Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Nguyễn T bình - Lầm đường lạc lối

Nguyễn T bình - Lầm đường lạc lối 



Nguyễn T Bình


Trong Đoàn kịch nói Nam Bộ trên đất Bắc hồi trước có ông Minh Trị, sau 1975 về Nam trở thành đạo diễn, phó Phòng sân khấu, Sở VHTT.TpHCM. Năm 1978, nhiều lần được mời nói chuyện về sân khấu tại các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ VHTT, lần nào cũng như lần nào, ông Minh Trị đều mở đầu bằng câu chuyện ngắn mà theo ông là “có thật” và “đầy kịch tính”.

Lời ông Minh Trị kể chuyện ngắn ấy tóm tắt như vầy. Hồi chiến tranh giữa “mình” và “ngụy”, anh em “đằng mình”mỗi lần hành quân vượt lộ 4 rất gian nan, nguy hiểm. Lộ 4 là con lộ lớn huyết mạch nối từ Sài Gòn đi các tỉnh Tây Nam Bộ. Dọc con lộ này, lính “ngụy” đóng đồn chi chít. Ban đêm chiến xa tụi nó chạy qua chạy lại liên miên. Anh em “đằng mình” muốn vượt lộ phải tính toán kỹ từng chút một, sơ sẩy cái coi như tiêu dên cả đám.
Tối đó, anh em “đằng mình” nghĩ ra cách ém quân dọc lộ, sát cái chòi canh bằng sắt cao đâu gần chục thước để bớt bị địch chú ý. Trên chòi canh có thằng “ngụy” thủ cây đại liên 60 đứng gác, cộng thêm cái đèn pha sáng quắc chỉ mở khi cần tìm kiếm mục tiêu. Cái chòi canh ở cùng một bên đường anh em “đằng mình” đang ém quân dưới ruộng, hướng Nam. Trước khi tập thể vượt lộ, một đồng chí "đằng mình" được phân công mang theo cái loa pin, bí mật bò vòng lên hướng Bắc, phía trên cái chòi canh, phát loa “chiêu hồi” để đánh lạc hướng địch.
Nào ngờ đồng chí mình vừa phát loa câu “chiêu hồi” ai cũng học thuộc lòng “Hởi anh em binh lính ngụy quyền Sài Gòn, anh em đã lầm đường lạc lối, hãy buông súng trở về với nhân dân”, lập tức giọng tên lính “ngụy” trên chòi canh đáp trả lanh lảnh trong đêm “Đ. mẹ tụi bây nói tụi tao lầm đường lạc lối mà tụi tao ở trên khô, còn tụi bây nói tụi bây đi đúng đường đúng lối mà tụi bây lội dưới xình”. Dứt câu, nó bật đèn pha quét tứ phía, đồng thời bóp cò cây đại liên khạc đạn cũng tứ phía. Trong đồn còi báo động hú lên nghe thấy sợ. Anh em “đằng mình” đành bung chạy tứ tán. Nghe nói chết bộn !
Kể tới đó ông Minh Trị dứt chuyện với câu kết gọn hơ “đó là một diễn biến có thật đầy kịch tính sân khấu”. Cả lớp ồ lên, vỗ tay. Đứng trên bục xi măng ông Minh Trị cười khoái chí, hai bàn tay xoa xoa vào nhau. Rồi ông hắng giọng “thôi các bạn giữ yên lặng, tôi bắt đầu vào phần chính buổi nói chuyện về sân khấu”.
Mấy chục năm đã trôi qua, tôi không biết vì sao ông Minh Trị kể chuyện như vậy trong không khí chiến thắng đang hừng hực, cũng như tôi không còn nhớ gì cái phần chính buổi nói chuyện về sân khấu ngày ấy. Nhưng cái phần phụ mở đầu buổi nói chuyện thì tôi còn nhớ như in. Nhớ theo nhiều hướng khác nhau, trong ý thức cập nhật, so sánh từng ngày, từng tháng, từng năm theo thói quen đời thường.
Coi bộ cái sự “lầm đường lạc lối” diễn ra trên đất nước mình trong hơn nữa thế kỷ qua không phải ai cũng dễ dàng nhận biết, phân biệt và đi đến thống nhất trong sự vạch trần, đối phó một khi kẻ “lầm đường lạc lối” lại chính là kẻ không ngừng ra sức độc thoại suốt từ năm này qua tháng nọ rằng “ta luôn đi đúng đường đúng lối” kèm theo hàng loạt kế sách, thủ đoạn từ cao đạo nhất đến thấp đạo nhất.
Cả một bộ máy tuyên huấn, tuyên giáo, truyền thông đồ sộ được nuôi dưỡng, trả lương chuyên suy nghĩ, nói năng, viết lách dưới danh nghĩa “tiếng nói của nhân dân”, nhưng khi nhân dân nghe được hoặc đọc thấy thì nổi quạu, cho đó là giả danh, nói lấy được. Nhân dân nào lại xuẩn tới mức đồng tình với những chủ trương, đường lối, luật pháp bóp nghẹt sự sống tự do dân chủ của mình, biến đất đai được tạo lập bởi chính công sức bao năm của mình thành “tài sản thuộc sở hữu toàn dân” do một nhóm phe đảng đại diện quản lý và tùy nghi quyết định ?
Cuộc đối đáp “đầy kịch tính” giữa hai người lính khác chiến tuyến năm xưa cho thấy một bên nói như cái máy bất chấp thực tế, một bên đáp trả rất chủ động dựa vào thực tế. Sao hồi đó người ta không dạy phải nói cho đầy đủ, trung thực “Hởi anh em binh lính ngụy quyền Sài Gòn, anh em đã lầm đường lạc lối, hãy buông súng trở về với Đảng và nhân dân” nhỉ ?
Giống như sau này người ta cứ cố gán ghép bằng được “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”, trong khi trong thực tế tuy kiến thức cao thấp khác nhau, nhưng số đông người dân hể nghe thấy bốn chữ “chủ nghĩa xã hội” hoặc “xã hội chủ nghĩa” đều hiểu đó là “đấu tranh giai cấp”, đó là “cải cách ruộng đất”, đó là “cải tạo tư sản”, đó là “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” – nhưng thực tế không hề được làm chủ gì cả. Toàn những từ ngữ rùng rợn, nhắc nhớ bao sự việc khó tin nhưng có thật, đã diễn ra. Nói chung bốn chữ “chủ nghĩa xã hội” có giá trị, hay ho ở đâu không biết, nhưng chắc chắn và dứt khoát nó không phải là mong muốn của người dân Việt Nam – trừ những người bị mắc chứng hoang tưởng, không còn khả năng phân biệt đúng sai, phải trái và nhất là không còn biết mắc cở khi nói láo, nói sạo, nói dối, nói dóc, nói điêu…
Quả đúng là bộ máy tuyên huấn, tuyên truyền, tuyên giáo phía “đằng mình” theo cách nói của ông Minh Trị đáng sợ thật. Nó đã ít nhiều làm cho không ít bậc cao niên khát khao đất nước độc lập, hòa bình, thống nhất từng đích thực là những tấm gương sáng về lòng yêu nước, dần dần trở thành những trợ thủ tinh thần đắc lực trực tiếp hoặc gián tiếp cho đường lối, chính sách kềm kẹp, triệt tiêu sự tự chủ tự do của người dân và thậm chí khiến các bậc cao niên ấy vô tình ủng hộ cả những con người cụ thể cha truyền con nối ngự trị trên đầu nhân dân.
Chẳng lẽ những bậc cao niên ấy không biết sau khi Liên Xô – thành trì của XHCN và một loạt quốc gia đàn em ở Đông Âu sụp đổ tanh bành té bẹ khắp thế giới đều đã biết cụ thể, đầy đủ nguyên nhân của sự sụp đổ dây chuyền này chủ yếu do hàng ngủ lãnh đạo các nước XHCN ấy đã “nói một đường làm một nẻo” với nhân dân, sau khi dành được chiến thắng rồi thì lập tức biến nhân dân thành công cụ, phương tiện phục vụ “một bộ phận từ nhỏ tiến dần lên không nhỏ” cầm quyền cai trị dân rất ư là “ba rọi” – trái với lẽ phải, lẽ đời, đạo lý truyền thống, ước muốn chân chính của người dân và xu hướng phát triển chung của nhân loại ?
Năm 1997, trong chuyến đi một mình tới Mỹ lần đầu tiên kiểu “dế mèn phiêu lưu”, tôi tình cờ quen ông già chủ tiệm đồng hồ người Mỹ gốc Pháp đang ở trong ngôi biệt thự dễ thương ven bờ biển ở California. Ông hỏi tôi có phải là Vi Xi không, tôi trả lời ngắn gọn tôi là người Việt Nam. Ông nheo nheo mắt nhìn tôi cười cười, rồi chỉ bộ bàn ghế mây kê trước hiên nhà đầy hoa mời tôi ngồi. Ông vào nhà mang ra một bộ ấm tách trà, bình nấu nước sôi và một bao thư to dày cộp. Ông nói “người Việt Nam rất thích uống trà”. Tôi nói “bây giờ khác rồi, nhiều người Việt Nam khoái uống bia hơn uống trà”.Ông nghe, nhún vai. Bỗng, ông nói “tao cho mày xem 2 tấm hình này”. Ông lựa lựa rút từ trong cái bao thư lớn ra 2 tấm hình đen trắng chụp lại trên báo. Một tấm là hình Hồ Chí Minh mặc đồ bộ đội, đội nón cối, hai ống quần xắn cao, đang cùng nhiều người dân tát nước bằng cái gầu dây. Tấm còn lại là hình Ngô Đình Diệm mặc bộ vest màu trắng, thắt cà vạt, đầu đội mũ phớt, đang ngồi chễm chệ trên cái kiệu do 4 người lính khiêng. Ông già chỉ vào tấm hình Hồ Chí Minh nói “rất lâu rồi tao đã khẳng định (phe) ông này sẽ thắng”, rồi ông chỉ qua tấm hình Ngô Đình Diệm, nói tiếp “còn (phe) ông này sẽ thua”.
Tôi chưa kịp hỏi cho kỹ lý do vì sao có sự khẳng định vậy, ông già lôi tiếp trong cái bao thư lớn ra một tập photocopy các bài báo viết về Việt Nam sau 1975 bằng tiếng Anh. Tôi chưa kịp đọc, chỉ mới nhìn lướt qua tập bài báo này, ông già vội nói một hơi : “Nhưng bây giờ khác rồi, sau khi chiếm được miền Nam Việt Nam, phe thắng đã đi dần đến thất bại, vì đường lối, chính sách cai trị không hợp lòng dân. Nước Việt Nam từng bị nước Tàu đô hộ tổng cộng 1000 năm, bị nô lệ nước Pháp gần 100 năm, bị Mỹ can thiệp quân sự trong cuộc chiến ý thức hệ 20 năm và gần đây nhất đã bị Tàu chiếm mất quầng đảo Hoàng Sa, nhưng tao không hiểu sao ở VN nhiều năm qua người ta chỉ tuyên truyền thù Mỹ, chứ không tuyên truyền thù Tàu. Theo tao nghĩ, xét mọi phương diện, 20 năm đâu bằng 100 năm, càng không là gì so với 1000 năm…”
Dù muốn hay không, đánh giá của ông già chủ tiệm đồng hồ người Mỹ gốc Pháp cũng nằm trong đánh giá chung của số đông người Việt Nam yêu chuộng sự thật, độc lập, tự do, dân chủ. Chẳng ai muốn sống cảnh sống “xác mình hồn người”. Càng không thể chấp nhận trong ngôi nhà Việt Nam thân yêu của mình cứ lù lù mãi cái bàn thờ thờ hai ông tổ ác đã sụm bà chè toàn diện từ lâu, một ông gốc Đức tên Karl Marx, một ông gốc Nga tên Lê nin, thêm thằng láng giềng cùng một giuộc có tên gọi “Red China” quanh năm suốt tháng toàn sống trong toan tính bành trướng, xâm hại nhà cửa, sinh mạng hàng xóm. Cả ba đều là ngoại bang, ngoại lai.
Cụ thể thằng “Red China” đã ngang nhiên chiếm quầng đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các chế độ phong kiến bị cho là theo đuôi thực dân trước 1945 và cả chế độ VNCH bị cho là tay sai đế quốc trước 1975 đã thay nhau trấn giữ, oanh liệt bảo vệ tới cùng chủ quyền của dân tộc Việt Nam đối với hai quầng đảo này, trên pháp lý cũng như trên thực tế - đúng như tường thuật của thượng sĩ nhất QĐVNCH Lữ Công Bảy trên báo Tuổi Trẻ cách đây vài năm. Vậy, chế độ nào đã khiến Hoàng Sa lọt hẳn vào tay “Red China” và Trường Sa đang trong số phận bấp bênh không biết lúc nào sẽ mất hoàn toàn vào tay bọn “Red China” ?
Có phải đó là cái chế độ của nhóm người hiện chiếm 4% dân số Việt Nam lúc nào cũng công kích, lên án và kết án người khác “lầm đường lạc lối”, trong khi rõ ràng mình đã và đang “lầm đường lạc lối” khiến chủ quyền đất nước bị xâm hại, “rừng vàng biển bạc” của đất nước xác xơ chẳng còn gì, nền tảng đạo lý truyền thống bị phá vở, kinh tế trồi sụt bấp bênh, hệ thống giáo dục, y tế bị lỗi toàn diện, cuộc sống người dân từ thành thị đến nông thôn luôn trong trạng thái phập phồng lo sợ bởi nhiều “ông trùm” có ba tăng và không có ba tăng xuất hiện ngang nhiên cả ban đêm lẫn ban ngày – ngay con chó cũng bị uy hiếp nói chi con người?
Thế giới có bao điều đáng học hỏi, làm theo để “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, sao không (chịu) học hỏi, làm theo, mà cứ cho là “không phù hợp với đặc điểm nước mình, dân mình”. Cụ thể không phù hợp chỗ nào, có phải chỗ dân mình chỉ cần nghèo không cần giàu, nước mình muốn yếu chứ không muốn mạnh, xã hội mình chỉ thích độc tài, bất công, lạc hậu chứ không thích dân chủ, công bằng, văn minh ? Nghĩ vậy thảo nào người dân ngày càng phẩn nộ, đất nước ngày càng xa lầy…
Thuốc Lá gửi hôm Thứ Sáu, 27/09/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130927/nguyen-t-binh-lam-duong-lac-loi
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001