Hoàng Nhất Phương - Mùa Thu
Hoàng Nhất Phương
Gió chớm thu sang hạt cát mong manh trôi theo giòng sóng. Mưa rơi làm mềm lòng đất, để hồn lá về xuôi an giấc vĩnh hằng. Giữa thinh không trong thinh không, thân cành trên cao ân cần nhắn nhủ: Điều gì không thể vứt bỏ hãy trân quý. Hoài niệm nào không thể lãng quên cứ mang theo. Quá khứ-hiện tại-tương lai là con đường nối dài, để tái sinh duyên lá vàng vẫn là hoàng diệp. Đêm tàn dạ khúc phân ly, qua sông nước chảy thầm thì nhớ xưa…Cuộc sống bắt đầu khi mùa thu tới. Nhìn lại đằng sau để gặt hái kinh nghiệm. Nhìn về phía trước để thấy hy vọng. Nhìn chung quanh để tìm ra thực tại. Nhìn vào đáy sâu nội ngã để thấy chính mình. Người ta có thể nhắm mắt, nếu chẳng muốn quan sát một điều gì đó. Nhưng người ta không thể khép cánh cửa lòng, trước những điều không muốn cảm nhận. Người ta phải chọn hoặc là buông ra, hoặc để bị kéo đi. Bắt đầu quyết định cũng là lúc biết phải sống như thế nào. Mọi vấn đề tồn tại đều có nguyên do. Đừng giam hãm bản thân trong những điều không như ý, hãy mạnh dạn tự đạo diễn tương lai của chính mình. Tấn tuồng đời đã dư đầy bi hài kịch, đừng làm cho nó thêm rắc rối bằng những dấu móc phức tạp. Nếu cần một biểu tượng nào đó nên chọn dấu lặng, như mùa thu muôn đời thinh lặng cho dẫu điệu buồn vào thu là bản trường ca vô tận.
Thu sang ai nhuộm lá vàng? Câu trả lời thông thường: Đây là đặc tính của chu kỳ sinh học, nhưng không xảy ra đồng loạt. Khi diệp lục tố tạo màu xanh bớt dần, các chất nhuộm màu đỏ và vàng - chính là chất carotten thường có trong cà rốt hay bí đỏ - sẽ làm chủ bề mặt của lá. Những chất đó trên thực tế vẫn hiện diện trong lá cây suốt mùa hạ, nhưng phải đợi màu xanh nhạt dần, người ta mới nhìn thấy. Việc nghiên cứu về sắc tố của lá dựa trên quan điểm này. Nhưng chẳng hiểu sao mỗi khi nhìn lá vàng bay, tôi cứ phân vân tự hỏi: Lá đổi màu vì chu kỳ sinh học, vì lá đã trải qua những kinh nghiệm đủ để muốn thay đổi, hay vì lá đã bị tổn thương đến nỗi lá cần phải đổi thay? Các nhà thực vật từng suy đoán, lá đổi màu là phản ứng trước sự khắc nghiệt của thời tiết - một thái độ kiên cường khi phải đương đầu với mọi gian nan khốn khó có trong vũ trụ. Có lẽ chính vì thế lá đỏ thu vàng xuất hiện vào những ngày "trời không nắng cũng không mưa, chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung" [1] đem lại cho người ta cảm giác phiêu diêu thường tại nhiều bao nhiêu…; những hôm "ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi, trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi, nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu, ai khóc ai than hờ …" [2], màu lá vàng phai của thu biếc cũng khiến lòng người ta phải ngậm ngùi nhiều y như vậy. Nhất là khi người ta thấu hiểu cuộc sống đong đầy sầu muộn, những sầu muộn riêng tư và những sầu muộn chỉ vì đời.
Gió chớm thu về "chiều rơi trên đường vắng, có ta rơi giữa chiều. Hồn ta theo vạt nắng, theo làn gió đìu hiu. Lá vàng bay. Lá vàng bay như dĩ vãng gầy buông dài bước ra khỏi tình phai. Lá vàng rơi. Lá vàng rơi như chút hơi người giã ơn đời trên nẻo đường hấp hối. Hoàng hôn mờ lối, rừng khô thở khói, trời như biển chói. Từng chiếc thuyền hồn lướt trôi. Neo đứt một lần cuối thôi cho cánh buồm lộng gió vơi gió đầy." [3] Là khúc thu ca khởi đầu mùa thu dưới trăng mờ thổn thức [4], hay là tiếng tơ đồng của Phạm Duy đã hát lên nỗi buồn mênh mông vô tận của hồn thu giữa đường chiều lá rụng. Cho dẫu khởi từ đâu vạn vật đều có một tần số rung động riêng, tự trình bày cảm nhận. Như lá đổi màu để phản ứng trước sự khắc nghiệt của thời tiết, một thái độ kiên cường khi phải đương đầu với mọi gian nan khốn khó có trong vũ trụ. Mùa thu không hối hả, nhưng đã hoàn thành bức tranh diễm lệ giữa trời và đất. Dù man mác buồn và sầu vạn kiếp, cuộc hành trình của mùa thu là con đường riêng tự chọn. Mùa thu không hề bị xô đẩy đến bến bờ tuyệt vọng, cũng không thụ động cúi đầu trước những biến dịch của thời gian, mà khẳng khái đối diện. Tôi tin rằng mùa thu vừa sinh ra đã mang theo những gam màu bất tận. Điều quan trọng không phải là mùa thu cố viền xanh lá hay tô thắm mây, mà mùa thu đã sáng tạo bản sắc ảo diệu phi thường rất riêng, bằng màu lá vàng lá đỏ trong những rừng phong, bằng hình ảnh sóng bâng khuâng thuyền nhẹ lướt trên biển hồ, bằng bóng dáng nàng trăng ngẩn ngơ trầm mình giữa giòng thác suối, bằng màu ngói rêu phong âm thầm phủ trên những hàng thành quách cũ, bằng con đường thu lá thu mơ, đôi hàng cây đứng lệ mờ hư không…Từng bức tranh đời đầy thú đau thương ấy đã cùng ngàn lá hồ tàn xuôi miền vĩnh phúc, để rồi lại tái sinh mỗi độ thu sang sắc mạnh huy hoàng.
Mặt trời, mặt trăng, sự thật là ba điều không thể che giấu. Sắc mạnh huy hoàng của mùa thu cũng là điều hiển nhiên không thể che giấu. Mùa thu vào đời rất nhẹ nhưng kiên định, không phủ nhận sự úa tàn, không chống đỡ sự chóng qua, càng không đành lòng thí tốt trên ván cờ đời. Mùa thu khẳng khái thiện thủy thiện chung, không loanh quanh trên lối mòn sáo rỗng, dù đường đời quanh co khúc khuỷu. Mùa thu như chiếc lá ân cần xanh mướt, trung thực vàng khô, không phủ lên mình một sắc màu giả tình giả ý. Cho dẫu đìu hiu, lạc lõng, bối rối, và sẽ khô héo để rồi tàn, chiếc lá kiên trì làm tròn sứ mệnh xanh tươi, vàng óng, đỏ thắm, trước khi lìa cành an nghỉ. Mùa thu hay chính là hồn lá đã đang và vẫn còn hát khúc tình ca, để làn điệu yêu thương ngân vang khắp cùng trời cuối đất, xem nhẹ những chuyện như ảo như thật của thế sự thăng trầm. Đi qua cõi mộng giòng mê, mùa thu lá biếc không đề sắc không.
Hoàng Nhất Phương
1am Thứ Sáu ngày 20 tháng 09 năm 2013
[1]. "Mùa Thu Năm Ngoái." Thơ của Hồ Dzếnh.
[2]. "Giọt Mưa Thu." Ca khúc của Đặng Thế Phong.
[3]. "Đường Chiều Lá Rụng." Ca khúc của Phạm Duy.
[4]. "Tiếng Thu." Thơ của Lưu Trọng Lư.
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130930/hoang-nhat-phuong-mua-thu
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001