Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

HƯNG YÊN QUÊ TÔI

HƯNG YÊN QUÊ TÔI (Viết nhân dịp thành lập hội Đồng hương Hưng Yên tại Ba Lan)
Trương Đình Toe
„Quê hương là chùm khế ngọt… Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người…”.Bài ca ngọt ngào, quen thuộc, nghe cũng hay. Nhưng thực ra không cần phải dạy thế. Người ta nhớ quê hương xứ sở vì đấy là quê hương. Quê hương dẫu có là chùm khế chua (mà nhiều khi chua thật), cũng chẳng ai quên được! Đông Tây kim cổ không thiếu gì những chuyện minh hoạ cho ý ấy.
Ví thử như người Tây không coi nặng quê hương bằng người phưng Đông ta, nhưng tôi có đọc được một truyện ngụn ngôn của họ, đại khái như sau: Cha con bọ hung cứ lặn lội trong bãi phân. Bọ hung con phát ngán hỏi cha, sao không di cư sang quả táo hay quả lê mà ở, vừa ngon lại vừa thơm? Bọ hung cha trả lời: không di cư đi đâu cả. Tổ quốc thì không ai được lựa chọn! Vâng, chính thế. Tổ quốc hoặc quê hương cũng giống như cha mẹ ở chỗ hay thì ta được hưởng, mà dở thì phải chịu, không thể nào khác được.
„Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” cũng có chép truyện ông Trần Cụ. Ngài sống vào thời Trần, quê ở Cảo Liệt. Ngày trẻ có hận với quê, nên khi được vời về kinh kỳ làm quan đã thề rằng không bao giờ thèm đặt chân lên đất Cảo Liệt nữa. Vì thế nên sau về thăm quê thì đi thuyền, từ thuyền về nhà thì đi kiệu, từ kiệu bước sang giường. Ăn ngủ nghỉ ngơi đều trên giường cả. Muốn ngắm vườn ngắm ao thì sai người khênh giường ra. Hết hứng lại khênh vào. Rồi lên kiệu, xuống thuyền, về kinh… Cứ thế suốt đời mà chẳng bao giờ đặt chân lên đất Cảo Liệt cả.
Khi còn là sinh viên ở Ba Lan, các bạn tôi học Hàng Hải đi thực tập về, có kể truyện ông chủ quán người Việt trên một hòn đảo bên Phi châu. Xưa kia ông bị thực dân Pháp bắt đi lính sang châu Âu đánh nhau với phát xít Đức. Sau lại đưa sang châu Phi đàn áp dân bản xứ, rồi lấy vợ, định cư ở đấy. Mấy chục năm trường không về nơi chôn rau cắt rốn, nên thương nhớ khôn nguôi. Ngày ngày ra đứng ngoài bãi biển nhìn về phía mặt trời mọc, nhưng nào thấy cố hương. Có khi cả năm cũng chẳng gặp người cùng giống. Vậy khi tầu cập cảng, mấy chú sinh viên người Việt tìm đến quán ông thì được quý như vàng. Có gì ngon nhất ông bầy ra thết đãi. Ăn xong mấy chú rút ví ra thanh toán tiền. Ông chủ tươi cười xua tay bảo: thôi không cần. Các chú lại có vẻ miễn cưỡng cất ví đi. Đấy là giả vờ thế thôi, chứ ông chủ tính tiền thật thì các chú cũng chẳng có đâu mà trả. Mấy chú lặn lội đến đây, yên tâm đánh chén, chẳng qua vì được mấy anh học năm trước mách nẻo.
Vâng, xa xôi cách trở bao nhiêu, thêm thương nhớ bấy nhiêu. Như quê hương Hưng Yên của tôi thì lại càng không sao quên được. Dân cư hiền hoà đông, đất vuông vạn dặm mầu mỡ do sông Hồng bồi đắp. Sản vật ngon không gì bằng nhãn lồng, rong giềng, khoai nước, … Địa danh nổi tiếng không đâu bằng đầm Dạ Trạch, bãi Đà Mạc [i], làng Tây Kết [ii], phố Hiến ngày xưa[iii]…Nhân danh thì có Chử Đồng Tử, hai đại tướng quân thời Trần là Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Khoái[iv], danh y Hải Thượng Lãn Ông[v], Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm[vi], hai thủ lĩnh nghĩa quân kháng Pháp là Nguyễn Thiện Thuật và Hoàng Hoa Thám[vii], hai đại văn hào Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Công Hoan[viii], Tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Văn Linh[ix]…, nhiều không kể hết.
Sản vật nổi tiếng nhất của Hưng Yên có lẽ là nhãn lồng. Tương truyền, gọi là nhãn lồng vì mùa quả chín rơi bay đến ăn nhiều, mỗi chùm quả phải làm một cái lồng để giữ. Nhưng đấy có thể cũng là chuyện do dân gian giầu trí tưởng tượng chế ra. Chỉ chắc chắn một điều, nhãn quả to mà hạt nhỏ, vỏ mỏng mà cùi dầy, nước mọng và ngọt, thiên hạ quả không nơi nào có. Ngon nhất là nhãn ở phố Hiến, ngày xưa vẫn dùng làm sản vật tiến vua.
Là người Việt ai chẳng nghe truyện Chử Đồng Tử. Tương truyền vào thời Hùng Vương quê tôi có một người con hiếu tử gọi là thằng bé Chử hay Chử Đồng Tử. Mẹ chẳng may mất sớm, chàng sống với cha. Họ nghèo đến mức không thể nghèo hơn. Hai cha con chỉ có mỗi một cái khố chung nhau. Vì rằng ở thời thượng cổ cũng chẳng ai cởi truồng ra đường bao giờ, nên cha muốn đi đâu, lấy khố mặc thì con phải ngồi nhà, và ngược lại con đi thì cha phải ở. Khi cha mất, Chử Đồng Tử chẳng lỡ để cha trần trụi, mặc khố cho cha, rồi mới đem chôn. Còn mình thì không quần không áo, làm nghề mò cá, suốt ngày ngâm mình dưới sông. Một hôm công chúa Tiên Dung từ kinh kỳ ngự thuyền rồng suôi dòng. Chàng Chử chẳng biết chạy đâu, liền đào một cái hố trên bãi sông, chui xuống và phủ cát lên. Không ngờ công chúa ra lệnh cắm thuyền, rồi lên bờ sai thị tỳ quây màn, mang nước đến tắm. Tình cờ quây đúng vào chỗ Chử Đồng Tử ẩn lấp. Nước chảy xuống, cát trôi đi làm chàng Chử hiện ra. Công chúa cho cuộc gặp gỡ là duyên kỳ ngộ do trời xui khiến, liền lấy Chử làm chồng…Đến nay tại làng Vĩnh Yên, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, đền thờ Chử Đông Tử và công chúa Tiên Dung vẫn bốn mùa hương khói.
Xã Dạ Trạch nguyên là di tích của đầm Dạ Trạch ngày xưa. Có thể nói Dạ Trạch thuộc loại địa danh nổi tiếng và hào hùng bậc nhất của nước Nam ta. Ngày nay đầm không còn nữa. Nhưng sử chép lại rằng lau sậy mọc tốt như rừng, giữa có một bãi cát dựng nhà ở được. Gò này có tên là Nhật Dạ, nghĩa là „Một đêm”. Tương truyền Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung đến đây, buổi tối cắm gậy thần xuống đất, đội nón lá lên rồi nằm ngủ trên thảm cỏ. Nửa đêm mưa bão nổi lên ầm ầm, cả một vùng biến thành đầm. Sáng hôm sau thì hai người hoá. Ngày xưa Triệu Việt vương Quang Phục chống nhau với quân nhà Lương, đã vào đây tránh giặc, được Chử Đồng Tử báo mộng là sẽ giúp. Quan quân ban ngày thì ẩn lấp trong đầm, ban đêm bơi thuyền độc mộc ra đột kích, cướp lương. Tướng giặc là Trần Bá Tiên đánh mãi không được. Chờ cho chúng suy yếu, Triệu Việt vương mang quân tiến ra, lấy lại được thành Long Biên. Thời sau này Nguyễn Thiện Thuật khởi nghĩa kháng Pháp, cũng lấy đây làm căn cứ địa, vì thế mới gọi là cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Tuy cuối cùng dẫu sự nghiệp chẳng thành, nhưng muôn đời tiếng thơm còn để lại.
Những danh nhân và địa danh kể trên có trong sách vở cả, sẽ không nói tỷ mỉ ở đây. Nay kể thêm những việc truyền miệng trong dân gian, nhưng chưa ai chép lại. Như quê mẹ tôi dẫu rất nghèo, nhưng cũng có truyền thuyết hay. Xưa kia làng mẹ tôi có tên là làng Giuống. Nhân dân khổ sở muôn đời, chỉ lo miếng cơm manh áo, không có điều kiện học hành. Bỗng một hôm có chiếu vua lệnh cho dân chúng đi đón quan trạng làng mình vinh quy thì ai cũng hiểu rằng đấy là sự nhầm lẫn, chứ „đất sỏi làm gì có chạch”. Và tất nhiên cũng không ai đi đón cả. Nguyên mấy chục năm về trước, làng có người đàn bà goá bụa. Vì nghèo khổ quá, nên bỏ quê hương, mang đứa con trai đi lưu lạc. Năm tháng trôi qua, làng xóm cũng chẳng nhớ là có người đồng hương như thế. Không ngờ sau này chính đứa trẻ rách rưới, tha hương cầu thực năm xưa, lại đoạt giải khôi nguyên, được vua ban chức tước, mũ áo ngựa xe, vinh quy bái tổ về làng. Khi quan trạng về đến nơi, chẳng thấy ai ra đón thì lấy làm lạ, hỏi các lý dịch: „Tại sao”?. Họ thưa vì nghĩ rằng: „Đất sỏi không có chạch”. Quan trạng liền sai tát nước giếng làng đi thì bắt được một thúng trạch. Bấy giờ lại hỏi: „Thế không trạch thì gì đây”? Rồi sai quân hầu nọc ráo cả ra, từ lý trưởng trở xuống, đánh tuốt sạch. Đánh xong vẫn chưa nguôi giận, lại đóng đinh vào cột đình và nguyền rằng, từ giờ về sau làng này sẽ không có ai đỗ đạt. Và quả nhiên qua bao đời cho đến tận năm 1955, do phong trào chống mê tín dị đoan, đình chùa bị phá tan tành, vẫn không có lấy một người hiển danh vì khoa bảng. Trên đây cố nhiên chỉ là truyền thuyết. Người nay cũng như người xưa, không ai tin làng mình có trạng – „đất sỏi làm gì có chạch”. Mãi sau này, khi lập lại tỉnh Hưng Yên, người tỉnh tôi mới ra Văn Miếu Quốc Tử Giám tìm kiếm những khoa bảng của quê mình, thấy trên bia đá „số 6” có khắc: Khoa thi năm canh tuất, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 đời Lê Huyền Tông (tức năm 1670), đỗ tiến sĩ có Nguyễn Chí Trung quê ở làng… Giuống!
Ở nước Nam ta nhiều việc chẳng có ai ghi chép gì, nên bị phai mờ theo thời gian, pha trộn thêm nhiều yếu tố thần thoại hoang đường. Nhưng chính thế lại thú vị, chả hơn là nhiều người cậy biết chữ, viết ra toàn những thứ nhảm nhí. Huyền thoại quê tôi quanh việc đào sông Bắc Hưng Hải (cứ gọi tạm là sông vì dân quê tôi gọi thế) cũng là truyện hay. Như mọi người đều biết, sau hoà bình lập lại, miền Bắc xây dựng đại công trình thuỷ nông Bắc Hưng Hải tưới nước cho ba tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương – „Thủ tướng Phạm Văn Đồng bổ nhát cuốc đầu tiên” . Nhưng không mấy ai biết rằng thực ra xưa kia sông đã được đào rồi, ít nhất là đoạn chảy qua quê tôi. Người địa phương gọi là sông Chợ. Hiện nay dấu tích sông cũ vẫn còn. Làng tôi ở ngay cạnh sông. Bên kia bờ có một thôn gọi là làng Son. Giữa cánh đồng làng Son có đàn voi đá ngựa đá tạc rất đẹp, đứng trơ trơ không biết tự bao giờ. Ngày nhỏ tôi vẫn cùng lũ trẻ mục đồng bơi qua sông, ra đấy cưỡi. Tục truyền vùng đất này có khí đế vương, voi đá ngựa đá là do mười tám ông quận công của làng Son hiển danh một thời để lại. Không xa làng Son là làng Tía. Đây cũng có một bà chúa cực kỳ quyền thế. Dân hai làng được vua ban cho ân sủng đặc biệt: ra thiên hạ ăn cơm quán không phải trả tiền, đánh chết người không phải đền mạng. Ở đời này, khi người ta được ân huệ quá lớn thường không biết mình là ai, sinh nhờn và hay lạm dụng. Bấy giờ trong triều có một vị quan gọi là ông Thượng Cháy. Người này trên thông thiên văn dưới tường địa lý, biết làng Son và làng Tía hiển đạt là nhờ có long mạch dưới lòng đất. Vốn rất ghét dân hai làng ngang ngược, liền tâu vua cho đào sông, nói thác rằng để các quận công và bà chúa Tía đi lại đường thuỷ về quê cho tiện. Vua thì cũng ngây ngô chẳng hiểu gì, liền chuẩn y. Thế là sông đào, long mạch đứt, mười tám ông quận công và bà chúa Tía tự nhiên lăn đùng ra chết! Sông ngày xưa thì ngoắt nghéo. Thủa nhỏ tôi vẫn nghe tiền nhân tôi nói: „Bẩy khúc Nga, ba khúc Đội”, nghĩa là chảy qua làng Nga uốn bẩy khúc, còn qua làng Đội ba khúc. Nguyên nhân là vì thời phong kiến cũng có tham nhũng (có thể mức độ không bằng ngày nay). Chẳng ai muốn sông đào qua ruộng nhà mình, nên có tiền thì đút lót cho quan coi việc đào sông. Được tiền, quan lại chỉ dân phu đào ra hướng khác. Đến thời Pháp thuộc, người Pháp cũng nghĩ đến việc trị thuỷ, định đào lại sông, nhưng công việc lớn quá, phải bỏ dở. Dân chúng thì bảo vì có quỷ thần ngăm trở. Mãi đến khi cách mạng thành công, có thể quỷ thần cũng khiếp sợ mà chạy sạch cả, nên mới đào được với quy mô như ta thấy ngày nay.
Nhân ngày thành lập hội đồng hương tỉnh Hưng Yên tại Ba Lan, chép lại một số việc của tỉnh nhà để nhớ đến cội nguồn, thêm tự hào về quê hương xứ sở. Và mong rằng, nếu những người đồng hương không thương yêu nhau được… thì ít ra cũng xin đừng bao giờ làm khổ nhau.


[i] Bãi Đà Mạc ở khúc sông Thiên Mạc (một đoạn sông Hồng), còn gọi là bãi Mạn Trù, huyện Đông An cũ, nay thuộc về Khoái Châu. Nơi đây tháng giêng hoặc tháng hai năm ất dậu (1285) Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng và tất cả quân sĩ đã bỏ mình vì nước, chặn bước tiến của giặc Nguyên, giúp cho hai vua Trần và Hưng Đạo vương Trân Quốc Tuấn rút về Thanh Hoá an toàn.
[ii] Tây Kết là địa danh lịch sử thuộc huyện Khoái Châu. Tháng năm năm ất dậu (1285) Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn phá quân Toa Đô ở đây. Làng Tây Kết nay không còn, có thể xưa kia nằm bên kia sông Hồng đối diện với làng Đông Kết ngày nay, nhưng vì sông đổi dòng mà cuốn đi chăng?
[iii] Phố Hiến thuộc thị xã Hưng Yên, ngày xưa khi sông chưa đổi dòng thì nằm kề bên sông. Thời Lê Sơ và thời vua Lê chúa Trịnh là một bến cảng cực kỳ sầm uất, có các thương gia từ Đàng Trong ra, từ nước ngoài đến. Vì thế mới có câu: „Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến”. Phố Hiến ngày nay cách bờ sông vài km. Đây còn nổi tiếng vì là thuỷ tổ của nhãn lồng. Hiện nay ở phố Hiến vẫn còn cây nhãn cổ thụ mấy trăm năm tuổi.
[iv] Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Khoái là hai danh tướng thời Trần. Phạm Ngũ Lão quê ở Lang Phù Ủng, huyện Đường Hào, nay là huyện Ân Thi. Còn Nguyễn Khoái có công đánh giặc Nguyên, được vua Trần Nhân Tông phong hầu, cho ăn lộc một làng ở Khoái lộ, nay thuộc khoái Châu.
[v] Hải Thượng Lãn Ông (1720-1791) là tên hiệu của Lê Hữu Trác quê ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương, nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ong là nhà lương y nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam, ngoài ra còn là nhà thơ nhà văn tài hoa. Hải Thượng Lãn Ông để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị lớn cả về y học lẫn văn học.
[vi] Đoàn Thị Điểm (1705-1748) quê ở làng Hiếu Phạm, xã Giai Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc Hưng Yên, là một trong những nữ thi sĩ nổi tiếng nhất nước Việt. Bà có công dịch từ chữ hán kiệt tác „Chinh Phụ Ngâm” của Đặng Trần Côn. Nhiều học giả cho rằng, bản dịch hay hơn cả nguyên bản!.
[vii] Nguyễn Thiện Thuật (1844-1926) quê làng Yên Dục, huyện Đường Hào, nay là Mỹ Hào, khởi nghĩa kháng Pháp ở Bãi Sậy. Hoàng Hoa Thám (1885-1913) quê làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp ở Bắc Giang.
[viii] Vũ Trọng Phụng (1912-1937) và Nguyễn Công Hoan (1903-1977) là hai nhà văn trứ danh của dòng văn học „hiện thực phê phán” thời Pháp thuộc. Vũ Trọng Phụng quê ở làng Liêu Xá, huyện Yên Mỹ (cùng làng với Hải Thượng Lãn Ông), còn Nguyễn Công Hoan quê ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang.
[ix] Nguyễn Văn Linh (1918 -1998) quê ở làng Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ. Năm 1986, khi đất nước đương kiệt quệ, bên ngoài Hoa Kỳ và các nước phương Tây cấm vận, bên trong quan hệ kinh tế bị gò bó trong một cơ cấu lỗi thời, thì ông nhận chức Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông đã mở màn chính sách đổi mới, quan trọng nhất có lẽ là việc chia ruộng đất của hợp tác xã nông nghiệp cho xã viên. Ngày nay dân quê tôi vẫn còn nhắc: „Ông Linh mà lên chậm nửa năm nữa thì chết đói ráo”. Khi nhậm chức, ông tuyên bố sẽ chỉ làm một nhiệm kỳ và đã giữ đúng lời hứa. Vậy ông không chỉ là người có công mà còn không tham quyền cố vị.
Warszawa, tháng 12 năm 2008
nguồn:http://zung.zetamu.net/2012/04/h%c6%b0ng-yen-que-toi/
--------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001