Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Lê Công Định - Bài học Miến Điện 

Luật sư Lê Công Định
Gửi cho BBC từ Sài Gòn

Giới quan sát cho rằng chưa thể có thay đổi chính trị ngay tại Miến Điện
Sự kiện quân đội Miến Điện sử dụng vũ lực đàn áp những cuộc tuần hành hòa bình dẫn đầu bởi các vị sư dũng cảm một lần nữa minh chứng hùng hồn tính xác thực của lý thuyết bạo lực cách mạng của Lenin, người thầy vĩ đại của Cách mạng Nga 1917.
Lenin nhận định rằng giai cấp thống trị ở mọi thời đại không dễ dàng chấp nhận từ bỏ quyền lực, dù họ đang ở thế yếu chăng nữa, trừ phi quần chúng dùng bạo lực cách mạng thách thức và lật đổ địa vị thống trị ấy.
Lenin cũng xác định rằng chính quyền là mục tiêu của mọi cuộc cách mạng và chỉ bằng cách giành chính quyền, thành quả cách mạng mới được bảo đảm. Gần 100 năm trôi qua, lý thuyết đó vẫn là bài học lớn về cách mạng và vận động quần chúng làm cách mạng.
Quyền lực chính trị thường gắn liền với lợi ích kinh tế. Chỉ nhờ vào quyền lực, giai cấp thống trị mới có thể khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên quốc gia theo ý riêng của mình. Dù đóng vai trò chính trong quy trình tạo lập của cải xã hội, đại đa số quần chúng bị trị vẫn không thể can dự vào công việc hoạch định chuyện quốc kế dân sinh và phân chia lợi tức thu được từ hoạt động sản xuất chung của toàn bộ nền kinh tế.
Số đông người làm công nghèo khổ vẫn vật vã với đời sống khó khăn chồng chất trong khi giới cầm quyền và đám con ông cháu cha thì sống xa hoa và hưởng thụ. Từ phân tích thực trạng xã hội như vậy của nước Nga và tranh thủ sự bất mãn tột cùng của người dân Nga nghèo khổ, Lenin đã nhanh chóng tập hợp được lực lượng cách mạng và tiến hành thành công cuộc Cách mạng 1917 lừng danh.
Tuy nhiên vẫn có ngoại lệ ở Bắc Âu vào thời ấy. Giới vua chúa của những nước này đã chấp nhận chia sẻ quyền lực và tạo điều kiện cho các tầng lớp xã hội khác nhau cùng tham chính thông qua hiến pháp dân chủ và quốc hội đa thành phần. Mọi giới, không phân biệt quý tộc, địa chủ, tư sản hay thợ thuyền, thông qua các đảng phái khác nhau, đều có cơ hội đóng góp ngang bằng cho quốc gia, mà không cần dùng đến bạo lực cách mạng, vì chính quyền là của chung.
Dẫu người dân Miến Điện vừa vuột mất thêm một cơ hội lịch sử để tạo lập nền dân chủ vĩnh cửu cho mình, song ngày chiến thắng cuối cùng của họ tất phải đến!
» LS. Lê Công Định
Tất nhiên, chia sẻ quyền lực luôn là quyết định đau đớn của giai cấp thống trị, vì ở Bắc Âu vương quyền đã tồn tại hàng trăm năm, không thể chuyển giao trong phút chốc dù họ là những bậc minh quân cấp tiến chăng nữa. Đã có những cuộc tranh luận nảy lửa và thương lượng sóng gió, nhưng cuối cùng tư tuởng dân chủ của thời đại vẫn chiến thắng. Các chế độ quân chủ độc đoán nhờ vậy đã chuyển mình nhẹ nhàng sang thể chế dân chủ pháp trị, ít khốc liệt và ít trả giá hơn nếu so với nước Nga và thậm chí một số nước Tây Âu đương thời.
Bài học về chia sẻ quyền lực ấy đã được nhiều nước học hỏi, đặc biệt sau Đệ nhị thế chiến.
Nhật Bản là một ví dụ về sự thành công của việc chuyển đổi từ thể chế chính trị chuyên chế sang dân chủ. Tầm vóc và tầm nhìn của giới lãnh đạo Nhật Bản lúc bấy giờ vẫn được lưu truyền và ca tụng đến tận ngày nay vì chính họ đã anh minh quyết định chia sẻ quyền lực kịp thời, giúp tạo mọi nguồn lực đưa nước Nhật đến địa vị siêu cường kinh tế từ hơn 5 thập kỷ qua.
Tiếc thay chính quyền độc đoán ở Miến Điện đã không còn đủ sáng suốt để nhận biết và học hỏi kinh nghiệm chuyển giao quyền lực trong hòa bình đáng quý nói trên ở Bắc Âu và Nhật Bản mà lại chọn giải pháp đàn áp bằng bạo lực thường thấy ở những thể chế độc đoán. Tất nhiên người dân Miến Điện rồi đây cũng sẽ được sống trong tự do dân chủ, song cái giá mà dân tộc Miến Điện phải trả sẽ khó lường và e rằng không nhỏ.
Bạo lực chỉ chuốc lấy oán hận. Oán hận chồng chất sẽ tạo nên những cơn địa chấn cách mạng không lường truớc, có thể làm sụp đổ bất kỳ vương triều nào, dù thoạt trông có vẻ vững chắc nhất. Dẫu người dân Miến Điện vừa vuột mất thêm một cơ hội lịch sử để tạo lập nền dân chủ vĩnh cửu cho mình, song ngày chiến thắng cuối cùng của họ và những người yêu chuộng tự do dân chủ trên toàn thế giới tất phải đến vì dân chủ là nhịp thở của thời đại, là mạch đập của hàng triệu trái tim nhân loại và, quan trọng hơn, đó là lòng dân. Vấn đề chỉ còn là thời gian…
Ngày 01/10/2007
Admin gửi hôm Thứ Hai, 01/10/2012
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20121001/le-cong-dinh-bai-hoc-mien-dien
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001