Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Lê Công Định - 'Thủ lĩnh phe cộng sản cấp tiến' 

Luật sư Lê Công Định
Gửi tới BBC từ Sài Gòn
Tin cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trần gây xúc động lớn lao cho những ai quan tâm đến thời cuộc và vận mệnh quốc gia giữa lúc niềm tin của người dân đối với các nhà lãnh đạo đương nhiệm giảm sút nghiêm trọng trước tình hình kinh tế tồi tệ từ nhiều tháng qua.
Người ta càng xúc động hơn vì gần hai ngày sau khi tin ông qua đời loan truyền rộng rãi, truyền thông chính thống mới được phép và dám công bố sự việc, đó là chưa nói đến chương trình tang lễ chỉ dành một ngày chính thức để viếng ông.
Dù đã về hưu song phát biểu của ông về các vấn đề quốc kế dân sinh vẫn chiếm trọn cảm tình của dân chúng và đạt được đồng thuận của công luận. Ông có lối diễn thuyết hùng biện hiếm thấy ở người miền Nam, khiến thính giả bị lôi cuốn không cưỡng lại.
Những bài viết sâu sắc và thẳng thắn của ông trên phương tiện truyền thông có tác dụng như chiếc neo giữ lại con thuyền niềm tin rách nát của xã hội đang trôi dạt không bờ bến.
Hình ảnh ông với mái tóc bạc, cặp kính trắng và phong thái tự tin khiến người dân, không nhiều thì ít, cảm thấy an tâm vì dù sao trụ cột cuối cùng của công cuộc cải cách vẫn còn đó. Thẳng thắn mà nói, tầm vóc của ông đứng trên nhiều nhà lãnh đạo đương đại của Việt Nam, cả những người đi trước, cùng thời và sau ông.
Phong cách lãnh đạo và tư duy độc đáo của ông đương thời được mệnh danh là “Ấn tượng Võ Văn Kiệt”, như tên một quyển sách đã xuất bản viết về thân thế và sự nghiệp của ông. Trong thể chế chính trị hiện tại của Việt Nam, không nhân vật nào xứng đáng hơn Võ Văn Kiệt để được xem là chính khách theo đúng nghĩa của từ này.
Phải mất nhiều năm nữa người ta mới có thể hiểu ông hơn và thấy được tầm vóc của Võ Văn Kiệt
» LS Lê Công Định
Tôi có một kỷ niệm đáng nhớ với ông. Cách đây vài tháng, từ nỗi trăn trở muốn giải quyết dứt khoát thực trạng yếu kém của nền tư pháp vốn thiếu vắng sự độc lập của hệ thống tòa án, ông đề xướng thành lập một nhóm luật gia quy tụ các luật sư và nhà nghiên cứu luật thuộc nhiều trường phái đào tạo khác nhau để “chẩn đoán bệnh” và “kê đơn thuốc” thích hợp cho “con bệnh nan y” tòa án nói riêng và nền tư pháp nói chung.
Ông ý thức được bộ mặt lem luốc của đất nước ra sao trước cộng đồng quốc tế khi các cơ quan tư pháp vẫn còn là công cụ do Đảng và bộ máy công quyền chi phối, đó là chưa nói đến tham nhũng đã khiến công lý trở thành điều xa xỉ đối với người dân thấp cổ bé họng. Ông hiểu rõ và muốn thoát khỏi lối mòn tiếp cận vấn đề vừa đơn giản, lạc hậu, vừa bế tắc của các bộ ngành và viện nghiên cứu do nhà nước kiểm soát.
Ông bỏ thời gian lắng nghe nhóm luật gia chúng tôi trình bày nhận định về những vấn đề cơ bản của nền công lý Việt Nam và nguyên nhân sâu xa của vô vàn vấn nạn nan giải mà chương trình cải cách tư pháp của chính phủ hầu như không giải quyết thỏa đáng hoặc giải pháp chỉ mang tính chất “cưỡi ngựa xem hoa”. Ông tỏ ra trân trọng sự phân tích không kiêng nể của những người “trong chăn” như chúng tôi, và dự định giới thiệu nhóm này với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết để giúp cố vấn về đường hướng cải cách tư pháp cấp thiết và hiệu quả.
Tiếc thay kế hoạch của ông nửa chừng dang dở vì buổi gặp gỡ Chủ tịch nước bị hủy bỏ vào phút cuối. Sau đó qua báo chí chúng tôi được tin Chủ tịch nước đã gặp và lắng nghe các cơ quan nhà nước báo cáo thành tích cải cách tư pháp theo kiểu làm thế nào để… giảm thiểu “án oan sai”! Quả thật, con đường cải cách tư pháp ở Việt Nam còn lắm chông gai, thậm chí có thể không thành công, vì lối mòn suy nghĩ của những quan chức có tuổi đời thậm chí còn trẻ hơn ông nhiều.
Tất nhiên, về phần mình, chúng tôi không kém thất vọng vì kết quả chẳng đi đến đâu, nhưng chắc chắn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã để lại trong tôi một ấn tượng khó phai về một cụ già ở tuổi lẽ ra chỉ nên hưởng nhàn và xa lánh phàm trần, song vẫn nhiệt tình góp sức giải quyết những vấn đề nóng bỏng của xã hội, bất chấp thái độ nghi kỵ và khó chịu không ít từ phía các quan chức đương quyền.
Tư duy Võ Văn Kiệt có lẽ không bao giờ dừng bước hoặc dễ dàng thỏa hiệp với những giáo điều chính thống, bất kể suy nghĩ và đề nghị của ông có thể làm rung động nền tảng vốn đã tạo nên cả thể chế một thời.

Di sản hòa giải

Di sản vô giá của ông, nói như Luật sư Lê Quốc Quân, chính là lời kêu gọi hòa hợp và hòa giải dân tộc. Thái độ công bằng và tôn trọng lịch sử của ông gặp sự phản đối từ cả hai phía người Việt, trong và ngoài nước. Phía bên trong thì lên án ông phản bội lại các đồng đội đã bỏ xương máu cho cuộc chiến “vệ quốc vĩ đại”.
Phía bên ngoài thì nghi ngờ ông thiếu trung thực vì họ vẫn thường đồng hóa ông với mọi chính sách quá khứ và hiện tại của nhà nước Việt Nam.
Để đánh giá đúng đắn di sản hòa giải của Võ Văn Kiệt cần nhìn nhận ông từ vị trí của người chồng và người cha từng mất vợ con trong một cuộc hành quân của quân đội Sài Gòn khi chiến cuộc còn đang tàn khốc, một mất một còn. Thêm vào đó, lời kêu gọi hòa giải đưa ra vào lúc ông đã rời xa chính trường, chẳng còn quyền lợi gì để phải đóng kịch, chứ không giữa lúc còn đương chức để có thể nghi ngờ đó là cách mị dân thường thấy ở các chính trị gia.
Hơn cả sự hòa giải, Võ Văn Kiệt còn long trọng tuyên bố con đường tất yếu sắp tới của đất nước: “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả.”
Di sản dân chủ này của ông là chân lý không chỉ ở Việt Nam và là thước đo trình độ văn minh của hệ thống chính trị bất cứ ở đâu. Di sản ấy đòi hỏi ở các nhà lãnh đạo đương nhiệm bản lĩnh vượt qua chính mình để lèo lái con tàu Việt Nam trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế không nhiều lối thoát hiện nay.
Phải mất nhiều năm nữa người ta mới có thể hiểu ông hơn và thấy được tầm vóc của Võ Văn Kiệt trong di sản dân chủ đó, nhất là vì hình ảnh của ông, không nhiều thì ít, đã gắn liền với quá khứ đau thương, đầy oan trái của dân tộc. Có thể nói một cách quả quyết rằng sinh thời ông chính là vị thủ lĩnh cao nhất của những người 'Cộng Sản cấp tiến', vốn đặt quyền lợi dân tộc lên trên mọi toan tính cá nhân và phe nhóm.
Những người Cộng Sản cấp tiến quy tụ chung quanh ông và tiếp bước ông chắc chắn sẽ là lực lượng không kém quan trọng thúc đẩy sự phát triển tiếp theo của đất nước. Di sản hòa giải và dân chủ của ông sẽ được họ thực thi và biến thành hiện thực, bởi lẽ chưa bao giờ lòng dân lại đồng thuận cho một sự thay đổi mạnh mẽ hơn lúc này, đặc biệt khi lòng người vẫn còn quyến luyến những chiến công hào hùng năm xưa.
Đến tiễn biệt ông tại Dinh Độc Lập, nhìn dòng người dài lê thê, chen lấn nhau hàng giờ dưới bầu không khí oi bức chỉ để được nhìn ông lần cuối, tôi hiểu rằng Võ Văn Kiệt đã và sẽ tiếp tục lôi cuốn nhiều thế hệ Việt Nam, đặc biệt giới trẻ, những người luôn kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn của đất nước.
Con đường ông đi qua, dẫu không bằng phẳng và gây nhiều tranh luận, song rõ ràng các chính sách sinh thời mà ông áp dụng hoặc bảo vệ đã góp phần làm đời sống của người dân tốt đẹp hơn so với những vị tiền nhiệm của ông. Tôi nghiêng mình trước thi hài và anh linh của nhà cải cách và hùng biện hiếm có này.
Ngày 16/06/2008
Admin gửi hôm Chủ Nhật, 30/09/2012 
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20120930/le-cong-dinh-thu-linh-phe-cong-san-cap-tien
=================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001