Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại

Ngày 25/8/2012, người Anh Cả của quân đội ta bước sang tuổi 102.

Xuất thân từ một nhà giáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành một nhà cầm quân kỳ tài, một tầm cao tư duy về nghệ thuật chiến tranh nhân dân của dân tộc với cốt cách, đức độ của bậc hiền nhân được khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam cũng như trong lòng nhiều vị lãnh đạo và nhân dân các nước bầu bạn.

Một sự trùng hợp lịch sử thật ngẫu nhiên: Năm 1911, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, cũng là năm Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng An Xá (Quảng Bình). Và lịch sử cũng lại đưa hai con người vĩ đại của hai thế hệ nối tiếp nhau ấy trùng phùng, trở thành hai thầy trò, hai người đồng chí.

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, ông đã có may mắn làm việc gần 30 năm bên cạnh Bác Hồ, được là một trong những người gần gũi nhất với Bác, cảm nhận được những tinh hoa của dân tộc tỏa sáng trong con người của Bác, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Người và ông trở thành một trong những học trò xuất sắc nhất của Người. Một trong những dấu ấn thể hiện thiên tài của Bác trong phương pháp “nhìn người” là chọn một thầy giáo dạy Sử, một sinh viên Luật học để cầm quân.

Đại tướng Võ
Nguyên Giáp. Ảnh: internet
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: internet
Ông đã trực tiếp chỉ huy quân đội với những chức vụ cao nhất, cùng với toàn dân chiến đấu và chiến thắng vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ suốt 30 năm chống lại hai đế quốc to là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ông là người có công đầu trong việc nghiên cứu, phát triển lý luận quân sự, góp phần quan trọng hình thành tư tưởng chiến tranh nhân dân và học thuyết quân sự độc đáo của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Tác phẩm nổi bật nhất trong lĩnh vực quân sự của ông là tác phẩm Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng Quân đội nhân dân (với 246 trang sách) được coi như Binh thư Việt Nam thứ hai trong lịch sử Việt Nam sau Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, được đánh giá là tầm cao mới trong kho tàng văn hóa Việt Nam, kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam.

Ông còn là người viết nhiều nhất về Bác Hồ. Bài Hồ Chí Minh, nhà chiến lược thiên tài, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam (1970) với tư duy khoa học quyện với tình cảm sâu sắc, được viết ra thành những dòng chữ mang đậm tính nghệ thuật, thực sự làm xúc động người đọc. Ông là người sớm nhận ra bản chất, tinh hoa con người và sự nghiệp cách mạng của Người là tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông khái quát: Tư tưởng Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội... mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Như vậy, ông không chỉ là một nhà chỉ huy tài ba mà còn là nhà báo cách mạng vĩ đại.

Võ Nguyên Giáp là một nhà văn hóa lớn. Là Bí thư Quân ủy trung ương, là Đại tướng Tổng tư lệnh suốt 32 năm, ông đã rèn luyện cho Quân đội nhân dân Việt Nam trở thành một đội quân cách mạng mang bản sắc văn hóa riêng, trong đó mỗi người lính đều thấm nhuần tư tưởng nhân văn của văn hóa Việt Nam. Ông thực sự là chính ủy của các chính ủy, một nhà tổ chức hàng đầu của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Ông được nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học, nhà quân sự trên thế giới đánh giá là một vị tướng huyền thoại, một thống soái vĩ đại, một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và là một trong những vị tướng vĩ đại nhất của mọi thời đại. Ông là một trong những vị tướng hiếm hoi trên thế giới, được chính những tướng lĩnh đã từng đối đầu trên chiến trường phải cảm phục...

Nhưng trên tất cả những mĩ từ đó, nhân văn đức độ của một vị tướng như ông lại tỏa sáng như một bậc hiền nhân, mà một CCB Hà Nội đã khái quát thành thơ: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/ Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn!”. Ông là Anh Cả của quân đội ta, là Bộ đội Cụ Hồ tiêu biểu nhất - một vị tướng của lòng dân.

Chúng ta xúc động đến nao lòng khi được thấy hình ảnh của vị tướng tóc bạc trắng ôm hôn các cháu thiếu nhi khăn quàng đỏ thắm trên vai; khi ông ân cần thăm hỏi những người già; kính cẩn nghiêng mình thắp những nén hương biết ơn tưởng nhớ tới các anh hùng, liệt sĩ trong những dịp ông về quê hương Quảng Bình thân yêu... Được nghe giọng nói đầy sức truyền cảm của ông, được làm người lính dưới quyền chỉ huy của ông quả là một vinh dự và tự hào. Với tài thao lược của ông, quân đội ta đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 102 của một vị tướng suốt đời vì nước vì dân, một nhân chứng lịch sử sống qua hai thế kỷ đã đóng góp làm vẻ vang cho non sông đất nước ta trong một thời đại vẻ vang nhất của lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước: Thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.

Ths Võ Quốc Hiển
Giảng viên Trường Đại học Phương Đông
Theo Báo Quân đội nhân dân
nguồn:http://dantri.com.vn/c696/s696-633779/dai-tuong-vo-nguyen-giap-vi-tuong-huyen-thoai.htm
=====================================================================
Sinh nhật Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cập nhật: 10:39 GMT - thứ bảy, 25 tháng 8, 2012
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ảnh chụp năm 2004)
Tướng Giáp sinh ngày 25/8/1911
Báo Việt Nam đưa tin Tổng Bí thư Đảng CSVN và Chủ tịch nước đã tới bệnh viện thăm Tướng Giáp nhân sinh nhật ông lần thứ 102, còn Thủ tướng cử người đại diện.
Các báo nói hôm thứ Sáu 24/8, hai ông Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang đã tới Bệnh viện Quân y 108, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang điều dưỡng mấy năm gần đây, để mừng sinh nhật ông.
Vị tướng huyền thoại tròn 102 tuổi vào ngày thứ Bảy 25/8.
Cùng ngày, Cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu và Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trung tướng Đào Duy Minh, cũng đã tới thăm và chúc sức khỏe ông.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được biết đã ủy nhiệm cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam tới quân y viện mừng thọ Tướng Giáp.
Năm ngoái, cũng ngày 24/8 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đều tới thăm ông Võ Nguyên Giáp, cử chỉ được cho là truyền thống, nhầm bày tỏ sự kính trọng và lòng biết ơn.
Các bản tin dịp này đều không đưa hình. Lần cuối cùng hình ảnh ông Giáp trong bệnh viện được công bố là trên báo Quân đội Nhân dân hôm 19/7/2012.
Hôm đó, ông Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đã tới thăm Tướng Giáp theo ủy quyền của Thường vụ Quân ủy Trung ương và nhân dịp 65 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ.
Trong ảnh, vị tướng nằm trên giường bệnh, vây quanh là các vị khách và nhân viên y tế.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tường thuật là đã ngỏ lời "cảm ơn sự quan tâm của cán bộ, chiến sỹ toàn quân cũng như tình cảm và những lời chúc tốt đẹp của Thượng tướng Ngô Xuân Lịch".

nguồn:http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/08/120825_gengiap_birthday.shtml
======================================================================
Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua lời kể của bác sĩ riêng


- 1989. Chuyến bay chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Prague (Czech) đến Ethiopia vừa hạ đáp sau 6-7 giờ bay xảy ra một sự cố. Ngay sau khi bước xuống sân bay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đột nhiên bị choáng. Song không giống mọi lần, máy điện tim đo tại chỗ báo một đường thẳng tắp trên màn hình.

Đại tá Phạm Văn Ngà tại nhà riêng ở Vĩnh Yên. Ảnh: L.Thư
Đại tá Phạm Văn Ngà, khi đó là bác sĩ riêng cho Đại tướng cố trấn tĩnh bản thân: không được để xảy ra bất cứ tình huống xử lý sai lầm nào! 1 tiếng đồng hồ sau cấp cứu của bác sĩ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tỉnh trở lại.
Bác sĩ Ngà cùng mọi người trong đoàn tháp tùng Đại tướng chuyến thăm châu Phi năm đó "thở phào mà vẫn không hết đau tim". "Ngực mình thoi thóp vì lo. Chưa kịp an tâm, Đại tướng ngay lập tức lao vào công việc. Mình lại căng thẳng để theo ông trong tâm trạng lo sợ nhỡ có sự cố xảy ra" - bác sĩ Ngà kể.
30 năm làm việc cho Đại tướng, vị bác sĩ đã không ít lần đối mặt với tình huống như thế. Nhưng cho đến ngày về hưu, ông tự hào "chưa bao giờ xử lý nhầm lẫn, để xảy ra bất cứ sai sót nào".
Ở tuổi gần 90, vị bác sĩ vẫn nhớ như in "vô vàn kỷ niệm không bao giờ quên" khi giở các bao túi đựng những bức hình chụp chung với Đại tướng. Khi ở Trung Quốc, Liên Xô, khi ở các địa phương, bất cứ đâu trên cả nước, khắp thế giới, mọi tấm hình ghi lại đều thấy bóng dáng ông, tay cầm vali chứa thuốc và đồ y tế, đi và ngồi ngay sát Đại tướng, chỉ cách nhau bước chân.

Bác sĩ Phạm Văn Ngà (người sách cặp đưa sau lưng) trong chuyến công tác cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Trung Quốc năm 1972. Ảnh tư liệu do bác sĩ Phạm Văn Ngà cung cấp

"Gia tài" ông tiếc không giữ lại được, đó là thùng tư liệu, sổ sách ghi chép nhật ký 30 năm làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không ngày làm việc nào ông không lưu vào sổ đủ tất cả những thông số về thuốc men, từ thuốc tây đến thuốc bắc, thuốc nam, điều trị, hội chẩn các bác sĩ đầu ngành về tình huống sức khỏe của Tướng Giáp. Ông còn cần mẫn ghi vào sổ những đồ ăn, thức uống, thực phẩm dùng trong ngày trong 24 giờ...
Cẩm y vệ số 1
Bác sĩ, Đại tá Phạm Văn Ngà gắn với sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong giai đoạn từ 1965 đến 1995. Điều ông tự hào đó là Đại tướng đã luôn tin tưởng ông tuyệt đối trong 30 năm làm việc. Có một nguyên tắc bất di bất dịch là Đại tướng không bao giờ uống thuốc của bất cứ ai đưa, kể cả con cái, trừ bác sĩ Ngà.
Mọi điều trị, hội chẩn, thăm khám của các bác sĩ, ở các bệnh viện trong và ở nước ngoài, Đại tướng luôn tôn trọng nhưng nếu để uống thuốc thì chỉ nhận đơn và thuốc đưa tận tay từ bác sĩ Ngà. Điều đó khiến vị bác sĩ quân y luôn đau đáu và không ngừng trau đồi chuyên môn.
Hàng tháng, thậm chí hàng tuần, ông luôn có các cuộc hội chẩn, trao đổi với các giáo sư đầu ngành của cả nước về kinh nghiệm, kiến thức, thông tin. Cá nhân ông luôn tìm sách chuyên môn để đọc.
Có một câu chuyện ông kể lại khi đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang Liên Xô thăm khám sức khỏe. Mặc cho các bác sĩ nước bạn chăm sóc tận tình, chu đáo, cẩn thận, Đại tướng dứt khoát yêu cầu hai việc: một là kê thêm giường cho bác sĩ Ngà ở ngay cạnh, hai là mọi thăm, khám sức khỏe các bác sĩ Liên Xô Đại tướng luôn tuân thủ, trừ uống thuốc chỉ lấy từ bác sĩ Ngà. Thuyết phục "hết nước, hết cách", cuối cùng các bác sĩ Liên Xô đành phải theo yêu cầu của Đại tướng.

...trong một chuyến công tác Liên Xô

Trong lần đi theo Đại tướng và gia đình trong chuyến công tác và nghỉ ở Đà Lạt năm 1976, một tình huống thử thách cả niềm tin và bản lĩnh của bác sĩ Ngà với Đại tướng xảy ra khiến ông vô cùng cảm động. Nơi nghỉ của Đại tướng và con gái Hồng Anh là biệt thự Lệ Xuân. Công tác bảo mật và an ninh nơi đây được chuẩn bị kỹ càng đến mức "con ruồi khó lọt qua".
Nhưng một buổi xảy ra chuyện cô con gái phát hiện khay thuốc chuyển lên cho Đại tướng nhưng ông kiên quyết không uống. Đại tướng thấy lạ vì hộp thuốc chuyển lên không giống như hộp thuốc mà bác sĩ Ngà thường đưa tận tay cho ông. Ông lại đồ là thuốc của con gái nên nhắc con gái uống.
Con gái lại kiên quyết bảo không và giục ông uống cho đúng giờ. Lấy làm lạ, Đại tướng cho gọi bác sĩ Ngà lên hỏi thì vỡ ra đó không phải thuốc bác sĩ Ngà.
"Lúc đó mình tưởng như chết đi vì sợ và lo lắng. May Đại tướng không uống, nếu ông uống và xảy ra chuyện thì mình cũng chỉ có nước là chết" - ông kể đầy kịch tính.
5 ngày trôi qua vẫn chưa tìm ra manh mối cho đến khi về đến Sài Gòn, ông nhận được cú điện thoại từ một người xưng tên Côn - Chỉ huy đội cận vệ lúc ấy báo lại rằng: một người trong đội cận vệ khi đi kiểm tra biệt thự có nhặt được hộp thuốc, rồi để vào khu bếp. Người đầu bếp tưởng hộp thuốc của bác sĩ Ngà vẫn mang lên cho Tướng Giáp dùng nên tiện để vào khay bưng lên.

"Tôi như thoát chết. Đại tướng đã cứu sống tôi, bảo vệ danh dự cho tôi vì ông đã tin tưởng ở cung cách làm việc của tôi" - bác sĩ Ngà nói.

Người anh
Nhắc đến ấn tượng về cốt cách sống và làm việc của Đại tướng, bác sĩ Ngà cho hay trong suốt 30 năm ở bên Đại tướng, sự say mê công việc làm quên ngủ - quên ăn - quên sức khỏe của Đại tướng đã khiến ông từng "đứng ngồi không yên" nhưng trong lòng đầy cảm phục.

Suốt 30 năm công tác, bác sĩ Phạm Văn Ngà luôn sát cánh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Là bác sĩ, ông có trách nhiệm phải sắp xếp lịch trình làm việc, ăn nghỉ của Đại tướng theo giờ giấc song chưa bao giờ Đại tướng nghỉ việc đúng giờ. Mỗi lần ông nhắc, Đại tướng thường khẽ năn nỉ ông cho xin thêm 10-15 phút nhưng quãng thời gian này thường kéo dài lên 3 tiếng.
Kỷ niệm ông nhớ khi đi Liên Xô năm 1973 là một chuyến đi "gay cấn". Đúng 30 Tết, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô tổ chức tiệc và đón Đại tướng đến dự nhân dịp Đại sứ sang thăm và làm việc nước bạn. Nhưng do làm việc quá sức nên ngay khi vừa đến, Đại tướng bị lịm xỉu, mặt tím tái. Mọi người từ cán bộ, nhân viên, đến con cái, gia đình đi cùng lo lắng. Sau 1 tiếng cấp cứu, Đại tướng lại dự tiệc bình thường.
"Mình đắng mồm đắng miệng, không ăn được gì cả thế mà ngay sau tối về, Đại tướng năn nỉ tôi: bất cứ giá nào đồng chí cũng phải cho tôi về ngay Việt Nam vì có đồng chí Fidel Castro sang thăm" - ông kể. Và trong tình huống sức khỏe của Đại tướng chưa ổn thỏa, ông lại xách va li theo Đại tướng về nước.
Ở trên máy bay, Đại tướng lại tiếp tục làm việc, không chợp mắt một phút cho đến khi về Hà Nội. Vừa về đến Hà Nội, ngay lập tức ông lại lên ô tô vào miền Nam gặp Fidel trong bối cảnh hai miền Nam - Bắc chiến tranh căng thẳng.
"Đại tướng đã làm gì say mê lắm, một ngày từ sáng đến tối chỉ có làm việc".
Vậy 30 năm ở gần, sau cùng, ông nhận thấy Tướng Giáp là người như thế nào?
"Ông là người rất dễ thương người, coi mọi người như anh em, không phân biệt, không tỏ thái độ mình là cán bộ cao cấp, bình đẳng, chuyện trò cởi mở. Tôi ở 30 năm thấy đó là con người đối xử anh em từ cấp dưỡng, cán bộ làm việc rất bình dị, thoải mái"- bác sĩ Ngà nói.
Nói đoạn, ông đọc bài thơ riêng dành cho Đại tướng:
"Văn võ song toàn mưu lược giỏi
Tài trí uyên thâm kế sách hay
Trận đánh Điên Biên ghi lịch sử
Chiến tích dư âm mãi ngàn thu"
Linh Thư - Hiền Anh
nguồn:http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/85885/dai-tuong-vo-nguyen-giap-qua-loi-ke-cua-bac-si-rieng.html
======================================================================
Võ Nguyên Giáp - Danh tướng am tường sử học

(VOV) - Vừa là nhà sử học vừa là nhà quân sự, tư duy sử học đã giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp có những quyết đoán quan trọng trong chỉ huy kháng chiến.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, giành lại trọn vẹn độc lập quốc gia và thống nhất Tổ quốc. Đại tướng là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một thiên tài quân sự, một anh hùng dân tộc, một nhà văn hóa lớn.
Con người, sự nghiệp của ông đã đi vào lịch sử, đã được ghi nhận trong lòng dân muôn thuở không mờ phai. Tên tuổi và sự nghiệp của Đại tướng đã đi vào nhiều bộ Từ điển bách khoa và Bách khoa thư của nhiều nước. Cụm danh từ Việt Nam-Hồ Chí Minh-Võ Nguyên Giáp đã từng vang lên trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhiều nước, như biểu tượng của Việt Nam, ngọn cờ tiền phong của phong trào chống chủ nghĩa thực dân trên thế giới.
Ông trở thành một vị tướng huyền thoại của chiến tranh nhân dân, tiêu biểu cho sức mạnh của một nước thuộc địa dám đương đầu và chiến thắng những đế chế hùng mạnh bậc nhất của thời đại.
Trước khi trở thành nhà quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà báo, nhà sử học, thầy giáo dạy sử. Đại tướng cho rằng, sự gặp nhau giữa quân sự và sử học là phải tôn trọng lịch sử, phải nhìn nhận đúng sự thật dù cho là sự thật cay đắng, đau xót, là phải xem xét mọi sự việc trên quan điểm lịch sử với sự vận động biện chứng của nó.
(Ảnh: Nguyễn Trọng Nghị)

Trong lịch sử, Việt Nam đã trải qua nhiều lần kháng chiến bảo vệ đất nước và khởi nghĩa giành lại đất nước, để lại một kho tàng kinh nghiệm vô cùng phong phú, sáng tạo. Nhưng từ kinh nghiệm đó, tổng kết nêu lên thành một hệ thống quan điểm phản ánh tư tưởng và nghệ thuật quân sự Việt Nam thì không mấy nhà quân sự làm được.
Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà quân sự rất hiếm hoi, không những đã chỉ huy cuộc kháng chiến mà còn tiến hành tổng kết được kinh nghiệm của chiến tranh, để lại một số tác phẩm có giá trị như binh thư hiện đại. Đó là tác phẩm “Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng”, “Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân”, “Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc”.
Những cuốn hồi ký của Đại tướng như “Chiến đấu trong vòng vây”, “Đường tới Điện Biên Phủ”, “Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử”, “Tổng hành dinh trong mùa Xuân đại thắng” là những bộ sử sống động của hai cuộc kháng chiến thần kỳ của Việt Nam.
Với tầm bao quát của vị thống soái, những trang hồi ký của ông vừa mang tính cụ thể của nhiều tình tiết sinh động, vừa phản ánh toàn cục của cuộc chiến tranh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng chính là người đưa ra khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh và có công lớn trong việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đại tá, Phó giáo sư Nguyễn Văn Chung, nguyên Chủ nhiệm khoa Sư phạm quân sự, Đại học Chính trị, kể lại: “Khi làm đề tài tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Đại tướng đã bỏ ra mấy năm để suy nghĩ và chỉ đạo chúng tôi viết về đề tài đó. Có những chương Đại tướng rất công phu như chương nói về tư tưởng sáng tạo của Hồ Chí Minh so với Các Mác, Lênin sáng tạo ở chỗ nào; hay như chương Đạo đức nhân văn và văn hóa Hồ Chí Minh - đó là một chương rất khó phải đi từ khái quát lịch sử đế khái quát những vấn đề Các Mác, Lênin và những vấn đề trong thực tiến Việt Nam hiện nay. Có những lúc chúng tôi viết thành bài rồi đưa Đại tướng, anh sửa đi sửa lại đến 4, 5 lần, có khi quên cả ăn”.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Đại tướng cũng dành nhiều thời gian cho nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử chống ngoại xâm, viết nhiều luận văn về lịch sử quân sự, về một số chiến công và danh nhân như chiến thắng Chi Lăng, chiến thắng Đống Đa, nhân vật Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ… cùng một số tướng lĩnh thời hiện đại.
Giáo sư Phan Huy Lê cho biết, trong nghiên cứu lịch sử và trao đổi với các sử gia trong và ngoài quân đội, Đại tướng đặc biệt lưu ý các nhà nghiên cứu cần kiểm tra và tìm hiểu sâu sắc những khái niệm mà tổ tiên đã tổng kết, như “ngụ binh ư nông” thời Lý; “dân binh”, “dĩ đoạn chế trường” thời Trần; “lập cước chi địa”, “dĩ nhược chế cường, dĩ quả địch chúng” thời khởi nghĩa Lam Sơn để thấy đúng tầm khái quát sự tiến triển của tư tưởng quân sự Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
Giáo sư Phan Huy Lê kể lại: “Đại tướng gợi ý, hình như qua lịch sử chống ngoại xâm đã hình thành một số tư tưởng và đặc điểm nghệ thuật quân sự mang tính độc đáo và sáng tạo của Việt Nam, tồn tại như một trường phái quân sự Việt Nam hay một học thuyết quân sự Việt Nam. Đại tướng không chỉ để lại một số công trình nghiên cứu lịch sử mà còn đề ra một số hướng nghiên cứu phản ánh một tư duy sử học rất sắc sảo”.
Điều gì đã khiến một thày giáo dạy sử trở thành một vị tướng lừng danh thế giới? Điều gì đã khiến một vị đại tướng huyền thoại sau chiến tranh miệt mài chăm lo đến sự phát triển của nền sử học Việt Nam, luôn nỗ lực mong muốn nâng cao vai trò quan trọng của sử học trong nền khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam, chức năng nâng cao hiểu biết lịch sử của nhân dân và nhất là yêu cầu giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống trong thế hệ trẻ?
Đó là vì Đại tướng hiểu sâu sắc rằng, nền tảng quyết định thắng lợi của các cuộc kháng chiến, quyết định sức sống bền bỉ của dân tộc là nền văn hóa dân tộc./.
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001