Ai chịu trách nhiệm về việc xả lũ vào dân?
(Người Việt) -
Miền Trung tan hoang vì lũ, Hốt hoảng chạy lũ, Bất ngờ vì lũ, Vật lộn
với lũ dữ… là những tít báo ngập tràn cuối tuần qua. Thương thay miền
Trung, vừa thoát bão thì nay lại lũ ập xuống đầu mà trong đó có phần
chính là nước từ 15 hồ thủy điện đồng loạt xả tràn. Chết người, mất tài
sản, ai phải chịu trách nhiệm?
Người dân miền Trung bồng bế nhau chạy lũ |
Tính đến hết ngày 16.11, tại 6 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã
có 29 người chết, 8 người mất tích, hàng chục nghìn ngôi nhà bị nhấn
chìm, giao thông chia cắt... vì trận lũ lịch sử. Con số đau lòng này e
là sẽ càng tiếp tục tăng lên vì mưa lũ vẫn chưa có điểm dừng.
Trong số những người chết vì lũ, có cái chết thương tâm của 2 cô giáo
trẻ ở hai ngôi trường nhỏ tại xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang, tỉnh Gia
Lai) đang trên đường đến với học trò. Có nhiều em bé trên đường đến
trường, có em nhỏ bơi qua sông chăn bò bị lũ cuốn trôi…Phận người mong
manh trong cơn đại hồng thủy.
Ông Phạm Thế Dũng- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định: Các hồ chứa
nước thủy điện xả lũ mà báo trước quá gấp nên dân trở tay không kịp,
nhiều gia đình chỉ kịp chạy tháo thân mà không kịp mang theo gì, tất cả
tài sản bị nhấn chìm dưới nước.
Đã nhiều năm nay, miền Trung khốn khổ vì các nhà máy thủy điện, nhà
máy thủy điện xây tràn lan thiếu quy hoạch, dung tích hồ chứa nước bé,
cứ đến mùa mưa lũ chẳng còn cách nào khác là xả lũ xuống đầu dân ở hạ
du. Nước trong hồ chứa xả ra hòa lẫn với nước sông, dâng cao tràn vào
làng xóm, giết hại dân lành, nhấn chìm nhà cửa, hoa màu, thật là một tội
ác âm thầm và êm thấm.
Báo Tuổi trẻ cho biết, tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, phần tiếp
thu, giải trình của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng để kết thúc
cuộc thảo luận về kết quả rà soát quy hoạch thủy điện cũng không khiến
các đại biểu hài lòng, có người đã nói thẳng: “Không hiểu Bộ trưởng nói
gì” khi ông Vũ Huy Hoàng cho biết: “Quy hoạch thủy điện trải qua nhiều
thời kỳ là quy hoạch chung của cả nước chứ không phải quy hoạch riêng
của Chính phủ hay Bộ Công thương...
Chúng ta nói về chúng ta chứ không
phải chúng ta nói về Chính phủ, cũng không phải chúng ta chỉ nói về bộ,
ngành này hay bộ, ngành khác mà chúng ta nói về chúng ta”.
Những mái nhà dân chìm trong nước |
Cấp Bộ thì đổ lỗi cho cấp địa phương phê duyệt quy hoạch, nhưng cấp địa phương lại phản pháo cho rằng không lãnh đạo địa phương nào dám đặt bút ký quy hoạch thủy điện của địa phương mình nếu không có sự đồng thuận của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Giữa cái đống bùng nhùng của các vị đá qua đá lại quả bóng trách nhiệm đó, năm nào dân cũng chết vì lũ, mất nhà cửa, mất cơ nghiệp vì lũ, trong đó đóng góp một phần trách nhiệm lớn từ thủy điện xả lũ và việc phá rừng tràn lan làm thủy điện.
Nhìn cảnh lũ mênh mông nhấn chìm những nóc nhà, cuốn trôi cầu huyết mạch trên Quốc lộ 1A ở Bình Định, đường Gia Lai sạt lở và bị đứt tuyến giao thông, người dân bồng bế nhau chạy lũ, rối ren như kiến chạy mưa càng thấy xót thương và bức xúc.
Chúng ta đã tốn tiền thuế cho một bộ máy
gồm những người chịu trách nhiệm phê duyệt các quy hoạch ở cấp Bộ,
những người có trách nhiệm kiểm tra chấn chỉnh hoạt động của thủy điện
tại các địa phương hàng bao nhiêu năm qua ra sao để hàng chục năm nay,
dân vẫn phải gánh chịu những “nhân tai” như vậy?
Người chết, nhà mất, đường sá cầu cống
trong phút chốc tan hoang và việc khắc phục sẽ kéo theo sự tốn phí bao
nhiêu tiền của, thời gian, sức người. Tất cả chỉ là hệ lụy của những chữ
ký vô trách nhiệm, của tầm nhìn ngắn hạn, của những báo cáo thẩm tra
qua quýt bị che mờ bởi lợi ích nhóm.
Tất nhiên, người thiệt thòi mất mát bao
giờ cũng là dân, dân nghèo cùng đinh và chẳng biết kêu ai, ngửa mặt lên
Trời thì Trời chẳng thấu, nhìn bốn bề xung quanh thì chỉ có nước là
nước, trong cơn đại hồng thủy nhấn chìm tất cả. 29 người đã chết và bao
nhiêu người mất tích, ai sẽ nói với họ rằng họ chết bởi vì đâu, trách
nhiệm tại ai?
Một đồng nghiệp của tôi- người có nhiệm
vụ theo dõi kỳ họp Quốc hội đang diễn ra đã chia sẻ một con số rất đáng
chú ý này: “Trong 498 đại biểu Quốc hội được hỏi xin ý kiến sẽ chất vấn
ai, thì có 202 vị chẳng có ý kiến gì, nghĩa là ai cũng được. Điều này
nghĩa là sao nhỉ? Các đại biểu ấy đã thực sự chán ngấy với bất cứ thành
viên Chính phủ nào trả lời nên ai chẳng được? Hay họ đã hoàn toàn vô cảm
trước bức xúc cử tri về lũ lụt, về giá-lương-tiền, về những vụ án oan,
về những cái chết tức tưởi của người dân khi gặp bác sĩ?”
Thật sợ hãi biết bao khi trước những tai
họa mà người dân đang hàng ngày gánh chịu, những người chịu trách nhiệm
là đại-biểu- của-dân, để bảo vệ quyền lợi của dân lại im lặng, thờ ơ,
vô cảm thế này.
Sự thờ ơ, nín câm, vô cảm này đang gây
ra “nhân tai” cho chính chúng ta, và cái thứ “nhân tai” này mới đáng sợ
làm sao, ghê rợn hơn nhiều “thiên tai” khi nó đến từ sự dốt nát và lạnh
lùng của chính con người.
Mi An
Nguồn: Đất Việt.
nguồn:http://xuandienhannom.blogspot.com/2013/11/ai-chiu-trach-nhiem-ve-viec-xa-lu-vao.html
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001