Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Vương Trí Dũng - Dân chủ hình thức, ngụy dân chủ, dân chủ côn đồ

Vương Trí Dũng - Dân chủ hình thức, ngụy dân chủ, dân chủ côn đồ 



Vương Trí Dũng

Tôi không phải là người nghiên cứu, nên không dám mạn bàn về “dân chủ”. Nhưng hôm 5-11 xem truyền hình nghe thấy vị đại biểu quốc hội kiến giải “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, và vị trong quân phục nhà binh nói rằng “Quân đội trung thành với đảng” là đương nhiên, rồi kết luận rằng đa số ý kiến đồng ý ghi vào Hiến pháp hai điều vừa nêu, làm tôi sợ toát mồ hôi mà phải thốt ra mấy lời nhận xét dưới đây. Vốn không phải là người nghiên cứu lý luận nên tôi chỉ đưa ra những nhận xét ngắn gọn và nhường sự kiến giải cũng như phán xét cho các bạn đọc.
Lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp: Dân chủ hình thức và ngụy dân chủ
Ai cũng biết việc lấy ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp vừa qua là hình thức và ngụy dân chủ. Việc đáng nói hơn là phí phạm thời gian công sức tiền bạc của nhân dân. Bởi vì:
1. Việc soạn thảo Hiến pháp không phải là toàn dân cùng viết Hiến pháp mà lại đi lấy ý kiến góp ý của từng hộ gia đình. Như vậy là đẽo cày giữa đường.
2. Việc soạn thảo Hiến pháp là của một nhóm các chuyên gia khoa học, dựa trên các Hiến pháp của các nước văn minh đã được kiểm nghiệm thực tế, mà soạn thảo ra Hiến pháp phù hợp cho nước nhà.
3. Quyền dân chủ thực sự của người dân chính là bỏ phiếu lựa chọn Hiến pháp.
Thế nhưng vừa qua những người cầm quyền đã làm một việc vô tiền khoáng hậu:
4. In bản dự thảo Hiến pháp phát cho từng hộ gia đình để góp ý đến từng câu chữ Hiến pháp.
5. Nhưng rồi sau đó tất cả các ý kiến đóng góp bị ném bỏ bởi một kết luận chung chung không có số liệu thông kê cụ thể.
6. Tất cả những điều quan trọng cốt lõi nhất mà người dân đã góp ý như: Bỏ điều 4, Đất đai đa sở hữu, Quân đội chỉ trung thành với tổ quốc chứ không trung thành với đảng... thì không được đưa vào bản Dự thảo Hiến pháp.Thay vào đó là ý kiến đã có sẵn của ban soạn thảo.
7. Quan trọng nhất là người dân không được quyền bỏ phiếu thông qua Hiến pháp.
Những người cầm quyền hiện nay biết rõ rằng nếu để cho toàn dân phúc quyết Hiến pháp thì sẽ là một bản Hiến pháp hoàn toàn mới. Vậy nên họ mới để cho Quốc hội thông qua bản Hiến pháp cũ. Nếu đã vậy thì nói “toạc móng heo”ra cho xong từ đầu là dân không được quyền phúc quyết Hiến pháp. Việc gì phải bày ra trò dân chủ giả vờ để phí phạm thời gian công sức tiền bạc của dân. Nhân dân biết rất rõ tất cả.
Công luận truyền thông: Cả vú lấp miệng em hay là thủ pháp đánh hội đồng
Việc chỉ độc diễn một chiều trên phương tiện truyền thông, không cho đối thủ mảy may cơ hội xuất hiện, rồi kết luận rằng đa số đồng ý là điều đặc trưng trong suốt mấy chục năm qua ở nước ta.
Việc góp ý Dự thảo Hiến pháp vừa qua cũng không tránh khỏi kết cục này. Trên truyền hình, trên các trang báo của chính quyền, chỉ đưa những ý kiến ủng hộ cho bản Dự thảo Hiến pháp. Những ý kiến phản bác không bao giờ có cơ hội được trình bày. Hơn thế nữa còn bị tất cả các phương tiện xúm vào chỉ trích. Một kiểu cả vú lấp miệng em hay là một thủ pháp đánh hội đồng.
Có điều, những người đang cầm quyền phải biết rằng, thời nay không phải là những thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước. Tiến bộ công nghệ đã cho phép con người truy cập thông tin khắp mọi lúc mọi nơi. Bởi vậy không thể bưng bít thông tin và không dễ gì lừa gạt được dân. Càng diễn trò độc thoại một chiều càng tự mình đánh mất uy tín trước nhân dân.
Tự phê bình, phê bình, lấy ý kiến quần chúng: Thủ đoạn đấu đá chính trị trá hình
Tự phê bình là một khái niệm mang tính luân lý, không phải là một điều khoản luật pháp. Nhưng những người “cộng sản dân chủ tập trung” thường sử dụng nó như là một thủ đoạn chính trị. Mục đích sâu xa của họ là từ tự phê bình đi đến phê bình rồi nhân đó đấu tố loại bỏ đối thủ chính trị. Còn gian xảo hơn, dưới chiêu bài “ý kiến quần chúng” họ làm nên “đa số giả tạo” để kết tội những người đối lập. Lịch sử nhân loại đã chứng kiến những thảm cảnh thanh trừng của Cách mạng văn hóa ở Liên xô những năm 1935-1939, ở Cách mạng văn hóa Trung quốc những năm 1966- 1970 và Cải cách ruộng đất ở Việt nam những năm 1954-1956.
Một vài nhận xét
Dân chủ hình thức làm tốn kém thời gian công sức tiền bạc của nhân đân đã là một tội lớn. Ngụy dân chủ cộng thêm lừa đảo nên càng nặng tội bội phần. Nhưng sử dụng thủ đoạn tự phê bình để đi đến phê bình nhằm đưa ra đấu tố, và giả vờ lấy ý kiến quần chúng để trắng trợn tuyên bố đa số ủng hộ, rồi loại bỏ đối thủ, tự gọi là dân chủ - thì đó không còn là dân chủ hình thức, không còn là ngụy dân chủ mà đó chính là dân chủ côn đồ.
Và đôi điều nhắn nhủ
Những người cầm quyền hiện nay biết rất rõ rằng họ không thể cản được tiến trình dân chủ hóa, chỉ có thể làm chậm lại mà thội. Họ đang đợi chờ cái ngày ắt phải đến, cáo chung cho cái gọi là “dân chủ tập trung”. Đề nghị họ tự thay đổi ngay từ bây giờ để phải từ bỏ quyền lực thì không bao giờ họ chấp nhận. Điều mà họ có thể làm để giảm bớt sự truy cứu của lịch sử chính là hãy dân chủ hóa ngay trong đảng cầm quyền. Tiến hành bầu cử tự do thực sự trong toàn đảng. Bằng cách đó họ có được một chính quyền mới khả dĩ hơn. Nhưng cũng chính như vậy, họ đã đặt hòn đá tảng khởi đầu cho một tiến trình dân chủ, điều có thể cáo chung cho chính họ nhưng ắt sẽ giải phóng sự trói buộc dân tộc từ mấy chục năm vừa qua, và như vậy, sẽ giúp cho dân tộc bắt kịp bước đi nhân loại.
V.T.D.
Thuốc Lá gửi hôm Thứ Sáu, 08/11/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131108/vuong-tri-dung-dan-chu-hinh-thuc-nguy-dan-chu-dan-chu-con-do
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001