thủ Đô, dù ở một địa danh nào.
Cái “Hà nội đó” của anh ngày nào, nay đã khác. Khác, không vì không gian được/bị mở rộng (sang Hà Tây), có nhiều dinh thự, biệt thự hay nhà cao tầng, nhiều người giàu có hơn, và nhiều thứ nữa. Nó khác vì…quá nhiều điều không thể nào kể lể hết, thí dụ như cướp giựt, giết người, cưa trộm cây to giữa phố, cướp hoa trong lễ hội, cấm học sinh hôn nhau, tụt quần nhau, CA đánh chết người vì không đội nón bảo hiểm, mua bán bằng cấp, đường dây buôn lậu, bán trè em, bắt cóc phụ nữ, xuất khẩu trộm lao động, tham nhũng rồi bỏ chạy như cao bồi, tiêu thụ (ăn ) thực phẩm độc hại của TQ, khi thì tay, khi thì chân phụ nữ tự nhiên trôi trên sông Hồng… (xem báo hằng ngày thì rõ). Nhưng theo ông chủ tịch của “Làng Lớn” Nguyễn Thế Thảo, không nói rằng các thứ trên là làm xấu bộ mặt Thủ Đô. Ông nói cái “Hà nội đó’ của anh ngày nay có nhiều cái tệ lắm, nó làm xấu Hà nội, nhưng không phải những thứ kể trên, phức tạp lắm, nhưng để dễ tổng kết, là nên tìm hiểu thông qua các lời tuyên bố và các chỉ thị rành rành bộc lộ từ… trên cấp (sur échelon), như cái chỉ thị đám cưới 300 người, (đám cưới tống tiền cỡ 300 là vừa mức văn minh), như sự hiện diện của nhiều thế lực phản động và bọn cơ hội cứ nhởn nhơ đàn đúm, tại các công viên hoặc tụ tập nấu ăn trước sân cơ quan công quyền, lại có thứ công dân lạ kỳ là đưa mặt cho người khác “dẫm” lên để lấy làm vui (như Chí Đức), hoặc các thanh niên nam nữ tự nguyện làm cái bao rác cho an ninh chìm “thảy” lên xe chơi, nhưng xốn mắt nhất là những cái áo đỏ màu quốc kỳ đi qua đi lại…, đến nỗi ông phát chán mà không biết làm gì, bèn lệnh cho các cấp quay ra tăng cường công tác “giáo dục nhân dân” để biết thế nào là cái đẹp của Thủ Đô. Cách giáo dục nầy có lẽ là bằng phương pháp dùi cui. Xét thấy hệ thống giáo dục của nhà nước hiện nay cũng bị chê bai nhiều lắm, cả các trường Mỹ thuật nữa, nên chăng dẹp hết, giao hết cho Ông Nguyễn Thế Thảo, một nhà giáo vĩ đại, mà quý hiếm, là đúng sở trường, năng khiếu. Hoặc giả, vì cái phương châm, hay khẩu hiệu: “ Cán bộ là đầy tớ của nhân dân” không cần thiết nữa (khi nào cần thì lấy ra sử dụng lại), nên nay cần phải lấy ngay quan niệm xưa thời Phong kiến mà dùng: “Quan chi phụ mẫu” (Quan, cách gọi mới là cán bộ, là cha mẹ của dân), nên ông Thảo mới ra tay giáo dục ? Thế mới biết, cái gì quá sự thật thì sinh ra nói dối, tốt quá lại hóa quá xấu, thành ra là lủng lẳng, đu đưa, lắc tới lắc lui, không tới đâu cả, trong môn vật lý, người ta gọi là dao động cơ học. Đúng thế, cả nước đang lắc lư cơ học, mà theo ông Trung Tá Hiển (P6,Q3) gọi cái lắc lư đó là “tự do”, vào ngày xử vụ án các bloggers 24-9-2012 lịch sử, tại TP HCM. Đúng là tự do, tự do nói năng của hai ông cũng rất ngang tầm.
Riêng tôi, chỉ dám khác một chút với ông Chủ tịch Cái Làng Lớn là, tôi thấy các bóng dáng của “áo đỏ” thì rất vui, nó rất lung linh mặt Hồ Gươm và có cả mây trời, Và cái “đẹp” nhất của Thủ Đô Hà nội hiện nay lại vẫn thuộc về những lời tuyên bố của ông chủ Làng, giống cái làng “Vũ Đại ngày ấy”, có cả ông Lý trưởng đáng kính, chị Dậu xinh đẹp, và anh Chí Phèo thân yêu!! Xuất phát những dòng tản mạn nầy, khi nghe những chỉ thị làm đẹp Thủ Đô của ông chủ tịch, tôi lại nhớ đến những bài ca về Hà nội, lại nhớ đến anh Phan Nhân, duyên một lần gặp gỡ, nhưng không biết anh ra sao (sống hay đã đi xa), nên gởi đôi lời cầu âu trên mạng cho gió mang đi, nhắc lại một chút tâm tình, lòng cũng mong rằng, giá như Hội Nghị Trung Ương đang diễn ra, họ cùng đồng ca bài “Hà nội đó” của anh, thì biết đâu có tác dụng hữu ích không ngờ.

HĐN

Sài gòn tháng 9 trời đang mưa tầm tã


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001