Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Lê Công Định - Bàn về 'Chính danh' trong thể chế pháp trị 

Luật sư Lê Công Định
Viết từ TP. HCM

Tác giả nói trong một nhà nước pháp trị, mọi hoạt động liên quan đến quốc gia phải minh bạch
Không cần phải chờ đến kết quả “bầu cử” vào ngày 26 và 27 tháng 6/2006 vừa qua tại Quốc hội, ngay từ lúc bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X, ai cũng biết Ủy viên Bộ Chính trị nào sẽ đảm nhận những chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ.
Dư luận không hề ngạc nhiên khi biết các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng lần lượt được “tấn phong” vào những vị trí then chốt đó. Điều đáng tiếc là không một ứng cử viên nào khác xuất hiện để tranh cử và hòa thêm vào dàn đồng ca dân chủ tại diễn đàn nghị viện mặc dù đã có nhiều ý kiến đề nghị như vậy.
Trước khi Quốc hội bỏ phiếu chọn Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng thậm chí còn thừa nhận đã dành phần lớn thời gian trước đó cho công việc nghiên cứu lý luận và “chưa hiểu biết nhiều về công tác lập pháp và hoạt động nói chung của Quốc hội”, và để trấn an các đại biểu của dân, ông cam kết sẽ có “quyết tâm cao và phương pháp đúng” để làm tròn trọng trách của người đứng đầu cơ quan lập pháp tối cao.
Đối với hoạt động nghị viện dân chủ trên thế giới, điều này quả nhiên lạ lùng, bởi lẽ Chủ tịch Quốc hội là một chức vụ chính trị, rất nhiều người muốn “tranh dành”, các ứng viên phải vận động tranh cử và tìm cách chứng minh mình có nhiều kinh nghiệm nghị trường và, quan trọng hơn, có đủ khả năng điều hành một quốc hội đa thành phần đại diện nhiều lợi ích khác nhau trong xã hội. Họ không thể là người “khiêm tốn”, tự thừa nhận mình thiếu kinh nghiệm và không cần vận động gì cả, mà vẫn được… “bầu” với tỷ lệ đa số hầu như tuyệt đối.
Ở khía cạnh khác, trong những phiên họp chất vấn bộ trưởng trước diễn đàn Quốc hội vừa qua, dân chúng một phen choáng váng khi nghe các bộ trưởng, sau khi trả lời quanh co một số vấn đề mà đại biểu của dân cần được giải đáp thỏa đáng, đã biện minh cho sự yếu kém trong quá trình thực thi chức trách của mình bằng cách viện dẫn các quyết định của Đảng, thay vì nêu ra cơ sở pháp lý thuyết phục.
Rõ ràng họ, và không chỉ có họ, luôn cố tình quên rằng luật pháp và lợi ích dân tộc là điều duy nhất cần phải được thượng tôn. Thiếu vắng tinh thần thượng tôn luật pháp và mất đi sự tín nhiệm của cộng đồng dân tộc, thì dù có cầu viện đến bất kỳ khiêng mũ che chắn nào chăng nữa và dẫu có tại vị lâu đến đâu chăng nữa, người dân vẫn không tâm phục và nhìn nhận những chức phận kiểu như vậy.

Thể chế hiện hành

Cơ chế bầu cử nhiều tầng trước các kỳ đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó những đại biểu “ẩn danh” (tại Đại hội X con số này là 1.176) mặc nhiên “đại diện” quốc dân chọn ra các nguyên thủ quốc gia, là một thực tế lịch sử, dù muốn hay không, từ nhiều năm nay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền lãnh đạo đất nước.

Nên suy nghĩ gì khi các vị trí lãnh đạo đã được biết trước khi bỏ phiếu chính thức?
Khoan bàn đến ưu điểm và nhược điểm của một cơ chế bầu cử như vậy. Trước hết hãy nhìn khía cạnh “chính danh” của quy trình lựa chọn các thành viên trong bộ máy lãnh đạo quốc gia hiện nay. Đối với một thể chế nhà nước pháp trị, sự “chính danh” gắn liền với tính hợp hiến, nghĩa là việc bầu cử nguyên thủ quốc gia để quốc dân “chọn mặt gửi vàng” phải được minh định trong Hiến pháp, chứ không từ bất kỳ văn kiện chính trị nào khác.
Theo Hiến pháp Việt Nam, Điều 84.7, Quốc hội - vốn do toàn dân bầu ra - có quyền “bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ”.
Trên thực tế, có thể nói thẳng, ai cũng biết Quốc hội chỉ “hợp thức hóa” kết quả lựa chọn tại các kỳ Đại hội Đảng. Đặc biệt gần đây, khi dư luận gây áp lực buộc Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đào Đình Bình từ chức, thậm chí còn đề nghị cách chức ông này, cựu Thủ tướng Phan Văn Khải đã “tiết lộ” rằng việc cách chức hoặc miễn nhiệm một bộ trưởng thuộc thẩm quyền của Ban Bí thư Trung ương Đảng, chứ không phải của Thủ tướng.
Ai cũng biết Quốc hội chỉ “hợp thức hóa” kết quả lựa chọn tại các kỳ Đại hội Đảng.
Tất nhiên, Hiến pháp hiện hành không cho phép Thủ tướng cách chức một bộ trưởng, nhưng cũng không trao thẩm quyền đó cho Ban Bí thư. Theo Điều 84.7 nêu trên, chỉ Quốc hội có quyền phê chuẩn việc cách chức bộ trưởng theo đề nghị của Thủ tướng. Như vậy, tuy thực quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức bộ trưởng thuộc về Ban Bí thư, song thẩm quyền này không “chính danh” vì không được hiến định.
Rộng hơn, không chỉ riêng việc bổ nhiệm, miễn nhiệm hay cách chức này, mà toàn bộ quy trình thông qua quyết định cũng như đề cử cán bộ cho hoạt động nhà nước trong và ngoài các kỳ Đại hội Đảng, cũng đều không chính danh như vậy.
Việc điều hành hệ thống quản lý nhà nước với cơ chế thông qua những quyết sách quan trọng và bầu chọn nguyên thủ quốc gia, mà trên thực tế do một đảng chính trị quyết định, dù là đảng cầm quyền, một lần nữa cho thấy Đảng, chứ không phải nhà nước, đang cai trị quốc gia. Thể chế chính trị như vậy, trong ngành chính trị học, được định danh là “đảng trị”, chứ không phải “pháp trị”.

Tiến đến thể chế pháp trị thực sự

Trong xu thế dân chủ hóa hoạt động của Đảng và xã hội sau Đại hội X, cần phải từ bỏ thể chế “đảng trị” nói trên để chuyển sang thể chế “pháp trị”, đặt đảng cầm quyền và mọi hoạt động của đảng này dưới sự giám sát minh bạch của luật pháp.
Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền duy nhất hiện nay tại Việt Nam. Vai trò lãnh đạo này đã được quy định trong Hiến pháp hiện hành. Tuy nhiên, toàn bộ hoạt động của Đảng, vốn ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước và vận mệnh dân tộc, lại không được luật pháp chi phối cụ thể và do vậy khiếm khuyết tính chất chính danh như đã nêu trên. Danh không chính thì ngôn không thuận.
Tuy không nói ra, nhưng rõ ràng rất nhiều người đã không tâm phục khẩu phục khi bị buộc phải mặc nhiên trao quyền “đại diện” cho 1.176 đại biểu tham gia Đại hội X - mà họ không được biết danh tính - thay mặt họ thông qua các quyết sách quan trọng, trong đó có việc lựa chọn nguyên thủ quốc gia. Hiến pháp không thể mặc nhiên bị các văn kiện của Đảng “qua mặt” và Quốc hội không thể bị những quyết định của Đảng đặt trước “việc đã rồi” trên thực tế.
Chuyện của một đảng cầm quyền không chỉ là chuyện riêng của đảng ấy, và chuyện của 83 triệu dân không chỉ là chuyện riêng của thiểu số 3 triệu người.
Đối với một nhà nước pháp trị, mọi hoạt động liên quan đến quốc gia đều phải minh bạch. Chuyện của một đảng cầm quyền không chỉ là chuyện riêng của đảng ấy, và chuyện của 83 triệu dân không chỉ là chuyện riêng của một nhóm thiểu số 3 triệu người, thậm chí 1.176 người.
Để củng cố vị trí lãnh đạo của mình trong hiện tại, thay vì phải cầu viện đến lập luận thiếu thuyết phục về sự “lựa chọn của lịch sử” trong quá khứ, cần phải chính danh hóa mọi hoạt động của Đảng Cộng sản bằng luật pháp, đồng thời trao cho người dân thực quyền thách thức năng lực của những ứng viên do Đảng giới thiệu, thậm chí đề cử những ứng viên ngoài Đảng tham gia hoạt động nghị trường và điều hành quốc gia.
Nói cách khác, phải chuyển từ thể chế đảng trị sang pháp trị để đạt được “ngôn thuận” trong nhân dân.
Ngày 4/7/2006
Admin gửi hôm Thứ Hai, 01/10/2012
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20121001/le-cong-dinh-ban-ve-chinh-danh-trong-the-che-phap-tri
=======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001