Luật sư Lê Công Định, TP. HCM
Lê Công Định: 'Cần hướng đến tinh thần thượng tôn luật pháp để dân đỡ khổ'
Về mặt ngữ nghĩa, hai chữ “pháp quyền” không gợi lên một cách chính xác ý nghĩa của cụm từ Nhà nước pháp quyền, mà chúng ta thường hiểu là một thể chế nhà nước được điều hành và cai trị bằng luật pháp.
Đây là khái niệm được du nhập từ nền văn minh pháp lý phương Tây. Truyền thống pháp lý Đông phương nói chung và Việt Nam nói riêng không có khái niệm này (dù rằng vào thời Xuân Thu Chiến Quốc tại Trung Hoa đã xuất hiện trường phái chủ trương áp dụng hình luật nghiêm khắc để trị dân - Pháp trị chủ nghĩa - với nhà tư tưởng tiêu biểu Hàn Phi Tử).
Nhà nước pháp quyền có nguồn gốc từ khái niệm “État de droit” (tạm dịch là “Nhà nước [cai trị bằng] luật pháp”) trong Pháp ngữ, và “Rule of law” (tạm dịch là “sự cai trị bằng luật pháp” hoặc “sự thống trị của luật pháp”) trong Anh ngữ.
Thật ra, chữ thích hợp để dịch hai thuật ngữ tương đồng này ở Âu-Mỹ đáng lẽ phải là Nhà nước pháp trị thay vì Nhà nước pháp quyền (cũng xin lưu ý rằng chữ “quyền” trong Hán ngữ mang nghĩa “nắm tay, nắm đấm” hoặc “quyền lợi” hoàn toàn không liên quan đến ý nghĩa của hai thuật ngữ “État de droit” và “Rule of law”). Do vậy, thiết tưởng nên sử dụng từ Nhà nước pháp trị, vừa chính xác vừa dễ hiểu, lại tránh tình trạng diễn giảng sai lệch ý nghĩa.
Quan niệm về Nhà nước pháp trị cùng với ý định soạn thảo một bản hiến pháp cho Việt Nam đã manh nha vào những năm 1920 và 1930 từ cuộc vận động thành lập thể chế quân chủ lập hiến do các nhà ái quốc đương thời khởi xướng nhằm tranh đấu từng bước chống lại ách cai trị của thực dân Pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên cuộc vận động này sau đó đã thất bại và phải chờ đến năm 1946 bản Hiến pháp đầu tiên mới được ban hành. Bản Hiến pháp của nước Việt Nam mới này đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên tòa lâu đài Nhà nước pháp trị trên thực tế.
Tuy mang nhiều nội dung và sắc thái đa dạng khác nhau, song để có thể xác định sự hiện hữu của một nhà nước pháp trị cần phải hội đủ tối thiểu những đặc điểm cơ bản sau đây:
1. Tam quyền phân lập
Đối với một nhà nước pháp trị, toàn bộ hệ thống chính trị và quản lý nhà nước phải được tổ chức theo nguyên tắc tam quyền phân lập. Quyền lực nhà nước, bao gồm các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, phải được phân chia thành ba bộ phận độc lập, riêng biệt và kiểm soát lẫn nhau. Sự phân quyền minh bạch như vậy sẽ giúp tránh tình trạng lạm quyền và dân chủ hình thức.Một thể chế vận hành trên nền tảng tam quyền phân lập một cách thực chất đòi hỏi những người hoạt động trong các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp phải hoàn toàn độc lập, chuyên nghiệp và hành xử công việc không kiêm nhiệm. Không thể có tình trạng một công chức thuộc bộ máy chính phủ hoặc thẩm phán thuộc ngạch tòa án lại kiêm nhiệm đại biểu quốc hội.
Tuy nhiên, nếu sự tồn tại của một chính phủ tùy thuộc vào sự tin tưởng trao phó quyền hạn từ dân chúng, và mọi động thái hành xử quyền hành đều đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt từ phía đại biểu của dân trong quốc hội hay nghị viện, thì tự khắc một chính phủ đương quyền sẽ có nhu cầu tự thân và ý chí đủ mạnh để thiết lập nên một hệ thống đề kháng nội tại nhằm tận diệt mọi mầm mống phát sinh những tệ đoan và thanh lọc nhanh chóng hàng ngũ quan chức của mình.
Nếu sự phân quyền không minh bạch, mà chỉ đơn thuần là phân công, phân nhiệm trong khi mọi quyền hành thực sự lại tập trung vào một định chế duy nhất, thì đấy chỉ là sự phân quyền nửa vời mà thôi; và điều này tất nhiên không thể được định danh là nhà nước pháp trị.
Triết gia Montesquieu, cha đẻ của thuyết tam quyền phân lập, và những nhà tư tưởng hậu duệ của ông ngày xưa chắc không thể nào ngờ rằng sẽ có ngày học thuyết của mình lại được điều chỉnh thành “tam quyền phân nhiệm” như vậy!
2. Thượng tôn luật pháp
Trong một nhà nước pháp trị, nơi mà nhà cầm quyền cai trị xã hội bằng luật pháp, tinh thần thượng tôn luật pháp là lẽ đương nhiên. Thượng tôn luật pháp được thể hiện ở chỗ cả bộ máy công quyền lẫn công dân cùng “quy ước” với nhau chỉ tuân thủ và áp dụng các đạo luật và văn kiện lập pháp tương đương khác do quốc hội hay nghị viện ban hành một cách minh bạch.Tất nhiên, khi hành xử quyền hành pháp, chính phủ và các cơ quan trực thuộc có thể soạn thảo những văn kiện lập quy để những viên chức trong bộ máy công quyền dễ dàng thực hiện công việc thuộc phạm vi thẩm quyền của mình. Người dân lẽ ra không cần biết đến những văn kiện lập quy này, đặc biệt những loại có đóng dấu “mật”, vì họ chỉ phải tuân thủ những gì do chính cơ quan mà họ trực tiếp bầu nên soạn thảo và ban hành.
Trong một nhà nước pháp trị, cơ quan lập pháp và các thành viên của nó phải chủ động soạn thảo dự án luật, chứ không chỉ thụ động ngồi chờ các Bộ trình sẵn để tranh luận và biểu quyết. Chính những đại biểu dân cử sẽ chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia trong lĩnh vực đối tượng của đạo luật. Thực thi quyền soạn thảo luật như vậy cũng sẽ giúp giảm thiểu tình trạng “nghị gật” trên diễn đàn quốc hội.
Thượng tôn luật pháp còn đòi hỏi mọi văn kiện lập pháp và lập quy đều phải tuân thủ hiến pháp. Công dân được quyền thách thức tính hợp hiến của luật và các văn bản dưới luật bằng việc khởi kiện trước tòa bảo hiến. Tòa bảo hiến - dù được tổ chức như một định chế riêng biệt hay là một bộ phận của tòa án tối cao - sẽ đảm đương công việc bảo vệ hiến pháp và có thể đưa ra phán quyết hủy bỏ các đạo luật, nghị định, thông tư hoặc quyết định vi hiến.
Tình trạng thông tư và nghị định của ngành hành pháp mâu thuẫn với các đạo luật của cơ quan lập pháp như hiện nay chắc chắc cũng không thể tồn tại nếu có tòa bảo hiến. Quốc hội khi đó sẽ nghiêm túc hơn khi soạn thảo luật, cơ quan công quyền sẽ cẩn thận hơn khi điều hành quốc gia. Không ai có thể tiếp tục tại vị để đùa với dân khi mà hôm nay ban hành quyết định này, ngày mai lại sửa đổi, thậm chí hủy bỏ chính quyết định đó!
Toàn văn bài viết đã đăng trên báo Pháp Luật TP. HCM Chủ Nhật, 12-3-2006.
Admin gửi hôm Thứ Hai, 01/10/2012
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20121001/le-cong-dinh-nha-nuoc-phap-quyen-hay-nha-nuoc-phap-tri
========================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để
xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001