Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Viên chức lãnh sự Mỹ nhận tội

Viên chức lãnh sự Mỹ nhận tội 




11-08-2013, 12:40 AM 
Thứ năm, 7 tháng 11, 2013
 

500 người Việt đã vào Mỹ bằng visa được mua bằng tiền (Ảnh minh họa)

Cựu viên chức phụ trách visa không di dân của tổng lãnh sự quán tại TP. HCM đã thú tội nhận ba triệu đôla hối lộ để cấp khống gần 500 visa vào Mỹ.
Truyền thông Mỹ đưa tin Michael Sestak, viên chức Bộ ngoại giao Mỹ, đã nhận tội tại một tòa án liên bang hôm 6/11.

Các bài liên quan


Theo luật, ông ta có thể bị án tù 24 năm.

Công tố viên Ronald Machen Jr. nói ông Sestak đã “làm vấy bẩn tính liêm chính của quá trình xem xét người tới thăm Mỹ”

Theo ông Machen, động cơ của Sestak là tiền bạc và lòng tham.
Theo tài liệu nộp cho tòa, ông Sestak đã thu vén được 3 triệu đôla, phần lớn được ông ta dùng để mua chín bất động sản ở Thái Lan.

Ông ta làm việc ở tổng lãnh sự tại TP. HCM từ tháng Tám 2010 đến tháng Chín 2012.

Giới chức nói các khoản tiền người Việt nộp cho ông ta giao động từ 15.000 đến 70.000 đôla cho mỗi visa.

Ông Sestak, 42 tuổi, bị bắt giữ tháng Năm năm nay ở tiểu bang California.
Bốn người khác cũng bị buộc tội trong vụ án.

Trong số này có Binh Vo, 39 tuổi và em gái Hong Vo, 27 tuổi - cả hai là công dân Mỹ sinh sống ở Việt Nam.

Hai người khác mang quốc tịch Việt Nam, Anhdao Dao Nguyen, 30 tuổi, vợ Binh Vo và Truc Tranh Huynh, 29 tuổi.

Ước tính cả nhóm này thâu được khoảng 10 triệu đôla, trong đó riêng Sestak được 3 triệu đôla.

(BBC)

=======================

'Tiền bán visa Mỹ đi qua ngả TQ'



Cập nhật: 15:52 GMT - thứ tư, 29 tháng 5, 2013
 

Đường dây của Sestak nhắm vào các đối tượng từng bị bác đơn hoặc khó có khả năng được cấp visa

Một quan chức ngoại giao Hoa Kỳ đã "nhận hàng triệu đô la hối lộ" từ các công dân Việt Nam muốn xin visa du lịch vào Mỹ, theo nội dung nêu trong một tài liệu do tòa án Mỹ công bố.

Michael T. Sestak, từng là lãnh đạo bộ phận xét duyệt visa phi di dân ở Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Tp HCM, hiện đang phải đối diện với các cáo buộc gian lận trong hoạt động cấp visa và nhận hối lộ được thực hiện trên nhiều quốc gia.

Cơ quan điều tra nói từ 1/5/2012 đến 6/9/2012, cơ quan lãnh sự nhận được 31.386 đơn xin visa phi định cư và tỷ lệ bác đơn là 35,1%.

Cũng trong thời gian này, ông Sestak xử lý 5.489 đơn và chỉ bác có 8,2%. Tỷ lệ này tụt xuống 3,8% trong tháng Tám, ngay trước khi ông ta rời bộ phận lãnh sự.

Bản kết luận dài 28 trang do điều tra viên Simon Dinits thực hiện và nộp lên tòa hôm 6/5/2013 nói rằng đường dây của ông Sestak, gồm năm đồng phạm khác nữa, nhắm vào các đối tượng khó có khả năng xin được visa vào Mỹ, với mức phí được đưa ra từ 50.000-70.000 đô la Mỹ.

Chứng cứ mà cơ quan điều tra có được cho thấy mức giá này có thể ở mức thấp hơn, "tùy thuộc vào tâm trạng của ông ta [Sestak]".

"Ông ta đã chuyển tiền ra khỏi Việt Nam bằng cách dùng những kẻ rửa tiền, thông qua các ngân hàng ở nước ngoài chủ yếu đóng tại Trung Quốc để chuyển vào một tài khoản tại Thái Lan mà ông ta mở hồi tháng 5/2012," điều tra viên Dinits viết. "Ông ta sau đó dùng tiền này để mua bất động sản tại Phuket và Bangkok, Thái Lan."
'Nhắm vào Việt kiều'

 

Michael Sestak được cho là đã thu nhiều triệu đô la từ dịch vụ 'bán' visa

Năm đồng phạm của Sestak đều cư trú tại Việt Nam và có quan hệ gia đình gần gũi với nhau.

Bản kết luận điều tra không nêu danh các đồng phạm, nhưng xác định người nắm quan hệ chính với ông Sestak là tổng giám đốc tại Việt Nam của một công ty đa quốc gia hoạt động tại TP Hồ Chí Minh. Ông này mang quốc tịch Hoa Kỳ.

Những người còn lại là vợ (quốc tịch Việt Nam), em ruột (quốc tịch Hoa Kỳ) và em họ của ông ta (quốc tịch Việt Nam), và người cuối cùng là bồ của em ruột ông ta (quốc tịch Hoa Kỳ).

Các đồng phạm đóng vai trò tìm kiếm "khách hàng" và chuẩn bị hồ sơ, hướng dẫn cách trả lời khi tới buổi phỏng vấn xin visa, thu và chuyển tiền ra khỏi Việt Nam.

Với lợi thế là có các mối quan hệ cả ở Việt Nam lẫn Hoa Kỳ, các đồng phạm muốn nhắm vào các đối tượng là Việt kiều tại Mỹ, bởi "họ có tiền và tha thiết muốn mang người thân sang Mỹ," theo bản kết luận điều tra.

Ngoài ra, bản điều tra còn nói bố vợ của ông tổng giám đốc, cư trú tại Việt Nam, và một người chị em gái của ông Sestak, cư trú tại Hoa Kỳ, cũng tham gia trong việc giúp trung chuyển tiền trong đường dây hoạt động bất hợp pháp này.


'Dịch vụ béo bở'

 

Các đồng phạm đã giúp 'khách hàng' điền đơn xin visa và làm các thủ tục, kể cả tổ chức 'luyện thi' trả lời phỏng vấn

Chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn, chừng ba tháng, nhưng ông Sestak và các đồng phạm dường như đã làm ăn rất phát đạt.

Theo kết luận điều tra, từ đầu tháng 4/2012, vị tổng giám đốc đã bàn với người em ruột cùng một người anh em khác nữa của mình về khả năng nhận tiền tại Mỹ, "nếu có người muốn chuyển".

Ông ta thậm chí còn yêu cầu người anh em của mình "mở một tài khoản đô la ở Vietcombank cho an toàn, bởi [tài khoản] HSBC có thể bị chính phủ Mỹ kiểm tra".

Các giao dịch chuyển tiền bắt đầu diễn ra từ cuối tháng 5/2012, nhưng thực sự ồ ạt bắt đầu từ tháng 6/2012.

Bản kết luận điều tra nói trong khoảng thời gian từ cuối tháng 6/2012 đến đầu tháng 9/2012, chừng 3,2 triệu đô la được chuyển vào tài khoản ngân hàng tại Thái Lan của ông Sestak và gần 3 triệu đô la vào tài khoản tại Hoa Kỳ của vợ ông tổng giám đốc.

Hầu hết các khoản này đều được chuyển đi từ ngân hàng Bank of China, có trụ sở chính tại Bắc Kinh.

Bản kết luận điều tra ghi nhận một số giao dịch chuyển tiền ở Hoa Kỳ vào tài khoản cũng ở Hoa Kỳ của vợ ông tổng giám đốc, dường như để thanh toán cho "dịch vụ visa". Tuy nhiên, đây chỉ là một số khoản nhỏ với tổng trị giá chừng 55 ngàn đô la.

Việc nhận tiền mặt ngay tại TP Hồ Chí Minh, sau khi khách nhận được visa, cũng được cho là đã xảy ra.


Rửa tiền
  """Chúng tôi vẫn chưa tìm được cách chuyển tiền ra khỏi Việt Nam... Thật là tức khi không thể chuyển tiền của mình đi được... Tôi bị mắc kẹt ở Việt Nam."
Email ông Sestak gửi đại lý bất động sản ở Thái Lan hôm 2/6/2012

Bản điều tra thu được chứng cứ nói vào ngày 2/6/2012, ông Sestak email cho đại lý bất động sản tại Thái Lan, hãng đại diện cho ông ta tìm mua bất động sản tại nước này với nội dung: "Chúng tôi vẫn chưa tìm được cách chuyển tiền ra khỏi Việt Nam."

"Chúng tôi đã tìm được dịch vụ giúp chuyển tiền vào Thái Lan, nhưng là tiền mặt, mà tôi nghĩ là không thanh toán cho các ông bằng tiền mặt được... mà tôi nghĩ ngân hàng Thái cũng không cho phép tôi nộp tiền mặt vào tài khoản."

"Còn một cách khác, nhưng chúng tôi phải trả 25% thuế công ty khi chuyển tiền, cao quá. Các ông có gợi ý gì không?"

"Thật là tức khi không thể chuyển tiền của mình đi được... Tôi bị mắc kẹt ở Việt Nam."

Tuy nhiên, chỉ sau đó ít hôm, ông ta đã khoe với đại lý bất động sản này là đã tìm được cách chuyển tiền qua ngả Hong Kong, và bắt đầu từ 20/6/2012, tiền bắt đầu được chuyển từ Bank of China vào tài khoản tại Thái của Sestak.

Bản kết luận điều tra không xác định đường đi của các khoản tiền chuyển ra khỏi Việt Nam.

Bank of China có chi nhánh tại tòa nhà Sun Wah Tower, Thành Phố Hồ Chí Minh.

Ngân hàng này cũng hoạt động tại Hong Kong, Macau và Bangkok, cùng nhiều chi nhánh khác tại Á châu và Âu châu.


Phụ trách việc duyệt đơn
Ông Sestak làm việc tại bộ phận lãnh sự tại Thành Phố Hồ Chí Minh, chuyên trách mảng visa phi định cư trong thời gian từ 8/2010 đến 9/2012.
Việc "bán" visa được cho là diễn ra trong thời gian từ 5/2012 đến 9/2012, là thời điểm ông này rời Việt Nam để chuẩn bị tái nhập ngũ vào lực lượng Hải quân.

Vụ việc bị phát giác khi giới chức Hoa Kỳ nhận được thư báo tin vào tháng 7/2012, theo đó nói có hiện tượng hàng chục người ở cùng một ngôi làng ồ ạt nhận được visa du lịch một cách bất hợp pháp trong thời gian từ cuối tháng Năm tới đầu tháng Bảy, kèm theo hình ảnh và thông tin cá nhân của bảy người trong số này.

Ông Sestak, sinh năm 1971, đã bị bắt giữ tại Nam California hồi trung tuần tháng Năm và không được phép tại ngoại hầu tra cho tới khi được di lý về Washington, nơi kết luận điều tra được đệ trình lên tòa.

(BBC)

nguồn:http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=25290
======================================================================   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001