Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Điều tra kiểu bức cung - nhục hình, không oan mới lạ!

Điều tra kiểu bức cung - nhục hình, không oan mới lạ! 



11-23-2013, 08:22 AM          
06:00 | 18/11/2013
Trong những ngày qua, dư luận cả nước bất bình trước vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án oan sai (đã thụ án 10 năm vì tội giết người) bởi kết luận điều tra sai của Công an tỉnh Bắc Giang và những lời phán quyết của TAND Tối cao. Ông Chấn chỉ được minh oan khi kẻ giết người thực sự ra đầu thú.




5/9 công dân bị oan trong vụ trộm tượng đến cảm ơn các luật sư Văn phòng luật sư Hà Đăng (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) hôm 12/7/2006 vì đã cứu mình thoát tội trộm tượng sau gần 3 năm bị giam cầm, đánh đập dã man. Bị cáo Dương Văn Trung (thứ 2 từ trái sang) đã chết do ảnh hưởng bởi giam cầm sau khi được thả và minh oan.

Và lúc này, 6 điều tra viên (không kể 1 điều tra viên đã chết vì tai nạn) đã hoàn tất việc nộp bản tường trình về quá trình điều tra vụ án này, tất cả đều có chung cam kết: Không bức cung, nhục hình với ông Nguyễn Thanh Chấn.
Ở đây, tôi chưa bàn đến sự trung thực của các điều tra viên này, chỉ có điều những gì ông Chấn đã kêu oan, tố cáo (về việc bị các điều tra viên bức cung nhục hình, bắt nhận tội) ngay từ bị đưa ra xét xử đến nay đã 10 năm đã nói lên điều gì?
Là một nhà báo, đã từng tham gia (cùng các luật sư: Mỹ Hà, Hà Đăng… Văn phòng Luật sư Hà Đăng, nay là Công ty Luật Hà Đăng, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) đấu tranh giành giật tự do cho 09 công dân bị Công an tỉnh Bắc Giang bắt oan sai vào năm 2003 (được thả tại Tòa vào năm 2006) thì tôi tin rằng những điều ông Chấn tố cáo bị bức cung nhục hình là có thật.
Đó là các vụ án trộm cổ vật xảy ra ở một số đình, chùa tại tỉnh Bắc Giang từ giữa năm 2001 đến 2003. Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) các huyện Lục Nam, Lạng Giang, Yên Dũng đã cho khởi tố vụ án hình sự. Song, điều tra mãi mà chẳng tóm được tên trộm nào nên đã có quyết định đình chỉ vụ án.
Tháng 9/2003 Công an huyện Lục Nam được Công an xã Khám Lạng giao nộp một đối tượng bị truy tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (xe máy). Đối tượng này là tiểu Thích Đạo Sơn (tên thường gọi là Nguyễn Quý Đoan) sinh 1980, tu hành tại chùa Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Sau một thời gian bị giam tại Công an huyện Lục Nam, “bỗng dưng” Đoan tự khai nhận mình là tác giả của các vụ trộm tượng, đồng thời chỉ mặt các đồng phạm của mình là 8 người khác, trong đó có sư phụ của mình là sư Thích Đức Chính (tức Phan Hữu Hường). Sau khi bị chỉ điểm, các đối tượng này bị Công an tỉnh Bắc Giang truy bắt, cùng được nhốt tại trại giam Kế - Công an tỉnh Bắc Giang. Ngày 12/01/2006, Toà án Nhân dân tỉnh Bắc Giang (sau khi đã phải hoãn 2 lần trước đó) mở phiên toà sơ thẩm đưa các đối tượng trộm cắp “cổ vật” ra xét xử.
Căn cứ kết quả xét hỏi, tranh luận tại Toà, TAND tỉnh Bắc Giang đã buộc trả hồ sơ cho VKSND tỉnh Bắc Giang làm rõ nhiều tình tiết, trong đó chủ yếu là vấn đề các bị cáo bị bức cung, nhục hình; nhiều bị cáo đưa ra chứng cứ ngoại phạm… Phiên tòa lại thêm một lần nữa bị hoãn để điều tra bổ sung.
Thế nhưng, tại phiên toà (bắt đầu thẩm vấn và tranh tụng từ ngày 19/6/2006 đến 23/6/2006), những yêu cầu này của Toà đến nay vẫn không được Viện KSND tỉnh Bắc Giang và Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang thực hiện một cách nghiêm túc.
Thậm chí, kết luận điều tra bổ sung còn dẫn không trung thực lời khai của các nhân chứng, nên đã bị những nhân chứng này tố cáo ngay tại Toà.
Với những chứng lý yếu ớt, đầy rẫy vô lý của bản cáo trạng, cộng với thực tế tranh tụng tại Tòa, Hội đồng Xét xử đã buộc thả tự do cho các bị cáo (gọi tế nhị là “thay đổi biện pháp ngăn chặn”) … Một tháng sau, Viện KSND tỉnh Bắc Giang bắt đầu công khai xin lỗi việc bắt giam oan sai này một cách hạn chế, mang tính đại diện, chứ không “chăm sóc” cẩn thận từng đêm như trong tù với các bị cáo này (chỉ xin lỗi công dân Dương Phúc Thịnh và Dương Văn Trung).
Ở vụ án này, đa số các công dân này đã may mắn hơn ông Chấn vì thời gian sống trong ngục tù chỉ gần 3 năm, nhưng những thiệt thòi thì không thể so sánh ai hơn ai được.
Với những điều chứng kiến tại tòa (các bị cáo tố cáo các điều tra viên, kiểm sát viên bức cung nhục hình) và sau này phỏng vấn và được xem trực tiếp các vết thương của họ, tôi mới thấy: Nếu lời tố này là đúng thì họ đã gặp ác quỷ!


Bị cáo Hùng (với vết sẹo lằn to ở hai cổ tay do bị còng và treo ngược người lên trong nhiều giờ, nhiều ngày) mô tả việc bị bức cung ở trại giam Kế với chúng tôi.

Bị cáo Nguyễn Quý Đoan chỉ vì chưa kịp trả xe máy đã mượn theo lời hẹn (mặc dù đã gọi điện nhắn lùi thời gian trả xe) nhưng vẫn bị bắt, rồi bị đánh đập ép cho bằng được nhận tội buôn bán, tàng trữ vũ khí trái phép và trộm tượng. Nói với chúng tôi, Đoan kể: Tôi bị các anh ấy đánh rất đau, bị lấy bật lửa đốt râu; bị lột truồng, rồi họ đốt ni-lông cho chảy, nhỏ vào dương vật … Và, một kịch bản đã được soạn trước cho tôi chỉ việc ký. Mặc dù bị bắt vì tội lừa đảo, nhưng bị cáo Đoan chỉ bị khai thác chi tiết về tội “trộm tượng”. Sau này được thả tại Tòa, cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang cũng “quên” luôn tội lừa đảo và tàng trữ vũ khí trái phép của Đoan (!?).
Bị cáo Lê Văn Thương (Thích Tâm Thương -1973) tu hành tại chùa Tranh Khúc, Xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì Hà Nội tố với tôi rằng: Tôi bị lột truồng, xích tay treo lên cao, rồi bị điều tra viên lấy dây cước buộc vào một bên tinh hoàn, kéo giật, lắc lư như quả lắc đồng hồ … Sau ngày được thả, ông Thương được đưa đi điều trị gấp tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Bị cáo Phạm Mạnh Hùng (Thanh Xuân, Hà Nội) thì bị còng số 8 từ phía sau, rồi kéo treo ngược lên xà nhà cho đầu dốc xuống đất từ 9h tối hôm trước đến sáng hôm sau. Đến nay, Hùng vẫn còn lằn vết sẹo to quanh cổ tay vì bị còng số 8 làm rách khi bị treo ngược như vậy. Bị cáo Dương Phúc Thịnh (Cầu Giấy – Hà Nội) bị các điều tra viên đặt chân bàn lên ngón chân cái, rồi ngồi lên; bị nhét chuột vào mồm …; thậm chí còn bị đưa cho xem ảnh (đã bị chỉnh sửa) vợ mình trần truồng với giải thích: “Vợ mày đi làm điếm rồi, nhận tội nhanh để hưởng khoan hồng, sớm ra tù mà nuôi con”.
Can đảm nhất là bị cáo Dương Văn Trung (Thích Nguyên Kiên - 1962), trụ trì chùa Phương Quế (xã liên Phương, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây cũ) là nhà sư chuyên sản xuất tượng, đem cung tiến ở nhiều chùa cũng bị cho là kẻ tiêu thụ tượng bị trộm. Công khai trước Tòa, ông Trung cho biết bị các điều tra viên lột truồng rồi dùng thước kẻ học sinh, cây xương rồng đánh vào dương vật. Tuy nhiên, trong tất cả các bản cung ông đều không nhận tội. Và, với những đòn roi ngày nào trên cơ thể cường tráng đã khiến ông sư này trở nên tiều tụy. Nay ông Trung đã chết do ảnh hưởng bởi giam cầm sau khi được thả và minh oan.
Các bị cáo khai các điều tra viên: Hà Văn Quang, Chu Bá Huy, Thân Văn Túc, Nguyễn Ngọc Oanh… và kiểm sát viên tên Nam viết trước các bản cung rồi bắt các bị cáo chép lại hoặc ký nhận ở dưới.
Để có được các bản cung này, các điều tra viên, kiểm sát viên đã “đi cung” đêm: Dùng que, gậy vụt vào đầu, mặt, chọc vào cổ họng và hàng loạt cách tra tấn dã man như đã nêu ở trên.
Trong số các bị cáo bị tra tấn theo kiểu này, đặc biệt có Phan Hữu Hường đã chết. Theo phân tích của luật sư thì có nhiều điểm “bất bình thường” trong bản kết luận về nguyên nhân cái chết của bị cáo này.
Bản Kết luận điều tra số 14/PC16 (ngày 20/4/2004) ghi: Bị can Phan Hữu Hường bị chết do suy tim độ 3, suy gan và suy kiệt cơ thể. Giải phẫu các bộ phân nội tạng của Hường đều có xung huyết; hậu môn có phân, bộ phận sinh dục có tinh trùng… Với những dấu vết này thì thường chỉ thấy ở nạn nhân bị đánh chết do bị tác động mạnh làm nghẹt thở (bị bóp cổ hoặc treo cổ) hay bị đánh thuốc độc.
Trong hồ sơ vụ án, có nhiều điểm mâu thuẫn mà đại diện Viện kiểm sát giữ quyền Công tố tại Toà không lý giải được. Đơn cử như việc cáo trạng nêu các bị cáo đã nhiều lần thuê xe ôtô của anh Phạm Mạnh Hùng (xóm Mới, Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội) để gây án nhưng khi đi xác minh thì anh Hùng khẳng định chưa bao giờ cho những đối tượng này thuê xe và gia đình cũng chẳng hề có các loại xe ôtô, biển số xe như trong cáo trạng nêu.
Hoặc việc Dương Văn Trung bị tố cáo là nhận các pho tượng trộm cắp từ tay đồng bọn để đưa đi tiêu thụ nhưng cơ quan CSĐT không làm rõ được số tượng này đã được Trung đưa đi tiêu thụ ở những đâu và cũng chẳng thu được vật chứng nào.
Trước CQĐT, bị cáo Trung không nhận việc mình đã phạm tội mà chỉ là do các bị cáo cùng vụ khai ra (điều này đều được các bị cáo khác khẳng định là bị bức cung) song Trung vẫn bị bắt, đưa ra truy tố. Đến nay, mới có 2/8 công dân được xin lỗi là Dương Văn Trung và Dương Phúc Thịnh, còn công dân Phan Hữu Hường đã chết ngay trong trại giam, nhưng chắc chắn rằng những gì mà Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã làm với họ thì không bao giờ gột rửa được.

Sau vụ án oan này, đã không thấy có vụ án nào được khởi tố về hành vi bức cung nhục hình, và cũng không rõ các điều tra viên, kiểm sát viên gây ra án oan sai này đã bị xử lý như thế nào? Chỉ thấy rằng, đã tiếp tục phát hiện thêm vụ ông Chấn bị oan. Sẽ có bao nhiêu người bị oan nữa vì cách điều tra kiểu này?

Theo Bắc Hà
Báo Thanh Tra
nguồn:http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=25592
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001