Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Bản cáo trạng của VKSND tỉnh Đắc Nông về thầy giáo Đinh Đăng Định 

Một độc giả ẩn danh gửi tới Dân Luận bản cáo trạng của Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Đắc Nông truy tố thầy giáo Đinh Đăng Định theo điều 88 BL Hình Sự. Dựa trên bản cáo trạng tùy tiện này, thầy Định đã bị kết án 6 năm tù giam vào ngày 9/8 vừa qua. Chúng tôi mong rằng việc công bố bản cáo trạng này, kèm theo đường dẫn tới các bài viết công khai của thầy Định trên mạng internet, sẽ giúp công luận hiểu rõ sự việc hơn và có biện pháp thích hợp để đấu tranh bảo vệ quyền tự do ngôn luận của thầy Định.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Đăk Nông, ngày 27 tháng 6 năm 2012
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH ĐẮC NÔNG
Số 36/CTr-VKS(PIA)

CÁO TRẠNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG

- Căn cứ các điều 36, 166, 167 Bộ luật tố tụng hình sự
- Căn cứ Quyết định Khởi tố vụ án hình sự số 03/QĐ ngày 03/10.2011 của cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đăk Nông, về tội: Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam theo quy định của điều 88 Bộ luật hình sự
- Căn cứ Quyết định khởi tố bị can số: 04 ngày 21/10/2011 của cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đăk Nông đối với Đinh Đăng Định về tội: Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam (CHXNCN VN) theo quy định tại Điều 88 Bộ luật hình sự.
Trên cơ sở kết quả điều tra đã xác định được như sau:
Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2010 đến tháng 12/2011, Đinh Đăng Định (sinh năm 1963, là giáo viên trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông) đã thực hiện các hành vi làm ra, tàng trữ và lưu hành các tài liệu có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt nam, cụ thể:
Hành vi làm ra các tài liệu có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam: Ngày 18/10/2010, Định viết bài: “Yêu nước không có độc quyền” và đưa lên mạng trang baotoquoc.com, đầu tháng 11/2010, Định viết bài “Suy nghĩ cá nhân về tình hình đất nước”, trong đó có 05 nội dung chính là: Vấn đề Bôxit (Phản đối dự án khai thác boxit ở Nhân cơ), về hiện tình đất nước, đòi Đa nguyên – Đa đảng, đòi xóa bỏ Điều 4 – Hiến pháp, phi chính trị hóa ngành Giáo dục, Quân đội, Công an và đưa lên mạng trang songthan.org. Đầu tháng 12/2010, Định viết bài “Thư khẩn”, nội dung cơ bản là nói xấu việc cơ quan an ninh tỉnh Đăk Nông thu giữ máy vi tính của Định là trái pháp luật, vi phạm nhân quyền và gửi bằng đường Bưu điện cho các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng thời Định đưa lên trang mạng Danluan.org; Thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đăk Nông, trong thư có các nội dung đáng chú ý như: “Tôi quyết không sợ đám cộng sản đểu/dỏm của ngành giáo dục này và đấu tranh đến cùng (cộng sản, phát xít) ra khỏi đất nước này…”, “Đảng cộng sản độc tài hết thời, cái ngày bị ném vào sọt rác lịch sử không xa”, thư này Định dự kiến sẽ đưa lên mạng internet vào dịp 20/11/2011, nhưng chưa đưa thì ngày 21/11/2011 bị bắt; Ngoài ra Định còn viết bài “65 năm mùa thu” để làm lời tựa cho bài viết “Nhu cầu bức thiết hình thành phe đối lập tại Việt Nam” của Nguyễn Trung Lĩnh, từ đó gửi cho các đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoài (BL 230 tập 1)
Hành vi tàng trữ các tài liệu có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt nam: Ngày 24/11/2010, Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Đăk Nông tiến hành kiểm tra máy tính để bàn của Định, qua kiểm tra phát hiện, trong máy có chứa 19 đầu tài liệu có nội dung phản động, gồm các bài có tựa đề: HCM là người nói quân ta “Trung với Đảng, hiếu với dân”; danh sách kiến nghị tính đến ngày 16/10/2010 (925 người); lập khi còn chế độ độc Đảng; từ lục tứ sự kiện đến linh bát hiến chương; HCM tội nào nặng nhất? – Ngô Nhân Dụng; HCM trong cải cách ruộng đất – Nguyễn Quan Huy; hồ sơ tội ác HCM: xin đừng quên! Nửa thế kỷ trước cải cách ruộng đất đẫm máu – Nguyễn Minh Cần – cựu phó chủ tịch ủy ban hành chính thành phố Hà nội; con tố cha – vợ tố chồng; giải tỏa huyền thoại HCM – LS Nguyễn Hữu Thống; Bán nguyệt san số 110*01-11-2010 – tự do ngôn luận; Đinh Đăng Định – Những suy nghĩ cá nhân về tình hình đất nước; suy nghĩ cá nhân thể theo yêu cầu của Cơ quan an ninh chính trị nội bộ tỉnh Đăk Nông; HCM và cải cách ruộng đất – Trần Gia Phụng 4.2006; Thông luận 01.11.2010; đơn tố cáo của Luật sư Nguyễn Thị Dung Hà, vợ của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ; Đinh Đăng Định – Yêu nước không có độc quyền; hội quán Việt Nam: Phát biểu của bà Clintơn trong buổi gặp ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm; phỏng vấn Luật sư Cù Huy Hà Vũ theo VOA; Diễu hành hòa bình tại Ottawa (BL 01 – 07 tập 2)
Hành vi lưu hành những tài liệu có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam: Ngoài việc viết các bài có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt nam lưu tại máy tính, Đinh Đăng Định còn sử dụng một số bài để đưa lên mạng internet và được một số trang mạng đăng tải như “cảnh báo khẩn” đăng trên trang Boxit; “yêu nước không có độc quyền” đăng trên baotoquoc.com; “suy nghĩ cá nhân về tình hình đất nước” đăng trên trang danluan.org, “thư khẩn” đăng trên các trang danluan.org và tintuchangngay.
Trong một số bài khác Đinh Đăng Định dùng hộp thư điện tử dinhdangdinh@gmail.com và gửi cho một số cán bộ, giáo viên trường PTTH Lê Quý Đôn – Tuy Đức qua địa chỉ Email của họ: gửi cho anh Trình Nguyễn Vĩnh Phong ở địa chỉ email thaovyphong@gmail.com các bài viết: “Đại lễ ngàn năm Thăng Long – Hà Nội hoang phí 4,5 tỷ USD”. Bài “chỉ tiêu 1000 việt kiều yêu nước nhưng chỉ có 190 người”; Bài “Giải phóng” nỗi kinh hoàng của người dân Việt nam; Bài “Bắt người trái pháp luật - Công an Thành phố Hồ Chí Minh lập thành tích chào mừng 1000 năm Thăng long – (nói về Tạ Phong Tần)” và bài “Không chừng thầy bói nói đúng – nói về đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gửi bài “Hoàng sa – sếp đi vắng hay niềm hoang tưởng đã mất” cho anh Nguyễn Văn Hoàn ở địa chỉ Email ThuhoanK47dhv@gmail.com và anh Nguyễn Văn Cần ở địa chỉ email Nguyenvancan18@yahoo.com (BL số 231 tập 1)
Định còn liên lạc thông qua hộp thư điện tử với các đối tượng phản động trong và ngoài nước để chỉnh sửa câu, từ, ý, nội dung bài viết “Nhu cầu bức thiết hình thành phe đối lập tại Việt nam” của Nguyễn Trung Lĩnh; góp ý, bàn bạc với Nguyễn Trung Lĩnh về việc chuẩn bị nhân sự, tổ chức, hậu cần, phương tiện cho lực lượng đối lập tại Việt nam và cách thức tổ chức hoạt động theo từng bước, từng giai đoạn của phe đối lập nếu được hình thành tại Việt nam. Qua sự giới thiệu của Nguyễn Trung Lĩnh, Định liên lạc với các đối tượng ở nước ngoài như: Giang Hồng (tổng biên tập tạp chí tự do ngôn luận ở Cộng hòa liên bang Đức); đối tượng Nguyễn Bá Long (chủ nhiệm website “đối lực” ở Canada) để bàn bạc về nhân sự cho phe đối lập ở Việt Nam nếu được hình thành. Định làm quen trao đổi với đối tượng Huỳnh Tâm (ở Pháp) qua địa chỉ email radiothongluan@online.fr, Định gửi các tài liệu cho Tâm gồm các bài “65 năm mùa thu” và bài “nhu cầu bức thiết hình thành phe đối lập ở Việt Nam” mục đích để Tâm đăng lên các trang ở hải ngoại. Định đã trả lời 03 cuộc phỏng vấn qua điện thoại với phóng viên “chim Quốc Quốc” trên diễn đàn “Tranh luận dân chủ chính trị” và được đăng trên website http://myopera.com có nội dung: Đánh giá, bàn bạc về hiện tình đất nước, các vấn đề tiêu cực của xã hội, vấn đề dân chủ, nhân quyền của đất nước ta, về Đại hội Đảng lần thứ XI… (BL số 232 tập 1)
Ngoài ra, Đinh Đăng Định luôn luôn thể hiện quan điểm, tư tưởng chống đối chế độ, chống Nhà nước CHXHCN Việt nam. Định cho rằng Đảng cộng sản Việt nam lãnh đạo xây dựng xã hội Việt Nam theo con đường XHCN là đi vào ngõ cụt, làm cho đất nước nghèo nàn lạc hậu; đòi thao đổi Hiến pháp 1992 và xóa bỏ Điều 4; đòi đa nguyên, đa Đảng…
Trong quá trình điều tra Cơ quan ANĐT đã trưng cầu các cơ quan chức năng để giam định: Âm thanh ghi âm nội dung 03 cuộc trả lời phỏng vấn của người đàn ông tự xưng là giáo viên Đinh Đăng Định ở Đăk Nông với phóng viên “Chim Quốc Quốc”, chữ viết trên tài liệu có đầu đề “Suy nghĩ cá nhân (tóm tắt) thể theo yêu cầu CQANCTNB Đăk Nông” ghi ngày 25/10/2010 với chữ viết của Đinh Đăng Định; Giám định pháp y tâm thần đối với Đinh Đăng Định và giám định nội dung tài liệu do Định làm ra và tàng trữ mà Cơ quan ANĐT đã thu giữ được trong quá trình điều tra.
Tại kết luận giám định số 3145/C54-P2+P5, ngày 20/12/2011 của Viện khoa học hình sự - Bộ Công An có kết luận:
+ Âm thanh (giọng nói) trong đĩa CD ghi âm nội dung 03 cuộc trả lời phỏng vấn của người đàn ông tự xưng là giáo viên Đinh Đăng Định ở Đăk Nông với phóng viên “Chim Quốc Quốc” là giọng nói của Đinh Đăng Định.
+ Chữ viết trên tài liệu có đầu đề “Suy nghĩ cá nhân (tóm tắt) thể theo yêu cầu CQANCTNB Đăk Nông” ghi ngày 25/10/2010 với chữ viết của Đinh Đăng Định là do một người viết ra.
Tại biên bản Giám định pháp y tâm thần số 866/PYTT-PVPN, ngày 29/12/2011 của Phân viện phía nam – Viện giám định pháp y tâm thần trung ương, kết luận: Tại thời điểm gây án và hiện nay: Đương sự Đinh Đăng Đinh có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nhưng bị hạn chế do bệnh.
Tại bản kết luận giám định số 09/KL-STTTT, ngày 12/01/2012 của Hội đồng giám định Văn học – Nghệ thuật tỉnh Đăk Nông, kết luận: Nội dung 28 tài liệu được trưng cầu giám định (19 đầu tài liệu thu giữ tại máy tính của Đinh và 09 đầu tài liệu do các cán bộ giáo viên trường Lê Quý Đôn giao nộp) đều có tính chất tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng, chống đối Đảng và nhà nước Việt Nam và xâm hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước CHXHCN Việt nam, quyền và lợi ích hợp pháp của Đảng cộng sản Việt Nam và các cá nhân.
Vật chứng của vụ án:
- 01 chiếc CPU thu của Đinh Đăng Định; 28 đầu tài liệu của Đinh và của một số cán bộ, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn huyện Tuy Đức giao nộp.
Căn cứ những tình tiết và chứng cứ nêu trên đã có đủ cơ sở:


KẾT LUẬN:


Do ý thức coi thường pháp luật, tư tưởng chống đối đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam. Để thực hiện ý đồ đòi đa nguyên, đa Đảng và nhen nhóm hình thành phe phái đối lập tại Việt nam, nên trong khoảng thời gian từ đầu năm 2010 đến tháng 12 năm 2011, Đinh Đăng Định đã làm ra, tàng trữ và lưu hành một số tài liệu có nội dung nói xấu chủ tịch Hồ Chí Minh, chống đối lại đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước CHXHCN Việt Nam, nhằm chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Tạo điều kiện để các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài và các đối tượng cơ hội chính trị lợi dung xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt nam.
Như vậy đã có đủ căn cứ xác định bị can có lý lịch dưới đây phạm tội như sau:
Họ và tên: Đinh Đăng Định; Tên gọi khác: Không.
Sinh năm: 1963, tại tỉnh Hải Dương.
Nơi ĐKNKTT và chỗ ở hiện nay: Số nhà 214, đường Nơ Trang Long, Khối 4 – thị trấn Kiến Đức – huyện Đăk R’Lấp – tỉnh Đăk Nông.
Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không.
Trình độ học vấn: 10/10; Nghề nghiệp: Nguyên là giáo viên.
Tiền án, tiền sự: Không
Con ông Đinh Hữu Bàn (đã chết), con bà Trịnh Thị Đào (đã chết).
Bị can là con thứ năm trong gia đình có 6 anh em. Bị can có vợ là Đặng Thị Dinh (SN 1962), hiện trú tại số nhà 214, đường Nơ Trang Long, khối 4 – thị trấn Kiến Đức – huyện Đăk R’Lấp – tỉnh Đăk Nông. Bị can có 03 con, lớn nhất sinh năm 1988, nhỏ nhất sinh năm 1995.
Nhân thân: Từ nhỏ sống với bố mẹ đi học văn hóa tại xã Hiệp Hòa huyện Kinh Môn – tỉnh Hải Dương. Từ năm 1980 đến 1985 là sinh viên khoa Hóa, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ tháng 12/1985 đến 01/3/1988 là giáo vien trường Sỹ quan phòng hóa, thuộc Binh chủng Hóa học ở Sơn Tây – hà Nội. Cuối năm 1988 đến 1991 công tác tại Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao – Vĩnh Phúc. Từ năm 1991 đến đầu năm 1994 công tác tại Nhà máy Supe phốt phát Long Thành – Đồng Nai. Từ đầu năm 1994 đến cuối giữa năm 1995 công tác tại Công ty sản xuất thuốc trừ sâu Kosvida ở Huyện Thuận An – Bình Dương. Từ 1005 đến 1998 công tác tại công ty sản xuất phân bón con cò ở huyện Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ năm 1998 đến 2000 là giáo viên trường PTTH Bán công Bình Long (nay là trường THPT Nguyễn Huệ) huyện Bình Long – Bình Phước. Từ năm 2000 đến 2007 là giáo viên trường THPT Phạm Văn Đồng huyện Đăk R’Lấp. Từ 2007 đến ngày phạm tội là giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn huyện Tuy Đức – Đăl Nông. Bị can bị bắt tạm giam ngày 21/10/2011, hiện bị can đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Đăk Nông.
Hành vi nêu trên của bị can Đinh Đăng Đinh đã phạm vào tội: Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 88 Bộ luật Hình sự.
Điều 88 Bộ luật hình sự quy định:
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a)…
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Vì những lẽ trên:


QUYẾT ĐỊNH:


Truy tố ra trước Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Nông để xét xử đối với bị can Đinh Đăng Định có lý lịch nêu trên về tội: Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 88 Bộ luật hình sự đã viện dẫn ở trên.
Biện pháp tư pháp:
- Căn cứ Điều 41 Bộ luật hình sự và điều 77 Bộ luật tố tụng hình sự:
Tịch thu, sung công quỹ nhà nước 01 chiếc CPU thu của Đinh Đăng Định. Các tài liệu khác đã thu giữ đính kèm theo hồ sơ vụ án phục vụ công tác xét xử.
Kèm theo Cáo trạng có:
+ Hồ sơ vụ án gồm có 02 tập, tập một gồm…. trang đánh số thứ tự từ 01 đến…., tập hai gồm 424 trang đánh số thứ tự từ 01 đến 424.
+ Danh sách, địa chỉ những người yêu cầu triệu tập đến phiên tòa
PHÓ VIỆN TRƯỞNG
TẠ ĐÌNH ĐỀ
KT. VIỆN TRƯỞNG

Nơi nhận:
- Vụ 2 VKSND Tối cao;
- VKSXX-PT II Đà nẵng;
- Lãnh đạo Viện (02 bản)
- PV27, PC45 CA Tỉnh;
- HSVA;
- HS KSĐT;
- Bị can;
- Lưu HS


* * *

ct_p1.jpg
2_6.jpg
3_0.jpg
4_1.jpg
5.jpg
6.jpg
Admin gửi hôm Thứ Hai, 27/08/2012 
nguồn:http://danluan.org/node/14026
===============================================================

Nguyễn Ngọc Già - Cái gọi là "cáo trạng truy tố" thầy Định... (!) Phần 1. 

Nguyễn Ngọc Già

Ông Đinh Đăng Định trong một lần bị thẩm vấn. Ảnh Báo Công an Nhân dân
...quả là một đống tạp nham gồm: chữ, số, kỹ thuật trình bày, văn phong, căn cứ, luận điểm kết tội v.v... [1]

I. TRÌNH TỰ THỜI GIAN:

Căn cứ vào Bộ luật Tố tụng hình sự với 346 điều, và nội dung "cáo trạng", người viết xin tạm lấy thời điểm [2] làm chuẩn, từ đó phân tích các sự việc diễn ra để nêu bật lên việc làm vi phạm pháp luật của giới cầm quyền Đăk Nông:
A) Ngày 18/10/2010, ông Định viết bài: “Yêu nước không có độc quyền” và đưa lên mạng trang baotoquoc.com,
B) Ngày 25/10/2010 ông Định viết bài “Suy nghĩ cá nhân (tóm tắt) thể theo yêu cầu CQANCTNB Đăk Nông”.
C) Đầu tháng 11/2010, ông Định viết bài “Suy nghĩ cá nhân về tình hình đất nước”, trong đó có 05 nội dung chính là: Vấn đề Bôxit (Phản đối dự án khai thác boxit ở Nhân cơ), về hiện tình đất nước, đòi Đa nguyên – Đa đảng, đòi xóa bỏ Điều 4 – Hiến pháp, phi chính trị hóa ngành Giáo dục, Quân đội, Công an và đưa lên mạng trang songthan.org.
D) Ngày 24/11/2010, Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Đăk Nông tiến hành kiểm tra máy tính để bàn của ông Định.
E) Đầu tháng 12/2010, ông Định viết bài “Thư khẩn”, nội dung cơ bản là trình bày việc cơ quan an ninh tỉnh Đăk Nông thu giữ máy vi tính của ông Định là trái pháp luật [3], vi phạm nhân quyền và gửi bằng đường Bưu điện cho các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng thời ông Định đưa lên trang mạng Danluan.org; Thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đăk Nông...
F) Ngày 03/10/2011: Ra quyết định khởi tố vụ án.
G) Ngày 21/10/2011: Đinh Đặng Định bị bắt.
H) Ngày 21/10/2011: Ra quyết định khởi tố bị can.
I) Ngày 20/12/2011: Viện khoa học hình sự - Bộ Công An có kết luận giám định số 3145/C54-P2+P5...
J) Ngày 29/12/2011: Có biên bản Giám định pháp y tâm thần số 866/PYTT-PVPN, của Phân viện phía nam – Viện giám định pháp y tâm thần trung ương kết luận...
K) Ngày 12/01/2012: Có kết luận giám định số 09/KL-STTTT, của Hội đồng giám định Văn học – Nghệ thuật tỉnh Đăk Nông...
L) Ngày 27/6/2012: Ra quyết định truy tố (nghĩa là bản cáo trạng)

II. ĐỐI CHIẾU LUẬT & PHÂN TÍCH:

Qua 12 mốc thời gian như trên, thoạt nhìn có vẻ hợp lệ, hợp lý cho "quá trình theo dõi điều tra" trước khi công an quyết định bắt chính thức thầy Định. Tuy vậy, có một vài vấn đề nên đặt ra để chúng ta cùng ngẫm nghĩ:
Bộ Luật tố tụng hình sự cũng như nhiều bộ luật khác, quy định cụ thể và có hệ thống, cho một hay nhiều vấn đề, nhiều công việc mà nó có liên quan mật thiết và tác động qua lại, để cho công dân cũng như cá nhân và tổ chức thuộc công quyền dễ hiểu mà thực thi quyền và nghĩa vụ, tùy vào mỗi vai trò trong từng hoàn cảnh.
Trên căn cứ đó, không ai có quyền quấy nhiễu người khác, một khi người đó chưa bị tước quyền Công dân. Chúng ta biết, suốt thời gian trước khi thầy Định bị bắt, ông đã bị công an quấy nhiễu rất nhiều. Phía công an đã vi phạm trước hết là điều 4 LTTHS:
Điều 4. Tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dânKhi tiến hành tố tụng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm trong phạm vi trách nhiệm của mình phải tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó, nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết nữa.
Cần nhấn mạnh chi tiết "KHI TIẾN HÀNH TỐ TỤNG" trong điều 4, nghĩa là khi đã là "bị can", "bị cáo", phía công quyền còn phải luôn tuân thủ điều 4, nói gì trước khi bắt thầy Định, ông vẫn còn nguyên vẹn QUYỀN CÔNG DÂN. Do đó, công an có quyền lặng lẽ theo dõi 24/24, nhưng CẤM động đến dù chỉ một sợi tóc của thầy Định. Trên thực tế, công an không những vi phạm điều 4 mà vi phạm điều 6 LTTHS:
Điều 6. Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dânKhông ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang.
Việc bắt và giam giữ người phải theo quy định của Bộ luật này.
Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.
Không những họ vi phạm điều 4, điều 6, họ tiếp tục vi phạm điều 8
Điều 8. Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dânKhông ai được xâm phạm chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân.
Việc khám xét chỗ ở, khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện tín, khi tiến hành tố tụng phải theo đúng quy định của Bộ luật này.
Song song đó, họ tiếp tục vi phạm điều 10 LTTHS:
Điều 10. Xác định sự thật của vụ ánCơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Ngay đây chúng ta thấy, họ không những vi phạm hàng loạt điều như thế, họ còn cho thấy đã CỐ TÌNH GÀI BẪY thầy Định theo mục B phần I nêu trên, với cụm từ "THỂ THEO YÊU CẦU CQANCTNB Đăk Nông". Lẽ ra, thầy Định không cần đáp ứng cái "thể theo yêu cầu" lưu manh đó! Cần nhấn mạnh, thời điểm đó thầy Định vẫn còn nguyên vẹn QUYỀN CÔNG DÂN. Nghĩa là, họ yêu cầu thì mặc xác họ. Rất tiếc!

Khi nào một công dân bị bắt?

Như điều 6 đã nêu, và rõ hơn, ngoại trừ trường hợp "bắt quả tang" và "người đang bị truy nã" (nghĩa là có lệnh truy nã trước đó rồi), không một ai bị bắt mà KHÔNG CÓ LỆNH BẮT, kể cả bắt khẩn cấp.
Đó tiếp tục tố cáo phía công an vi pham nghiêm trọng LTTHS.
Thầy Định nên làm gì khi bị quấy nhiễu?
Hữu hiệu và đơn giản, làm ngay một đơn khiếu nại hay tố cáo. Mỗi lần bị quấy nhiễu là làm một đơn. Những ai đang đối mặt với bạo quyền ngang ngược xin hãy làm ngay, ít nhất bắt đầu khi bạn đọc bài viết này. Lý do? Đó là các chứng cớ rất quan trọng cho cả quá trình bị quấy nhiễu, trước khi phía công an bắt chính thức. Chúng ta dễ rơi vào tâm trạng phẫn uất, bởi trong tay không có một bằng chứng tố cáo nào cả.[4]
(còn nữa)
Nguyễn Ngọc Già
_________________________________________________________
[1] Thú thật, mất khá nhiều thời gian để phân loại "đống rác" mà đưa vào tái chế. Sau khi phân loại "rác" xong, rất lấy làm tiếc, dù "chúng tôi đã cố gắng hết sức" :) cũng không tìm ra được phần nào có thể "tái chế" nhằm "giúp ích cho đời", nên đành phải... đưa ra cho độc giả xem, trước khi đem vào bãi xử lý. Thành thật chia buồn cùng những ai làm ra "Bản cáo trạng", bởi nó chỉ là "phân hữu cơ" phù hợp với một loại cây duy nhất - "cây Đảng". Xin chân thành xin lỗi Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Tý với nhạc phẩm "Huyền Diệu", vì trong nhạc phẩm này có câu "Đảng với đời như cây với hoa".
[2] Theo nội dung cáo trạng, có sắp xếp lại theo thời gian xảy ra sự việc. Những tiểu tiết "đầu tháng 11/2010", "đầu tháng 12/2010" đưa vào cáo trạng là sai hoàn toàn. Bởi theo "Điều 167. Bản cáo trạng":
"Nội dung bản cáo trạng phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm xảy ra tội phạm; thủ đoạn, mục đích, động cơ phạm tội, hậu quả của tội phạm và những tình tiết quan trọng khác; những chứng cứ xác định tội trạng của bị can, những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; nhân thân của bị can và mọi tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án..."
[3] Bản "cáo trạng" quy cho ông Định là "nói xấu". Cáo trạng không phải là văn bản đôi co con nít, ví như: "mày dám nói xấu tao, mày tiêu đời rồi!" :) Thật vừa buồn, vừa cười cho những cái đầu nào soạn thảo và ký tá, rặt tư tưởng quê mùa và dốt nát như thời Nghị Quế, Nghị Hách cả trăm năm trước! Ai tai!
[4] Đôi khi, chúng ta không để ý những tiểu tiết nhỏ mà quan trọng này. Bùi Thị Minh Hằng và Đặng Bích Phượng đang đi đúng hướng. Xin chớ xem thường việc tưởng nhỏ này. Đây là quá trình "tích lũy chứng cớ" của anh (chị) nào đang bị quấy nhiễu. Hãy đừng quan tâm việc họ nhận hay không nhận đơn. Mặc xác nó, quan trọng là có bản lưu và giấy biên nhận gởi qua đường bưu điện. Bạn đang thực hiện quyền công dân từ việc nhỏ nhất, trước nhất cho bạn. Hãy bảo vệ bạn bằng cách giản dị nhất, trước khi bảo vệ người khác. Nếu bạn đọc nào có khả năng, xin hãy nghĩ đến một hợp đồng với Luật sư riêng mà mình tin tưởng.
Khách gửi hôm Thứ Tư, 29/08/2012 
nguồn:http://danluan.org/node/14041
===================================================================
Đinh Đăng Định - Những suy nghĩ cá nhân về tình hình đất nước (1)


Đinh Đăng Định
Bản đánh máy từ bản viết tay đã giao cho cơ quan an ninh chính trị nội bộ Daknong ngày 25-10-2010.
Dakrlap – Daknong, ngày 25-10-2010.

SUY NGHĨ CÁ NHÂN (TÓM TẮT) THỂ THEO YÊU CẦU CỦA CƠ QUAN AN NINH CHÍNH TRỊ NỘI BỘ TỈNH DAKNONG

Do giới hạn hiểu biết về tình hình đất nước, khả năng bản thân, thời gian quá eo hẹp (khoảng 2 ngày) để trình bày những vấn đề lớn tầm quốc gia quả là không thể đối với một giáo viên hóa học THPT là tôi trong bối cảnh này. Với tinh thần hợp tác tôi cố gắng trình bày tóm lược những suy nghĩ của mình về các vấn đề sau đây, theo yêu cầu của Cơ quan An Ninh Chính Trị Nội Bộ Daknong.
  1. Bô xít Tây Nguyên,
  2. Hiện tình xã hội Việt Nam,
  3. Dân chủ - đa nguyên, đa đảng cho Việt Nam,
  4. Điều 4 - Hiến pháp (1992),
  5. Phi chính trị hóa quân đội, công an, giáo dục-đào tạo.

VÀI NÉT ĐẠI CƯƠNG

Việt Nam hiện nay có dân số khá đông, khoảng 86 triệu (chưa kể số người Việt hải ngoại), những con người cần mẫn, giàu lòng vị tha; đất nước ở địa lý thuận lợi; có tiềm năng của một nước lớn và giàu có, giữ địa vị quan trọng trên thế giới.
Dù vậy, chúng ta (VN) cho đến nay vẫn là một quốc gia gia nghèo nàn, lạc hậu tốp cuối của thế giới. Mâu thuẫn đau lòng đó là câu hỏi thường trực trong lòng mỗi con dân nước Việt trước một tương lai chưa hứa hẹn ở thế kỷ 21.
Những chênh lệch về mức sống và trình độ phát triển của các dân tộc là hậu quả của điều kiện địa lý, tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt là cách thức tổ chức xã hội. Tổ chức xã hội tốt hay xấu có thể làm thay đổi hẳn số phận của một đất nước, một dân tộc. Thế giới đã chứng kiến nhiều quốc gia mặc dù đất đai ít, tài nguyên thiên nhiên nghèo, nhờ có tổ chức xã hội tốt đã vươn lên (Nhật Bản là ví dụ rất gần với Việt Nam); bên cạnh đó nhiều quốc gia được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên, sau nhiều chục năm xây dựng vẫn quằn quại trong nghèo đói, đồng hành với tài nguyên cạn kiệt…Chúng ta càng ý thức được việc tổ chức xã hội có vị trí đặc biệt quan trọng như thế nào khi so sánh lợi tức của người Nhật gấp tới hơn 40 lần người Việt (đây mới chỉ là con số về GDP!). Sự thua kém, tủi hổ này buộc người VN phải tự suy xét về bản thân mình, tìm lối đi cho mình, cho phép ta tin rằng nếu tổ chức lại giang sơn đất nước một cách khoa học, hiệu quả thì người Việt Nam chúng ta chắc chắn sẽ thoát khỏi nghèo hèn (gồm cả đói ở một bộ phận mỗi khi có thiên tai giáng xuống vùng đó) hiện nay và đủ sức vươn lên.
Nhưng chúng ta đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội rồi.
Cơ hội lớn nhất là chế độ thực dân sụp đổ sau chiến tranh thế giới II, cơ hội giành độc lập và vươn lên đã bị bỏ lỡ! Nội bộ quốc gia – dân tộc bị chia rẽ sâu sắc, lên án nhau, mạt sát nhau và tiêu diệt nhau khi có cơ hội và tìm mọi cơ hội! Chính nó tạo ra sự rạn nứt trong lòng quốc gia – dân tộc, thật khó có thể hàn gắn. Kết quả cuối cùng là chúng ta thu được chế độ chính trị Cộng Sản Toàn Trị (độc tài, đảng trị) cho đến tận bây giờ! Trong khi đó, các dân tộc khác dù tốn rất ít xương máu, thậm chí không, cũng đã có độc lập và còn xây dựng xã hội dân chủ từ nhiều chục năm qua. Vì thế mà họ đã bỏ xa chúng ta!
Ngày nay, nhân dân cùng cực và chán ngán chế độ sinh ra chán nản với cả quê hương đất nước mình, đất nước đã kiệt quệ, tụt hậu và bế tắc. Nguy cơ thua kém vĩnh viễn là nguy cơ mất nước trở thành thách thức đang hiện hữu. Nhưng, quốc gia không mang lại hạnh phúc, niềm tự hào và hy vọng vươn lên không sớm thì muộn sẽ bị giải thể theo quy luật đào thải – chọn lọc và phát triển một lẽ tự nhiên.
Con đường thoát khỏi bế tắc để vươn lên là DÂN CHỦ - ĐA NGUYÊN VÀ NHÂN QUYỀN. Dân chủ là động lực phát triển; đa nguyên tự nó tôn trọng mọi khác biệt trong xã hội làm xã hội càng phong phú và thực hiện hòa giải dân tộc sau những xung đột đẫm máu; nhân quyền phát huy sinh lực, nguồn lực, sáng kiến và ý kiến mỗi cá nhân trong cộng đồng dân tộc và đặc biệt là tôn vinh con người.
Nhìn lại, nguyên nhân dẫn đến những rạn nứt mà nước ta phải gánh chịu chính là vì chúng ta không đầu tư đủ tư duy để nhận diện những vấn đề trọng đại đặt ra cho mình và tìm hướng giải quyết. Chúng ta thiếu hẳn một DỰ ÁN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA phù hợp với thời đại và hoàn cảnh của đất nước. Cuối cùng người đồng bào, con lạc cháu hồng đã tàn sát lẫn nhau vì ý thức hệ không phải của mình mà sự tàn sát còn đẫm máu hơn, bảo vệ say sưa hơn ở các dân tộc khởi xướng ra nó, thảm bại thay!
Bài học đau đớn đó, dứt khoát chúng ta từ bỏ đầu óc độc quyền lẽ phải, tôn trọng sự khác biệt, đối thoại, thảo luận và thỏa hiệp trong tinh tần tương kính với thái độ lương thiện, xây dựng từ nhận thức rằng người VN rang buộc trong một than phận chung rằng, nếu đất nước giàu mạnh, cuộc sống khá hơn và tất cả chúng ta được kính trọng; ngược lại nếu đất nước ta nghèo nàn, lạc hậu, đói khổ tất cả chúng ta đều bị coi thường bất kể ta thuộc xuất xứ tôn giáo nào, đảng phái chính trị nào hay theo chủ nghĩa gì. Trong hoàn cảnh bi đát ấy, điều tốt nhất cho một người cũng là điều tốt nhất cho mọi người và ngược lại.

I. VẤN ĐỀ BÔ-XÍT TÂY NGUYÊN

Tôi hoàn toàn ủng hộ bản kiến nghị được khởi thảo bởi các nhà trí thức yêu nước và tinh hoa của đất nước, gồm 10 chữ kỹ khởi thảo của các thành viên IDS (cũ) và nhóm BVN đã loan tải trên BVN, tuanvietnam.net... Trong bản văn này tôi không viết thêm nữa.
Tôi đã ký ở số thứ tự 629.

II. HIỆN TÌNH ĐẤT NƯỚC

Nổi lên trên hết vấn đề hệ trọng nhất của xã hội VN hiện nay là SỰ BẤT CẬP, theo nhà giáo lão thành Phạm Toàn ở Hà Nội, một thành viên của BVN. Gồm:
  1. Bất cập về hiểu biết. Tầng lớp trí thức trong nước hiện nay hoàn toàn lạc hậu không biết làm gì cho Tổ Quốc sống lại dẫn đến bất cập về tổ chức đất nước nên có tổ chức mà KHÔNG hiệu quả mọi mặt.
  2. Bất cập về luật pháp. Luật gốc là hiến pháp đầy bất cập, đang đòi hỏi phải làm lại. Các bộ luật trong khi thực hành đều gặp mâu thuẫn hoặc sai hoặc không đầy đủ. Nếu có luật nào đúng thì cũng không thực thi đầy đủ do hệ thống quan chức tòa án, công chức hành chính đã bất cập sẵn...
  3. Bất cập về trình độ văn hóa tối thiểu của một dân tộc trong một thời đại văn minh dẫn tới bất cập về tâm lý sẵn sàng xây dựng Tổ Quốc rạng rỡ, thể hiện ở sự vô cảm của mọi người, thiếu trách nhiệm với chính mình, bản chất con người đang bị lưu manh hóa theo cách cynical của quan chức chỉ giỏi nói- mà nói cũng không giỏi – sểnh ra là hối lộ, chạy chọt, đút lót, luồn lách! Trách nhiệm công dân bị lột bỏ.
Với ba bất cập này, xã hội VN hiện tại rơi vào tình trạng mất dần kiểm soát, mạnh ai nấy giành từ quan tới dân đều hối hả vội vã vơ vét về như là ngày mai không còn sống để vơ vét nữa, rõ nhất là các tấm gương của hệ thống quan chức tham nhũng mà hàng ngày các báo “lề phải” cũng không thể che dấu!
Trước hiện tình xã hội VN đang rối ren, bất cập, hậu quả thật khôn lường thể hiện trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, an ninh quốc gia bị đe dọa từ nhiều phía; đạo đức xã hội, đạo lý băng hoại. Tôi hoàn toàn đồng ý với kiến nghị (nếu được) của nhà giáo Phạm Toàn để giải thoát tình hình đất nước hiện nay.
Nếu có một Hội Nghị Quốc Gia – Đồng Bào, như Hội Nghị Diên Hồng để hòa giải - hòa hợp dân tộc, sẽ trình kiến nghị:
  1. Thành lập hội đồng luật pháp viết lại Hiến Pháp cho 100 đến 1000 năm của nước Việt tương lai xây dựng Tổ Quốc mà không cần thay đổi hay sửa chữa nhiều, đủ sức trưng cầu ý dân cả nước.
  2. Thành lập ở các cấp, các ngành… mỗi hội đồng kiểm điểm công khai có trách nhiệm báo cáo công khai mọi ưu khuyết điểm của các tổ chức, mọi tầng lớp nhân dân đều biết, đều nghe trong khoảng thời gian chí ít là từ 30-4-1975 đến nay.
  3. Thành lập Hội Đồng Quốc Gia về kinh tế, nghiên cứu và đưa ra đường lối phát triển kinh tế đất nước, sao cho đảm bảo chắc chắn rằng: Người học ở bậc phổ thông(trước hết) không mất tiền; người bệnh đến bệnh viện không mất tiền ở hệ thống công lập, nhà nước quản trị.

III. DÂN CHỦ - ĐA NGUYÊN, ĐA ĐẢNG CHO VN

Trước hết xin trích phát biểu gần đây của ông Ôn Gia Bảo, thủ tướng Trung Quốc:
Dân chủ và tự do là khát khao và ý chí của nhân dân không gì có thể ngăn cản. Kẻ đi theo thời đại sẽ phát triển; kẻ đi ngược thời đại bị đào thải” (hết trích).
Tự do dân chủ là giá trị căn bản mà loài người tranh đấu với thiên nhiên, với chính mình trải hàng ngàn năm mới có được. Dân chủ nhất quyết không thể do ai ban phát.
Tổng thống lập quốc của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, ngài Thomas Jefferson nói: “Chính phủ lập ra không phải để ban phát tự do, mà để bảo vệ nó”. Tình trạng không có tự do dân chủ ở VN thể hiện: Luật báo chí không cho phép tư nhân ra báo. Rõ ràng vi hiến. Các-Mác ông tổ của học thuyết CNXH và CNCS nói: “Đối lập với báo chí tự do là báo chí bị kiểm duyệt”; ông còn nói báo chí bị kiểm duyệt là ”con quái vật được văn minh hóa, cái quái thai được tắm nước hoa”.
Điều 19 công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị,(1966 của LHQ, VN ký công nhận 1982) viết rằng:
  1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm chính trị của mình mà không ai có quyền can thiệp vào.
  2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền như: truyền miệng, viết, in… hay các phương tiện truyền thông khác tùy theo sự lựa chọn.
Điều 69 - Hiến Pháp 1992 nước CHXHCNVN thừa nhận tự do ngôn luận,tự do báo chí, tự do biểu tình, tự do lập hội,đoàn… theo quy định luật pháp.
Luật báo chí đã vi hiến và đi ngược với giá trị tự do dân chủ căn bản; luật biểu tình không có chứng tỏ nhà nước CHXHCNVN vi phạm chính hiến pháp mà mình làm ra.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn nói: ”Kiên quyết không tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức và để cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí để phục vụ lợi ích riêng gây tổn hại cho đất nước”.
Thực tế, chế độ chính trị VN đã chống lại các giá trị nhân bản tự do dân chủ xét trên phương diện báo chí là sự thật không thể bác bỏ!
Thực tế không thể chứng minh được tự do báo chí, báo chí tư nhân gây tổn hại cho đất nước. Rằng, bất kỳ hành vi nào gây tổn hại cho đất nước đều không thể dung tha cho dù xuất phát từ cá nhân, tập thể, hay đảng phái chính trị nào kể cả là đảng cầm quyền. Người ta - những người cộng sản đang cầm quyền ở đất đất nước VN này đã quên rằng, chính lãnh tụ Hồ Chí Minh của đảng cộng sản VN của họ đã nói rằng: “dân chủ là để cho người dân được mở mồm nói”. Ông muốn nói tới con người dân cụ thể, chứ không phải đại từ nhân dân chung chung. Chỗ để nói có văn hóa chính là báo chí.
Nhà văn, triết gia Pháp Voltaire(1694-1778) từng nói (đại ý): Tôi không tin những điều anh nói, nhưng tôi sẵn sàng hy sinh bảo vệ quyền anh được nói. Vâng, thật sự là văn hóa của xã hội có tự do ngôn luận.
Cần phải nói thêm rằng, từ 1936 – 1938 tờ Dân Chúng (báo cộng sản) và 11 tờ báo tư nhân khác đều tán thành tự do dân chủ và đòi ân xá các chính trị phạm ở Đông Dương. Chẳng lẽ ngày nay, chế độ chính trị cộng sản lại kiểm soát đồng bào mình gay gắt hơn cả bọn thực dân Pháp hay sao? Nguy cho dân tộc quá!
Lịch sử sự sụp đổ các chế độ chính trị độc tài ở Đông Âu là bài học máu thịt cho ĐCS, thiết nghĩ các đảng viên cao cấp của ĐCS VN và ban lãnh đạo cần rút tỉa bài học là: vì đảng hay vì quốc gia - dân tộc. Cuộc sống đã và đang đặt ra một đòi hỏi chế độ chính trị Dân Chủ - Đa Nguyên mà hệ quả hiển nhiên là đa đảng chính trị như một tất yếu của lịch sử để giải quyết các vấn đề có tính quyết định của đất nước hiện tại và mai sau.
Dân Chủ - Đa Nguyên với nền tảng là tư tưởng đa nguyên, chủ nghĩa đa nguyên. Nó tiếp nhận, chứa đựng mọi sự khác biệt về ý thức, ý thức hệ càng gia tăng tính phong phú cho xã hội, xã hội càng giàu có về văn hóa.
Trong môi trường xã hội dân chủ - đa nguyên, các đảng phái sẽ cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển thân thiện, thay vì cạnh tranh kiểu “địch ta”, tiêu diệt đẫm máu như từng xảy ra trong lịch sử hơn 60 năm qua; sẽ là thảo luận, đối thoại tiến tới đồng thuận quốc gia trên những nét chung nhất: hiến pháp, luật pháp, an ninh quốc gia, an sinh xã hội… Đặc biệt và đương nhiên là loại trừ các yếu tố bạo lực tận gốc rễ xã hội - đạo lý.
Các tầng lớp xã hội cùng nhau tham gia thảo luận tích cực và tự giác, đóng góp ý kiến cho một xã hội thăng tiến, chống tụt hậu. Nước ta hiện là một trong các nước nghèo nhất thế giới, lạc hậu cả về văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, kinh tế và quốc phòng…
Trong chế độ chính trị độc đảng hiện nay, các thành viên tham gia làm chính trị chủ lả tìm kiếm danh lợi cá nhân và phe nhóm (cronny) bằng cố gắng cá nhân và phe nhóm kể cả là luồn lách, các thủ đoạn chính trị hèn mạt (giăng bẫy, ngụy tạo nhân cách…). Lẽ ra, làm chính trị là bổn phận đạo lý của công dân. Chế độ chính trị Dân Chủ - Đa Nguyên nhất định tháo bỏ văn hóa chính trị bệnh hoạn này; không thể xây dựng gì cho xã hội với những cá nhân, phe nhóm với đầy ắp tham vọng ích kỷ, bản vị này.
Nền chính trị Dân Chủ - Đa Nguyên là nơi hội tụ của Quốc Gia – Dân Tộc với quyết tâm đánh bại mọi sự tồi, dở, gian ác, tham lam, tàn bạo, lưu manh… để thay đổi phương thức tổ chức xã hội với mục tiêu tôn vinh con người và phẩm giá con người đem lại phúc lợi tối đa cho con người. Lương tri dân tộc thôi thúc không ngừng nghỉ cuộc đấu tranh về Dân Chủ - Đa Nguyên cho nước nhà, cho dù vô cùng khó khăn nhưng, sẽ gặp vô cùng thuận lợi nếu ban lãnh đạo ĐCS hiện thời nhận thức rằng Quốc Gia – Dân Tộc phải được hưởng phúc, chế độ Dân Chủ - Đa Nguyên là sản phẩm của xã hội văn minh được nhân loại đem tới. Với sự hợp tác của ĐCS VN đứng đầu là Ban chấp hành Trung Ương và Bộ Chính Trị, dân tộc ta sẽ hân hoan bắt tay nhau trong tình nhân ái cùng làm lại một nước VN đã tan hoang, tàn tệ sau nhiều chục năm bị tàn phá bởi chiến tranh và cả hòa bình làm cho đất nước tụt hậu toàn diện, để tránh cho đất nước ta một lần nữa rơi vào tình trạng vô chính phủ thậm chí thay thế chế độ độc tài cộng sản bằng chế độ độc tài khác đều nguy khốn cho Quốc Gia – Dân Tộc.
Dân Chủ - Đa Nguyên không thuần thúy chỉ là ứng cử, bầu cử tự do hay tam quyền phân lập giản dị mà là thành quả của dòng tư tưởng mãnh liệt phát xuất từ quá khứ chảy tới tương lai. Cuộc đấu tranh thay thế chế độ độc tài đảng trị cộng sản hiện nay bằng chế độ dân chủ đa nguyên là cuộc cách mạng tư tưởng vĩ đại nhất kể từ xưa mà nó nhất định phải xuất hiện, có thật trên đất nước VN thân yêu của chúng ta. Đất nước ta, dân tộc Việt Nam ta đã thật kém may mắn, bất hạnh vì đã thuộc quyền lãnh đạo, cai trị toàn trị của ĐCS VN.
Nhưng, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” (lời cổ nhân). Lịch sử dân rộc ta tuy đau thương vô cùng nhưng, dân tộc ta khoan dung độ lượng vô cùng, chấp nhập mọi quá khứ chính trị, văn hóa, tư tưởng và lịch sử. Tư tưởng Dân Chủ - Đa Nguyên và những con người Dân Chủ VN đã có, còn có ở ngay trong các đảng viên cao cấp của ĐCS VN. Tôi rất hy vọng cuộc hợp tác vĩ đại của Dân Chủ và Cộng Sản, của Dân Tộc VN và ĐCS VN sẽ thành công để cùng ngồi vào bàn ĐẠI HỘI QUỐC GIA – DÂN TỘC bàn thảo làm lại giang sơn xã tắc (mượn ý của ông Nguyễn Trung, một trí thức yêu nước).
Cá nhân tôi sẵn sàng đóng góp cho cuộc chuyển hóa về Dân Chủ cho nước Việt thân yêu với điều kiện tiên quyết loại trừ các yếu tố bạo lực, bạo động trong tất thảy các sinh hoạt chính trị, văn hóa xã hội để hạn chế tối đa những đổ vỡ đáng tiếc cho đất nước. Kiên quyết không để có KHOẢNG TRỐNG QUYỀN LỰC.
Khách gửi hôm Thứ Năm, 11/11/2010 
nguồn:http://danluan.org/node/6767
==================================================================
Nguyễn Ngọc Già - Cái gọi là "cáo trạng truy tố" thầy Định... (!) - Phần kết

Nguyễn Ngọc Già

... không chỉ là "đống tạp nham", nó còn chứng tỏ, hoặc là họ không nắm được luật lệ thuần thục, hoặc là họ cố tình chơi "quy trình ngược", tuy nhiên thô vụng và trơ trẽn hơn đồng nghiệp tại Hà Nội hay Sài Gòn.
I. NHÌN TỪ THỜI ĐIỂM TRƯỚC KHI CÓ QUYẾT ĐỊNH KHỞI TỐ:
- Ngày 03/10/2011: Ra quyết định khởi tố vụ án.
- Ngày 21/10/2011: Ra quyết định khởi tố bị can và bắt giữ thầy Đinh Đăng Định.
Điều này cho thấy, mọi hành vi phía công an đối xử với thầy Định trước ngày 21/10/2011 hoàn toàn vô hiệu, vô giá trị.
Thầy Giáo Đinh Đăng Định
Theo đó:
1) Ngày 25/10/2010 thầy Định viết bài “Suy nghĩ cá nhân (tóm tắt) thể theo yêu cầu CQANCTNB Đăk Nông”. Hỏi phía công an lấy tư cách gì để buộc CÔNG DÂN viết bài "thể theo yêu cầu", để rồi dùng chính bài viết đó để kết tội anh ta? Kết luận, phía công an cố tình GÀI BẪY TRẮNG TRỢN thầy Định với tư cách vẫn đang là CÔNG DÂN. Công an vi phạm vào điều 4,5,6,7,8,9,10 Luật TTHS.
2) Ngày 24/11/2010, Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Đăk Nông tiến hành kiểm tra máy tính để bàn của thầy Định. Hỏi phía công an lấy tư cách gì để kiểm tra máy tính CÔNG DÂN, khi chưa hề có quyết định khởi tố? Công an tiếp tục vi phạm điều 4,7,8,10 Luật TTHS.
3) Đầu tháng 12/2010, thầy Định viết bài “Thư khẩn”, nội dung trình bày việc cơ quan an ninh tỉnh Đăk Nông thu giữ máy vi tính cá nhân là trái pháp luật. "Thư khẩn" này không thể xem là bằng chứng, ngược lại lá thư này khẳng định quyền khiếu nại, tố cáo của thầy Định với tư cách CÔNG DÂN vào thời điểm đó là hoàn toàn chính xác. Phía công an cho thấy vi phạm nghiêm trọng vào điều 145 LTTHS: Tạm giữ đồ vật, tài liệu khi khám xét:
Khi khám xét, Điều tra viên được tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án. Đối với đồ vật thuộc loại cấm tàng trữ, lưu hành thì phải thu giữ và chuyển ngay cho cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trong trường hợp cần thiết phải niêm phong thì tiến hành trước mặt chủ đồ vật hoặc đại diện gia đình, đại diện chính quyền và người chứng kiến.Việc tạm giữ đồ vật, tài liệu khi tiến hành khám xét phải được lập biên bản. Biên bản tạm giữ được lập thành bốn bản: một bản giao cho người chủ đồ vật, tài liệu; một bản đưa vào hồ sơ vụ án; một bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản giao cho cơ quan quản lý đồ vật, tài liệu bị tạm giữ.
Khi nào đồ vật, tài liệu bị tạm giữ?
Khi khám xét.
Khi nào việc khám xét được tiến hành?
Chỉ khi nào quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đã có.
Tóm lại, phía công an đã hoàn toàn thực hiện quy trình NGƯỢC NGẠO, chứng tỏ nghiệp vụ quá kém, áp dụng Luật hoàn toàn sai, song song đó, họ thể hiện sự lười biếng, chểnh mảng, không hề tích cực, chủ động điều tra, thu thập bằng chứng, chỉ chuyên tâm vào việc gài bẫy người vô tội và lục tung nơi ở, nơi làm việc, xâm nhập bất hợp pháp thư tín cá nhân khi chưa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
II. NHÌN TỪ THỜI ĐIỂM SAU KHI CÓ QUYẾT ĐỊNH KHỞI TỐ:
Nghĩa là từ ngày 21/10/2011 trở đi, phía công an có quyền tiến hành với thầy Định mọi việc: áp giải, khám xét, hỏi cung, lập biên bản, tạm giữ đồ vật, tài liệu, lấy lời khai (với những người có liên quan như: thân nhân, người tố cáo, người bị hại v.v... và lúc này họ có quyền dùng "giấy triệu tập" (*) với những ai có liên quan).
Một số điểm đáng lưu ý về những người, những tổ chức mà bản cáo trạng dẫn ra, gồm:

1) Người liên quan vụ án(trong nước):

+ "Anh" Trình Nguyễn Vĩnh Phong ở địa chỉ email thaovyphong@gmail.com
+ "Anh" Nguyễn Văn Hoàn ở địa chỉ email ThuhoanK47dhv@gmail.com
+ "Anh" Nguyễn Văn Cần ở địa chỉ email Nguyenvancan18@yahoo.com
+ Các cán bộ giáo viên trường Lê Quý Đôn (giao nộp 09 đầu tài liệu).
+ "Đối tượng" Nguyễn Trung Lĩnh

2) Người liên quan vụ án (ngoài nước):

+ "Đối tượng" Giang Hồng.
+ "Đối tượng" Nguyễn Bá Long.
+ "Đối tượng" Huỳnh Tâm.
+ PV. "Chim Quốc Quốc"

Điều đáng lưu ý:

- Cách phân biệt đối xử khi dùng chữ "anh" đối với các ông: Trình Nguyễn Vĩnh Phong, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Văn Cần, trong khi đối với những người khác, phía công tố miệt thị gọi bằng chữ "đối tượng". Câu hỏi cần đặt ra, ông Phong, Hoàn, Cần được dẫn vào cáo trạng với tư cách gì không thấy nói rõ và có xuất hiện tại tòa không? (**) Việc xưng hô người thì là "anh", người lại là "đối tượng" thể hiện sự kỳ thị, thành kiến, thiếu chuyên nghiệp, điều không nên có trong bản cáo trạng - một văn bản pháp luật chính thống. Mặc khác, làm người dân cảm thấy phía công tố quá khuất tất, ám muội về vai trò của những ông được gọi là "anh" có mối liên hệ gì với công an không? và mối liên hệ giữa những "ông anh" này với thầy Định có gì khuất tất? Cũng nên nhắc về vai trò "người tố cáo" trong mọi vụ án hình sự, đó là vai trò chính thức được pháp luật ghi nhận. Vậy 3 ông: Phong, Hoàn, Cần đóng vai trò gì mà bản cáo trạng không gọi rõ ?
- Số cán bộ giáo viên (nộp 9 đầu tài liệu) nếu đã dẫn vào cáo trạng phải dẫn rõ chi tiết họ tên, việc làm, nơi ở và với tư cách gì trong cáo trạng?
Riêng ông Nguyễn Trung Lĩnh - một người bị cho là bị bắt giữ mờ ám, chưa rõ tung tích [1]. Phía công tố Đăk Nông đưa tên ông Lĩnh chính thức vào cáo trạng, hóa ra biết rõ ông Lĩnh đang ở đâu, bắt khi nào và đối tượng nào đã bắt ông Lĩnh? Chúng ta có thể xem việc làm này là hành vi các "đồng chí" Đăk Nông tố cáo các "đồng chí" Hà Nội?!

3) Các tổ chức có liên quan:

Ba "cái chứng cứ" khác: kết luận giám định số 3145/C54-P2+P5, ngày 20/12/2011 của Viện khoa học hình sự - Bộ Công An; biên bản Giám định pháp y tâm thần số 866/PYTT-PVPN, ngày 29/12/2011 của Phân viện phía nam – Viện giám định pháp y tâm thần trung ương; bản kết luận giám định số 09/KL-STTTT, ngày 12/01/2012 của Hội đồng giám định Văn học – Nghệ thuật tỉnh Đăk Nông, ngoài việc làm bản cáo trạng dài hơn một chút và như một thứ son phấn rẻ tiền trát lên bộ mặt xám ngoét của chế độ này, thì mấy "cái thứ trên" không có giá trị tham khảo nào khác.
III. TẠM KẾT:
Sai phạm của phía công an, công tố, tòa án trong vụ án thầy Định rất nhiều với cách thức ấu trĩ và quê mùa, tuy nhiên chi tiết làm nhiều người phẫn nộ là không có luật sư ngay từ đầu tham gia vụ án. Đó là thiệt thòi rất lớn cho thầy Định đứng về mặt công luận.
Ngoài chi tiết thầy viết báo đơn lẻ bằng tấm lòng từ một vùng xa xôi, hẻo lánh như Đăk Nông, bản thân thầy cũng không có một vài người bạn nổi tiếng hay trong giới Luật sư, Luật gia như một số tù nhân chính trị khác. Có lẽ vì vậy mà vụ án của thầy Định chưa được lưu tâm nhiều như những vụ án khác?
Qua vụ án thầy Đinh Đăng Định, có lẽ điều tiếc nuối nhiều với tôi là thầy thật chơn chất để công an gài bẫy, để từ đó chúng dùng như một phần ghép tội cho thầy, tôi cho đó là tâm trạng phẫn uất nhất, bởi bọn công an hiện nguyên hình là những tên lừa đảo lưu manh.
Ngoài chi tiết này, tôi cho rằng, không riêng thầy Định, một số người đang đối mặt công khai còn chưa dành ít thời gian để tham khảo Luật, đặc biệt Luật tố tụng hình sự, Luật hành chính, Luật dân sự... và các loại nghị định có liên quan.
Vẫn biết nói chuyện luật với bạo quyền là kém hiệu quả, tuy nhiên trong khi chưa nghĩ ra những biện pháp, hình thức tốt hơn, có lẽ chúng ta nên dành ít thời gian nghiên cứu quy trình, nội dung của Luật TTHS, các bộ luật có liên quan, đặc biệt Luật CAND ?
Nguyễn Ngọc Già
_______________
Ghi chú:
(*) Hiện nay, ngoài hành vi bắt cóc, hành xử theo kiểu xã hội đen (đánh đập vô cớ, đụng xe, ném chất bẩn vào nhà, hăm dọa, khám nhà, lục tung mọi thứ rất vô pháp v.v...) phía công an quấy nhiễu bằng cách ra thư mời và giấy triệu tập. Thư mời, chúng ta có quyền đến, không đến, chủ động hoãn lại như nhiều người biết rõ. Người viết xin lưu ý bạn đọc về "giấy triệu tập". Khi nào "giấy triệu tập" được phát hành? Thưa, chỉ khi vụ án đã có quyết định khởi tố. Cụm từ "triệu tập" chỉ dùng với: bị can, người làm chứng, người bị hại, người tố cáo, do đó, nếu ai bị quấy nhiễu bằng "giấy triệu tập" nên lưu ý điểm này để đấu tranh dứt khoát ngắn gọn: Không có vụ án nào bị khởi tố thì không có khái niệm "giấy triệu tập" gì trong cuộc nói chuyện giữa CA khu vực, công an phường, công an thành phố với người đang bị quấy nhiễu.
(**) Tư cách: người tố cáo, người làm chứng, người bị hại? Dù là tư cách nào đi nữa, xưng hô như thế, dễ làm người dân đặt câu hỏi về sự "kính trọng" đáng ngờ từ giới công an (một trong các giới mà khái niệm lễ phép là điều quá xa lạ) "ban cho" 3 ông: Phong, Hoàn, Cần. 3 "ông anh" này có 3 hộp thư điện tử cá nhân, sao lại đưa cho công an, nếu không phải là người tố cáo, người làm chứng? Nhắn riêng với 3 ông "thần" có tên: Phong, Hoàn, Cần, nếu có chút ray rứt, lấn cấn gì đó thì hãy nghĩ đến Luật Nhân Quả. Sẵn đây, nhắc luôn ông Đạt gì đó (hàng xóm của anh Paulo Thành Nguyễn) cũng nên nghĩ về việc "làm chứng" khi công an phường lập biên bản, anh ạ! Kẻo mang họa vào thân lúc nào chả hay! Chỉ tiếc, họa nếu có từ chỗ không phải là hàng xóm, bạn bè mà từ lực lượng bạn dân đấy!
http://www.trinhanmedia.com/2012/04/ky-su-nguyen-trung-linh-bi-cong-bat.html [1]
Khách gửi hôm Thứ Tư, 12/09/2012 
nguồn:http://danluan.org/node/14250
=====================================================================

Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001