Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Hùng Tâm/Người Việt - Quan hệ Mỹ-Âu

Hùng Tâm/Người Việt - Quan hệ Mỹ-Âu 

   at 9/30/2013 10:57:00 AM

Hùng Tâm/Người Việt

Âu Châu vẫn là đồng minh, nhưng hết đặc tính chiến lược với Hoa Kỳ

Tuần này, khóa họp thường niên của Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc cho thấy một chuyện lạ. Ðó là sự phối hợp giữa Hoa Kỳ và Âu Châu hết là một trục xoay chính yếu trong quan hệ quốc tế. Nhìn cách khác, cái trục Âu-Mỹ đã từng chi phối địa cầu trong suốt thế kỷ 20 đang tuột nõ và Âu Châu trở thành “bánh xe sơ cua” của Hoa Kỳ. Ðây là biến cố rất đáng chú ý nên mới được “Hồ sơ Người Việt” tìm hiểu kỳ này.


Bối cảnh gần xa

Hai năm về trước, chính quyền Hoa Kỳ nói đến việc “chuyển trục về Ðông Á,” khu vực chiến lược cho một cường quốc Á Châu là nước Mỹ. Hoa Kỳ ngó về Ðông Á là trao lại một phần gánh nặng Trung Ðông cho đồng minh chiến lược của mình trong khu vực, là Liên Hiệp Âu Châu. Việc chuyển hướng ấy đi cùng viễn ảnh triệt thoái khỏi hai chiến trường Iraq và Afghanistan.

Nhưng việc chuyển trục chưa xảy ra.

Hoa Kỳ vẫn còn nhiều việc phải giải quyết tại Trung Ðông, như Tổng Thống Barack Obama đã nhấn mạnh trong bài diễn văn đọc trước Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc mà không nhắc tới Liên Âu, trừ một câu về hồ sơ Iran vì vai trò của nước Ðức trong hội nghị của nhóm P-5 + 1. P-5 là năm thành viên thường trực của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Ðức là thành viên thứ sáu.

Nhưng tuần qua, nước Ðức vừa có bầu cử và Thủ Tướng Angela Merkel sẽ phải tìm ra liên minh cầm quyền bổ sung cho đảng CDU/CSU của bà. Ưu tiên của cường quốc kinh tế số một tại Âu Châu là giải quyết những vấn đề của nước Ðức và của khối Euro, hơn là chia sẻ trách nhiệm với Hoa Kỳ về thiên hạ sự, hay ít nhất về an ninh của các nước Bắc Ðại Tây Dương như trong thời Chiến Tranh Lạnh. Chẳng những vậy, Ðức hoàn toàn đứng bên lề và còn đối lập với Pháp trong các hồ sơ Mali, Libya và Syria.

Là cường quốc quân sự số một của Liên Âu, Pháp lại có mối quan tâm khác.

Trước và sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, Pháp phải duyệt lại vai trò quân sự của mình, qua bốn Bạch thư về Quốc phòng (1972, 1994, 2008 và mới nhất, vào Tháng Ba vừa qua). Nước Pháp có thấy ra trách nhiệm của mình trong “Vành Bất Ổn,” Arc d'Instabilité, kéo dài từ miền Nam biển Ðịa Trung Hải qua tới Ấn Ðộ Dương. Trong ý hướng đó, nước Pháp có thể chia sẻ trách nhiệm với Hoa Kỳ.

Nhưng mà lực bất tòng tâm. Khó khăn kinh tế nói chung đã khiến cả Liên Âu đều tiết giảm ngân sách quốc phòng, kể cả nước Pháp. Và kinh nghiệm từ hai lần ra quân để can thiệp vào Libya rồi Mali hồi đầu năm nay, cho thấy rằng Anh, Pháp, Ý đều cần tới sự yểm trợ quân sự của Hoa Kỳ.

Ngày xưa, thời Charles de Gaulle, Pháp có tham vọng là sức mạnh quân sự cân bằng cái thế đối lập Ðông-Tây, giữa Liên Bang Xô Viết và Hoa Kỳ. Ngày nay, Pháp chỉ còn phải lo cho “ao nhà,” và các thuộc địa cũ trong vùng Tây phi, Bắc Phi và Trung Ðông, mà đã thấm mệt như nhiều nước Âu Châu khác.

Vụ khủng hoảng vừa qua tại Syria càng cho thấy vai trò rất giới hạn của Âu Châu khi phải kê vai với nước Mỹ. Chúng ta nên nhìn thêm vào bối cảnh nóng hổi này.

Ðã đành rằng chính quyền Obama có sự vụng về lúng túng khi muốn dọa già rồi lại non tay với chế độ độc tài Bashar al-Assad tại Syria. Nhưng ngay từ đầu, Hoa Kỳ đã muốn tránh can thiệp vào xứ này, một thuộc địa cũ của Pháp trong toàn cảnh dàn dựng bất thường của các nước Âu Châu từ sau Thế Chiến I. Y như tại Libya hai năm về trước, khi nội chiến Syria kéo dài thì chính các đồng minh của Mỹ đã muốn Hoa Kỳ ra tay. Dẫn đầu là Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ. Thế rồi khi chế độ Assad vẫn vượt làn ranh đỏ của Obama, Quốc Hội Anh đã cột tay thủ tướng, trong khi Thổ lại đòi một điều bất khả cho Obama là phải mạnh tay hơn tại Syria.

Kết cuộc thì Mỹ đành bán cái cho Liên Bang Nga qua một giải pháp tượng trưng khó có hiệu lực.

Ðấy cũng là lúc Nhật Bản, một đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ, bắn tiếng là sẽ góp sức cho bài toán Syria. Chẳng những chính quyền Nhật hứa viện trợ cho một nước Syria ổn định mà còn có thể cung cấp kinh nghiệm giải trừ võ khí hóa học: Nhật từng bị một giáo phái điên khùng tấn công bằng chất độc sarin. Dù chỉ là một sự lên tiếng tượng trưng, chưa chắc đã được quần chúng ở nhà ủng hộ, việc Nhật Bản khẳng định sự đóng góp của mình bên cạnh Hoa Kỳ trong một bài toán quốc tế cho thấy sự vắng mặt của Âu Châu.
Nguyện ước Âu Châu

Ðã từng chi phối cả thế giới trong 500 năm, từ Kha Luân Bố năm 1492 cho tới khi Liên Xô tan rã năm 1991, lục địa Âu Châu từng là chiến trường nóng trong nhiều thế kỷ. Âu Châu như ta thấy ngày nay là kết quả của ba cuộc chiến Pháp-Ðức (1870, 1914 và 1939) khiến hai cường quốc lân bang này phải hợp tác, trước tiên và dễ nhất là về mặt kinh tế. Sau khi Liên Xô tan rã thì Liên Âu thành hình.

Nhưng về căn bản thì đây là khu vực tự do mậu dịch, bên trong có một hệ thống tiền tệ thống nhất là khối Euro. Tự do mậu dịch trong khu vực là dị biệt và kỳ thị các nước nằm ngoài khu vực. Thống nhất tiền tệ cũng có nghĩa là loại trừ các nước trong Liên Âu mà ngoài khối Euro. Liên Âu cũng có Quốc Hội thống nhất, nhưng vẫn giữ lại chủ quyền về ngoại giao và an ninh cho 28 thành viên. Vì vậy, ngoài yếu tố địa dư là miền Tây của đại lục Âu Á, bên trong có quá nhiều khác biệt, Liên Âu còn có khác biệt lớn hơn nữa về nguyện ước và tầm nhìn.

Về nguyện ước thịnh vượng thì vụ khủng hoảng Euro đã qua năm thứ năm mà chưa ngã ngũ.

Về tầm nhìn thì Liên Âu không chỉ phân vân mà còn đẩy Minh ước NATO qua ba hướng. Các thành viên NATO ở phía Bắc thì vẫn gắn bó với tinh thần Bắc Ðại Tây Dương nguyên thủy, và gần với Hoa Kỳ. Các nước phía Nam thì muốn có thế độc lập hơn với Hoa Kỳ, thân hữu hơn với Liên bang Nga và khối Hồi giáo, nhất là trong vụ Palestine. Các nước Ðông Âu thì e ngại Ðế quốc Nga từ tiền kiếp và muốn NATO vẫn là lá chắn bảo vệ. Và dù Pháp có tham vọng xây dựng một lực lượng quân sự riêng cho Âu Châu, với vai trò an ninh trên Ðịa Trung Hải, Âu Châu vẫn chưa thể bảo vệ được quyền lợi của mình ở vòng ngoại vi, nếu không có sự góp sức của Hoa Kỳ.

Chẳng những vậy, lãnh đạo và quần chúng Âu Châu nói chung thường có cái nhìn khá bạc bẽo về nước Mỹ.

Với Âu Châu, Hoa Kỳ là cường quốc nông nổi thiếu chiều sâu văn hóa và chẳng mấy am hiểu về lịch sử. Lãnh đạo Hoa Kỳ thường có hai loại. Khờ khạo thì có Jimmy Carter hay cả Ronald Reagan, một diễn viên hạng B. Hung hăng cao bồi thì có Lyndon Johnson hay George W. Bush, ngẫu nhiên đều xuất thân từ Texas! Ít ai có vẻ trí thức và uyên bác như John F. Kennedy.

Barack Obama là một ngoại lệ. Cũng có dáng trí thức, lại hiếu hòa hơn Bush, ông Tổng thống này được Âu Châu sùng bái vì có thể nhường sân chơi cho lãnh đạo Âu Châu, hoặc ít ra thì cũng biết tham khảo ý kiến. Nhờ vậy mà ba nước Âu Châu là Anh Pháp Ý đã dẫn dụ được tổng thống Mỹ can thiệp vào Libya. Nhưng rồi chuyện Syria lại vỡ lở!

Các nước Âu Châu như Anh Pháp đều ráo riết vận động Hoa Kỳ can thiệp từ năm ngoái, khi võ khí hóa học đã lần đầu xuất hiện vào Tháng Tám. Nhưng đến khi hữu sự, nước Mỹ và ông Obama lại chơ vơ đứng giữa, một mình, với sự hoài nghi của dân Mỹ. Nếu vẫn dấn tới và ra quân mà khỏi cần xin phép Quốc Hội, Obama sẽ được Âu Châu cho đứng cạnh Bush, với cái mũ cao bồi. Ðã chẳng dấn tới để giải quyết chuyện Syria theo quan điểm về quyền lợi của Âu Châu, tổng thống Mỹ lại còn chụp lấy cái sào của Vladimir Putin nên bị coi là kẻ khờ khạo yếu đuối chẳng kém gì Jimmy Carter!

Trong khi ấy, từng nước hay từng nhóm Âu Châu cũng lại có ý khác về Hoa Kỳ. Nhiều quốc gia thì theo dõi việc ai sẽ lên làm thống đốc Ngân Hàng Trung Ương vì điều ấy liên quan đến ưu tư kinh tế và đầu tư của họ. Thí dụ chính là Anh quốc. 

Các nước Ðông Âu thì thất vọng vì Mỹ đã mất tư thế và lại còn hợp tác với Liên Bang Nga. Các nước Trung Âu dưới tầm nhắm của Putin thì cho rằng lãnh đạo Mỹ chưa ý thức được trận chiến âm thầm dai dẳng giữa Nga và Mỹ.

Quan điểm Hoa Kỳ

Trong khi lãnh đạo Âu Châu thiếu một cái nhìn thống nhất về Liên Âu và về Hoa Kỳ, siêu cường độc bá là nước Mỹ cũng hết coi Âu Châu là có tầm chiến lược đáng quan tâm.

Từ khi Liên Xô tan rã và Chiến Tranh Lạnh chấm dứt, Hoa Kỳ chú trọng đến hồ sơ Hồi Giáo, khởi sự từ chiến dịch tấn công Iraq trong cơn hấp hối của Liên Xô vào năm 1991. Hoa Kỳ cũng có can thiệp vào Âu Châu, trong khu vực Balkan, khi Liên Bang Nam Tư tan rã, nhưng dưới lá cờ NATO và cũng là để cứu dân Hồi Giáo khi Liên Âu bất lực. Sau đó là vụ khủng bố 9-11 và hai chiến dịch Afghanistan cùng Iraq, lồng trong trận chiến chống khủng bố Hồi giáo chạy dài từ Bắc Phi qua Sừng Phi Châu đến Ðông Nam Á.

Mười năm sau, khi chuyện Hồi Giáo có hy vọng giảm bớt căng thẳng, Hoa Kỳ nói đến việc chuyển trục về Ðông Á.

Còn lại, với Mỹ, Âu Châu là lục địa gây ra chiến tranh, để lại những di sản khét lẹt mà nước Mỹ đã nhận lãnh và phải giải quyết. Trong phạm vi đó, Âu Châu là nơi thường xuyên đưa ra tiếng nói về những gì nhân loại nên làm trên thế giới, kể cả quyền can thiệp để cứu người lâm nạn.

Nhưng khi phải làm thì Âu Châu lùi về vai giám trận để Hoa Kỳ bước ra tuyến đầu. Nếu Mỹ thắng thì đấy là sự chiến thắng của đạo lý Âu Châu. Nếu thua thì đấy là do Hoa Kỳ hung hăng can thiệp mà chẳng biết tính toán trước sau, chỉ vì nước Mỹ có ký ức rất mỏng về lịch sử!

Với Hoa Kỳ, Âu Châu là cô nhân tình về già, đã hết nhan sắc mà lại ưa dạy dỗ cằn nhằn rằng chàng tuổi trẻ này khờ quá hay hung quá. Không những vậy, cô nhân tình này lại biết nói năm sáu thứ tiếng khác nhau, chàng trai trẻ Hoa Kỳ thì chỉ nói được tiếng Anh. Hoa Kỳ vẫn duy trì tình và nghĩa với Âu Châu, nhưng biết rằng khi hữu sự, kể cả lúc phải làm “sen đầm quốc tế,” thì vẫn đi một mình, đằng sau là sự càm ràm của Âu Châu. Một sự càm ràm vô hại.

Kết luận ở đây là gì?

Âu Châu là một tập thể văn hóa đa diện và rất đẹp cho thời bình và chỉ muốn thanh bình cho mình, để duy trì nếp sống phong phú của mình. Thời Âu Châu thống trị thế giới đã hết vì muốn thống trị thì còn phải có sức.

Khác với Âu Châu, Hoa Kỳ là quốc gia thống nhất về ngôn ngữ, tiền tệ, an ninh, chính trị và ngoại giao. Khi phải quyết định từ lãi suất đến việc động binh, nước Mỹ khỏi cần xin phép một quốc gia nào khác, hay một hệ thống kinh tế như Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu hay một cơ chế siêu quốc gia mà thật ra bất lực như thủ đô Brussel của Liên Âu. Vì vậy, nước Mỹ là lãnh đạo cô đơn, rất biết rằng Âu Châu coi thường mình, nhưng cũng chẳng quan tâm đến chuyện đó.

Cái bánh xe sơ cua của Mỹ ở bên kia đại dương là vật trang trí, và thế liên kết Bắc Ðại Tây Dương đã cáo chung từ lâu!
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/09/hung-tamnguoi-viet-quan-he-my-au.html
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001