Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Hồ Xuân Hương: Thay đổi một quốc gia bằng thơ
Elena Nguyễn, Đại học Mary Baldwin
Nguyễn thị Hải Hà dịch, trích từ TQBT số 53
Nhà thơ Việt Nam Hồ Xuân Hương từ xưa đến nay vẫn được xem là một trong những nhà thơ lớn nhất và gây nhiều tranh luận nhất. Vào thời kỳ vị trí của người phụ nữ trong xã hội càng lúc càng trở nên khiêm nhường vì bị ảnh hưởng bởi học thuyết Khổng Tử, chỉ riêng cái ý muốn làm thơ của bà cũng đủ làm dư luận bất bình. Thơ của bà càng đáng sợ hơn bởi vì ý tứ chua cay phê phán xã hội đương thời, ẩn chứa nhục cảm, và sự khôi hài dí dỏm ngụ ý tình dục đã phản kháng phá vỡ những qui luật xã hội, mang giọng nói cho phụ nữ Việt cũng như tạo tiếng vang cho ngôn ngữ Việt.
Cơ cấu và kỹ thuật thơ đã hữu hiệu đưa những bài thơ của bà Hồ Xuân Hương vượt qua mức đơn giản của ẩn dụ và so sánh. Thơ Hồ Xuân Hương giống như những mảnh rời nối kết với nhau một cách rất phức tạp không chỉ mang một nghĩa ngầm, mà có hai nghĩa – nghĩa thứ nhất có tính cách trêu cợt gợi cảm và nghĩa thứ hai nghiêm túc hơn kêu gọi cải cách xã hội. Thường khi, cái có vẻ như miêu tả phong cảnh Việt Nam thật ra tràn đầy những ẩn dụ tình dục. “Đèo Ba Dội” là thí dụ điển hình của loại thơ này được John Balaban dịch ra như sau: (1)
A cliff face. Another. And still a third.
Who was so skilled to carve this craggy scene
The cavern’s red door, the ridge’s narrow cleft,
The black knoll bearded with little mosses?
A twisting pine bough plunges in the wind,
Showering a willow’s leaves with glistening drops.
Gentlemen, lords, who could refuse, though weary
And shaky in his knees, to mount once more?
Nguyên tác:
Một đèo, một đèo, lại một đèo
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc
Hòn đá xanh rì lún phún rêu
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo
Hiền nhân quan tử ai mà chẳng
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo (2)
Đối với tư tưởng người trinh bạch, bài thơ này có vẻ như lời kể vô tư về chuyến leo núi của một nhóm quan chức. Mặt khác, những người ít “trong sạch” ngay tức khắc sẽ nhìn thấy sự ví von về âm hộ cũng như giao hợp (ở Việt Nam, cây thông là hình ảnh tượng trưng cho đàn ông và cây liễu tượng trưng cho đàn bà).
Hồ Xuân Hương
Hồ Xuân Hương
Điều thất thoát trong bản dịch bài thơ “Đèo Ba Dội”, là cách chơi chữ ranh mãnh độc đáo của bà, đổi vị trí của chữ – cách chơi chữ phổ thông của người Việt gọi là nói lái – và “âm vang của chữ” (cùng vần nhưng khác dấu) làm cho bài thơ mang nhiều ngụ ý rất thú vị. Thí dụ, câu đầu tiên của bài thơ trong nguyên tác là “Một đèo, một đèo, lại một đèo” (Dinh, para. 7). Bởi vì tiếng Việt dựa vào sự lên xuống giọng của chữ, “đeo” có thể biến thành nghĩa khác tùy theo dấu của chữ và nội dung của bài (văn cảnh).
Trong bài thơ, chữ “đèo,” trích từ câu “một đèo, một đèo, lại một đèo.” Tuy nhiên, nếu dấu trên chữ nghiêng về phía ngược lại (ý nói là dấu sắc), như trong chữ “đéo,” câu thơ dịch thành “Một đéo, một đéo, lại một đéo” (B&N.com) – điều này đa số người Việt nhận ra ngay lập tức.
Trên bề mặt, những bài thơ tương tự “Đèo Ba Dội” dường như là những bài thơ hoàn toàn đúng niêm luật và bảo thủ dùng hình ảnh cổ truyền của Khổng giáo liên quan đến thiên nhiên. Tuy nhiên, cái tư tưởng dục vọng trác táng gói ghém trong sự miêu tả cảnh thiên nhiên đã thêm chiều hướng phản kháng vào trong nền thi ca tượng trưng cho sự cao quí của xã hội bị ảnh hưởng bởi Trung quốc. Trong khi chính quyền có vẻ như liêm chính và đức hạnh trong việc áp dụng quan niệm Khổng tử để ngăn cấm sự lõa thể và tình dục trong nghệ thuật, nhà thơ Hồ Xuân Hương đã vạch ra rằng đám quan lại nam giới này gian dối và đạo đức giả trong cách cai trị, hầu hết bọn họ có nhiều vợ và ngoại tình – một sự thật mà bà Hồ Xuân Hương có thể làm nhân chứng, vì bà cũng là vợ lẽ.
Bên cạnh những câu thơ khéo léo ngầm chứa những lời phê phán xã hội và chính trị thấy trong thơ của bà, trong nhiều bài thơ khác bà cũng bày tỏ cảm tưởng về các nhà lãnh đạo tôn giáo. Một lần nữa, trong khi chủ đề tôn giáo trong những bài thơ biểu hiện lòng tôn kính và mộ đạo của bà, đọc kỹ sẽ nhìn thấy sự phê phán chua cay về giới chức tôn giáo đã bị băng hoại. Thí dụ, “Vịnh Sư Hoành Dâm” (3) diễn tả sự cố gắng của ông nhà sư đương đầu với cuộc hành trình để đến “Tây Trúc” tìm Phật (dịch bởi John Balaban):
Bản dịch:
A life in religion weighs heavier than stone.
Everything can rest on just one little thing.
My boat of compassion would have sailed to Paradise
If only bad winds hadn’t turned me around
Nguyên tác:
Cái kiếp tu hành nặng đá đeo
Vị gì một chút tẻo tèo teo
Buồm từ cũng muốn về Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn lèo
Trong nguyên tác tiếng Việt, câu đầu tiên “Cái kiếp tu hành nặng đá đeo,”(Dinh, para. 12) với chữ “đeo” có nghĩa là “mang hay khiêng.” Đọc trại giọng một chút, “đeo” có thể biến thành “đéo,” có nghĩa là “giao hợp,” như đã nói trong bài thơ “Đèo Ba Dội.” Bài thơ còn mang ý nghĩa ngầm rất tục tằn biểu lộ trong câu cuối “Trái gió cho nên phải lộn lèo.” Ở đây nhà thơ đã nhẹ nhàng ám chỉ dụng ý của bà qua hai chữ “lộn lèo,” có nghĩa là “quay trở lại hay quay hướng khác” (para. 13). Khi nói lái, nó biến thành “lẹo lồn” là một cách diễn tả chuyện giao hợp và âm hộ một cách rất tục tằn. (4)
Mặc dù điều này có lẽ đã được ám chỉ ở tựa đề của bài thơ, giọng điệu ẩn chứa trong bài thơ “Vịnh Sư Hoành Dâm” đã thay đổi hoàn toàn nghĩa của bài thơ. Cái dường như là cuộc hành trình đi tìm Phật thật ra đầy dẫy gian dối dâm dật. Cái “tẻo tèo teo” đã hành hạ nhà sư và “trái gió” đã ngăn cản nhà sư tìm về Tây Trúc được dùng để ám chỉ cùng một thứ – tình dục. Trong khi bài thơ không có ý nói rằng các nhà sư lúc nào cũng lén lút ân ái với phụ nữ, chắc chắn nó biểu lộ tình trạng đạo đức của các giới chức tôn giáo lúc bấy giờ.
Thêm vào những thông điệp hấp dẫn được giấu giếm tài tình trong vẻ lấp lánh của cái tục, tính chất độc nhất vô nhị về thơ của bà Hồ Xuân Hương nằm ở trong chính cái ngôn ngữ bà dùng. Trong khi hầu hết mọi nhà thơ Việt thời bấy giờ dùng chữ Hán, bà Hồ Xuân Hương chọn cách viết bằng tiếng Việt – hay nói đúng hơn là dùng chữ Nôm cổ, cách viết tiếng Việt trước khi dùng mẫu tự La Tinh như cách viết bây giờ. Dùng chữ Nôm, bà Hồ Xuân Hương đã chế nhạo văn thi sĩ thời bấy giờ, những kẻ đầy tự phụ tuân theo cái được xem là ảnh hưởng cao quý của Trung quốc – chọn những chủ đề tầm thường vô vị của Khổng giáo mà, thật tất yếu, đã ruồng bỏ dân tộc của mình. Bằng cách dùng chữ Nôm, bà Hồ Xuân Hương đã đi ngược lại thói thường và làm vang vọng tiếng nói của người dân bình thường – trái tim của Việt Nam – cũng như đã trình bày cái thẩm mỹ và khả năng văn chương phi thường của ngôn ngữ Việt.
Trong khi thực hiện kỳ công sáng tác ba bài thơ gồm trong một, Hồ Xuân Hương không những làm độc giả thú vị với sự tinh quái tục ngầm mà còn trưng ra lời phê bình về xã hội phụ hệ đặt nền tảng trên ảnh hưởng của Trung quốc – một “toan tính” khá nguy hiểm đã thành công trong việc lẩn tránh và tự giải thoát khỏi vòng kiểm duyệt nhờ sự giả trang khôn khéo này. Nếu như tài làm thơ của bà kém đi một chút, có lẽ bà đã bị trừng phạt và có thể bị xử tử ngay lúc ấy. Sự thật là những bài thơ của bà đã được kính trọng và bảo tồn cả hằng mấy thế kỷ đã chứng minh rằng bà đã đi trước thời đại của bà rất xa, bằng sự hiểu biết sâu sắc đầy tính xúc tác của bà và cái óc khôi hài sắc sảo không ai có thể so sánh bà đã mạo hiểm đến những nơi mà những văn thi sĩ đồng thời với bà – cả nam lẫn nữ – đều không dám đến và làm nổi bật bà thành biểu tượng tuyệt đối của lòng can đảm và nhiệt huyết của người Việt Nam.
———
(1) Bài thơ dịch của John Balaban được giữ để độc giả tiếng Việt thưởng thức hay tham khảo
(2) http://vi.wikisource.org/wiki/%C4%90%C3%A8o_Ba_D% E1%BB%99i
(3) http://www.johnbalaban.com/articles/translatingvietnamese-
poetry.html
Chú thích của người dịch: tôi tìm thấy tên của bài thơ trong bài tiểu luận của Giáo Sư John Balaban. Tôi không có điều kiện để kiểm chứng sự chính xác của tựa đề. Rất có thể tựa đề là Vịnh Sư Hoang Dâm chứ không phải Hoành Dâm do đó ông Balaban dịch chữ “hoang dâm” thành chữ “lustful.” Có một nguồn khác dùng là “Vịnh Kiếp Tu Hành.”
(4) Chú thích của người dịch: Ở đây tác giả bài viết đã không chú ý đến chữ “trái gió” nếu nói lái sẽ biến thành “dái chó” cũng là một cách để mắng các nhà sư hoang dâm. Xin nhớ cách phát âm của người miền Bắc chữ “tr” thường được phát âm giống như “ch” và chữ “gi” thường được phát âm giống như “d.”
nguồn:http://phiatruoc.info/ho-xuan-huong-thay-doi-mot-quoc-gia-bang-tho-2/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001