Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

1192. HAI GIẢI PHÁP ĐỂ BIỂN ĐÔNG LẮNG DỊU
Posted by basamnews on 08/08/2012
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

HAI GIẢI PHÁP ĐỂ BIỂN ĐÔNG LẮNG DỊU

Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ tư, ngày 1/8/2012
TTXVN (Angiê 29/7)
Trong thời gian gần đây, căng thẳng gia tăng ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), nơi Bắc Kinh đòi chủ quyền toàn bộ, trong bối cảnh Mỹ gia tăng cảnh giác với việc chuyển 60% lực lượng Hải quân về Tây Thái Bình Dương từ nay đến năm 2020, khiến Hà Nội và Philippin phản ứng ngày càng mạnh mẽ hơn, trước khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh.
Trên đây là nhận xét của chuyên gia Paul Vacine trên tạp chí “Tin Trung Hoa”. Ông giải thích rằng ý đồ lố bịch của Trung Quốc đẩy Manilla đến chỗ có thái độ cứng rắn hơn do được khích lệ bởi các kế hoạch của Oasingtơn, đồng thời khiến Biển Nam Trung Hoa trở thành vùng nguy hiểm với xung đột có thể xảy ra, nếu không muốn nói là rất có thể, và dẫn tới hành động sai lệch về quân sự. Tình hình lại càng bế tắc và mong manh hơn khi lập trường của Trung Quốc và các nước ven biển thành viên ASEAN là không thể hòa giải được, ít nhất là về các vấn đề liên quan đến chủ quyền.

Khi Bắc Kinh viện cớ kiểm soát từ rất xa xưa toàn bộ không gian biển Nam Trung Hoa, một vùng biển rộng bằng Địa Trung Hải, cả Philippin, Việt Nam, Brunây và Malaixia đều nhắc đến luật biển và công ước Montego Bay ra đời năm 1982, sau 14 năm thương lượng giữa 150 nước, và được Trung Quốc phê chuẩn năm 1996. Tuy nhiên, theo ông Paul Vacine, vì nhiều lý do liên quan đến lịch sử, tìm kiếm tài nguyên cho nền kinh tế của mình, đồng thời cũng vì “ý muốn trở thành Đế chế và có sức mạnh” đang nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc trong Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và một bộ phận dư luận nước này, Chính quyền Bắc Kinh thường đi ngược lại ý kiến của một số nhà nghiên cứu của chính nước họ, đồng thời không cho thấy sẽ có dấu hiệu dịu giọng đối với các nước láng giềng mà Bắc Kinh đôi khi coi như các nước chư hầu của mình.
Tại cuộc họp gần đây nhất của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, hiệp hội này vướng phải mối quan hệ gần gũi giữa Campuchia – nước chủ nhà – và Trung Quốc, nên phải khó khăn lắm mới ra được tuyên bố chung 6 điểm, cam kết tuân thủ luật biển và tránh đối đầu quân sự. Nhưng vấn đề cốt lõi liên quan đến các vấn đề chủ quyền, lại không được xử lý. Do có khó khăn trong trao đối và căng thẳng ngay trong nội bộ ASEAN, mỗi nước thành viên đều hài lòng với lời hứa hẹn tối thiểu là giữ nguyên trạng và loại trừ sử dụng vũ lực.
Nhưng ngày 20/7, Bắc Kinh thông báo thành lập bộ chỉ huy cấp sư đoàn và lập đơn vị đồn trú trên đảo Woody (tiếng Trung Quốc là đảo Vĩnh Hưng và tiếng Việt Nam là đảo Phú Lâm), một phần của quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm toàn bộ vào năm 1974. Lực lượng này sẽ trực thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hải Nam, nằm cách đó 170 hải lý về phía Tây Bắc, và sẽ đóng tại nơi đã có một đường băng dài 2.700 m có khả năng tiếp nhận máy bay chiến đấu và được trang bị rađa cũng như khả năng tích trữ xăng dầu.
Nhà phân tích Paul Vacine lưu ý đến việc trong khi Manila và Hà Nội phản đối quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa, đồng thời tái khẳng định ý muốn giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, một báo cáo của Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) cho biết tình hình ở Biển Nam Trung Hoa tiến triển theo hướng nguy hiểm, vấn đề ở đây, theo ông Paul Vacine, là nhóm này không hoàn toàn đổ hết trách nhiệm gây căng thẳng cho Bắc Kinh.
ICG gợi ý Oasingtơn nên tránh xa các cuộc tranh cãi về lãnh thổ, đồng thời phê phán Manila sử dụng một đơn vị quân đội trong vụ va chạm xung quanh bãi đá ngầm Scarborough hồi tháng Tư vừa rồi. Theo ICG, việc một tàu chiến của Philippin được điều đến vùng này tạo cho Trung Quốc cơ hội kích động chủ nghĩa dân tộc trong dư luận ở nước mình, trong khi báo chí chính thức của nước này nói đến sự cần thiết phải (cho Philippin một bài học”, còn cả hai nước đều áp dụng biện pháp trả đũa kinh tế.
Theo đánh giá của ông Paul Vacine, do cân bằng lực lượng chung và trách nhiệm răn đe hạt nhân không thể lảng tránh đối với cả Bắc Kinh và Oasingtơn nên không một vụ đụng độ và tiến triển tình hình nào có khả năng gây ra bùng nổ quy mô lớn ở vùng này. Vấn đề là các vụ đụng độ xảy ra liên tiếp và gia tăng dẫn đến tình hình có xu hướng ngày càng thiên về sử dụng vũ lực hay ít nhất cũng là cố tình làm ra vẻ sử dụng vũ lực, trong khi con đường ngoại giao để giải quyết vấn đề chính là chủ quyền cho đến nay có vẻ bị bế tắc không thể tháo gỡ được. Trong khi tất cả các bên, kể cả Trung Quốc và Mỹ, thường xuyên tái khẳng định quyết tâm thương lượng để tìm cách giải quyết bất đồng tích tụ từ rất lâu, việc giải quyết dứt điểm các cuộc xung đột dường như còn xa vời.
Do yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, vốn bị tất cả các bên khác cho là không thể chấp nhận được, nên giải pháp thương lượng chỉ có thể mang lại khả năng xoay xở mang tính chiến thuật – chẳng hạn như Bộ quy tắc ứng xử, vốn trước đây đã được đề cập đến – giúp vấn đề chủ quyền có tương lai giải quyết hơn, tập trung vào các biện pháp xây dựng lòng tin về quân sự, quyền tự do hàng hải hợp tác cùng khai thác và phân chia tài nguyên. Ông Paul Vacine cho rằng bấy nhiêu chủ đề không mang lại giải pháp cho vấn đề chính bị chi phối bởi viễn cảnh cực kỳ gây mất ổn định là Hải quân Trung Quốc hoàn toàn độc chiếm không gian này, nhưng có thể cho phép chờ đến lúc mối liên hệ cảm xúc giữa biển Nam Trung Hoa và tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trong dư luận, vốn lúc này còn rất căng thẳng, lắng xuống ở Trung Quốc.
Phản ứng mang tính dân tộc chủ nghĩa và tình cảm cũng là phản ứng của một bộ phận trong giới tinh hoa chính trị lúc này không có khả năng dịu giọng trong vấn đề này, và được coi là một chất xúc tác đối với tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Phản ứng đó cũng tồn tại trong tuyệt đại bộ phận Quân giải phòng nhân dân Trung Quốc, chủ thể coi toàn bộ không gian biển ở phía Nam đảo Hải Nam, chạy dọc theo bờ biển Việt Nam và Philippin cho đến tận vùng phụ cận quần đảo Natunas của Inđônêxia và bờ biển Malaixia thuộc các tỉnh Sabah và Sarawak, là vùng hoạt động của riêng mình.
Để tình hình có thể lắng dịu mà không gây ra nguy cơ lớn, nhà phân tích Paul Vacine đưa ra hai giải pháp. Một mặt, đối với ASEAN Bắc Kinh cần chấp nhận nhìn nhận khía cạnh đa phương của vấn đề. Mặt khác, Oasingtơn cần đứng ở chính giữa giữa sự có mặt về quân sự để răn đe và các cuộc biểu dương lực lượng lộ liễu của mình mà Bắc Kinh và dư luận Trung Quốc coi là các cuộc thâm nhập của nước ngoài không thể chấp nhận nổi trong khi một số nước ven biển, yên tâm vì được Hạm đội 7 của Mỹ bảo vệ, có thể có hành động quân sự quá giới hạn cho phép./.
nguồn:https://anhbasam.wordpress.com/2012/08/08/1192-hai-giai-phap-de-bien-dong-lang-diu/#more-71180
--------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001